Dịch Covid-19: Có nên tập trung tiếp tế cho người nhà ở khu cách ly?
Hai ngày nay, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh nhiều người tập trung đến khu cách ly Covid-19 ở KTX Đại học Quốc gia TP.HCM để tiếp tế cho người thân. Những hình ảnh này, ngay khi xuất hiện đã gây tranh cãi và có những ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo không nên tập trung đông người trong thời điểm dịch virus corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp. Việc tập trung đông người vô tình đã cản trở đến công tác phòng chống dịch, gây khó khăn cho nhân viên khu cách ly. Ngoài ra, việc tập trung đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
PV Dân Việt đã ghi nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này. Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về đa dạng hóa điều kiện và khu vực cách ly, cũng như chưa quy định bắt buộc người cách ly y tế phải trả tiền cho chi phí trong quá trình cách ly.
Hình ảnh đang gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: IT
Thậm chí, theo quy định của pháp luật, tiền ăn của người bị cách ly do người bị cách ly chi trả cho nhà nước. Nhưng trên thực tế, chưa có địa phương nào thu khoản chi phí này. Bởi vậy những người cách ly không nên đòi hỏi những nhu cầu quá mức tối thiểu để gây thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Những người thân trong gia đình của những người cách ly có thể bổ sung thêm những nhu yếu phẩm, vật phẩm cần thiết. Tuy nhiên, việc có tiếp nhận hay không, tiếp nhận đến đâu thuộc thẩm quyền của đơn vị tổ chức cách ly.
Người thân trong gia đình những người bị cách ly không thể đòi hỏi người bị cách ly phải có cái này, cái khác như điều kiện ở nhà. Điều kiện khu vực cách ly, nhu yếu phẩm, thực phẩm đã đạt tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định, thậm chí còn tốt hơn, nên các gia đình có người bị cách ly không nên quá lo lắng, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Cường, để chuẩn bị cho một khu cách ly rộng lớn hàng ngàn chỗ cho người cách ly, cơ quan chức năng phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, những tình nguyện viên. Họ đã vất vả nhiều ngày mới có được một khu cách ly đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên phải đi tìm chỗ thuê trọ; nhiều cán bộ, chiến sĩ, học viên trường vũ trang phải căng bạt ngủ ngoài rừng để nhường chỗ cho những người cách ly… Vì vậy những gia đình có người thân bị cách ly cần phải chia sẻ điều này, không nên gây thêm áp lực, gánh nặng cho các cán bộ, nhân viên ở khu cách ly.
Hơn nữa, thời điểm hiện nay, việc tiếp xúc với những người bị cách ly, tụ tập đông người để cung cấp thêm các vật dụng sinh hoạt là không cần thiết và rất nguy hiểm. Việc tụ tập đông người hoàn toàn có thể gia tăng nguy cơ nhiễm virus corona (Covid-19) gây khó khăn cho công tác phòng chống bệnh dịch.
Hàng hóa được chuyển tới nhiều, cán bộ khu cách ly phải ghi chép rồi chuyển vào phía trong. Ảnh: IT
Video đang HOT
Từ những phân tích trên, vị luật sư cho rằng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi tổ chức cách ly, khu vực có người dân tập trung đông ở khu vực cách ly cần có những tuyên truyền, phổ biến, thậm chí có những biện pháp hành chính cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng và chống dịch bệnh.
Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, anh Văn Luân (trú quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, người thân của người bị cách ly phải tin vào chính quyền, vì tất cả đang cố gắng hết sức để cho người bị cách ly có được điều kiện sinh hoạt tốt nhất.
“Đã phải cách ly thì phải chấp nhận điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly. Ở thời điểm hiện tại, việc tập trung đông người là không nên, biết là ai cũng thương người thân, nhưng việc tập trung đã vô tình cản trở lực lượng chức năng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Cán bộ cũng vất vả hơn vì họ phải nhận đồ rồi chuyển vào phía trong, trong khi người bị cách ly đã được chăm sóc chu đáo rồi. Tập trung đông người là vô cảm với chính mình và cộng đồng”, anh Luân chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại bày tỏ sự thông cảm với những người trên, bởi cha mẹ ai chẳng thương con, đều muốn người thân của mình có điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian bị cách ly. Chính vì thế, dư luận không nên quá nặng nề phán xét, đánh giá.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 19/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho rằng hạn chế đi lại là hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập. Bởi kinh nghiệm cho thấy các cuộc tụ tập, hội họp đông người đã gây ra lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Theo bác sĩ Khanh, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã diễn ra một buổi lễ hội có khoảng 40.000 người tham gia. Những con tàu du lịch tập trung đông đúc và cũng chính là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 chéo.
"Nghẹt thở" cảnh tiếp tế đồ cho người thân trong khu cách ly
Mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng kín cổng khu A Ký túc xá Đại học Quốc Gia TPHCM để tiếp tế thức ăn, đồ dùng cá nhân... cho người thân từ nước ngoài về đang được cách ly tại đây.
Ngày 23/3, dòng người vẫn tấp nập đổ về tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người thân tại KTX Đại học Quốc gia ở Thủ Đức (TPHCM). Vì số lượng người quá đông nên các cơ quan chức năng quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8h-10h sáng và 14h-16h chiều mỗi ngày.
Xếp hàng chờ tiếp tế lương thực, đồ cá nhân vào cho người thân.
Hàng trăm người xếp hàng đợi đến lượt đưa đồ vào KTX.
Dù trời nắng gắt nhưng ai cũng chen chân để mong sớm gửi được đồ vào bên trong.
Mỗi ngày, cơ quan chức năng quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8h-10h sáng và 14h-16h chiều
Đồ tiếp tế có đủ loại, từ quần áo, thức ăn, quạt điện, thậm chí cả... chổi lau nhà...
Vì số lượng hàng hóa gửi vào quá lớn nên cơ quan chức năng phải dùng xe chuyên dụng để chở vào từng tòa nhà. Khoảng 5-10 phút sẽ có một xe chuyên dụng chở đồ từ cổng vào và quay ra.
Mỗi người gửi vào ít nhất 1 thùng gồm đồ ăn, đồ dùng cá nhân.
Nhiều người đặt đồ online chuyển đến.
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận 8) cho biết, chị có con gái là du học sinh từ Pháp về và được đưa vào KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sợ con gái thiếu đồ sinh hoạt nên hai vợ chồng chị Mai lên từ sáng sớm để xếp hàng gửi đồ cho con.
"Tôi đến đây chỉ tiếp tế cho con gái một cái quạt điện và vài món ăn vặt mà con gái tôi thích ăn khi ở Việt Nam. Ở trong đó, con gái cũng nhắn tin ra là được cán bộ y tế, các nhân viên phục vụ chăm sóc nhiệt tình; một ngày có hai lần kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Sau khi ăn cơm xong chỉ cần để ngoài cửa là có các nhân viên, cán bộ trong khu cách ly đi dọn dẹp sạch sẽ...", chị Mai chia sẻ.
Ông Đặng Bá Bính, Trưởng bộ phận Văn hoá thông tin hỗ trợ sinh viên thuộc Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết, 3 ngày nay rất đông thân nhân đến tiếp tế đồ cho người thân đang cách ly.
"Các điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất trong khu cách ly khá đầy đủ, không thiếu thốn nên người dân hãy yên tâm và khi tiếp tế, hạn chế tiếp tế đồ đạc cồng kềnh để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ.... Người dân mang đồ đạc cá nhân đến tiếp tế không bị hạn chế và lực lượng ở đây sẽ hỗ trợ bà con chuyển đồ vào cho người thân", ông Bính cho biết.
Chiếu, quạt, mì tôm, đồ hộp được chuyển đến.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tại TPHCM, tính đến trưa ngày 23/3, KTX ĐHQG TP HCM đang cách ly 5.036 trường hợp. Tổng tất cả các khu cách ly tập trung của TP hiện nay đang cách ly 7.267 người.
Theo Sở Y tế TPHCM, thức ăn mang vào khu cách ly sẽ được kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Lượng thức ăn, nhu yếu phẩm mang vào khu cách ly cũng bị hạn chế. Tại các khu cách ly, TPHCM hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày.
Lực lượng hỗ trợ căng mình giúp chuyển đồ tiếp tế đến tận tay người nhận.
Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có quy mô khoảng 20.000 giường, cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ. Mặt khác, khu vực này nằm trong khu vực Làng đại học Thủ Đức và không quá gần khu dân cư nên việc cách ly sẽ khá hiệu quả.
Mọi vật dụng đưa vào khu cách ly đều được kiểm tra nghiêm ngặt.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn
Vụ cô gái 17 tuổi ở Bến Tre nhiễm Covid-19: Cách ly gần 1.600 hộ Liên quan đến cô gái 17 tuổi, ngụ ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (Bến Tre) dương tính với virus corona (Covid-19), lãnh đạo tỉnh Bến Tre quyết định cách ly 1.588 người của 480 hộ dân tại địa chỉ trên. Trưa nay (23/3), thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch...