Điểm kỳ lạ ở Vua Bánh Mì bản Việt: Lòng tốt mâu thuẫn của kẻ vì bênh người nhà mà hại người khốn khổ?
Thông điệp của Vua Bánh Mì bản Việt càng về những tập sau càng méo mó, khó hiểu.
Vua Bánh Mì bản Việt đã đi được 1/3 chặng đường. Phim đã bước vào giai đoạn kịch tính chính nhưng thông điệp của nó vẫn mâu thuẫn và mơ hồ.
Nguyện và Gia Bảo trong “Vua Bánh Mì” bản Việt
Hữu Nguyện ( Quốc Huy) là chàng trai có năng khiếu làm bánh. Từ xa, Nguyện có thể ngửi thấy rõ và phân biệt được nguyên liệu của từng loại bánh, loại bột. Oái oăm thay, từ nhỏ mẹ của Nguyện – bà Dung ( Nhật Kim Anh) bị bắt cóc rồi mất tích. Thế là Nguyện phải gác lại tương lai, lên đường rong ruổi 12 năm trời tìm mẹ.
Trong bản gốc Hàn Quốc, không có chuyện bà Dung bị mất tích. 12 năm trời lênh đênh đây đó của nam chính bản Việt là do đạo diễn sáng tạo thêm. Vì những sáng tạo này mà nhân vật chính bị đẩy ra khá xa khỏi tuyến kịch bản gốc. Giờ đây Vua Bánh Mì bản Việt trở nên rất mờ mịt, hỗn độn bởi những đạo lý không rõ ràng.
Vua Bánh Mì nhưng lại căm ghét làm bánh?
Trong tập 24, 25 Hữu Nguyện đã xác định nhiều lần là anh chàng không hề thích bánh mì. Cụ thể hơn, là thứ bánh mì gắn liền với ngày tháng sống trong căn nhà giàu có của cha. Đó là khoảng thời gian sống sung sướng nhưng lại bị tách khỏi mẹ. Tại đây, Nguyện “được” hoặc phải nói là bị “ép” học về bánh mì. Dĩ nhiên trong tâm trí của một đứa trẻ, bánh mì sẽ vô tình gắn liền với việc xa mẹ. Ở với mẹ là có cơm ăn, xa mẹ chỉ có nước gặm bánh mì là vậy. Đã vậy lại còn thương nhớ mẹ hơn 12 năm trời, dĩ nhiên những chiếc bánh mì sẽ không đơn thuần chỉ còn là mùi thơm ấm cúng với Nguyện nữa.
Từ bé, bánh mì đối với Hữu Nguyện chỉ gắn liền với nước mắt
Áp vào câu chuyện phim, Nguyện được “tiên đoán” là trở thành thiên tài làm bánh mấy chục năm mới xuất hiện một lần. Khi anh bắt tay vào học nghề thì hành trình chinh phục mấy thớ bột của Nguyện sẽ vô cùng khiên cưỡng. Bởi vì giờ đây đối với Nguyện, làm bánh mì chỉ để phục thù cho mẹ chứ không phải xuất phát từ niềm đam mê. Vua Bánh Mì mà làm bánh vì thù hận, hoặc miễn cưỡng ban ơn cho những người xung quanh sẽ cho ra lò những chiếc bánh như thế nào?
Ngày nhỏ, Nguyện sống trong nhung lụa nhưng không hề sung sướng
Không một ai từng hỏi Nguyện có muốn làm bánh hay không?
Nguyện đi đâu cũng gặp người tốt, nhưng chưa hẳn là đối tốt với cậu. Trong chuyến lưu lạc tìm mẹ, Nguyện gặp một chủ lò bánh khác. Người này phát hiện ra năng khiếu làm bánh của cậu, và muốn đưa cậu về dạy làm bánh. Vấn đề là Nguyện không muốn lần nữa lại chui vào nhà giàu. Cậu bé kiên quyết từ chối nhưng ông Hai – người đang đỡ đầu cậu bị đuổi đi, thế là không còn lựa chọn nào khác, Nguyện phải về ở xưởng bánh.
Chú Hai khuyên Nguyện về nhà giàu ở để được học làm bánh
Ông Phú là người liên tục dụ dỗ Nguyện đến ở với mình
Tương tự khi gặp thầy Phan – sư phụ làm bánh mì, Nguyện đã nói rất rõ rằng cậu chỉ muốn tìm người đàn ông có hình xăm chong chóng. Nhưng bằng mọi giá, ông thầy già này liên tục ép Nguyện phải vào làm học việc ở tiệm bánh của ông. Rồi bày ra đủ thử thách ngửi bánh, nếm bánh v.v.. cho Nguyện.
Ai gặp Nguyện cũng muốn tốt cho cậu, nhưng chưa một ai từng hỏi Nguyện muốn gì. Có thể cậu bé có tài làm bánh, nhưng chưa biết mẹ ở đâu, sống chết ra sao thì hỏi thử ai có tâm trạng nhào bột? Người lớn trong Vua Bánh Mì bản Việt cứ thế ép Nguyện học làm bánh mà chẳng ai quan tâm đến lời cầu cứu thực sự của cậu: “Mẹ con ở đâu?”.
