Dịch sởi đang “nóng”, sốt siêu vi đe dọa cộng đồng
So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc sởi đang ở mức báo động, trẻ bệnh nặng liên tục phải nhập viện. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gia tăng bệnh sốt siêu vi, cộng đồng cần tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Mới đầu năm đã có gần 1.000 ca mắc sởi
Số liệu thống kê các dịch bệnh truyền nhiễm của ngành y tế thành phố cho thấy, từ đầu năm đến nay, các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng giảm so với tháng cuối của năm 2018.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, một số loại bệnh lại ở mức rất cao, trong đó sốt xuất huyết là 6.733 ca (tăng 249% so với năm 2018 là 1.931 ca), dịch sởi đã ghi nhận gần 1.000 ca trong khi cùng kỳ năm trước không có ca bệnh sởi.
BS Hữu Khanh theo dõi sức khỏe bệnh nhi tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Nhi đồng 1
Hiện, dịch sởi đang xuất hiện ở tất cả 24 quận huyện trên toàn thành phố, nguy cơ tiếp tục lây lan trên diện rộng.
Ngày 18/2, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Số ca bệnh sởi còn ở mức cao, tại khoa đang điều trị cho 15 ca bệnh nặng, nhiều bé bị suy hô hấp, viêm phổi.
Cùng với TPHCM, sởi đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Nếu không chủ động chích ngừa và thực hiện các biện pháp dự phòng, điều trị kịp thời thì sởi sẽ tiếp tục tấn công cộng đồng. Với tình hình dịch tễ như hiện nay, dự báo có thể phải hết tháng 6/2019 dịch sởi mới bớt căng thẳng”.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể suy giảm tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội khác và nguy cơ biến chứng viêm não, viêm tại giữa, viêm phổi.
Video đang HOT
Các bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đã có vắc xin chủng ngừa. Dịch sởi bùng phát mang tính chu kỳ 4 đến 5 năm 1 lần là do tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để phòng bệnh.
Để tránh nguy cơ mắc sởi, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động chích ngừa, phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi.
Những trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích chưa đầy đủ cần đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn, chích bổ sung.
Cảnh giác với sốt siêu vi
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các tỉnh miền Nam đang trong giai đoạn nắng nóng với nhiệt độ lúc cao nhất trong ngày 35 đến 360C. Nền nhiệt độ cao, bức xạ tia cực tím ở mức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng có thể còn kéo dài trong thời gian tới khi thời tiết đi sâu vào mùa khô.
Thời tiết cực đoan ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả trẻ em và người lớn tuổi
Thời tiết nắng nóng sẽ gia tăng nhiều loại bệnh như hô hấp, tiêu hóa ở nhóm trẻ em và người lớn tuổi. Bên cạnh đó, loại bệnh khá phổ biến sẽ gia tăng nhanh trong cộng đồng giai đoạn chuyển mùa được BS Trương Hữu Khanh cảnh báo là sốt siêu vi. Đây là bệnh do vi rút gây ra, chúng rất dễ tấn công nhóm đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc đã bị suy giảm nhưng trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, mặt khác ở giai đoạn chuyển mùa, cơ thể thường phải chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ nhiễm siêu vi càng cao.
Nhiễm siêu vi là bệnh cấp tính, lây lan nhanh. Siêu vi có thể tấn công vào cơ thể qua đường hô hấp (trẻ sẽ có biểu hiện ho, sổ mũi…); tiêu hóa (có biểu hiện tiêu chảy, nôn ói); qua da do muỗi chích (sốt cao, ít kèm theo ho). Biểu hiện thường gặp nhất là sốt cao đột ngột (39oC đến 40oC), biếng ăn, đau cơ, mệt mỏi…
Cần theo dõi, phát hiện dấu hiệu bệnh diễn tiến nặng để trẻ đến bệnh viện, tránh nguy hiểm
Phần lớn bệnh nhân sốt siêu vi sẽ tự khỏi, có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu. Tuy nhiên, cộng đồng không nên chủ quan mà cần phải theo dõi những biến chứng và dấu hiệu của bội nhiễm vi trùng như co giật, lừ đừ thay đổi tri giác, thở co lõm, tím tái, sốt quá cao nhưng không thể hạ sốt, nôn ói nhiều, trong phân có máu, mắt trũng, xuất hiện những chấm xuất huyết ở da. Khi thấy người bệnh có một trong những biểu hiện này cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch… là những giải pháp đơn giản được bác sĩ khuyến cáo để tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng các loại bệnh truyền nhiễm nói chung. Ngoài ra, trong thời điểm nắng nóng cần hạn chế ra đường nếu không cần thiết. Trường hợp bắt buộc phải đi lại, người dân cần chú ý mang nón, khẩu trang, mặc quần áo dài tay để che tránh nắng.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cẩn trọng với bệnh trẻ em
Cuối tháng 2, đầu tháng 3, một số bệnh trẻ em bắt đầu vào mùa.
Nhiều bệnh trẻ em đến hẹn lại lên, bắt đầu vào giai đoạn cao điểm theo chu kỳ hằng năm trong thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3 sắp tới: thủy đậu, quai bị, tay chân miệng..., trong khi dịch sởi vẫn chưa hết hẳn và sốt xuất huyết (SXH) cũng chỉ vừa mới hạ nhiệt.
