Diện mạo mới của phố Lãn Ông Thứ năm 12/06/2014 07:15
Được khởi công từ tháng 11-2013, dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông (phường Hàng Bồ, Hà Nội) đang được kỳ vọng sẽ đem lại diện mạo đẹp cho con phố này, đồng thời tạo thêm một điểm thu hút khách du lịch phố cổ, sau khi dự án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện đã hoàn thành năm 2011.
Phố Lãn Ông là con phố hiếm hoi còn giữ nghề truyền thống
Triển khai được 50%
Phố Lãn Ông được giới hạn từ phố Thuốc Bắc đến phố Chả Cá, nằm trên địa bàn phường Hàng Bồ. Xét về lịch sử, phố Lãn Ông đóng vai trò rất quan trọng bởi trước đây, con phố này nằm trên trục chính của phố cổ theo chiều Đông- Tây. Xung quanh tuyến phố này còn lại rất nhiều di tích quan trọng như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đền Hương Tượng, đình Tân Khai – chùa Thái Cam, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Đông… Phố Lãn Ông vừa là phố nghề thủ công truyền thống, vừa là phố chuyên doanh, nức tiếng với nghề Đông Nam dược. Đến con phố này, du khách như bị quyến rũ bởi hương thơm từ các loại hương liệu, thảo mộc. Cho tới ngày nay, Lãn Ông là một trong số những con phố hiếm hoi ở Hà Nội còn lưu giữ được nghề truyền thống.
Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông được triển khai từ tháng 11-2013 với chiều dài 120m, gồm 42 biển số nhà, giới hạn từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc, tổng số vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Theo ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho đến nay, dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông đã hoàn thành được 50%. Trong đó, đối với những công trình được bảo tồn hết lớp 1 đã trùng tu được 2/6 ngôi nhà. Các công trình này được khởi công theo hướng: tháo dỡ những kiến trúc và vật liệu không phù hợp, khôi phục kiến trúc ban đầu của công trình, sử dụng vật liệu kiến trúc truyền thống… Thực tế, hầu hết nhà bảo tồn hết lớp 1 đều là các công trình nhà có kết cấu tường, sàn bằng gạch, mái, cửa bằng gỗ – một số cấu kiện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng do thời gian sử dụng quá lâu. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chỉnh trang, theo lối truyền thống, lợp mái bằng ngói ta, thay các cấu kiện gỗ như xà gồ, cầu phong, li tô… thì diện mạo căn nhà đã thay đổi.
Video đang HOT
Căn nhà số 30 phố Lãn Ông được thay mới cửa, xà gồ mái và quét vôi tường
Thêm một điểm thu hút khách du lịch
Song song với các công trình bảo tồn hết lớp 1, dự án cũng tiến hành cải tạo, chỉnh trang mặt đứng với tổng số 42 nhà. KTS Thái Duy Anh – cán bộ phòng quản lý dự án cho biết, toàn bộ phố Lãn Ông xuất hiện nhiều công trình nhà ở với các dạng kiến trúc đan xen như kiến trúc Việt Nam, kiến trúc Trung Hoa, Pháp và đặc biệt có một số kiến trúc hiện đại được xây dựng trong thời gian gần đây. Cụ thể, có một số nhà tự ý tháo cửa gỗ, thay bằng cửa xếp, hoặc mở rộng cơi nới lồng sắt… Bởi vậy, chỉnh trang mặt đứng không thể chỉ sửa chữa, quét vôi bên ngoài mà vẫn phải tháo dỡ, sửa chữa lại những phần kiến trúc không phù hợp để trả lại kiến trúc truyền thống, hài hòa với tổng thể cảnh quan khu phố. Cho đến nay, số căn nhà được cải tạo mặt đứng được hoàn thiện là 20/42 nhà.
Theo ông Phạm Tuấn Long – một trong những điểm khó khăn đó là phải tiến hành thi công khi các hộ dân phải ăn ở, sinh hoạt cùng công trình nên chỉ triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”. Khi thi công những nhà bảo tồn hết lớp 1, đơn vị thi công đã phải thiết lập những giàn giáo thép để tiện xây dựng, che chắn để không ảnh hưởng đến việc buôn bán, giao thông… Ngoài ra, mặt bằng phố tương đối chật hẹp, cộng thêm việc tuyến phố cấm các xe chở vật liệu trong khung giờ nhất định khiến cho việc thi công cũng gặp nhiều cản trở. Tuy nhiên, với tiến độ triển khai như hiện tại, dự án sẽ hoàn thiện ngay trong quý IV năm nay, và hy vọng là một công trình có ý nghĩa kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10/2014). Không những sẽ góp phần làm đẹp tuyến phố Lãn Ông, dự án còn góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bảo tồn nghề làm thuốc truyền thống cũng như kích thích du lịch phát triển, tạo thêm một địa điểm thu hút du khách trong khu vực phố cổ.
