Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc đang phát huy hiệu quả
Dịch vụ công trực tuyến là một bước quan trọng trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến đã và đang được toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước nỗ lực mở rộng tới toàn bộ các đơn vị sử dụng ngân sách.
Lượng khách hàng trực tiếp đến Kho bạc Nhà nước đã giảm hẳn kể từ khi dịch vụ công trực tuyến được triển khai. Ảnh Thuỳ Linh.
Triển khai trên toàn hệ thống
8 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã quyết liệt triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Kho bạc Nhà nước thành phố, quận, thị xã. Kho bạc Nhà nước đã chủ động nâng cấp, hoàn thiện hiệu năng chương trình dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã tích cực tuyên truyền, chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Theo thống kê mới nhất của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết ngày 31/8/2019, trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã có 40.273/117.984 đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ công chiếm tỷ lệ 34,13% tổng số đơn vị giao dịch (trong đó có 426 đơn vị giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước và 39.847 đơn vị giao dịch khác tham gia).
Cụ thể tại các địa phương, đơn cử như tại Kho bạc Nhà nước Bắc Giang, đến nay, trên toàn tỉnh Bắc Giang đã có 883/1.487 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến. Riêng tại Văn phòng Kho bạc Nhà nước Bắc Giang có 193/259 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia. Theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Bắc Giang, thực hiện kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước Bắc Giang tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách, phấn đấu đến quý 1/2020, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách có giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện sử dụng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc.
Hay như tại Thái Nguyên, tính đến hết tháng 7 vừa qua, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đến tại 1.310/1.373 đơn vị sử dụng ngân sách, đạt 95% kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng trong tháng 7, đã có 28.524 bộ hồ sơ phát sinh thực tế tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, trong đó có 14.929 bộ hồ sơ phát sinh qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến(chiếm 50% lượng chứng từ phát sinh qua Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên). Bình quân 1 ngày tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên phát sinh trên 600 chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến.Và đến thời điểm hiện tại, đã có tới 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Thêm một ví dụ nữa tại Kho bạc Nhà nước Lào Cai, thống kê đến giữa tháng 9, đã có 219 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, đạt 92,4% tổng số đơn vị sử dụng ngân sáchcó giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh và Kho bạc Nhà nước thành phố. Trong đó, tại Kho bạc Nhà nước Lào Cai có 130 đơn vị và tại Kho bạc Nhà nước thành phố Lào Cai có 89 đơn vị. Tổng số bộ hồ sơ giao dịch thành công trên dịch vụ công trực tuyến là 9.471 đạt tỷ lệ 60% tổng số hồ sơ giao dịch và không có hồ sơ giao dịch quá thời hạn.
Đến nay, tại tất cả các Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đánh giá từ Kho bạc Nhà nước, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo tính pháp lý, an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ.
Quy trình thông suốt
Video đang HOT
Có thể nói, dịch vụ công trực tuyến là một bước quan trọng trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Hoạt động này là tiền đề cho việc hiện đại hóa công tác kiểm soát chi của hệ thống Kho bạc Nhà nước theo hướng: Hồ sơ, chứng từ chi ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách được gửi đến dịch vụ công trực tuyến; từ đó những hồ sơ, chứng từ được phân loại, xử lý ở các cấp độ khác nhau trên hệ thống lõi TABMIS như chi thường xuyên, chi đầu tư hay chi khác nên bảo đảm minh bạch.
Qua dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện quản lý được cán bộ của mình bằng việc kiểm soát, nắm tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi ở từng bước, từng khâu của quy trình. Từ đó làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ; làm cho hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước minh bạch hơn, rõ ràng hơn, phục vụ đơn vị, người dân tốt hơn.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ được hưởng nhiều lợi ích như: không phải mang hồ sơ thanh toán trực tiếp đến Kho bạc Nhà nước, tiết kiệm thời gian (do các hồ sơ, chứng từ, yêu cầu thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên đã được đơn vị sử dụng ngân sách nhập và truyền qua mạng đến Kho bạc Nhà nước).
Đồng thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “Kho bạc Nhà nước từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “Kho bạc Nhà nước đang xử lý hồ sơ”; “Kho bạc Nhà nước đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”, lý do từ chối thanh toán; “Hồ sơ sử dụng ngân sáchxử lý quá hạn”. Điều này đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của Kho bạc Nhà nước, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ của đơn vị mình.
Theo nhận xét của các đơn vị sử dụng ngân sách, các thủ tục như: đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; thủ tục giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán đều dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã truyền được chứng từ sang Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện hoàn thiện chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến, kết nối thành công vào Tabmis và trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định.
Thùy Linh
Theo haiquanonline.com.vn
Đặt mốc 90-95% học sinh tham dự cuộc thi, không là bệnh thành tích thì là gì!
Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh, đã là cuộc thi thì phải là tự nguyện, ai tham gia thì tham gia, các cháu không thích thì thôi, đặt chỉ tiêu làm gì.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã chia sẻ một số ý kiến của thầy xung quanh việc triển khai cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến trong các nhà trường ở Hà Nội.
Theo thầy Phạm Tất Dong, hiện nay xã hội của chúng ta đã phát triển hướng đến một nền kinh tế số hóa thì các dịch vụ qua mạng là rất cần thiết.
Thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: TTXVN
"Người dân đi mua hàng giờ cũng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mà thôi.
Thậm chí ở nhà, cần mua gì, khách hàng đặt online là xong.
Việc Hà Nội triển khai các dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện, cắt giảm thời gian, bớt phiền hà cho người dân là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đối với trẻ con, các con học cái đó làm gì vội. Người lớn, các cơ quan công sở hiểu và làm được việc này là đủ", thầy nói.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc này thiên về các kỹ năng, thao tác thì cần tổ chức huấn luyện ở các cơ quan. Tại các xã, phường có người hướng dẫn cho người dân.
Việc này phải thành kỹ năng chứ không chỉ là nhận thức.
"Câu hỏi hoành tráng nhưng trả lời bằng cách tra cứu trên mạng, thi cho xong có khi được giải thật nhưng lại chẳng làm được khi cần.
Thậm chí kể cả có bộ đáp án nhưng nếu các con chưa cần dùng đến các dịch vụ này thì để làm gì?.", Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, các con sử dụng thành thạo máy tính thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, các phòng giáo dục, các trường nên hướng dẫn các con kỹ năng học trực tuyến thì tốt hơn.
"Sở, phòng, trường hãy đưa các tài liệu cập nhật lên mạng, hướng dẫn các con tìm tài liệu và bằng cách nào có thể truy cập được, có thể học trực tuyến.
Việc đó thiết thực, lợi ích với các con hơn nhiều là tham dự các cuộc thi vì thành tích phải đạt 90-95% tham gia. 90-95% học sinh tham dự không là bệnh thành tích thì là gì.
Đã là cuộc thi thì phải là tự nguyện, ai tham gia thì tham gia, các cháu không thích thì thôi, đặt chỉ tiêu làm gì.
Cá nhân tôi mong những người quản lý giáo dục tập trung làm tốt nhiệm vụ dạy và học, giúp các con thành người tử tế thay vì trường học thành nơi thống kê số lượng người tham gia cho các cuộc thi", Giáo sư Dong nói.
Ông nhấn mạnh: "Cái gì cũng vậy. Một khi người ta thấy lợi ích thiết thân, hiệu quả thì chả bắt người ta thi người ta cũng làm.
Nhiều phần mềm ứng dụng có tổ chức thi cử gì đâu mà người ta vẫn tải app, vẫn làm ầm ầm đấy thôi.
Không chỉ Giáo sư Phạm Tất Dong, sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải 2 bài viết Bảo học sinh cấp 2 thi về dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội thực sự muốn gì?, Chủ trương của Sở, nói không bắt buộc nhưng áp chỉ tiêu cao nhất là 95%, nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này.Quan trọng, các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi, dễ thao tác, nhanh chóng, hệ thống chạy tốt thì không bắt thi người dân cũng tự tìm đến".
Bạn đọc Lê Tuấn cho rằng, rất nhiều địa phương, ban ngành phát động các "cuộc thi tìm hiểu" đủ các loại và để có số lượng bài tham gia, học sinh là đối tượng được hướng đến.
"Quản lí giáo dục phải xem xét cuộc thi nào có lợi cho học sinh và phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện", độc giả nêu quan điểm.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Số hóa sổ điểm, học bạ: Có chấm dứt tình trạng 'làm đẹp' kết quả? Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. Việc số hóa dữ liệu học tập liệu có chấm dứt được tình trạng "làm đẹp" học bạ như hiện nay ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông? Sổ điểm điện tử sẽ đẩy lùi tình trạng làm đẹp kết quả học tập...