“Điểm sáng” Myanmar
Những cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng đã vụt biến Myanmar thành một “ngôi sao mới” thu hút sự chú ý, quan tâm của không chỉ khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới.
Hãng Coca Cola đã nhanh chân chạy vào thị trường Myanmar được đánh giá là đầy tiềm năng
Cuộc cải tổ toàn diện ở Myamar vừa tiến thêm một bước khi Chính phủ nước này tiến hành một cuộc cải tổ lớn với việc bổ nhiệm mới 4 bộ trưởng. Theo đó, những người có đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách như ông U Zay Yar Aung được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng, ông U Maung Myint làm Bộ trưởng Công nghiệp, ông U Aye Myint được cử giữ chức Bộ trưởng Lao động, Việc làm và An sinh Xã hội, còn ông U Than Htay giữ cương vị Bộ trưởng Giao thông Đường sắt.
Trước đó, nhằm tăng cường lòng tin vào nền kinh tế Myanmar, Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày 11-7 đã ký ban hành luật mới về cải tổ Ngân hàng Trung ương. Với cải cách mới này, Ngân hàng Trung ương Myanmar sẽ trở thành một cơ quan độc lập, không trực thuộc Bộ Tài chính như một cơ quan chỉ giữ vai trò “ in tiền” để bù vào thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Video đang HOT
Cải tổ Nội các hay Ngân hàng Trung ương… cho thấy công cuộc cải cách ở Myanmar vốn bắt đầu từ lĩnh vực chính trị đang tiếp tục được triển khai sâu rộng ra nhiều lĩnh vực khác, nổi bật là kinh tế. Năm 2012, chính phủ Myanmar cũng đã cải cách hệ thống ngoại hối phức tạp của nước này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Những cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng theo hướng dân chủ hoá đời sống chính trị đất nước và thị trường hoá nền kinh tế của Myanmar đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đón nhận đầy tích cực. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các định chế tài chính quốc tế lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) đã lần lượt dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với Myanmar.
Rất nhiều tập đoàn, công ty lớn nước ngoài đang đổ tới Myanmar để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo các thống kê chính thức được Tổng thống Thein Sein công bố mới đây, đầu tư nước ngoài vào Myanmar trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3-2013 đã tăng gần gấp 5 lần so với 1 năm trước, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp dệt may địa phương.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, hãng phần mềm khổng lồ Microsoft của Mỹ cũng đã chính thức thông báo tham gia thị trường Myanmar thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác với Công ty Công nghệ Thông tin Myanmar. Trước đó vài ngày, một “ông lớn” khác của thế giới là tập đoàn Coca-Cola đã mở nhà máy đầu tiên tại nước này với cam kết sẽ đầu tư 200 triệu USD và tạo ra hàng nghìn việc làm mới.
Cải cách mạnh mẽ và toàn diện đang mang lại những thành quả đáng khích lệ cho Myanmar, quốc gia mà mới vài năm trước còn chìm đắm trong bao khó khăn với sự bao vây cấm vận nặng nề của Mỹ và phương Tây. WB nhận định: Myanmar, quốc gia đang thể hiện tăng trưởng kinh tế mạnh, là một “điểm sáng” ở châu Á có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực. Định chế tài chính này cho rằng kinh tế Myanmar tiếp tục đà tăng trưởng đáng khích lệ, dự kiến đạt 6,5% trong năm nay, cao hơn 6,3% của năm 2012 và 5,5% năm 2011.
Theo ANTD
Nhiều quốc gia Đông Nam Á di dời thủ đô?
Các quan chức ở Thái Lan, Indonesia và Philippines đang thảo luận những đề xuất nghiêm túc ý tưởng di chuyển Thủ đô tới một địa điểm khác. Lý do chính được nêu ra là do tác động ngày càng tiêu cực của những vấn đề đô thị như: tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông và lũ lụt.
Kế hoạch "táo bạo"
Tờ The Diplomat số cuối tuần ra ngày 20-7-2013 có bài viết của tác giả Mong Palatino nhấn mạnh, việc di chuyển này rất quan trọng và cần phải có những quyết định "táo bạo", "dũng cảm" từ các nhà lãnh đạo cấp cao, bởi các thành phố như: Bangkok, Jakarta và Manila đang có nguy cơ bị nhấn chìm. Ngày 27-6-2013 vừa qua, phụ trang địa chính trị của tờ Le Monde (Pháp) có bài viết mang tựa đề "Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030?". Với vấn đề chung đặt ra, tác giả của bài viết và cả nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Đổi mới Kỹ thuật - Đại học Tokyo (Nhật Bản) do Yukiko Hirabayashi đứng đầu đều nhận định: Nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục nóng lên một cách mất kiểm soát, không có biện pháp đối phó nào hiệu quả thì Thủ đô của Thái Lan cũng như Chính phủ nhiều nước trên thế giới sẽ phải trả một cái giá rất đắt trước hậu quả của biến đổi khí hậu. Số người bị đe dọa lũ lụt sẽ tăng gấp nhiều lần, và một ví dụ điển hình có thể thấy trong tương lai gần, đó là: Chỉ chưa đầy 20 năm nữa, Bangkok sẽ bị chìm sâu trong nước.
Trước đó 1 tuần lễ, trong báo cáo về tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu trong khu vực thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 19-6-2013, Thủ đô Bangkok của Thái Lan được xếp vào số các đại đô thị bị ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng thay đổi khí hậu. Còn nhớ mùa mưa năm 2011, Cục Phòng ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai của Thái Lan xác nhận, con số người chết vì trận lũ lịch sử lên tới xấp xỉ 600 người, hơn 900.000 người Thái mất việc làm vì lũ. Đó là chưa kể, cuộc sống của hơn 13 triệu người, tương đương 20% dân số Thái Lan đảo lộn hoàn toàn vì lụt lội, thiệt hại kinh tế lên tới 35 tỉ USD.
Thủ đô của Indonesia và Philippines trong thời gian qua cũng không thoát khỏi những thảm họa của việc thay đổi khí hậu. Tại Jakarta, những trận lũ kinh hoàng hồi tháng giêng 2013 vừa qua làm tê liệt thành phố đã chứng tỏ vòng tuần hoàn lũ 5 năm/lần ở nơi đây. Trong khi đó, Manila không chỉ bị lũ lụt đe dọa mà còn nằm trên nhiều đường đứt gãy địa lý.
Cũng theo tác giả Mong Palatino, ý tưởng di chuyển Thủ đô ở một số quốc gia Đông Nam Á vốn không phải là hoàn toàn vô lý, thậm chí là ý tưởng đặc biệt cấp tiến. Trên thực tế, Malaysia đã di chuyển một phần trung tâm của Kuala Lumpur đến Putrajaya vào năm 1999, trong khi Myanmar đã chuyển vốn từ "Thủ đô Yangon" thành Naypyidaw vào năm 2005.
Đối mặt với nhiều thách thức
Tuy nhiên, những đề xuất này không phải dễ dàng được thực hiện. Đó là vấn đề nổi cộm của cả một quốc gia. Thứ nhất, một khoản kinh phí khổng lồ đang chờ cũng đủ khiến các nhà hoạch định quốc gia chùn bước. Chính quyền Myanmar cho biết, sẽ phải mất 4 tỉ USD để xây dựng một trung tâm mới tại Naypyidaw, chiếm hơn 40% ngân sách quốc gia. Thứ hai, mặc dù sẵn sàng trích một khoản ngân sách khổng lồ cho việc di dời Thủ đô, nhưng không ai dám đảm bảo rằng, chuyển sang một Thủ đô mới sẽ thúc đẩy sự tiến bộ hoặc là nó sẽ giảm bớt những tiêu cực, tai ương từ thiên nhiên. Thứ ba, nhiều câu hỏi được đặt ra là thành phố thay thế liệu có làm giảm chất lượng cuộc sống ở các trung tâm đô thị hàng đầu Đông Nam Á này hay không? Thứ tư, tính đến yếu tố văn hóa, tinh thần của các Thủ đô cũ, nhiều chuyên gia cho rằng, những vấn đề nên được nhấn mạnh trong các cuộc tranh luận không chỉ là việc đề cử Thủ đô thứ hai mà là sự cần thiết phải thực hiện một mô hình phát triển có thể sẽ dẫn đến sự tiến bộ toàn diện của các thành phố, thị trấn và khu vực nông thôn. Nói cách khác, thách thức không chỉ là xây dựng một Thủ đô lớn được trang trí với các tòa nhà hùng vĩ và cung điện mà là việc tạo ra môi trường sống có thể sống được.
Việc thúc đẩy xây dựng các Thủ đô thay thế dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào chất lượng sống ở các trung tâm đô thị lớn của Đông Nam Á không được cải thiện hay giải quyết một cách đúng đắn. Trung tuần tháng 7, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes của Philippines đã đề xuất thành lập một Ủy ban nghiên cứu tính khả thi của việc di dời Thủ đô nước này.
Theo ANTD
Vì phẩm giá con người Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 13-5 khiến dư luận rất lo ngại: Đến năm 2015, trên thế giới vẫn còn khoảng 2,4 tỷ người, tương đương 30% dân số toàn cầu, không được tiếp cận các cơ sở vệ sinh cơ bản. Cảnh đi lấy nước sạch...