Dịch Covid-19: Việt kiều Mỹ 20 năm mới gặp cảnh vắng bao trùm, cuối tuần xếp hàng
Như ngày mai bão sẽ ập đến, hàng triệu người Mỹ trắng, đen, Mễ và nhiều sắc dân khác bỏ cả công việc, lật đật lái xe đi mua sắm khi nghe thông báo tình trạng khẩn cấp quốc gia vì Covid-19.
Quang c ảnh giữa trưa thứ sáu trong nhà hàng Việt đắt nhất nhì khu thương mại Eden (Falls Church, Virginia)
Khi số người ở Mỹ nhiễm coronavirus vượt mức 2.000, WHO tuyên bố tình trạng đại dịch,Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố lệnh cấm công dân các nước trong khối EU nhập cảnh (trừ Anh và Ireland nhưng tới giờ cũng đã cấm toàn bộ); thống đốc Maryland, Virginia và thị trưởng thủ đô Washington D.C. ra lệnh đóng cửa trường học hai tuần; và trong chiều thứ sáu (13.3), ngày đen đủi nhất trong tử vi phương Tây, Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, thì cả thủ đô Hoa Thịnh Đốn nói riêng và phần lớn nước Mỹ nói chung gần như vỡ trận.
Gạo trong chợ Tàu đã được nhập thêm về
Từ chỗ mấy trăm triệu người Mỹ hầu như chả để mắt tới virus Covid-19 bởi chính quyền Trump từ đầu đã đánh giá quá thấp và thay đổi kế sách chống dịch xoành xoạch, họ mới lờ mờ nhận ra tác hại khủng khiếp của con virus không đơn giản là một loại cúm mùa như vẫn thường phát biểu.
Khắp các siêu thị bán thực phẩm từ Walmart tới Costco, Sam Club, Trader Joe, Safeway, Giant, hay Aldi… đoàn người lo toan dài xếp hàng cả cây số chỉ để… đi vào tranh thủ có gì mua nấy. Ai tới trước mua trước, kẻ tới sau còn gì vét nấy, ai chậm chân thì đứng nhìn quầy thịt, bánh mì, trứng, sữa, nước uống… trống trơn không còn một miếng.
Dòng người xếp hàng đi siêu thị
Quầy giấy vệ sinh lẫn lau tay, lau mặt cũng không còn. Khẩu trang thì không cần nói cũng biết đã hết rồi. Nước rửa tay bây giờ thuộc hàng quý hiếm. Tìm khắp nơi không có một chai. Các loại thuốc chống cảm lạnh, hạ sốt, giảm đau như Motrin, Advil hay Tylenol cũng còn vài hũ cuối cùng. Tới lúc ra tính tiền, nhìn cái hàng dài ngoằn, xe nào cũng đầy ứ hự trật tự, kiên nhẫn chờ tới lượt mà tôi muốn xỉu.
Video đang HOT
Tới chừng 8h tối, bạn bè, nhân viên tôi gửi hình cho xem. Hầu như các quầy hàng siêu thị đều trống trơn, không còn cái gì hết. Tụi nó cười bảo giờ có tiền nhiều đi mua cũng chẳng ai bán cho mua.
Nhân viên tính tiền và khách châu Á đã đeo khẩu trang
Cứ như tận thế tới nơi vậy!
Nhưng có một sắc dân khác lại tỏ vẻ ung dung, không bị cuốn vào dòng xoáy đó: châu Á. Vì trước đó hai tuần, khi nhìn hàng ngàn người châu Á xếp hàng mua gạo, bánh mì, thịt, cá, trứng, nước mắm, nước uống, giấy vệ sinh, nước rửa tay… nhiều người lắc đầu, cười cợt vì không hiểu họ đang làm cái quái gì mà trữ nhiều thế. Ai cười cứ mặc, giờ thiên hạ nháo nhào, thì dân châu Á chúng tôi có đủ lương thực, thực phẩm dự trữ cho tới mùa xuân sang năm vẫn còn dư dả.
Các chợ Việt hay Tàu bên Eden (Falls Church, Virginia) khá vắng. Gạo, mì, cá, mắm, bánh mì, rau củ đã được đưa lại lên kệ, không còn tình trạng hút hàng. Chỉ có điều không có khách. Người Việt, Tàu hay Hàn đã ở nhà tránh dịch. Không còn cảnh rồng rắn đi chợ mua đồ tươi sống, ghé nhà hàng ăn trưa hay tối mà ở nhà tự nấu để ăn. Tôi vô nhà hàng Việt đắt nhất nhì khu Eden. Giữa trưa thứ sáu, mọi khi phải đứng xếp hàng dài mới có bàn, hôm ấy vắng quá trời. Đã nghe vài tiếng thở than lẫn an ủi nhau đi qua mùa dịch bệnh.
Quầy nước rửa tay và xà bông ở Walmart (Landover, Maryland)
Nhân viên tôi bảo may mà hôm trước sếp mua mấy chục chai nước rửa tay, chứ không bữa nay chẳng thể nào tìm được (dù lúc đó nó cứ trố mắt nhìn tôi hỏi mua chi dữ vậy). Một vài đứa nhắn tin hỏi còn nước rửa tay không, cho ít chai. Tôi cười, một chai nhỏ tặng mày xài thì ok, chứ đâu ra mà mấy chai dữ. Tôi vẫn còn một ít khẩu trang mang từ Việt Nam sang lúc về quê ăn Tết. Mấy hôm trước cũng tranh thủ lên công ty lấy thêm ít cái về để xài dần. Chứ không chắc cũng mua máy may với vải về, ngồi cọc cạch cắt may khẩu trang xài đỡ quá.
Có một điều khá lạ, khẩu trang tìm một cái không ra, nhưng hiếm thấy ai đeo. Theo khuyến cáo của phó Tổng thống Mike Pence lẫn các quan chức của CDC (Trung tâm phòng chống dịch bệnh), khẩu trang chỉ dành cho người… có bệnh. Còn người khỏe mạnh không nên đeo. Đừng làm tình trạng khủng hoảng nặng thêm, mà hãy nhường cho nhân viên y tế. Nên ra đường, ai đeo khẩu trang cũng bị soi dữ lắm. Người Mỹ vẫn chĩa miệng vào nhau nói chuyện thiệt to, nước miếng nước mồm văng tứ lung tung rất vô tư. Mình biết mình không bệnh chứ đâu có rành người đối diện như thế nào mà trông chờ vào ý thức của họ.
Hầu như không ai đeo khẩu trang
Rửa tay, rửa tay và rửa tay là hai từ được nhắc tới nhiều nhất trong lúc này. Rửa với xà phòng trong hai mươi giây. Nhẩm lời bài “Happy birthday to you” tới khi nào hết là dừng lại. Còn không thì xài nước rửa tay khô 60% cồn. Ở cửa ra vào các siêu thị Mỹ, luôn để một bình nước rửa tay khô hay hộp khăn ướt để lau tay diệt virus. Nhưng mặt mũi thì vẫn không quan tâm. Cứ vô tư ho, hắt xì ngay chốn công cộng.
Trong buổi họp hôm thứ ba về dịch bệnh, cả công ty chỉ mình tôi với một cô quản lý đa đen lo lắng về coronavirus, còn lại hầu như mọi người chỉ bảo đó là cúm thông thường, không cần quan tâm thái quá. Thì chỉ ba ngày sau thôi, mọi thứ đã xoay vèo 180 độ.
Một cuộc họp khác được gọi để bàn phương thức chống dịch khi chúng tôi làm trong lĩnh vực cho thuê mướn nhà, mỗi ngày nhân viên phải tiếp xúc với hàng trăm khách hàng, lẫn đi sửa chữa cho nhiều căn hộ. Sau bàn luận, đọc các thông tin trên mạng, công ty ra thông cáo cho gần 10 ngàn người đi thuê hạn chế tới văn phòng. Sẽ có người trực điện thoại thường xuyên và sẽ ngừng tất cả những dịch vụ sửa chữa nếu không phải là khẩn cấp.
Quầy thuốc hạ sốt, giảm đau ở Walmart (Landover, Maryland)
Chúng tôi khuyến cáo nhân viên nếu thấy có dấu hiệu nóng sốt, đau họng thì nên ở nhà cho tới khi khỏe mới đi làm (dù lương bổng không biết tính sao). Ai có thắc mắc thì gọi tới số hotline ở quận và bang (dù tôi gọi số của Maryland không thấy hoạt động). Người nào nghi ngờ mình bệnh thì gọi tới bác sĩ gia đình và làm theo hướng dẫn, chứ đừng tới bệnh viện mà lây lan cho người khác.
Đầu tuần sau, hệ thống tàu điện ngầm quanh thủ đô sẽ chạy theo lịch cuối tuần. Xe bus của quận được miễn phí với điều kiện hành khách phải lên cửa sau, tránh sự tiếp xúc với tài xế. Một vài sự kiện quan trọng của lễ hội hoa anh đào (Cherry Blossom) nổi tiếng khắp thế giới bị hủy hoặc hoãn (mà có mở cũng chẳng mấy ai đi). Tòa án đóng cửa. Các trường đại học ở khu vực thủ đô đã chuyển sang online.
Khăn ướt rửa tay trước khi vô Walmart
Hai mươi năm sống ở Mỹ, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được sự vắng vẻ khắp khu vực Washington D.C., lẫn sự lo lắng không biết sẽ làm gì, chuẩn bị mọi thứ ra sao trong những ngày sắp tới. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi nắng ấm lên? Hay rồi cả bang sẽ bị cách ly như nhiều thành phố, đất nước khác trên thế giới? Cách tốt nhất tôi có thể làm cho bản thân và gia đình lúc này là hạn chế tối đa việc tới chỗ đông người, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, rèn luyện thể thao và không quên việc rửa tay thường xuyên với đeo khẩu trang khi cần thiết.
Theo thanhnien.vn
Infographic: Toàn cảnh 39 người Việt chết trong xe container ở Anh
Việc phát hiện thi thể của 39 người di cư bên trong một chiếc xe container tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, hạt Essex rạng sáng ngày 23/10 đã khiến cả nước Anh rúng động và thảm kịch này trở thành tâm điểm được dư luận quan tâm trong hàng tuần sau đó.
Theo danviet
'Không có chuyện phải đóng tiền để đưa nạn nhân từ Anh về quê' Đây là khẳng định của chính quyền địa phương khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin được share với tốc độ chóng mặt rằng "muốn đưa thi thể những nạn nhân thiệt mạng trong container ở Anh về nước, gia đình phải đóng tiền" cho xã, huyện. Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội rằng gia đình các...