Đích đến của kẻ ham mê cờ bạc
Từ ban đầu “đánh cho vui”, dần dần Lê Thanh Hưng bị cuốn vào vòng xoáy của trò “đỏ đen” qua mạng, với ảo tưởng làm giàu nhanh chóng.
Khi không còn đủ tiền để tiếp tục những canh bạc may rủi, Hưng bắt đầu trượt dài trên con đường phạm pháp. Lợi dụng nhu cầu của người dân làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tách thửa, Hưng đã dựng lên “ bẫy lừa”, chiếm đoạt của 7 nạn nhân tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng…
Mánh khóe lừa đảo
Lê Thanh Hưng (sinh năm 1991), trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm nghề buôn bán đồng nát. Dù có vợ và 3 con, Hưng không chí thú làm ăn mà lại sa đà nghiện cờ bạc. Để có tiền “nướng” vào trò đỏ đen và tiêu xài cá nhân, lợi dụng lòng tin của một số người dân, Lê Thanh Hưng đã “nổ” bản thân có thể làm các thủ tục về cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, chuyển nhượng, tách thửa… để lừa các bị hại nộp tiền và sau đó chiếm đoạt.
Các bị hại yêu cầu bị cáo Lê Thanh Hưng trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
Cụ thể, vào tháng 7/2022, thông qua các mối quan hệ, Lê Thanh Hưng biết ông Hồ Ngọc L. (sinh năm 1972), trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu đang có ý định làm các thủ tục liên quan đất đai nên “nổ” bản thân mình có thể lo liệu được. Quá trình nhận làm hồ sơ cho ông L., từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, Lê Thanh Hưng đã đưa ra các lý do gian dối như nộp tiền xin cấp phép quy hoạch đất ở, nộp tiền thuế… để ông L. nhiều lần đưa tiền cho Hưng.
Để tạo lòng tin với ông L., Hưng đã sử dụng điện thoại cá nhân chỉnh sửa ảnh các giấy tờ liên quan rồi gửi qua mạng xã hội zalo như: phiếu thu tiền, biên nhận hồ sơ, biên bản xác định ranh giới mốc thửa đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông L.. Hưng còn đưa ra thông tin Giám đốc Văn phòng đăng ký đất tỉnh Nghệ An bị bắt và “sổ đỏ” của ông L. đang bị giữ lại để điều tra. Hưng yêu cầu ông L. đưa 200 triệu đồng để chuộc “sổ đỏ” về. Vì vậy, trong thời gian này, ông L. đã tin tưởng và nhiều lần đưa cho Hưng tổng số tiền 944,640 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Lê Thanh Hưng không sử dụng tiền để làm thủ tục cho ông L. mà đã tiêu xài cá nhân và đánh bạc qua mạng.
Tiếp đó, tháng 5/2022, ông Hoàng Mạnh Th. (trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) biết Hưng nhận làm thủ tục liên quan đất đai nên đã liên hệ làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 thửa đất của mình. Hưng đến nhà gặp ông Th. và giả vờ gọi điện thoại, sau đó nói dối ông Th. đã xử lý xong việc. Hưng yêu cầu ông Th. đưa cho mình 50 triệu đồng “phí ban đầu”. Khoảng một tuần sau, Hưng gọi điện cho ông Th. chuẩn bị 50 triệu đồng để đến Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện “quan hệ, chạy chọt”.
Sau khi nhận số tiền này, Hưng không nhờ cậy ai làm thủ tục nhưng vẫn nói dối việc của ông Th. “đã xử lý xong”. Để ông Th. tiếp tục đưa tiền, Hưng nói dối ông Th. là thửa đất của ông khai hoang sau 1980 nên phải “chạy” xin xác nhận là khai hoang trước 1980 mới được cấp bìa đỏ. Với chiêu trò này, Hưng yêu cầu ông Th. đưa thêm 120 triệu đồng. Sau đó, đối tượng này nhiều lần đưa ra những lý do như tiếp khách, gặp gỡ, quan hệ… để “vòi” tiền ông Th..
Tháng 7/2023, Hưng tự soạn một Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, in ra rồi viết nội dung và đóng dấu giả mạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Diễn Châu rồi đưa cho ông Th., yêu cầu ông Th. đóng thuế đất theo luật mới. Tổng số tiền Hưng chiếm đoạt của ông Th. là hơn 633 triệu đồng. Số tiền này, Hưng sử dụng để tiêu xài cá nhân và đánh bạc qua mạng hết.
Lê Thanh Hưng thời điểm bị bắt giữ
Trước đó, tháng 2/2022, Lê Thanh Hưng môi giới cho bà Trương Thị B. (trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) bán được các thửa đất của mình cho một vị khách với giá 9 tỷ đồng. Tháng 7/2022, do cần tiền tiêu xài cá nhân và đánh bạc qua mạng, Hưng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của bà B.. Với thủ đoạn nói dối bà B. là mình có thể làm nhanh thủ tục chuyển nhượng một số lô đất với giá 100 triệu đồng. Bà B. đồng ý và đưa cho Hưng 80 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ đưa khi xong việc. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Hưng không làm thủ tục như đã hứa mà đã dùng để đánh bạc qua mạng và tiêu xài cá nhân hết. Với thủ đoạn này, Lê Thanh Hưng đã nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà B. với tổng số tiền 180 triệu đồng.
Video đang HOT
Cũng với thủ đoạn tương tự, Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, trong đó người ít thì 100-200 triệu đồng, người nhiều gần 1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng chứng minh, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, Hưng đã chiếm đoạt tiền của 7 bị hại tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng. Quá trình lừa đảo, sợ bị hại phát hiện nên Hưng đã làm giả giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng con dấu giả của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Diễn Châu đóng dấu lên giấy biên nhận giả để đưa cho bị hại. Ngoài ra, Hưng còn lên mạng xã hội đặt mua “sổ đỏ” giả rồi đưa cho bị hại. Với hành vi trên, Lê Thanh Hưng bị truy tố và đưa ra xét xử về 3 tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nâng cao cảnh giác để không “tiền mất, tật mang”
TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thanh Hưng về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”; Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vào giữa tháng 9/2024 vừa qua. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Hưng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Biện minh cho hành vi lừa đảo của mình, bị cáo Hưng khai nhận do nghiện đánh bạc trên mạng nên “nổ” thông tin không có thật nhằm lấy tiền của các nạn nhân để tiêu xài và đánh bạc tiếp. Bị cáo còn khai đã dùng một số tiền đầu tư các lô đất dưới hình thức “lướt cọc”, nhưng sau đó do bỏ cọc nên mất nhiều tiền. Tuy nhiên, bị cáo không đưa ra được các bằng chứng liên quan đến lời khai này.
Ngồi dưới hàng ghế dự khán, chăm chú theo dõi suốt phiên tòa diễn ra, ông Hồ Ngọc L. bày tỏ sự bức xúc khi đã bị Lê Thanh Hưng lợi dụng, chiếm đoạt số tiền mà vợ chồng ông chắt chiu, dành dụm tích góp cả đời. Ông cũng tự trách bản thân mình vì đã nhẹ dạ cả tin vào những thông tin bịa đặt, gian dối của Lê Thanh Hưng, để bây giờ “tiền mất, tật mang”. “Gia đình bất hòa vì quyết định sai lầm của tôi. Chỉ vì bản thân tôi đã nhẹ dạ cả tin, để rồi tất cả tiền tích cóp của cả gia đình đều bị Lê Thanh Hưng lừa đảo, chiếm đoạt, mà giấy tờ liên quan đến đất đai cũng chưa làm được…”, ông L. bộc bạch.
Lê Thanh Hưng tại Cơ quan Công an, thời điểm bị bắt giữ.
Cũng tâm trạng bức xúc như ông L., bà B. kể: “Tôi không có nhiều hiểu biết về thủ tục pháp lý nên khi được giới thiệu về Lê Thanh Hưng, nghĩ người làng bên, lại nghe Hưng có nhiều mối quan hệ nên tôi không nghi ngờ gì mà tin tưởng, giao tiền để Hưng làm giấy tờ. Ban đầu, Hưng tỏ ra rất chuyên nghiệp và am hiểu về các thủ tục đất đai, liên tục tạo lòng tin ở tôi bằng các thông tin mà sau này tôi mới biết đó là do Hưng “nổ”, thông tin sai sự thật. Lê Thanh Hưng cứ bảo tôi yên tâm vì bản thân có nhiều mối quan hệ, đã từng làm thành công cho nhiều trường hợp. Với các lý do “chi phí ban đầu”, “tiền nước”, “Luật mới, phức tạp hơn nên cần tiền bổ sung phí xử lý thủ tục và giấy tờ”…, Hưng yêu cầu tôi giao thêm nhiều khoản tiền.
Cứ như vậy, chúng tôi đưa cho Hưng tiền, tin rằng thủ tục giấy tờ đất đang được xử lý mà không mảy may suy nghĩ đến rủi ro nào cả. Sau nhiều lần thúc giục, đợi chờ mãi không thấy Lê Thanh Hưng giao giấy tờ đất như đã hứa, chúng tôi mới tá hỏa đã bị lừa…”. Tại phiên tòa, bà B. cũng như 6 bị hại khác đều yêu cầu Lê Thanh Hưng trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, đồng thời mong HĐXX xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Bị cáo Lê Thanh Hưng tại phiên tòa.
Trước yêu cầu của các bị hại, Lê Thanh Hưng trình bày hiện không có khả năng trả nợ cho các bị hại, bị cáo hứa sau khi ra tù sẽ đi làm kiếm tiền trả lại. Trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Lê Thanh Hưng bày tỏ: “Bị cáo xin lỗi các bị hại. Mẹ bị cáo đang bị bệnh, đi viện suốt, con còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong nhà. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sớm trở về với gia đình, kiếm tiền trả nợ cho các bị hại…”.
Những đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tin của nạn nhân để thực hiện các hành vi phạm pháp. Vì vậy, thông qua phiên tòa, HĐXX cũng nhắc nhở mọi người cần nâng cao cảnh giác, phải luôn thận trọng và kiểm tra thông tin kỹ càng, không dễ tin vào những lời hứa hẹn. Đồng thời, mỗi người dân cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp lý để bảo vệ quyền lợi cá nhân và tránh rơi vào bẫy của những kẻ xấu. Đặc biệt, khi cần làm các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan giấy tờ bìa đất thì cần đến văn phòng, cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện, chứ không qua trung gian để tránh “tiền mất, tật mang”.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Lê Thanh Hưng 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 tháng tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và 6 tháng tù về tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bị cáo phạm tội khi bản án 20 tháng tù treo, thử thách 40 tháng chưa chấp hành xong. Tòa tuyên chuyển án treo thành án giam, buộc bị cáo phải chấp hành 20 tháng tù về tội Buôn bán hàng cấm, tổng hình phạt là hơn 18 năm tù.
Bẫy lừa của cựu nhân viên ngân hàng
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Đinh Trọng Huấn (sinh năm 1987, trú tổ dân phố Ngọc Anh, phường Phú Thượng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), nguyên nhân viên ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 22 tỷ đồng của đồng nghiệp và những khách hàng vay vốn tại ngân hàng mà Huấn quen biết do trực tiếp làm hồ sơ cho vay.
Giờ đây, có nạn nhân cho Huấn vay tiền đang nợ nần chồng chất, đứng trước nguy cơ mất nhà...
Nhiều đồng nghiệp sập bẫy lừa
Do đầu tư kinh doanh bị thua lỗ nên Đinh Trọng Huấn phải vay mượn tiền của nhiều người để trả nợ. Đến đầu năm 2021, để có tiền trả cho các khoản vay đến hạn và tiêu xài cá nhân, Huấn đã lợi dụng mình đang làm việc ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, đưa ra các thông tin gian dối như đang cần tiền trong thời gian ngắn để "đáo hạn" cho khách hàng ở ngân hàng nơi Huấn làm việc hoặc nói dối là đang cần vốn mua bất động sản, khi nào bán được sẽ trả gốc lãi. Tin tưởng lời nói của Huấn, nhiều bị hại đã cho Huấn vay, mượn tiền và bị Huấn chiếm đoạt.
Bị hại trong một vụ án lừa đảo trình báo tại cơ quan Công an.
Theo hồ sơ vụ án, Đinh Trọng Huấn quen thân với chị Trần Thị Diệu H. (sinh năm 1988, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế) do học cùng lớp đại học và cùng công tác trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế. Do cần tiền để trả cho các khoản vay đến hạn và tiêu xài cá nhân, Huấn nói dối chị H là đang cần tiền để đáo hạn các khoản vay cho khách hàng của Huấn tại Ngân hàng VCB để mua bán bất động sản.
Cụ thể, ngày 20/9/2021, Huấn đặt vấn đề vay chị H 600 triệu đồng và nói dối để mua đất, hẹn làm thủ tục sang tên xong sẽ thế chấp thửa đất tại VCB để vay tiền trả lại cho chị H. hoặc khi bán được đất thì trả. Thời gian vay khoảng từ 20 đến 30 ngày, thỏa thuận lãi 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày thì chị H đồng ý và chuyển khoản 2 lần 600 triệu đồng cho Huấn. Tiếp đó, Huấn nói dối chị H cần tiền mua đất ở Huế, Đà Nẵng nên chị H nhiều lần tin tưởng cho Huấn vay tiền.
Ngoài việc nhiều lần nói dối vay tiền để mua bất động sản, Huấn còn nói chị H là do nhu cầu vay đáo hạn ngân hàng của khách hàng nhiều nên Huấn đứng ra làm trung gian dịch vụ đáo hạn. Vốn bản thân cũng công tác trong ngân hàng nên khi nghe Huấn đưa ra lý do này, chị H hoàn toàn tin tưởng, yên tâm. Sau khi Huấn đặt vấn đề vay tiền, chị H đồng ý và nhiều lần cho vay với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 27/4/2022, Huấn nói dối đáo hạn khoản vay cho khách hàng để vay chị H số tiền 1,5 tỷ đồng, lãi thỏa thuận là 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày nên chị H đồng ý.
Tiếp đó, ngày 30/9/2022, Huấn vay chị H. số tiền 900 triệu đồng, lãi thỏa thuận là 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày. Mặc dù số tiền vay cũ chưa trả nhưng khi Huấn tiếp tục đặt vấn đề vay thêm tiền thì chị H lại đồng ý... Theo cơ quan điều tra, Đinh Trọng Huấn đã 11 lần vay tiền và chiếm đoạt của chị H tổng cộng số tiền 8,2 tỷ đồng. Số tiền này, Huấn không dùng để mua đất hay đáo hạn hồ sơ cho khách hàng nào cả mà chiếm đoạt đem đi trả các khoản nợ trước đó và tiêu xài cá nhân.
Tương tự, lợi dụng sự nhẹ dạ của đồng nghiệp làm cùng cơ quan, Đinh Trọng Huấn nói dối với anh Phạm Lương Q. (sinh năm 1983, trú tại phường Phú Thượng, TP Huế) là Huấn đang đầu tư đất ở Đà Nẵng nhưng thiếu tiền, cần vay của anh Q số tiền 800 triệu đồng và khoảng 1- 2 ngày sau sẽ trả gốc và lãi. Anh Q tin tưởng nên đồng ý cho Huấn vay, thỏa thuận lãi 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày. Chưa dừng lại ở đó, do cần tiền để tiêu xài, trang trải các khoản nợ trước đó, Huấn tiếp tục tìm cách lừa đồng nghiệp công tác tại VCB để chiếm đoạt tài sản.
Huấn nói dối với chị Lê Trương Diễm Th. (sinh năm 1975, trú tại phường Thủy Vân, TP Huế) là cần gấp tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách và chỉ trong vài ba ngày khách vay được tiền sẽ trả lại cả vốn lẫn lãi nên chị Th đồng ý cho Huấn vay số tiền 1,2 tỷ đồng, thỏa thuận lãi 2.000/ 1 triệu đồng/ ngày. Số tiền vay của chị Th, Huấn không dùng để đáo hạn hồ sơ cho khách hàng nào cả mà chiếm đoạt đem đi trả nợ cho các chủ nợ khác và tiêu xài cá nhân.
Nhiều khách hàng trở thành nạn nhân
Không chỉ nói dối để lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp công tác trong ngành ngân hàng mà những khách hàng do Huấn từng làm hồ sơ vay vốn ngân hàng cũng trở thành nạn nhân của Huấn. Để rồi, hôm nay, những nạn nhân oằn mình trên nợ nần. Cụ thể, Đinh Trọng Huấn và anh Võ Trần Phi H. là bạn bè quen biết nhau từ trước. Sau này, khi Huấn làm việc tại VCB chi nhánh Thừa Thiên Huế, anh H có vay tiền tại ngân hàng nên hồ sơ vay của anh H do Huấn làm. Quá trình quen biết, Huấn kể cho anh H nghe việc Huấn có góp vốn đầu tư đất ở thành phố Đà Nẵng, mục đích để cho anh H thấy Huấn có tài sản và tin tưởng.
Huấn nói dối anh H là mình đang cần tiền mua đất hoặc cần tiền để đáo hạn cho khách hàng tại ngân hàng Huấn đang làm. Tin tưởng lời nói của Huấn, anh H đồng ý cho Huấn vay tiền và Huấn cam kết trả lại tiền trong thời gian từ 5 đến 10 ngày, thỏa thuận lãi suất trung bình 2.200 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày. Cụ thể, cuối tháng 6/2021, Huấn gặp anh H vay số tiền 1,1 tỷ đồng, nói dối là để trả tiền mua đất, hẹn 10 ngày sau sẽ trả tiền gốc và lãi. Anh H tin tưởng đồng ý rồi chuyển số tiền 1,1 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Huấn.
Đến ngày 29/6/2021, anh H yêu cầu nên Huấn tự soạn "Hợp đồng cho cá nhân vay tiền", nội dung hợp đồng xác nhận số tiền Huấn vay 1,1 tỷ đồng, ghi mục đích vay tiền là "trả tiền mua đất", thời hạn vay 10 ngày, Huấn ký và đóng dấu tên "Đinh Trọng Huấn" rồi đưa cho anh H. Mặc dù đến thời hạn trả nợ, Huấn nói với anh H muốn trả tiền lãi hàng tháng, đợi giá đất lên cao sẽ bán để trả tiền gốc nên anh H đồng ý. Tổng số tiền Huấn vay của anh H là 6,7 tỷ đồng, trong đó, lần vay nhiều nhất là 2,2 tỷ đồng và lần vay thấp nhất là 600 triệu đồng.
Theo Cơ quan điều tra, toàn bộ số tiền này Đinh Trọng Huấn không dùng để mua đất hay đáo hạn hồ sơ vay cho khách hàng mà đã chiếm đoạt đem đi trả nợ cho các chủ nợ khác và tiêu xài cá nhân hết.
Tương tự, ngoài chiếm đoạt của anh H, Đinh Trọng Huấn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn cho Nguyễn Văn T. (sinh năm 1994, trú tại thôn Vân Dương, xã Thủy Vân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, Đinh Trọng Huấn và anh T có mối quan hệ quen biết. Một thời gian sau, Huấn đặt vấn đề vay tiền của anh T để làm hồ sơ đáo hạn cho khách tại VCB chi nhánh Thừa Thiên Huế và anh T đồng ý cho Huấn vay tiền và ban đầu, được Huấn trả gốc và lãi theo đúng thời hạn cam kết nên anh T rất tin tưởng. Đến ngày 9/8/2022, Huấn hỏi vay anh T số tiền 2 tỷ đồng nói dối để đáo hạn hồ sơ vay cho khách hàng, thời gian vay trong 5 -10 ngày sẽ trả, thỏa thuận lãi 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày thì anh T đồng ý.
Điều đáng nói, để có tiền cho Huấn vay, anh T đành phải đi mượn của người khác và người khác yêu cầu anh T phải có tài sản gì để chứng minh khả năng vay mượn. Lúc này, anh T đề nghị Huấn có tài sản gì thì chụp ảnh gửi lại cho anh T để đưa cho người cho anh T mượn tiền xem. Lúc này, Huấn tự lập hợp đồng đặt cọc mua đất và ký vào, rồi chụp ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất đứng tên Đinh Trọng Huấn cùng vợ ở Đà Nẵng gửi cho anh T nhằm tạo niềm tin. Sau đó, anh T chuyển 4 lần 2 tỷ đồng vào tài khoản của Huấn tại ngân hàng PVcombank. Số tiền chiếm đoạt của anh Nguyễn Văn T, Huấn không dùng để đáo hạn hồ sơ cho khách hàng nào mà chiếm đoạt đem đi trả nợ cho người khác và tiêu xài cá nhân.
Tương tự, anh Nguyễn Đắc L. (sinh năm 1993, trú tại phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) từng được Huấn trực tiếp làm hồ sơ vay vốn ở ngân hàng có vay thế chấp tại VCB chi nhánh Thừa Thiên Huế nên giữa hai người có mối quan hệ quen biết với nhau. Quá trình quen biết Huấn có mượn tiền của anh L và Huấn trả lại đúng hẹn nên anh L tin tưởng. Thời gian sau, do cần tiền để trả nợ cá nhân, Huấn nói dối anh L cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng của Huấn, cam kết trả trong thời gian từ 3 đến 5 ngày, giải ngân tiền sẽ trả lại, thỏa thuận lãi là 2.500 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày. Lần đầu, Huấn vay anh L số tiền 700 triệu đồng và anh L đồng ý. Tiếp đó, Huấn vay anh L số tiền 500 triệu đồng. Sau 2 lần cho Huấn vay tiền, thấy Huấn trả tiền lãi đầy đủ nên khoảng nửa năm sau, khi Huấn 2 lần đặt vấn đề vay thêm số tiền 1,5 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, giải ngân hồ sơ sẽ trả thì anh L đồng ý...
Bị cáo Đinh Trọng Huấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Trọng Huấn mới đây do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, nhiều bị hại của Huấn rất bức xúc khi giờ đây họ phải gánh một khoản nợ "khủng" sau khi bị Huấn lên kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều bị hại bức xúc cho rằng, chỉ trong chưa đầy 1 năm, Huấn chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi đó, người thân Huấn chỉ trả thay số tiền 440 triệu đồng...
"Thấy Huấn công tác tại một một ngân hàng uy tín nên khi nghe Huấn đưa ra lý do vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách và mua đất đai - bởi thời điểm đó đất rất sốt nên tôi hoàn toàn tin tưởng, yên tâm. Để có số tiền lớn đưa cho Huấn vay, tôi phải cắm sổ đỏ nhà đất tại ngân hàng để vay và huy động vốn từ người thân. Khi Huấn nói không có khả năng chi trả, tôi đành ngậm đắng nuốt cay xoay sở mọi cách để hàng tháng có đủ tiền trả lãi ngân hàng nhưng có những thời điểm rấy khủng hoảng... Giờ đây, Huấn vào tù, tiền cũng không trả cho tôi; còn số tiền tôi vay ngân hàng nếu trong một thời gian không có trả thì nhà đất của gia đình tôi sẽ bị ngân hàng siết nợ", một trong những nạn nhân của Huấn chia sẻ.
Như vậy, chưa đầy 1 năm (từ cuối năm 2021 đến năm 2022), Đinh Trọng Huấn đã chiếm đoạt tiền của 6 bị hại với tổng cộng số tiền chiếm đoạt là 21,9 tỷ đồng. Với hậu quả nghiêm trọng này, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt Đinh Trọng Huấn 15 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cơ quan Công an, thời gian gần đây, "sóng ngầm" cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra khá sôi động tại nhiều địa phương khi mà nhiều người dân gặp khó khăn nên không thể xoay ra tiền để trả nợ vay đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng hoạt động cho vay đáo hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có khá nhiều đối tượng là cán bộ tín dụng, nhân viên, trưởng phòng giao dịch các ngân hàng có uy tín đã "nhúng chàm"... Những đối tượng này thường đưa ra thông tin với các nạn nhân cần tiền làm đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng. Khi được nhiều người cho vay tiền, các đối tượng lại không làm đáo hạn mà sử dụng để trả các khoản nợ cũ, rồi mất khả năng trả nợ...
Theo các chuyên gia ngân hàng, để tránh rủi ro, người cho vay cần tuân thủ pháp luật về cho vay, tuân thủ quy định về lãi suất, đồng thời tìm hiểu kỹ người vay có thực sự có khoản vay đến hạn hay không. Khi cho vay, cần tham gia cùng người vay trong quá trình nhận tiền, trả nợ cho ngân hàng và nhận tiền vay mới của ngân hàng để tránh những rủi ro do bị lừa đảo.
Bắt quả tang hành vi phạm pháp của 2 bà lão U70 và U80 ở Hải Phòng Ngày 26/8, Công an TP Hải Phòng thông tin, các lực lượng chức năng vừa triệt phá 1 ổ nhóm, bắt giữ 6 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an quận Kiến An triệt xóa ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy, bắt Lê Thị Liệu và Lê Thị Liên. Ảnh: CQCA...