Điểm mặt các “quái vật biển” Hải quân Mỹ tiếp nhận năm 2014
Hải quân Mỹ hàng năm luôn bổ sung vào biên chế nhiều tàu chiến mới nhằm đảm bảo và duy trì ưu thế tuyệt đối trên biển.
Cùng điểm danh các tàu chiến, tàu ngầm mà Hải quân Mỹ tiếp nhận trong 2014:
USS Somerset (LPD-25)
Tàu đổ bộ USS Somerset (LPD-25).
Tàu đổ bộ USS Somerset (LPD-25), lớp San Antonio, là chiếc tàu đầu tiên được Hải quân Mỹ tiếp nhận trong năm nay.
Con tàu được khởi đóng ngày 11-12-2009, hạ thủy ngày 14-04-2012 và chính thức được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ ngày 01-03-2014.
Tên của nó được đặt theo tên hạt Somerset, bang Pennsylvania.
Đây là nơi chiếc máy bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống ngày 11-09-2001, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, bao gồm cả nhóm không tặc.
Những gì ghi lại trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ tay bọn không tặc.
Sau này, người ta đã sử dụng 22 tấn thép lấy từ một cần trục lớn gần nơi chuyến bay số hiệu 93 rơi để chế tạo một phần con tàu, nhằm thể hiện sức mạnh, ý chí quyết tâm gượng dậy và chiến đấu với kẻ thù của người Mỹ.
Tàu USS Somerset (LPD-25) tại buổi lễ tiếp nhận.
USS Somerset có chiều dài 208,5m, rộng 31,9m, lượng giãn nước đầy tải 25.000 tấn.
Tàu được trang bị 4 động cơ diesel Colt-Pielstick, giúp đạt tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ.
Tàu có khả năng mang theo 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC hoặc 1 tàu đổ bộ LCU, 800 lính đổ bộ, thủy thủ đoàn gồm 28 sĩ quan và 333 thủy thủ.
Video đang HOT
Vũ khí trang bị trên tàu gồm có: 2 pháo Bushmaster II cỡ nòng 30mm, 2 hệ thống phòng không RIM. Trên tàu có sàn đáp cho 4 trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc 2 máy bay MV-22.
Một số hình ảnh bên trong con tàu:
USS Coronado (LCS-4)
Tàu tác chiến ven bờ USS Coronado (LCS-4).
USS Coronado (LCS-4) là chiếc tàu tác chiến ven bờ thứ 4 của Hải quân Mỹ và là tàu thứ 2 thuộc lớp tàu tác chiến ven bờ Independence.
Tàu được khởi đóng ngày 17-12-2009, hạ thủy ngày 14-02-2012 và chính thức đưa vào biên chế ngày 05-04-2014. Tên của con tàu được đặt theo tên thành phố Coronado, bang California.
Tàu USS Coronado (LCS-4) có chiều dài 127,4m, rộng 31,6m, lượng giãn nước đầy tải 3.104 tấn.
Tàu được trang bị 2 động cơ General Electric LM2500 giúp tàu có thể đạt được tốc độ tối đa lên đến 47 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.300 hải lý (ở tốc độ 20 hải lý/giờ).
Thủy thủ đoàn gồm 8 sĩ quan và 32 thủy thủ, ngoài ra tàu có thể chở thêm 35 người cho các nhiệm vụ đặc thù.
Tàu USS Coronado (LCS-4) tại buổi lễ tiếp nhận.
Vũ khí trang bị trên tàu gồm có: 1 pháo Mk 110 cỡ nòng 57mm, 4 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, 1 hệ thống phòng không SeaRAM.
Đặc biệt, tàu USS Coronado là tàu tác chiến ven bờ đầu tiên của Hải quân Mỹ thử nghiệm cùng với tên lửa chống hạm NSM do Na Uy chế tạo.
Vào ngày 24-09-2014, con tàu đã phóng thử 1 quả tên lửa NSM đánh trúng 1 mục tiêu di động trên biển.
Ngoài ra, tàu còn tiến hành thử nghiệm với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout vào ngày 16-10 năm nay.
USS America (LHA-6)
Tàu đổ bộ USS America (LHA-6).
Đáng chú ý nhất trong năm 2014 là việc Hải quân Mỹ tiếp nhận tàu đổ bộ thế hệ mới đầu tiên thuộc lớp America, mang tên USS America (LHA-6).
Tàu được khởi đóng ngày 17-07-2009, hạ thủy ngày 04-06-2012 và chính thức được đưa vào biên chế ngày 11-10-2014.
Đây là con tàu thứ 4 trong lịch sử của Hải quân Mỹ mang tên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tàu USS America (LHA-6) có chiều dài 257,3m, rộng 32,3m, lượng giãn nước đầy tải 45.693 tấn, tàu có kích thước lớn tương đương tàu sân bay của một số quốc gia.
Thủy thủ đoàn của con tàu bao gồm 65 sĩ quan và 994 thủy thủ.
Tàu có khả năng chở theo 1.687 lính thủy đánh bộ, tuy nhiên con tàu lại không được thiết kế khoang đổ bộ mà thiên về chức năng đổ bộ bằng trực thăng và máy bay V-22.
Tàu USS America (LHA-6) tại buổi lễ tiếp nhận.
Tàu có thể mang theo các loại máy bay như AV-8B Harrier II, MV-22B, trực thăng CH-53K, UH-1Y, AH-1Z, MH-60S.
Trong tương lai, các máy bay thế hệ 5 cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B sẽ thay thế các máy bay AV-8B và mang lại cho con tàu sức mạnh tương đương như 1 tàu sân bay thực thụ.
Vũ khí trang bị trên tàu gồm có: 2 hệ thống phòng không RAM, 2 bệ phóng tên lửa phòng không Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 7 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.
USS North Dakota (SSN-784)
Tàu ngầm USS North Dakota (SSN-784).
Là tàu ngầm duy nhất mà Hải quân Mỹ tiếp nhận trong năm 2014, USS North Dakota (SSN-784) cũng là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Virginia Block III của Hải quân Mỹ.
Tàu được khởi đóng ngày 11-05-2012, hạ thủy ngày 15-09-2013 và đưa vào biên chế ngày 25-10-2014. Đây là con tàu thứ 2 của Hải quân Mỹ mang tên bang North Dakota.
Tàu USS North Dakota (SSN-784) tại buổi lễ tiếp nhận.
Tàu USS North Dakota (SSN-784) có chiều dài 114,9m, rộng 10,3m, lượng giãn nước đầy tải 7.800 tấn, tốc độ khi lặn là 25 hải lý/giờ.
Tàu có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 33 năm không cần tiếp nhiên liệu.
Khác với các tàu ngầm lớp Virginia khác, tàu USS North Dakota được trang bị 2 ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk cỡ lớn, với mỗi ống chứa tối đa 6 tên lửa thay vì bố trí 12 ống phóng riêng biệt.
Thiết kế này giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng phóng tên lửa của tàu.
Theo Tri Thức