Nói là về dạy làm bánh chứ nhiều khả năng, tới tập 30 rồi mà nhào bột, Nguyện cũng chưa biết làm. Vì những “người thầy” của cậu chưa có một ai dạy Nguyện làm thứ gì cả. Chủ yếu toàn bắt cậu bé ngửi bánh mì, nếm bánh mì v.v…
“Học làm bánh” với Nguyện thực ra toàn là lý thuyết
Danh nghĩa “người tốt” trong “Vua Bánh Mì bản Việt”: Bao che hung thủ bắt cóc giết người, hành đứa con trai đi tìm mẹ?
Vinh (Trung Dũng) nhiều năm trước bắt cóc bà Dung rồi khiến bà trượt chân rơi xuống sông, trôi mất tích. Sau 12 năm anh hoàn lương và xin vào lò bánh mì làm thợ. Trời xui đất khiến, Nguyện tìm đến được lò bánh để đi tìm tung tích gã bắt cóc mẹ mình. Ông Mừng (NSƯT Hữu Châu) và toàn bộ các thành viên trong tiệm đều biết đó là Vinh. Nhưng chỉ vì Vinh đã hoàn lương, tất cả mọi người đều bao che cho Vinh và đồng loạt đối xử tồi tệ với Nguyện. Ông Mừng một mực phản đối Nguyện vào học việc, lại còn bày ra đủ loại thử thách khủng khiếp để hành người con hiếu thảo chỉ muốn đi tìm mẹ. Nguyện từng phải vác 32 bao bột mì to đùng từ trong tiệm ra ngoài, chỉ để vài phút sau phải vác ngược lại vào trong nhà. Vậy có phải nhân viên của tiệm bánh mì nhà ông Mừng đang bao che cho tội phạm bắt cóc và gián tiếp giết người không?
Thầy Phan đưa Nguyện vào làm học việc tại tiệm bánh
Vinh thú nhận tội lỗi với thầy Phan
Ông Mừng bắt Nguyện vác bột ra ngoài rồi lại mang ngược trở vào
Thầy Phan (Nghệ sĩ Tấn Phi) lại còn khuyên Nguyện là hãy… gác bỏ hận thù, chuyên tâm làm bánh như người lương thiện. Nghe có vẻ cao cả đấy, nhưng căn bản là từ vị trí của ông không có tư cách khuyên Nguyện câu này. Vinh là học trò của ông Phan, nói chuyện lương thiện, khuyên Nguyện gác bỏ hận thù chẳng qua là đang nói đỡ cho Vinh. Thầy Phan đang tỏ ra cao cả nhưng thực chất là đang muốn cứu học trò mình. Vấn đề là Vinh đã phạm tội nghiệm trọng, Luật pháp còn không bỏ qua được thì đạo lý làm được gì? Có những chuyện có thể bỏ qua để làm người lương thiện nhưng dính tới Luật pháp và tính mạng, sự an nguy của người khác thì không thể bỏ qua. Đặc biệt là món nợ liên quan đến chữ Hiếu, nhất định phải đòi.
Thầy Phan khuyên Nguyện bỏ qua hận thù nhưng căn bản, ở vị trí của thầy thì không nên khuyên như thế
Người thầy của nghề làm bánh khuyên Nguyện tập trung sống lương thiện, làm bánh mì nhưng liệu ông có từng hỏi bánh mì có ý nghĩa nào đối với Nguyện chưa?
Chưa kể thái độ hối lỗi của Vinh cũng rất nửa vời. Hắn ta chỉ biết quỳ xuống xin Nguyện tha thứ nhưng tuyệt đối không hé răng về động cơ bắt cóc bà Dung. Vinh đang cất giữ một bí mật nào đó có liên quan đến số mệnh của mẹ con Nguyện nhưng lại không chịu nói ra. Vậy thì hành động ăn năn đó có chân thành không? Trường hợp của Vinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sau khi đã đền đáp mất mát của Nguyện. Không còn một phương pháp bao dung nào khác cho hắn tả cả.
Vinh hối lỗi nhưng vẫn kín miệng lắm
Nguyện còn một phương án nữa để “báo thù” kẻ gián tiếp gây ra mọi tai hoạ cho anh và mẹ. Đó là chuyên tâm làm bánh, lật đổ để chế bánh mì hoặc cướp quyền thừa kế từ tay Gia Bảo (Bạch Công Khanh). Nhưng nếu làm thế thì lại quay về vấn đề đặt ra ở trên, động cơ làm bánh của Vua Bánh Mì mà chỉ là báo thù thì sự nghiệp của Nguyện sẽ dừng lại ngay khi cậu đạt được mục đích.
Bánh mì với Nguyện đã từng là một sự hiếu kỳ trẻ con
Điều Vua Bánh Mì còn thiếu chính là lý do để Nguyện đam mê làm bánh, một tình yêu chân thành dành cho bánh mì để cậu có thể chuyên tâm rèn luyện. Từ trước đến nay, cái mà Nguyện có chỉ là một sự tò mò, hiều kỳ đơn thuần của một đứa trẻ với nghề làm bánh. Cậu cần một lý do đơn thuần nhưng đủ mạnh để có thể vượt qua mọi khó khăn để trở thành một bậc thầy bánh mì thực thụ.
Vua Bánh Mì bản Việt hiện lên sóng lúc 20h các ngày thứ 2 – 7 hàng tuần trên THVL1.
Bỏ đam mê làm bánh, Vua Bánh Mì bản Việt hóa vua bụi đời, suốt ngày đi đánh đấm hệt siêu nhân?
Vua Bánh Mì bản Việt trở thành "vua bụi đời" vì nhân vật chính giờ đã không làm bánh nữa mà chuyển qua suốt ngày đánh nhau.
Nam chínhVua Bánh Mì bản Việt sau bao năm cuối cùng cũng đã lớn. Anh chàng Hữu Nguyện (Quốc Huy) không còn làm bún, làm bánh mì nữa mà giờ chuyển qua đi đánh nhau suốt ngày trên hành trình bôn ba tìm mẹ.
Nguyện giờ đây suốt ngày đánh nhau ngoài chợ
Theo bản gốc, Vua Bánh Mì xoay quanh câu chuyện thanh niên từ bé có năng khiếu làm bánh. Cậu lớn lên với niềm đam mê bánh mì và đôi bàn tay tài hoa, luôn tìm tòi ra những phương thức làm bánh mới. Nhưng sang đến bản Việt, cuộc đời của nam chính Hữu Nguyện dường như kéo dài hơn rất nhiều. Từ làm bánh mì, Nguyện bị bắt cóc và lưu lạc đến một gia đình làm bún. Tại đây, cậu học thêm cách làm bún. Rồi lại tiếp tục lưu lạc đến một lò bánh bông lan, học làm bánh bông lan. Sau đó Nguyện trở thành một cậu bé phụ việc trên ghe vận chuyển trái cây. Giao trái cây chán chê, Nguyện quên hẳn ước mơ làm bánh mà tập trung đi tìm mẹ.
Nguyện đi phu giao trái cây kiếm sống trước khi bỏ về Cần Thơ tìm mẹ
Giờ đây, Vua Bánh Mì không còn làm bánh mì nữa mà chuyển thành Vua Bụi Đời. Sau nhiều năm lang thang sông nước tìm mẹ, Nguyện trở thành một gã bụi đời đích thực. Anh chàng đánh nhau nhiều tới nỗi tự xưng là đại ca và được người dân trong cả khu chợ tung hô.
Nguyện vừa đánh nhau vừa lưu ý tìm kẻ có hình xăm chong chóng
Trở thành "idol" của khu chợ nhờ đánh nhau giỏi
Tập 21 của Vua Bánh Mì như một tập phim giang hồ. Vì khi trưởng thành, Nguyện (Quốc Huy) nói chuyện bằng nắm đấm. Vừa hay tin manh mối về mẹ (Nhật Kim Anh), Nguyện đánh nhau liên tục. Một mình cậu đối đầu với nguyên một băng giang hồ. Thậm chí, cậu hạ gục cả thủ lĩnh của băng đảng rồi tra tấn hắn để tìm thông tin về mẹ?
Thân thủ phi phàm của Nguyện khiến anh giống "Vua Sát Thủ" hơn là Vua Bánh Mì
Biết là đạo diễn muốn mở rộng thêm cuộc đời của Nguyện nhưng hình như việc biến Vua Bánh Mì thành Vua Bụi Đời dường như hơi lố. Đã khá nhiều tập phim trôi qua, khán giả vẫn chưa thấy ổ bánh mì nào cả. Không biết Vua Bánh Mì có cần phải biết làm bún và bánh bông lan không nhưng tới hiện tại, nam chính của phim đang dần trôi khá xa khỏi tựa phim: "Vua Bánh Mì".
Vua Bánh Mì dễ dàng né được cú ném dao, ghế của trùm băng đảng xã hội đen
Giờ đây có thể gọi Nguyện là Vua Bụi Đời vì anh quá giỏi đánh nhau. Hoặc có thể gọi anh là Vua của các loại bột vì Nguyện đã học được quá nhiều món có chứa tinh bột, nhưng bánh mì thì chưa chắc Nguyện đã biết làm.
Không biết Nguyện còn nhớ cách làm bánh không ta?
Vua Bánh Mì bản Việt tiếp tục lên sóng vào 20h các ngày thứ 2-7 hàng tuần trên kênh THVL1.
Thì ra Cao Minh Đạt "tham phú phụ bần", bỏ Nhật Kim Anh để cưới vợ richkid ở Vua Bánh Mì bản Việt tập 12 Nếu năm xưa, ông Đạt (Cao Minh Đạt) không cắn răng cưới bà Khuê vì gia thế giàu có ở Vua Bánh Mì bản Việt thì giờ đây tai họa có đến với nhà ông? Tập 12 của Vua Bánh Mì bản Việt tiết lộ lý do vì sao ông Đạt (Cao Minh Đạt) ngày xưa lại cưới bà Khuê (Thân Thúy Hà)...