Không ít bệnh để phòng ngừa
Ngồi chờ xe buýt trước Viện Pasteur (TP HCM), chị An Mai (34 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) tranh thủ xem xét tay chân và hỏi kỹ đứa con trai 7 tuổi xem có bị ngứa ở đâu không. "Em cháu bị lên trái rạ (thủy đậu), tôi vội đưa cháu đi chích ngừa, kẻo bệnh thì phải nghỉ học cả mấy tuần" - chị giải thích. Con trai nhỏ của chị Mai năm nay 5 tuổi, vừa ăn Tết ở quê vào 1 ngày thì phát hiện thủy đậu. Sợ anh bị lây bệnh từ em, chị đưa đi chích ngay với hy vọng vắc-xin có thể giúp thoát bệnh hoặc nếu bệnh thì cũng nhẹ hơn, vì nghe nói 10 ngày sau vắc-xin này đã bắt đầu có tác dụng, trong khi thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày.
Chị Ng.T.A và chị Tr.X.A, 2 người bạn thân đều vừa kết hôn cũng tranh thủ đến đây để chích ngừa sởi, bởi xem trên tivi thấy cảnh một thai phụ bị sởi, con có nguy cơ dị tật nên rất sợ. "Tôi có chích hồi 9 tháng tuổi, còn có chích nhắc hay không thì giấy tờ đã thất lạc nên đi chích lại cho chắc ăn. Vả lại, tôi nghe nói chích bây giờ là chích gián tiếp cả cho con, giúp con tránh được bệnh mấy tháng đầu đời" - chị X.A. nói.
Tay chân miệng: Đỉnh thường rơi vào tháng 3-4
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trong thời gian sắp tới, một số bệnh thường gặp ở trẻ em sẽ vào mùa, đầu tiên là thủy đậu, sau đó là quai bị; đến tháng 3-4 sẽ là đỉnh thứ nhất của bệnh tay chân miệng (TCM) hằng năm. Ngoài ra, không thể lơ là SXH vì dù cao điểm thường nằm trong mùa mưa nhưng đó vẫn là bệnh quanh năm. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, nhận định dựa vào thời tiết năm nay bệnh TCM sẽ đạt đỉnh thứ nhất trong năm vào khoảng tháng 4, bởi đỉnh này thường rơi vào giai đoạn thời tiết nóng nhất.
Riêng SXH, căn bệnh gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua đang rơi vào giai đoạn "hạ nhiệt". Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tuần cuối cùng của tháng 1 (25 đến 31-1) số ca SXH đã giảm đến 29% so với số trung bình của 4 tuần trước đó, song vẫn cao hơn 257% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng bệnh TCM đang rơi vào giai đoạn thấp điểm trong năm với chỉ 28 ca nhập viện trong tuần cuối cùng của tháng 1, giảm 58% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã cảnh báo, chỉ hơn 1 tháng nữa căn bệnh này có thể trở lại giai đoạn cao điểm. Vì vậy, phụ huynh cần giúp trẻ đề phòng bằng cách rửa tay thường xuyên cho trẻ và cho chính mình, giữ vệ sinh môi trường sống, đồ chơi...
Sởi, thủy đậu, quai bị: cần chích ngừa đủ
BS Trương Hữu Khanh lưu ý căn bệnh thủy đậu, giai đoạn cao điểm rơi vào tháng 2 đến tháng 6 hằng năm và đã bắt đầu xuất hiện. Thủy đậu là một bệnh có thời gian lây nhiễm khá dài, từ 2-3 ngày trước khi nổi bóng nước và kéo dài tới 3 tuần sau khi các bóng nước lặn hẳn, nên nếu trẻ bị có thể ảnh hưởng nhiều tới việc học tập và lây nhiễm cho nhiều người. Nguy hiểm nhất là phụ nữ mang thai bị thủy đậu. Nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có nguy cơ bị sẩy hoặc bị đục thủy tinh thể khi ra đời. Trẻ em dưới 3 tháng bị bệnh cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, phụ nữ được khuyên tiêm vắc-xin này trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, vì bé có thể được kháng thể từ mẹ bảo vệ cho đến 9 tháng tuổi.
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng vừa trải qua một đợt dịch sởi từ cuối năm ngoái nên theo BS Khanh, có thể đến cuối tháng 6 đợt bệnh này mới hết hoàn toàn. Để phòng ngừa sởi thì cũng phải chích ngừa. Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho thấy tuần cuối của tháng 1, toàn thành còn 126 ca sởi, đã giảm 20% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Nếu trẻ đã chích ngừa sởi đủ 2 mũi thì có thể yên tâm khi lớn lên. Với phụ nữ tuổi sinh đẻ, nếu chưa tiêm ngừa sởi, không nhớ rõ chích nhắc mũi thứ 2 hay chưa, chích nhắc quá trễ và cũng chưa từng lên sởi thì nên đến cơ sở y tế tiêm ngừa trước khi mang thai 1-3 tháng. Vắc-xin này nếu chích dư mũi cũng không gây hại gì nhưng nếu để mắc bệnh khi mang thai thì rất nguy hiểm cho mẹ và con.
Cả 3 bệnh thủy đậu, quai bị, sởi đều chỉ mắc 1 lần trong đời, tức những ai từng bệnh thì cũng được miễn dịch suốt đời như người đã tiêm đủ vắc-xin.
Đi khám ngay nếu sốt trên 2 ngày, sốt cao khó hạ
BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo dấu hiệu đầu tiên và dễ dàng nhất để phụ huynh nhận biết và nghi ngờ trẻ mắc SXH, sốt siêu vi, TCM, thủy đậu... chính là sốt. Nếu sốt trên 2 ngày, sốt cao khó hạ (không hoặc kém đáp ứng với thuốc hạ sốt) thì phải đưa trẻ đi khám ngay.
Anh Thư
Theo Người lao động
Dịch sởi gia tăng, mẹ trẻ lên mạng gieo quẻ bệnh sởi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch sởi đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Phụ huynh lên mạng gieo quẻ bệnh sởi Ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn...