Điểm hẹn du lịch vùng cao Tân Lạc, Hòa Bình
Vượt qua những làn sương sớm trên cung đường uốn lượn, thung lũng xã Vân Sơn ( Tân Lạc, Hòa Bình) dần hiện ra trước mắt với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ.
Cùng những nét văn hóa, tập quán sinh hoạt truyền thống lâu đời, sự cởi mở và hiếu khách của người dân bản địa… tất cả tạo nên một điểm dừng chân lý tưởng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Một góc vùng cao huyện Tân Lạc. Ảnh chụp tại xóm Chiến, xã Vân Sơn
Video đang HOT
Thả bước trên mảnh đất vùng cao Vân Sơn, chúng tôi gặp những người dân cần cù canh tác trên những sườn đồi núi dốc, tạo ra bức tranh sinh động trùng trùng, điệp điệp. Với cảnh quan thiên nhiên ban tặng, những năm gần đây, xã đã hình thành một số hộ kinh doanh dịch vụ homestay. Vợ chồng chị Hà Thị Thậm là 1 trong 3 hộ tiên phong cải tạo ngôi nhà sàn thành không gian lưu trú cộng đồng thu hút du khách. Gia đình chị đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất tiện ích, đồng thời đảm bảo lưu giữ được những nét bản sắc dân tộc. Thời điểm năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng tập trung vào những ngày cuối tuần bình quân từ 15 – 20 khách lưu trú.
Chị Hà Thị Thậm, chủ homestay Hải Thạn, xóm Chiến, xã Vân Sơn chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây homestay của gia đình tôi đã đón nhiều đoàn khách du lịch, chủ yếu đến từ Hà Nội. Du khách đến đây đặc biệt hài lòng về không gian nghỉ dưỡng, khí hậu mát mẻ và sự thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách của người dân bản địa. Đối với một số khách quốc tế, họ rất ấn tượng với những cung đường trekking mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp huyền bí của động Nam Sơn”.
Một trong những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến với vùng cao huyện Tân Lạc đó là chợ phiên Lũng Vân được họp vào thứ Ba hằng tuần. Đây là nơi thu hút đông đảo tư thương trong vùng và các địa phương lân cận đến buôn bán, trao đổi hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Tại phiên chợ, nhiều sản vật đặc trưng của các xã vùng cao được bày bán như: Quýt cổ Nam Sơn, rau su su Quyết Chiến… Đặc biệt, nhiều sạp hàng còn bày bán các sản phẩm vải thổ cẩm với nhiều họa tiết nổi bật, mang vẻ đẹp tinh tế trong văn hóa người Mường khiến nhiều du khách thích thú.
Cụm 3 xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông nằm ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Với những nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hoà và bề dày văn hoá truyền thống, lịch sử lâu đời. Địa bàn các xã vùng cao giáp ranh với các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Pù Luông (huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá), có hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa đạng. Đến với vùng cao Tân Lạc, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, tìm hiểu về nếp nhà sàn, hay đắm mình dưới dòng thác nước trong những ngày hè oi bức… Tất cả tạo nên những dấu ấn đặc trưng của du lịch vùng cao để níu chân du khách gần xa đến thưởng ngoạn.
Đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, du lịch vùng cao huyện Tân Lạc hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển dịch vụ thương mại, nông nghiệp sạch. Hiện nay, UBND huyện tập trung xây dựng đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê duyệt xây dựng điểm du lịch trọng điểm tại các xã vùng cao. Quyết tâm phát huy lợi thế để tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, tạo sinh kế cho người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.
Khám phá du lịch bản Ngòi, Tân Lạc (Hòa Bình)
Thuộc xã Suối Hoa (Tân Lạc, Hòa Bình), bản Ngòi hay còn gọi là "bưa dâm" nằm ẩn sâu trong khu vực hồ thủy điện Hòa Bình.
Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu ôn hòa với mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, địa hình bao quanh bởi những dãy núi đá vôi cùng thảm thực vật nguyên sinh, hệ động vật phong phú, rất phù hợp với những ai yêu thích trải nghiệm cuộc sống gần gũi với tự nhiên.