Theo ANTD
Khu đất Bộ Tư pháp sẽ thành tổ hợp khách sạn
Sáng 22-5, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã công bố Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000. Theo đó, sẽ di dời 3 Bộ và một số khu dân cư khỏi khu vực đặc biệt quan trọng này.
Theo Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng, bản điều chỉnh quy hoạch nêu rõ, khu Ba Đình được xác định là trung tâm chính trị, nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, đây là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là trung tâm quan trọng của Thủ đô, nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa trọng đại của cả nước và các hoạt động tham quan du lịch.
Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng là 134,5 ha, phía Bắc được giới hạn bởi phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây đường Hoàng Hoa Thám. Phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây. Phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương.
Đặc biệt, quy hoạch yêu cầu, các Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt. Cơ sở vật chất của các bộ này sẽ được chuyển giao lại cho các cơ quan hữu quan để sử dụng.
Cụ thể, cơ sở vật chất của Bộ KH-ĐTư, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc. Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ NN&PTNT chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Khu đất Bộ Tư pháp được quy hoạch thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị
Ngoài ra, một số khu dân cư cũng cần di dời khỏi khu vực này. Cụ thể, khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ sẽ được chuyển đi để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung. Tương tự, khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng được di chuyển nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước. Khu tập thể Bộ Công an cũng di dời toàn bộ các hộ dân, chuyển cho Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) quản lý. Cùng với đó, khu tập thể Trung đoàn 275 (thuộc Bộ Tư lệnh Lăng) và các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân... cũng sẽ được di dời theo quy hoạch.
Một số khu dân cư khác như Khu tập thể 354, Khu 32 - 36 Điện Biên Phủ... được xem xét cải tạo, chỉnh trang. Riêng khu bệnh viện Xanh Pôn, sẽ có lộ trình để bệnh viện này trở thành nơi cấp cứu, khám bệnh chất lượng cao, giảm thiểu tối đa diện tích phục vụ điều trị, giảm mật độ xây dựng, chỉnh trang cải tạo khuôn viên, tăng diện tích cây xanh.
Tại khu làm việc của cơ quan Chính phủ, dự kiến dỡ bỏ một số công trình cũ, công trình hết niên hạn sử dụng để xây dựng trụ sở mới cao 9 tầng. Đồng thời, sẽ tổ chức sân đón khách trước công trình trụ sở Chính phủ. Đặc biệt, quy hoạch yêu cầu bảo tồn tôn tạo biệt thự hiện nay đang được sử dụng làm nhà làm việc của Thủ tướng Chính phủ thành Nhà lưu niệm của Chính phủ và tổ chức thêm lối vào khu Văn phòng Chính phủ từ phía đường Hoàng Hoa Thám, ngõ Bách Thảo.
Các biệt thự dọc đường Phan Đình Phùng hiện là nhà làm việc của một số Ban, ngành của Đảng sẽ được bảo tồn tôn tạo, chỉnh trang thành nhà công vụ. Tại khuôn viên biệt thự số 4 và số 6 đường Hoàng Diệu, dự kiến sẽ di dời các hộ dân ở đây để chuyển đổi chức năng thành nhà công vụ.
Quy hoạch xác định nhiệm vụ bảo tồn tôn tạo các công trình kiến trúc cũ kiểu Pháp và ổn định cấu trúc không gian như hiện nay. Không cho phép xây dựng xen cấy công trình cao tầng và làm biến dạng công trình kiến trúc nguyên gốc. Mục tiêu chỉnh trang cảnh quan và cải thiện môi trường được đề cao. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử trong quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc.
Theo Dantri
Mở rộng phạm vi đi bộ khu phố cổ Sở GTVT Hà Nội vừa có quyết định tổ chức phân luồng giao thông phục vụ mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I, khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện từ ngày 20-4. Theo đó, cấm các phương tiện lưu thông trên các tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây - Đào...