Dịch COVID-19 ‘tình cờ’ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Pháp
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến các tòa nhà văn phòng và các khu thương mại trở nên trống rỗng, trong khi làm việc tại nhà được cho là sẽ trở thành tiêu chuẩn sau đại dịch, đã thúc đẩy ý tưởng chuyển đổi mục đích sử dụng các tòa nhà này thành căn hộ nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở trong khu vực đô thị tại Pháp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 3/2/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Bộ trưởng Nhà ở Pháp Emmanuelle Wargon gần đây cho biết nước này đã bắt đầu thử nghiệm việc chuyển đổi tòa nhà văn phòng thành căn hộ và việc hình thức làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến càng thúc đẩy các dự án như vậy. Bà Wargon muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhằm đáp ứng cả về nhu cầu nhà ở và chống lại tình trạng lộn xộn trong vấn đề quy hoạch đô thị.
Một nghiên cứu được tiến hành gần đây ở khu vực Paris, nơi chiếm gần 1/5 dân số Pháp, cho thấy nếu khoảng 40% công ty áp dụng 2 ngày làm việc tại nhà mỗi tuần sau đại dịch, họ có thể giúp giảm gần 30% không gian văn phòng, tương đương 3,3 triệu m2, trong thập kỷ tới.
Người đứng đầu Viện nghiên cứu IEIF Christian de Karangal từng cho rằng việc chuyển đổi các tòa nhà văn phòng thành căn hộ nhà ở là điều “không tưởng” khi nhiều năm qua đã thảo luận về vấn đề này nhưng chưa bao giờ dẫn đến những hành động cụ thể.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chuyên gia De Karangal nhận định lần này có thể sẽ thay đổi ngay cả khi mức độ tác động của hình thức làm việc từ xa đối với việc sử dụng không gian văn phòng vẫn chưa rõ ràng. Lý do được đưa ra là ngoài việc giới chức nhà nước khuyến khích thực hiện kế hoạch chuyển đổi như vậy, một số tòa nhà cũng đang trở nên “lỗi thời” để sử dụng làm văn phòng và đang được các nhà đầu tư “nhòm ngó”.
Tuy nhiên, những thay đổi không phải lúc nào cũng đơn giản. Chuyên gia Sebastien Lorrain thuộc tập đoàn bất động sản thương mại quốc tế CBRE tại Pháp cho biết không phải tất cả các tòa nhà đều có thể chuyển đổi được. Theo chuyên gia này, nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 20% tòa nhà thực sự có tiềm năng để chuyển đổi.
Trong khi đó, chuyên gia Carlos Alvarez thuộc công ty kiến trúc Moatti-Riviere (đơn vị đồng đạt giải thưởng năm 2019 về chuyển đổi văn phòng thành căn hộ nhà ở) cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất là làm thế nào để các căn hộ đều có ánh sáng tự nhiên.
Các tòa nhà thương mại thường được thiết kế xây dựng trên một sàn rộng lớn khiến khó có thể bảo đảm mọi phòng đều có cửa sổ. Một vấn đề nữa là các tòa nhà thường được xây dựng từ những năm 1970, trong đó chủ yếu là để bán, thường chứa amiăng, khiến tiêu tốn thêm rất nhiều chi phí để loại bỏ vật liệu độc hại này.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng để triển khai các dự án chuyển đổi như vậy, nhà chức trách Pháp cần tạo điều kiện cấp phép xây dựng, giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như những quy định khiến quá trình tái phát triển trở nên đặc biệt đắt đỏ.
Hàng chục quốc gia lỡ hạn chót cập nhật mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã không cập nhật các cam kết của mình vào hạn chót là cuối năm 2020 nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm rối loạn lịch trình đầy tham vọng về khí hậu đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Năm 2015, gần như tất cả các quốc gia trên hành tinh này đã tham gia ký kết Hiệp định Paris, trong đó kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu "dưới ngưỡng" 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, nếu có thể thì ở mức 1,5 độ C.
Các cam kết đầu tiên khi ký hiệp định, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ vẫn khiến Trái đất nóng hơn 3 độ C so với thời tiền công nghiệp, nhưng các nước đã cam kết tăng cường cắt giảm khí thải và sửa đổi mục tiêu này 5 năm/lần.
Khi gần đến thời hạn chót ngày 31/12/2020, một số nước thải nhiều khí cho biết sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải trong thế kỷ này, nhưng nhiều nước đã đi qua hạn chót trên mà không công bố chi tiết các cam kết ngắn hạn mới của mình. Hầu hết các cam kết - gọi là "Những đóng góp quyết định của quốc gia" (NDC) - được các nước đặt ra đến năm 2030, trong đó rất ít nước (có Mỹ) dừng lại ở năm 2025.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), đến ngày 1/1/2021, chỉ khoảng 70 trong số 200 quốc gia đã đưa ra các mục tiêu mới, trong đó có Việt Nam. Một số nước đổ lỗi sự trì hoãn này là do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đặc biệt mong chờ kế hoạch mới nhất của Trung Quốc - nước thải khí nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra các tham vọng mới nhằm đạt mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2060. Nhưng nước này hiện vẫn chưa chính thức trình các đề xuất mục tiêu mới của mình.
Một nước khác cũng bỏ lỡ hạn chót nói trên là Mỹ - nước thải khí nhiều thứ hai thế giới và đã rút khỏi Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết trung hòa CO2 vào năm 2050 và trở lại các cam kết của Hiệp định.
Các NDC được đệ trình đúng hạn sẽ được Công ước LHQ về biến đổi khí hậu theo dõi và đánh giá tiến bộ vào ngày 21/2. Bức tranh toàn cảnh sẽ rõ hơn vào cuối năm nay, tại một hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu ở Glasgow (Scotland), hội nghị từng bị hoãn lại hồi tháng 11.
LHQ ước tính cần cắt giảm 7,6% khí thải mỗi năm trong vòng 10 năm tới nếu muốn giới hạn độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Bề mặt Trái đất đã nóng lên trung bình gần 1,2 độ C, làm nghiêm trọng hơn các hiện tượng khí hậu cực đoan và gây thương vong nhiều hơn.
Trong thông điệp mừng Năm mới 2021, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này sẽ là "tham vọng chính" của LHQ trong năm 2021. Mọi chính phủ, thành phố, doanh nghiệp và cá nhân đều có thể tham gia vào việc đạt được tầm nhìn này.
Pháp, Tây Ban Nha đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 Pháp đang đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế tại các bệnh viện sau những chỉ trích về việc chậm trễ trong kế hoạch triển khai tiêm vaccine. Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết...