Điên Thì Có Sao tập 6: Ngoài mặt ghét cay đắng nhưng “cụ” Kim Soo Hyun dọn về ở chung với “khùng nữ” Seo Ye Ji
Vì anh trai mình, Kim Soo Hyun đã quyết định dọn về ở chung với cô nàng nhà văn Seo Ye Ji trong Điên Thì Có Sao tập 6.
Sau khi tìm đến nhà Go Moon Young (Seo Ye Ji) ở tập 6 Psycho But It’s Okay ( Điên Thì Có Sao), Kang Tae (Kim Soo Hyun) đã gửi lời cảm ơn đến nữ nhà văn vì ngày xưa đã cứu mình để rồi quay lưng với ý định rời đi mà không hề dính dáng gì nữa. Thế nhưng biết trước được tình huống này sẽ xảy ra, Moon Young đã kí hợp đồng họa sĩ với người anh Sang Tae ( Oh Jung Se). Biết được truyện này, Kang Tae vô cùng tức giận và xé nát tờ hợp đồng, kéo theo việc Sang Tae nổi điên và liên tục đánh em trai của mình. Thất vọng và sợ hãi, Kang Tae đã bỏ về nhà trong nước mắt, để anh trai ở lại với cô nàng nhà văn.
Go Moon Young yêu cầu Kang Tae ở lại với mình.
Moon Young kí hợp đồng với Sang Tae nhưng Kang Tae không hề đồng thuận.
Cuối cùng, Kang Tae đã quyết định chuyển đến căn hộ của Moon Young vào sáng hôm sau để chăm sóc cho anh trai. Tại nhà Moon Young, anh em nhà Kang Tae đã hoàn thành vô cùng tốt trách nhiệm của… gia nhân giúp việc khi thay phiên dọn dẹp, nấu nướng cho cô chủ của mình. Sau đó, tại bệnh viện, Moon Young đã bỏ dạy để theo chân một bệnh nhân của mình. Do bệnh tình nảy sinh ảo giác, người phụ nữ này lại hành xử hệt như là mẹ của nữ nhà văn, khiến cô liên tục ám ảnh về nó.
Kang Tae chuyển đến căn nhà của Moon Young để chăm sóc anh trai mình.
Cả hai giúp Moon Young dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị các bữa ăn.
Tại bệnh viện, Moon Young bị một người phụ nữ đeo bám và hành xử như là mẹ của cô.
Liên tục bị người phụ nữ bị bệnh đeo bám như thể là một người mẹ, Moon Young từ tức giạn chuyển sang buồn bã. Những ảo ảnh và ác mộng lại xuất hiện khi về đem, khiến cô nàng sợ hãi không thể ngủ yên giấc. Nghe được tiếng khóc của Moon Young, Kang Tae lập tức xuất hiện và ôm cô nàng vào lòng để an ủi.
Moon Young tức giận trước người phụ nữ hành xử như mẹ mình.
Những ảo ảnh xuất hiện trong mơ làm Moon Young hoảng sợ.
Kang Tae nhanh chóng xuất hiện và an ủi cô nàng.
Trích tập 6 Psycho But It’s Okay
Điên Thì Có Sao sẽ tiếp tục lên sóng những tập tiếp theo lúc 19:00 giờ Việt trên tvN mỗi thứ bảy – chủ nhật hàng tuần.
Nữ chính "điên" nhất nhì phim Hàn kèm theo hiệu ứng tâm lý gây sốc, Điên Thì Có Sao là bước tiến mới về độ táo bạo!
Điên Thì Có Sao đã tiến một bước mới về sự táo bạo trong việc khai thác những chủ đề nhạy cảm của xã hội.
Psycho But It's Okay (Điên Thì Có Sao) chỉ mới phát sóng 4 tập nhưng đã khiến đông đảo khán giả bất ngờ về độ táo bạo thuộc hàng nhất nhì của mình. Phim chọn khai thác một chủ đề không hề dễ xem với nhân vật trung tâm là một "điên nữ" cùng câu chuyện phức tạp về thế giới của những người bất ổn tâm lý. Bề ngoài là một câu chuyện cổ tích đẹp nhưng bên trong là hàng loạt chi tiết gây sốc dễ dàng khiến bộ phim được xếp vào hàng những tác phẩm táo bạo, thậm chí liều lĩnh, nhất làng phim Hàn trước nay.