Nằm bên hồ Hoà Bình thơ mộng, bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) mang vẻ đẹp nguyên sơ, cuộc sống của người dân yên bình |
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Hoa cho biết: Bản Ngòi là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mường với 90 hộ, trên 300 nhân khẩu. Người dân còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại. Đời sống của bà con phụ thuộc vào công việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm nương rẫy, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền. Điều này góp phần tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn, sức hấp dẫn của bản. Nhiều du khách đến đây tham quan, khám phá để thỏa trí tò mò về một ngôi làng Mường nguyên sơ, heo hút, chưa bị tác động bởi cuộc sống hiện đại.
Gia đình chị Phạm Thu Phương (Hải Phòng) vừa có kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 đáng nhớ với chương trình khám phá các điểm đến trên khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình, trong đó có điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) bản Ngòi. Chị Phương chia sẻ: Từ Hải Phòng, gia đình tôi lựa chọn đi du lịch bằng xe ô tô cá nhân để tiện di chuyển. Sau 1 đêm nghỉ dưỡng tại KDL Bakhan Village Resort (Mai Châu), chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên tuyến đường ven hồ nối từ Ba Khan đến bản Ngòi. Ấn tượng của gia đình tôi khi dừng chân tại điểm đến này là có nhiều ngôi nhà sàn lợp mái cọ nằm ven hồ, mặt nước trong xanh như ngọc mang đến cảm giác yên bình. Bà con hiếu khách và nhiệt tình chỉ dẫn cho gia đình tôi những nơi có nhiều cảnh đẹp để check - in.
Cách đây ít năm, với sự đồng hành của Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình, mô hình homestay đón khách tại bản được triển khai. Một số hộ dân đã nâng cấp, cải tạo nhà ở đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, sức chứa mỗi sàn tối đa 25 khách. Mỗi homestay là một nếp nhà sàn truyền thống dân dã nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, sạch sẽ. Anh Bùi Văn Hiện, chủ homestay Chuông Gió cho biết: Bản Ngòi làm DLCĐ muộn hơn so với các điểm đến khác nhưng với tiềm năng đang sở hữu, chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều du khách đến khám phá vẻ đẹp và trải nghiệm dịch vụ lưu trú văn hóa cộng đồng.
Điểm DLCĐ bản Ngòi còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn truyền thống mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc: xôi lá nếp cẩm, gà đồi nấu măng chua, cá sông Đà. Đặc biệt khi đến đây, du khách có cơ hội tham gia lớp học nấu món ăn dân tộc do chính người bản địa hướng dẫn, tham quan hoạt động nuôi cá lồng bè, cùng ngư dân cất vó cá vào lúc 3h, "mục sở thị" sự dồi dào về sản lượng tôm, cá vùng lòng hồ. Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ trình tấu chiêng Mường, hát dân ca Mường đặc sắc do đội văn nghệ bản thể hiện.
Đến với bản Ngòi, du khách được đắm mình vào không gian sống an yên, chiêm ngưỡng những thác nước tự nhiên và vịnh Ngòi Hoa trong xanh được bao bọc bởi núi non hùng vĩ, đẹp đến nao lòng; di tích quốc gia động Hoa Tiên với những khối măng, nhũ độc đáo mang lại trí tưởng tượng phong phú. Cũng tại đây, du khách có cơ hội thăm địa điểm trước đây người dân đào được trống đồng Lũng Cú, thăm nhà sàn của thầy mo - "người giữ lửa" trong đời sống tinh thần của người Mường, tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể mo Mường và nghe thầy mo diễn xướng trích đoạn mo trong nghi lễ cầu phúc lộc... Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình cũng là đơn vị tiếp tục đồng hành với người dân phát triển du lịch theo hướng bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng và kết hợp sản phẩm du lịch thể thao, giải trí (cano motor, chèo thuyền kayak...) giúp du khách khám phá hoạt động trải nghiệm sôi động trên KDL hồ Hòa Bình.
Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng các xã miền núi Hòa Bình Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống. Các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc đã làm nên sức hút của du lịch cộng đồng nơi đây. Một góc hồ Hòa Bình. (Ảnh: Hồng Hạnh) Nhiều lợi thế phát...