Điện ảnh Việt học gì ở phim Iran?
Phim Iran đã vượt biên giới với rất nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim danh tiếng trên thế giới nhờ chất lượng nghệ thuật cao và sự độc đáo
Các nhà làm phim Việt học hỏi được gì từ nền điện ảnh Iran – một nền điện ảnh đặc biệt bị kiểm duyệt gắt gao, kinh phí làm phim thấp, không 18 , nhậu nhẹt, bạo lực… nhưng vẫn thành công vang dội tại các liên hoan phim danh tiếng?
90% phim được chiếu tại các LHP quốc tế
Iran có một nền điện ảnh khá lạ kỳ khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Bộ phim “The Salesman” (Người bán hàng) của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, đã được xướng tên hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2016. Năm 2012, bộ phim “A Separation” (Ly thân) cũng từng giành chiến thắng tại giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng. Trước nữa, năm 1998, “Children of Heaven” (Những đứa trẻ đến từ thiên đường) cũng từng lọt vào đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Cảnh trong phim “The dark room” (Phòng tối), đoạt giai thương Phim truyên xuât săc nhât cua Liên hoan Phim quôc tê Ha Nôi 2018
Có mặt tại hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” được tổ chức ngày 29-10 trong khuôn khổ Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội, nhà phê bình phim người Iran Mohammad Attebbai cho biết đến cuối tháng 10-2018, tổng số phim tham gia LHP quốc tế là hơn 40.000. Tổng số giải thưởng quốc tế của nền điện ảnh này đã đạt được là hơn 4.000 phim, trong đó 152 phim được giải thưởng là trước cách mạng Hồi giáo 1979.
Ông Mohammad Attebbai khẳng định một trong những yếu tố mang lại thành công cho điện ảnh Iran là sự nỗ lực không ngừng đưa phim đến với các LHP quốc tế. Phim của Iran hầu hết đều lọt vào các hạng mục chính của các LHP quốc tế. Trước đây, Iran sản xuất 60 phim truyện mỗi năm, nhưng vừa qua đã tăng lên 150 phim truyện mỗi năm. Đáng chú ý, 90% số phim do Iran sản xuất được chiếu tại các LHP quốc tế, cho thấy chất lượng các phim của Iran được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao.
Đạo diễn Shahram Mokri cho biết phim có đề tài giường chiếu và bạo lực không thể chiếu ở Iran. “Nhưng để làm phim, chúng tôi tìm cách xử lý qua ánh sáng, âm thanh, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật để lột tả về bạo lực và đề tài giường chiếu” – ông Shahram Mokri nói.
Một đạo diễn khác đến từ Iran là Rouhollah Hejazi chia sẻ các đạo diễn Iran đã làm những bộ phim với ngân sách rất thấp, những diễn viên không chuyên nghiệp, kỹ thuật cũng không cao siêu. Tuy vậy, họ đã làm bằng tất cả tình yêu điện ảnh. Theo ông Kazem Mollaie, đạo diễn của “The dark room” (Phòng tối), phim đoạt giai thương Phim truyên xuât săc nhât cua LHP quôc tê Ha Nôi 2018 (trao giải vào tối 31-10), hơn 80% bối cảnh của phim Iran đều là cảnh thực và thực tế không có nhiều cảnh dựng trong quá trình làm phim. Các nhà làm phim độc lập Iran thường phải chủ động tìm nguồn vốn hoặc vay ngân hàng tư nhân, thậm chí có những bộ phim khi phát hành xong không trả được nợ. Tuy nhiên, thế mạnh của những nhà làm phim độc lập là được chủ động sáng tạo và làm những gì mình muốn trong khả năng. Mỗi khi gặp những khó khăn về kiểm duyệt, bản thân họ lại thu thập được những kinh nghiệm để chuyển đổi nó bằng những cách thức sáng tạo hơn.
Nhân cách của người làm phim
Video đang HOT
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng việc tiếp xúc với các đạo diễn, nhà làm phim Iran ở các kỳ LHP đã giúp ông hiểu điều đầu tiên và rất quan trọng khiến điện ảnh nước này thành công xuất phát từ nhân cách của các nghệ sĩ, của những người làm phim. Họ hoàn toàn đứng về phía nhân dân, yêu và gắn bó với những con người bình thường trong xã hội. Với ông, Iran mới là cường quốc điện ảnh chứ không phải Hollywood.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cho hay ngay khi còn là sinh viên ở trường điện ảnh, chị đã luôn được nghe sự so sánh giữa điện ảnh Việt Nam và Iran. “Sau này, khi làm phim, tôi học được từ họ cách kể câu chuyện gần gũi với đời sống chứ không để tâm quá nhiều đến kỹ thuật, sự cầu kỳ về kỹ xảo hay ngân sách nhà nước” – tác giả phim “Đập cánh giữa không trung” nói.
Đạo diễn của bộ phim “Cha cõng con” (từng đoạt giải Phim xuất sắc nhất châu Á tại LHP quốc tế Iran lần thứ 36) Lương Đình Dũng cũng đã xem rất nhiều phim Iran – những câu chuyện đặc sắc chân thật được kể qua ngôn ngữ điện ảnh một cách tinh tế. Chia sẻ quan điểm của mình, Lương Đình Dũng cho rằng điện ảnh Việt nên nhìn nhận sự việc tổng quan trước rồi xem mình ở điểm xuất phát nào, lợi thế của chúng ta là gì, từ đó mới đưa ra hướng đi cụ thể. “Hollywood làm phim với kinh phí khủng để bảo đảm thành công nhưng không thể thiếu những câu chuyện liên quan đến con người, kể cả phim hoạt hình. Còn Iran hay nhiều nước khác, gồm cả Việt Nam, không có kinh phí lớn, ê-kip cơ bản đáp ứng cho một đoàn làm phim chuyên nghiệp đang thiếu hụt. Vậy chúng ta nên lựa chọn những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa, con người, đời sống Việt để làm phim thì mới có thể giành lợi thế khi ra nước ngoài” – đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định.
Theo nld.com.vn
Bí quyết thành công của nền Điện ảnh không bạo lực, không cảnh nóng
Trung bình mỗi tuần, có 18 bộ phim của Iran được giải thưởng tại các LHP quốc tế. Điều gì đã khiến nền điệnh ảnh bị kiểm soát chặt chẽ, không bạo lực, không cảnh nóng thành công như vậy?
Nền điện ảnh gây ngạc nhiên
Iran nổi tiếng với một nền điện ảnh khắc nghiệt không cảnh giường chiếu, không men và không chính trị trên phim ảnh. Vậy mà điện ảnh Iran liên tục để lại dấu ấn tại các kỳ liên hoan phim lớn của thế giới, bất chấp sự cấm đoán của pháp luật luôn ràng buộc chặt chẽ các nhà làm phim.
Theo ông Mohammad Attebbai- Nhà phê bình phim Iran cho biết, mỗi tuần điện ảnh Irangiành 18 giải thưởng tại các LHP quốc tế. Trong đó, năm 2015 giành 382 giải thưởng quốc tế; năm 2016 giành 516 giải thưởng quốc tế. Đến cuối tháng 10/2018, tổng số phim tham gia LH quốc tế là hơn 40 nghìn phim. Tổng số giải thưởng quốc tế của nền điện ảnh này là hơn 4000 phim, trong đó 152 phim có được giải thưởng là trước cách mạng Hồi giáo 1979.
The Salesman- bộ phim Iran giành Oscar 2017 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất
Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar 2017, "The Salesman" (Người bán hàng), phim của đạo diễn Asghar Farhadi - đã giành chiến thắng, đem về vinh quang thứ hai tại giải Oscar cho sự nghiệp của vị đạo diễn 44 tuổi. Trước đây, Farhadi đã từng được biết tới với phim "A Separation" (Ly thân - 2011) - phim nước ngoài giành chiến thắng tại cả giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng.
Điều đáng kể là điện ảnh Iran đã thành công vang dội ở các LHP lớn trên thế giới như Oscar, Canes, Berlin... mặc dù, những người làm điện ảnh có thể bị vào tù bất cứ lúc nào.
Trong đó có thể kể đến đạo diễn Jafar Panahi, các tác phẩm của ông thường đứng về người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo, cảm thương cho thân phận, sự bất công họ phải chịu đựng. Trong số đó có Offside (Việt vị, 2006), kể về một nhóm phụ nữ muốn xem thể thao nhưng bị gạt ra ngoài lề, chỉ vì là phái nữ. Phim giành giải Gấu Bạc LHP Berlin, nhưng Jafar bị chính quyền kết án 6 năm tù giam và 20 năm không được quay phim hay sáng tác.
Đặc biệt, nữ diễn viên Iran nổi tiếng mang tên Leila Hatami từng tham gia bộ phim A Seperation (Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất 2012) đã từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại quê hương cô yêu cầu truy tố với hình phạt quật 50 roi và bỏ tù chỉ vì tội... hôn má xã giao với ngài Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes năm 2014. Điều này phản ánh sự khắc nghiệt của một nền văn hóa cổ vẫn tồn tại ở Iran ngày nay hiện đang chi phối mọi mặt của xã hội. Chúng ta phần nào có thể hiểu vì sao phim Iran vẫn luôn kín đáo giấu mình, chỉ phơi bày cái nội tâm qua các câu chuyện kể và những cuộc đối thoại trên màn ảnh.
Đạo diễn Shahram Mokri chia sẻ: " Quan hệ nam nữ và bạo lực là hai đề tài không thể chiếu ở điện ảnh Iran. Nhưng hãy xem chúng tôi xử lý về quan hệ giường chiếu như thế nào. Chúng tôi xử lý qua ánh sáng, âm thanh, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật để lột tả về bạo lực và quan hệ nam nữ".
"The Salesman" của đạo diễn Asghar Farhadi, câu chuyện về lòng tự tôn và sự trả thù cùng hiện diện trong cuộc sống của cặp vợ chồng diễn viên và cả ở trong vở kịch mà họ diễn ở nhà hát. Có lần khi Rana trở về nhà trước Emad, cửa để ngỏ, cô tưởng chồng mình trở về, nhưng không phải... Một người đàn ông lạ mặt đã chạm vào tóc cô giống như cách mà chồng cô vẫn thường làm khiến Rana nhầm lẫn. Cô bị tấn công trong phòng tắm...
The White Balloon- Quả bóng trắng- bộ phim Iran được chiếu tại LHP Quốc tế HN lần thứ V
Ở đây, người xem sẽ thấy bạo lực và cảnh nóng được xử lý rất cẩn thận để phù hợp với những chuẩn mực của một nền điện ảnh Hồi giáo, vừa đủ để người xem hiểu rằng Rana đã bị đánh và cưỡng bức.
Đạo diễn Rouhollah Hejazi chia sẻ: "Một số nhà phê bình nói điện ảnh Iran không chú trọng về kỹ thuật mà chỉ chú trọng nội dung. Chúng tôi đã làm những bộ phim với ngân sách rất thấp, với những diễn viên không chuyên nghiệp, kỹ thuật cũng không cao siêu ghê gớm nhưng chúng tôi làm vì tình yêu với điện ảnh".
Đạo diễn cũng chia sẻ rằng hơn 80% bối cảnh của phim Iran đều là cảnh thực và thực tế không có nhiều cảnh dựng trong quá trình làm phim. Và đặc biệt hơn cả, khi được hỏi về thị trường phim trong nước, đạo diễn đã nói rằng Iran cấm chiếu tất cả các phim của Mỹ tại rạp chiếu phim. Đổi lại, để phục vụ khán giả, 1 năm Iran sản xuất khoảng 200 phim truyện và hàng trăm loạt phim truyền hình. Đây quả là con số không nhỏ nhưng xứng tầm với quốc gia lớn thứ 18 của thế giới.
Giá trị của bộ phim phụ thuộc vào con người
Cho rằng, điện ảnh Iran là nền điện ảnh đặc biệt, có ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm của mình, Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: Năm 1985, khi tôi được học bổng thực tập ở Pháp tôi đã được xem phim Vòng tròn của Iran. Sau đó, trong thời gian ở Pháp, tôi cũng xem 1 số phim nữa của Iran. Khi về nước, tôi đã viết nhiều bài báo cho rằng, điện ảnh Việt Nam nên học điện ảnh Iran, vì chúng tôi cũng là điện ảnh nhỏ, không có kinh phí".
Sau này, khi đi nhiều LHP quốc tế, đạo diễn Đặng Nhật Minh có dịp gặp gỡ nhiều với các đạo diễn Iran. Và ông cho biết, ông ngưỡng mộ nhân cách nghệ sĩ ở các đạo diễn Iran.
Hội thảo Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran
"Tôi có cơ hội gặp gỡ những đạo diễn Iran và qua đó, tôi tự trả lời được câu hỏi, tại sao họ làm được những phim như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo như vậy?. Tôi cho rằng, đó là nhân cách nghệ sĩ của họ. Từ nhân cách đó, họ mới làm được những phim như vậy. Họ luôn đứng về phía nhân dân họ, những con người dễ bị tổn thương. Họ yêu nhân dân mình, yêu những con người bình thường trong xã hội, chứ không phải làm phim vì quyền lực, tiền bạc"- NSND Đặng Nhật Minh nhận định.
Cũng theo NSND Đặng Nhật Minh, những thành tựu mà ông đạt được cũng nhờ việc học hỏi được nhiều từ nền điện ảnh Iran.
"Thành công của điện ảnh Iran đã chứng minh một điều rằng, giá trị một bộ phim phụ thuộc vào con người, chứ không phải tiền bạc. Và sức sống mãnh liệt ấy gắn liền với những thân phận gần gũi nhất, những người dân bình thường nhất với nỗi lo của họ, đấu tranh cho hiện thực và phản ánh hiện thực. Họ biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường của họ một cách hay, hấp dẫn và lạ"- NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Một nền điện ảnh được làm nên bởi những đạo diễn có lòng quyết tâm và sức sáng tạo đặc biệt, vượt qua mọi rào cản, thậm chí an nguy của bản thân để bày tỏ tiếng nói cần thiết. Đó chính là lý do, Iran khiến thế giới ngả mũ thán phục và dành cho nó sự lắng nghe một cách đầy chăm chú mỗi khi nhắc đến. Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang bị thị trường hóa và thiếu đi những tác phẩm nghệ thuật thật sự, được tiếp cận một nền điện ảnh kỳ lạ như Iran để học tập là cần thiết để những người làm điện ảnh Việt Nam nhìn lại mình.
Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V- 2018, khán giả yêu thích điện ảnh có thể thưởng thức những bộ phim Iran đặc sắc đang được trình chiếu gồm: Gia đình/ The Home; Hương vị anh đào/ Taste of Cherry; Kupal/ Kupal; Ngày đặc biệt/ A special day; Người bán hàng/ The Salesman; Quả bóng trắng/ The white balloon; Reza/ Reza; Xâm chiếm/ Invasion
Theo toquoc.vn
Chương trình chiếu phim ngoài trời "nóng" với "Cô Ba Sài Gòn" và đạo diễn Ngô Thanh Vân Đông đảo người dân Hà Nội đã đến giao lưu với Diễn viên - Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng như thưởng thức bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" trong chương trình chiếu phim ngoài trời tối 28/10. Chương trình được tổ chức trong ba tối 28, 29 và 30/10, trình chiếu các bộ phim của Việt Nam và nước ngoài. Diễn...