Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình, dân rắc vôi bột trắng xóa chuồng
Tính đến ngày 26/11, dịch tả lợn châu Phi bùng phát 8/8 huyện, thành phố tại tỉnh Ninh Bình, trên 15.000 con lợn mắc bệnh đã chết và tiêu hủy.
Nhiều hộ lợn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi tiến hành khử khuẩn, rắc vôi bột trắng xóa chuồng…
Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.557 hộ, trên 620 thôn, xóm tại 108/142 xã, phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại tỉnh Ninh Bình khiến nhiều hộ nuôi lợn chết trắng chuồng Ảnh: N B
Với tổng số con lợn bị mắc bệnh do dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trên 15.000 con, tương đương với 1.085.852kg. Trong đó, có 3.456 con lợn nái trọng lượng là 638.980kg và 11.548 con lợn thương phẩm trọng lượng 446.873kg.
Nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan tại tỉnh Ninh Bình là do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc.
Video đang HOT
Tính đến ngày 26/11, tỉnh Ninh Bình tiêu hủy 15.000 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: N B
Ngoài ra, khi con lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà ngay lập tức bán chạy hoặc giết mổ lợn để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải,…khiến cho dịch tả lợn châu Phi khó kiểm soát.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, giảm thiểu thiệt hại cho các hộ chăn nuôi lợn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đã cấp trên 10.300 lít hóa chất cho 8/8 huyện, thành phố để triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường.
Người dân huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) dùng vôi bột để xử lý khu vực chuồng nuôi lợn. Ảnh: N B
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình triển khai tập huấn giúp người dân chủ động nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực cho người chăn nuôi và cộng đồng
Hầu hết số xã có hiện tượng lợn ốm nghi ngờ mắc bệnh đều được lấy mẫu giám sát, gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi làm căn cứ để các huyện, thành phố công bố dịch theo quy định.
Kiểm soát chặt, ngăn chặn các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 231.000 con lợn, chiếm 0,8% tổng đàn lợn hơn 28 triệu con hiện nay, với trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng 10.000 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Mang lợn bị bệnh đi tiêu hủy (huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Hiện nay, cả nước có 899 ổ dịch tại 228 huyện của 43 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan diện rộng là rất cao.
Bởi, đây là bệnh hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch.
Trong khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhiều hộ chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện và chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng bệnh. Đường biên giới với các nước rất dài, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giao lưu thương mại của người dân Việt Nam với các nước rất đa dạng, nhưng cũng là mối nguy dẫn đến dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam...
Vừa qua, một số địa phương đã có tình trạng dịch tả lợn châu Phi gia tăng. Riêng trong tháng 11/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 7 văn bản yêu cầu UBND các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi như: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk. Theo đó, các địa phương phải tập trung khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, dây dưa kéo dài, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Đồng thời, thành lập ngay các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.
Các địa phương chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Nếu xảy ra dịch bệnh phải báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh; công bố và tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Đặc biệt, địa phương tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp.
Cùng đó, tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để giải quyết những khó khăn bất cập trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng...; trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh, thành phố, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cho phép tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020, cho đến khi có quy định mới về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật trên cơ sở sửa đổi, thay thế các điều khoản liên quan đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Quảng Trị: Đến khổ, dịch tả lợn châu Phi "tái xuất" lúc giá lợn hơi xuống thấp, nông dân lại lao đao Bên cạnh gặp rất nhiều bất lợi do giá lợn hơi giảm sâu kỷ lục thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục đối mặt với tình trạng dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Nhiều hộ chăn nuôi lợn buộc phải tiêu hủy cả đàn lợn đến vài chục con mà họ đặt...