Điện nước lại sắp tăng, chết mất thôi!
Sống ở Hà Nội như sống vào thời chiến, đó là cuộc chiến của giao thông, của tiền bạc, của giá cả và của cả tình cảm con người… Cái gì cũng sắp tăng…
Không cần phải làm đơn đăng kí với nhà tổ chức cũng như chẳng cần bật tivi lên mới thấy, bản thân mỗi người phụ nữ có gia đình ở cái đất Hà Nội này cũng đều đang là một thí sinh miệt mài thi đấu trong một Cuộc đua kì thú thực tế. Không tin ư? Để tôi chứng minh cho bạn thấy.
“Cuộc đua kì thú” là một chương trình thực tế mà trong đó các đội đua sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau để chinh phục các chặng đường với một lượng tiền hạn chế, phải tự mình hoàn thành tất cả thử thách, phải tự thân vận động xin sự trợ giúp. Các bà nội trợ, các chị em phụ nữ ở thành phố Hà Nội này cũng phải đối mặt với những “thử thách” khắc nghiệt trong một điều kiện cực kì ngặt nghèo nhé: Tiền lương thì cố định không bao giờ thay đổi, mà thường thì sẽ ít hơn so với nhu cầu lẫn giá cả thực tế thị trường.
Trong khi vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ: chăm lo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho cả gia đình, con cái phải được học hành trường tử tế, hiếu kính đầy đủ với cha mẹ hai bên, đảm bảo thi thoảng gia đình phải có một chuyến vui chơi du lịch…Các điều kiện để vượt qua “cuộc đua kì thú” này thì càng ngày càng ngặt nghèo: giá cả mỗi ngày mỗi khác, và thường nếu giảm nửa đồng thì tức là sắp tới sẽ tăng lên đồng rưỡi. Chưa kể các nhân tố gây nhiễu cũng rất hăng hái trong việc gia tăng khó khăn. Tăng giá thì tăng trên cả nước nhưng đặc biệt ở Hà Nội thì tốc độ tăng giá của mọi mặt hàng luôn theo kiểu đi trước đón đầu. Mới nghe tin giá xăng tăng là bà bán phở đầu ngõ đã cộng thêm năm nghìn.
Tăng giá thì tăng trên cả nước nhưng đặc biệt ở Hà Nội thì tốc độ tăng giá của mọi mặt hàng luôn theo kiểu đi trước đón đầu. Mới nghe tin giá xăng tăng là bà bán phở đầu ngõ đã cộng thêm năm nghìn. (Ảnh minh họa)
Vừa thấy có thông báo tháng tới giá nước lên, chị bán rau ngoài chợ cũng cộng thêm 2000 đồng tiền nước vẩy cho rau tươi. Tiền nước, tiền điện tăng đồng nghĩa với tiền chi tiêu hằng tháng cộng thêm vài con số trong khi tiền lương (khoản tiền cho mỗi đội chơi) là hạn chế. Nhà nào may mắn xin được “quyền trợ giúp” từ ông bà bố mẹ thì còn bơn bớt gánh lo. Nhưng dù có về nhất hay về bét thì đội nào đội nấy cũng rã rời, tơi tả cả rồi.Kể cả vợ chồng có tiền lương khủng, mua hàng không thèm nhìn giá thì cũng sợ chẳng còn sức lực đâu mà đưa nhau đi chơi hâm nóng tình cảm, gần gũi con cái vì đã bị vắt kiệt do làm việc rồi.
Video đang HOT
Chưa kể, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù là cặp tình nhân yêu đương nồng thắm thì cũng có lúc nhìn nhau như kẻ thù. Các khó khăn chồng chất, áp lực căng thẳng khiến ai cũng dễ cáu giận. Ở trên tivi thì chỉ sau một đúp quay là mâu thuẫn được giải quyết chứ ở ngoài đời … có khi hỏng cả đội hình chỉ vì không thể hoàn thành nổi nhiệm vụ. Đấy, cuộc đua làm sao để sống nổi ở đất Hà Nội cái gì cũng tăng trừ lương này có đúng là chẳng khác mấy so với “cuộc đua kì thú” không.