Một nữ chính "lệch chuẩn" và "điên" nhất nhì làng phim Hàn
Nữ chính Go Moon Young (Seo Ye Ji) của Điên Thì Có Sao mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder - ASPD). Cô vô cảm, lạnh lùng, bất chấp luật lệ hay giới hạn thông thường. Dọa sợ trẻ em, hút thuốc trong bệnh viện, ngang nhiên muốn "bắt" nam chính về cho riêng mình và không ngần ngại đi theo anh đến khắp nơi hay có những hành vi quá đáng, Moon Young trong mắt một số người là "ngầu", trong mắt một số người khác lại là "kẻ bám đuôi" lố bịch.
Những hành động vượt giới hạn của Go Moon Young thậm chí còn được "nâng cấp" hơn so với những "điên nữ" khác.
ASPD được định nghĩa là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Chính vì thế, Moon Young không biết và không quan tâm cái gì là "giới hạn", là "đúng đắn", cô làm mọi thứ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình. Tất cả những hành động gây tranh cãi của nhân vật này, hẳn nhiên là một số còn nhằm "fanservice", đều liên đới trực tiếp đến bệnh của cô và khó có thể nhìn nhận dưới những chuẩn mực thông thường nếu không chắc chắn sẽ thấy vô cùng khó chịu.
Vấn đề của Moon Young là cô chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, rất tuỳ ý trong mọi việc, và đó là biểu hiện tiêu biểu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Khai thác hàng loạt bệnh tâm lý, không ngại cả những hội chứng nhạy cảm
Chỉ trong 4 tập phim, Điên Thì Có Sao nói không ngoa đã mang khán giả bước vào thế giới của những người "điên", hay nói đơn giản là những người bất ổn tâm lý. Từ tự kỷ, chống đối xã hội, mất trí nhớ đến chứng hưng cảm, bộ phim tỏ ra không ngán ngại những bệnh lý nhạy cảm khi mà chủ đề chính của phim vốn đã nhạy cảm. Điều quan trọng là Điên Thì Có Sao không khai thác suông. Bộ phim đặt nền móng vững cho nhân vật của mình với những chấn thương tâm lý nặng nề từ quá khứ - nguyên nhân chính gây ra bệnh của họ và cho thấy rõ sự tích tụ thương tổn qua thời gian.
Điên Thì Có Sao khai thác sâu không ít bệnh tâm lý, mỗi một nhân vật lại "bất thường" theo một cách khác nhau.
Điên Thì Có Sao còn gây bất ngờ với những trường đoạn mang phong cách live action phương Tây hoặc có chiều hướng phóng đại, đơn cử như cảnh Sang Tae (Oh Jung Se) chạy đến buổi kí tặng của Moon Young mà tưởng như thế giới "nở hoa", cảnh Moon Young tưởng tượng mình hóa khổng lồ bắt lấy Kang Tae hay cảnh Gi Do (Kwak Dong Yeon) ngỡ mình đang ở vũ trường. Tất thảy những hiệu ứng đó đều không để "cho vui", chúng thể hiện thế giới dưới góc nhìn của những người mắc bệnh tâm lý đó, làm nổi bật trạng thái tâm lý của họ, đồng thời cho thấy cách mà người thường nhìn họ với cách họ nhìn thế giới khác nhau như thế nào.
Những cảnh tưởng tượng đầy màu sắc nhằm dụng ý thể hiện thế giới dưới lăng kính của những người bất ổn về tâm lý.
Đảo ngược những nhận định phổ biến
Vì sao chỉ có công chúa mới luôn xinh đẹp và lương thiện còn phù thuỷ thì luôn xấu xí và tàn nhẫn? Truyện cổ tích có phải đại diện cho những mơ ước đẹp đẽ của con người và khuyến khích chúng ta hãy cứ lạc quan trong hiểm cảnh? Go Moon Young của Điên Thì Có Sao trả lời là không. Với cô, cổ tích là để nhắc nhớ người ta đừng ngẩng đầu nhìn sao mà quên chân mình đang kẹt dưới bùn. Nỗi đau là để chấp nhận và ôm nó sống tiếp chứ không phải để quên đi.
Chân dung "cô giáo ngữ văn" với những bài học ngược đời khiến ai nấy sững sờ.
Cần phải xác định rằng Điên Thì Có Sao không áp đặt những nhận định "ngược đời" này lên bất cứ ai. Bộ phim truyền tải chúng dưới lăng kính của Moon Young - một "kẻ điên" không được thế giới yêu thương và hẳn nhiên cũng chẳng buồn yêu thương thế giới. Điên Thì Có Sao tỏ ra quyết tâm đi ngược với những thông điệp tươi sáng thông thường để bóc trần sự khắc nghiệt của cuộc sống và lối suy nghĩ của những con người bất ổn thường bị cho là "đáng xa lánh" trong xã hội.
Hiệu ứng tâm lý nặng nề dễ gây sốc cho khán giả
Không ít khán giả đã đề nghị Điên Thì Có Sao nên được dán nhãn "trigger warning" - tức cảnh báo kích động phản ứng tiêu cực. Đây không phải một nhận định chê phim, mà bởi vì bộ phim mang dáng dấp một câu chuyện cổ tích nhưng bên trong đầy rẫy những yếu tố ám ảnh. Giết bướm, tòa lâu đài bị nguyền rủa, tự sát, án mạng, cha bóp cổ con, sự xuất hiện của "bóng ma" người mẹ ám ảnh nữ chính, có rất nhiều yếu tố khiến người xem sững sờ hay thậm chí sợ hãi và có lẽ không phù hợp với những khán giả "yếu tim" bắt đầu theo dõi với tâm thế đón chờ một chuyện tình kịch tính hài hước đơn thuần.
Cảnh "bóng ma" khiến Moon Young mất ngủ mang đầy đủ yếu tố của một cảnh phim kinh dị.
Cảnh cha bóp cổ con gái ruột cũng dễ gây sốc với các khán giả nhạy cảm.
Chưa kể đến nhiều cảnh dễ khiến người xem "rợn người" như tự cắt ngón tay hay giết bướm.
Điên Thì Có Sao là câu chuyện của những con người sống với đầy ắp nỗi đau, thế nên dù có không ít cảnh hài hước và tươi sáng, ở cốt lõi đây là một phim rất nặng tâm lý. Người bình thường xem phim sẽ hiểu hơn về thế giới của người bất ổn, còn những người rơi vào tình cảnh ít nhiều tương tự với các nhân vật trong phim hoặc sẽ thấy đồng cảm, hoặc sẽ thấy như bị tổn thương lần nữa. Ngoài ra, bộ phim này chắc chắn không phù hợp cho trẻ em hay người dễ bị kích động. Quyết định làm một tác phẩm như thế này, đối với đoàn phim và diễn viên là cả một sự liều lĩnh.
Nữ chính ngang ngược, nội dung nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý nặng nề, Điên Thì Có Sao tỏ ra là một tác phẩm thật sự táo bạo. Những cảnh nhạy cảm liên quan đến "động chạm" da thịt và phô dâm trong phim hiện đang đối mặt với chỉ trích và khiến phim bị báo cáo lên Uỷ ban kiểm duyệt Hàn Quốc, nhưng lại được những người hâm mộ phim bảo vệ vì khắc hoạ được rõ ràng trạng thái tâm lý của nhân vật. Với nội dung độc lạ, Điên Thì Có Sao sẽ còn một chặng đường gập ghềnh để đi, nhưng không thể phủ nhận rằng khách quan mà nói đây là một tác phẩm rất hiếm gặp, một lựa chọn mạo hiểm nhưng đáng giá của Kim Soo Hyun cho dự án chính thức đầu tiên hậu xuất ngũ.
Trailer Điên Thì Có Sao
Điên Thì Có Sao sẽ tiếp tục lên sóng lúc 19:00 giờ Việt trên tvN mỗi thứ bảy - chủ nhật và được cập nhật trên Netflix ngay sau đó.
Cẩm nang nhân vật cười tét rún của Điên Thì Có Sao: Tưởng khùng "sương sương" cho vui, nào ngờ chẳng ai tỉnh táo? Điên Thì Có Sao đang hot lắm kìa, chưa xem thì "phổ cập kiến thức" đi rồi cày lẹ cho bằng bạn bằng bè chứ nào! Điên Thì Có Sao (Psycho But It's Okay), nghe tên phim rồi xem những thước trailer nhá hàng có chút u ám, tưởng đâu "điên" là cách nói bóng gió ám chỉ những kẻ nổi loạn ngầm,...