Vậy nên tôi cực kì thắc mắc sao mọi người cứ đua nhau đổ về đây cố tìm cách chen chân làm một công dân hờ ở Hà Nội làm cái gì. Ở các tỉnh khác có thể còn nhiều điều hạn chế nhưng chắc chắn sự cạnh tranh không cao, giá cả mọi mặt hàng đều dễ thở hơn, tiền lương có ít một tẹo cũng vẫn đủ chi tiêu thoải mái. Chứ ở đất kinh kì này, cái quái gì cũng đắt. Mỗi ngày đi chợ là một ngày đau đầu tính toán chi tiêu làm sao vừa mua đồ phải chăng lại tránh hàng kém chất lượng mà vẫn đủ phục vụ nhu cầu.
Làm gì cũng như tham gia một cuộc chạy đua: xin học cho con cũng phải “đạp đổ cổng trường” chen nhau mới được; xin việc thì chạy vòng quanh từ “cửa” nọ sang “cửa” kia chưa chắc đã xong; đi ăn thì phải thật tốc độ để giảm thiểu “cục bấc cục chì” văng ra từ chủ quán. Và hằng ngày thì tất cả cùng thi nhau chạy đua với giá cả biến đổi nhanh như chớp. Trừ những ai muốn thành vận động viên vừa chạy bền khỏe vừa đua tốc độ tốt thì sống ở Hà Nội thực sự là môi trường phù hợp.
Nhưng đại đa số chị em phụ nữ thật sự chỉ mong muốn một cuộc sống không phải chạy ăn từng bữa. Chị em đều là người lao động chân chính, chăm chỉ, muốn được sống tốt dựa trên số tiền gia đình kiếm được. Chứ như bây giờ, cả hai vợ chồng sống tằn tiện, phấn đấu làm việc, mà nhiều khi thấy mệt mỏi vì có thế nào cũng không thể “vượt mặt” được cái “thằng” giá cả. Lắm khi cũng chỉ ước giá như “Cuộc đua kì thú” thực tế này cũng được như cuộc thi trên tivi kia: Là một khoảng thời gian trải nghiệm tuy đầy rẫy khó khăn nhưng đầy hào hứng và sau những chặng đường đầy thử thách là những phần thưởng xứng đáng với mồ hôi công sức đã bỏ ra.
Theo VNE
Sống ở Hà Nội, chắc cả đời đi thuê nhà
Sau giờ tan tầm, tôi lập tức đứng dậy về mà không dám làm thêm gì cả. Vì chỉ cần muộn 5 phút thôi là đường đã đông nghịt, người đổ ra đường tràn lan.
Ở Hà Nội tôi quá khổ rồi
Mỗi lần nghĩ tới cuộc sống ở quê nhà yên ả, nhẹ nhàng, thanh tịnh, tôi lại thèm được cảm giác về quê biết bao. Sau mỗi giờ tan tầm, tôi lại phải chen chúc, nhích từng bước đi về tới căn phòng trọ ở cách chỗ làm 6km. Tôi chán nản vì ngày nào cũng phải vội vàng, vội hít khí độc từ khói xe nhả ra, vội chen lấn xô đẩy và vội... về. Mà có muốn vội cũng nào có được, vì đường không thể nào chỉ có mình mình đi.
Sau giờ tan tầm, tôi lập tức đứng dậy về mà không dám làm thêm gì cả. Vì chỉ cần muộn 5 phút thôi là đường đã đông nghịt, người đổ ra đường tràn lan. Và rồi, phải đi tới cả 40 phút, tôi cũng không được về nhà. Mà nào phải nhà, chỉ là căn phòng rộng hơn chục m, đi về đã mệt lại còn không thở nổi, ngồi trong phòng hẹp bí bách khó chịu.
Nghĩ lại cảnh ở nhà mình, đất rộng người thưa, về nhà có bố, có mẹ, có họ hàng, anh chị em mà hạnh phúc biết bao! Cuộc sống chốn đô thành quá nhiều bon chen. Công việc thì lương ba cọc ba đồng, nhưng tại sao con người ta vẫn có bám trụ ở đây để rồi thuê một căn phòng hẹp. Con cái sau này sinh ra rồi sẽ không có sân chơi. Tôi tin chắc rằng, chẳng có ai trong chúng ta chưa từng chứng kiến cảnh ách tắc giao thông ở Hà Nội. Nhìn cảnh đó đúng là, chán không muốn sống ở mảnh đất thủ đô này nữa luôn.
Đâu còn hạnh phúc như ngày yêu nhau (ảnh minh họa)
Có tháng thiếu thốn còn phải vay tiền bạn bè. Rồi có khi ăn uống cũng phải tiết kiệm thì may ra hàng tháng mới có tiền về quê thăm bố mẹ. Đó là chưa có con, còn có con ra, tiền sữa, tiền sinh hoạt cho con còn tốn gấp vạn lần. Nghĩ mà quá sợ. Mỗi khi dừng lại ở chợ mua mớ ra thì nửa tiếng sau không chen được ra tới cổng. Thật sự tôi quá chán cuộc sống chốn thành thị này. Đợi mà mua nhà, chắc phải mọt kiếp, vì tiền ăn còn không đủ nói chi tiền nhà cửa sang trọng. Cả đời chỉ đi ở nhà thuê thì chán lắm!
Van xin chồng về quê sống an nhàn
Tôi thật sự hết chịu nổi nên đã nhiều lần xin chồng về quê, sống và làm công việc bình thường. Nhưng chồng tôi vốn học cao nên không muốn về quê, sợ người ta bàn bạc, rồi xì xào. Vì trình độ cao chí ít cũng phải kiếm được công việc ra trò, hoặc là làm ở nơi mà người ta không hay biết thu nhập của mình như thế nào. Về tỉnh, cứ lương tháng vài triệu sợ người ta lại chê cười.
Chồng tôi sĩ diện cao nên rất sợ bị người khác soi mói. Anh không muốn về quê, chỉ muốn lập nghiệp ở Hà Nội và thà rằng đi thuê nhà, thà rằng lương không đủ tiêu, thà rằng không bằng tiền lương khi về quê đi làm. Anh vẫn chấp nhận cuộc sống như thế mấy năm nay. Hai vợ chồng chưa dám sinh con cũng là vì thiếu thốn.
Vậy mà khi tôi cương quyết, chồng bảo tôi cứ về, anh ở đây lập nghiệp, coi như vợ chồng tạm xa nhau, chồng đi làm xa, thi thoảng anh sẽ về thăm tôi. (Ảnh minh họa)
Vậy mà chồng dỗi hờn, bảo tôi không có chí tiến thủ. Người ta tiến thủ thì cũng phải có tương lai, chứ ai lại cứ lương ba đồng mà cũng đòi tiến thủ. Trong khi về quê, có cuộc sống an nhàn hơn, với mức thu nhập, tuy tiền mặt không bằng ở Hà Nội, nhưng nhu cầu sống thất hơn rất nhiều. Tính ra thì cũng chẳng thua thiệt gì nhau. Ở quê chẳng phải thuê nhà, có thích không.
Vậy mà khi tôi cương quyết, chồng bảo tôi cứ về, anh ở đây lập nghiệp, coi như vợ chồng tạm xa nhau, chồng đi làm xa, thi thoảng anh sẽ về thăm tôi. Nói vậy thì nói làm gì, muốn là vợ chồng cùng nhau phấn đấu, bên cạnh nhau, sẻ chia với nhau. Tôi cũng chẳng trách chồng, vì thật ra, mỗi người mỗi suy nghĩ. Chồng vẫn là người quyết định chính. Nhưng đúng là, sống như thế này thì thật quá khổ cho tôi, và tôi cũng không còn tâm trí nào để tính chuyện cố gắng kiếm tiền nữa. Không an cư thì làm sao mà lạc nghiệp?!
Theo VNE
Trai tỉnh lẻ có nhà Hà Nội: quá oai! Anh tự vỗ ngực cho rằng, mình là trai tỉnh lẻ mà có nhà Hà Nội thì quá oai, oai phong lẫm liệt. Đã thế anh còn được cái mác đẹp trai, có công việc ổn định. Đúng thế, chẳng ai cấm anh cái tội tự kiêu, tự đại nếu anh cảm thấy thế là đáng tự hào thì cứ việc khoe khoang....