Dịch Covid-19: Cân bằng trong khó khăn
Cũng trong đại dịch, sự cân bằng trong đời sống được rất nhiều gia đình, cộng đồng dân cư thể hiện.
Tôi có người bạn mở nhiều cơ sở dạy mầm non ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Chị cho biết, gần 2 tháng qua, các lớp học đều phải đóng cửa vì dịch. Về mặt nguyên tắc chỉ khi lớp mở, giáo viên mới có lương và ăn theo sĩ số các cháu. Nhưng vì muốn giáo viên gắn bó và để chia sẻ khó khăn với họ, chị đã xuất chi từ nguồn vốn của gia đình cho mỗi giáo viên từ 1-2 triệu đồng.
Dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta cân bằng, từ cấp độ vĩ mô đến vi mô
“Còn người còn của. Chia sẻ lúc lao đao thế này có thiệt một chút nhưng bù lại mọi người đều bình an là được. Hết dịch tính sau”- chị nói. Không chỉ các trường, lớp tư thục, ngành buôn bán cũng ế ẩm. Người đồng hương chuyên bán bánh canh cá rô đồng Thái Bình tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cũng than: “Dịch dã khiến nhà em thu không đủ để trả tiền thuê mặt bằng. Cầm cự không nổi vì vắng khách, chắc phải đóng cửa”. Đấy là ở cấp độ gia đình.
Phố Tây Bùi Viện, trước đây ầm ĩ suốt ngày đêm, chen lấn; những ngày này vắng lặng; quán bar, karaoke đóng cửa một phần do lệnh cấm … Ai cũng lo lắng về dịch bệnh. Theo Bộ Giao thông Vận tải, ngành hàng không Việt Nam thiệt hại lên tới hơn 30.000 tỷ do phải dừng và hoãn các chuyến bay. Ngành du lịch thì thiệt đơn, thiệt kép khi khách du lịch nhiều nơi giảm tới 80%. Covid- 19 thực sự đang giáng những “đòn chí tử” vào nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Video đang HOT
Ở tầm quốc gia, cả nước sẽ chịu tổn thất rất lớn khi công tác phòng chống dịch ngày càng căng thẳng với đủ cấp độ từ trung ương đến địa phương, từ hẹp đến rộng. Hàng chục ngàn người ở các khu cách ly tập trung; việc lo ăn ngủ cũng đã rất tốn kém; rồi xét nghiệm, chăm sóc; hay việc đưa đón người từ nước ngoài trở về. Chưa kể đội ngũ ngành y đang ngày đêm căng mình trên tuyến đầu chịu bao khó khăn, nguy hiểm. Hao tổn về nhân lực, vật lực của quốc gia; mỗi gia đình, từng cá nhân có khả năng sẽ còn có thể kéo dài.
Trong cuộc chiến với Covid-19 mỗi quốc gia, dân tộc cần có cách ứng phó phù hợp. Việc công bố dịch có thể khiến dân chúng lo lắng, khiến kinh tế có thể dẫn đến đổ vỡ, thiệt hại nặng nề. Vấn đề cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và tránh thiệt hại kinh tế luôn là bài toán khó.
Riêng Việt Nam đã nhất quán nguyên tắc ngay khi xuất hiện dịch: chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Do vậy Chính phủ, Bộ y tế, các địa phương liên tục công bố, công khai, minh bạch công tác phòng chống dịch; huy động toàn dân tham gia. Kinh phí dù hạn chế, ngân sách quốc gia phải lo toan nhiều việc nhưng việc cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch luôn được thực thi nghiêm túc, hiệu quả.
Trách nhiệm của Chính phủ đã khiến doanh nghiệp, người dân đồng thuận; sát cánh cùng các lực lượng và cộng đồng trên mặt trận chống dịch. Rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện trên cả nước. Điển hình như nhiều bà con ở khắp nơi đã đến chia sẻ từng suất ăn, đồ dùng cho người ở khu cách ly tại chung cư Hòa Bình, quận 10, TP Hồ Chí Minh khi chung cư bị phong tỏa. Ấm lòng hơn là nhiều má, nhiều dì, chị em ở một số quận, huyện còn thức thâu đêm để may khẩu trang tặng miễn phí cho người nghèo, người lang thang cơ nhỡ. Nhiều khách sạn cao cấp, khu resort đắt tiền sẵn sàng chấp nhận cho chính quyền trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Cũng trong đại dịch, sự cân bằng trong đời sống được rất nhiều gia đình, cộng đồng dân cư thể hiện. Cha mẹ và con cái quây quần quan tâm, chia sẻ; hàng xóm, khu dân cư tận tình giúp đỡ; tình đồng chí, nghĩa đồng bào có dịp lan tỏa. Sự cân bằng lớn nhất đến nay chúng ta có được chính là kiềm chế dịch một cách bình tĩnh và chủ động. Số ca dương tính sẽ còn tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Nhân dân cả nước vẫn bên nhau đồng lòng cùng Chính phủ và các ngành, địa phương trên trận tuyến chống dịch.
Chúng ta có niềm tin rằng, với những gì mà Chính phủ và người dân đã làm được trong suốt quá trình vừa qua, khi dịch bệnh bị đẩy lùi; đất nước, doanh nghiệp và mỗi người sẽ lại phục hồi và phát triển tốt hơn./.
Bùi Trọng Điển/ VOV Giao thông TPHCM.
Mỹ Tú đẹp cảnh quan, đẹp nếp sống
Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi gắn với đời sống của người dân.
Đi trên con đường nhựa phẳng lì về các ấp ở xã Long Hưng, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự đổi thay cảnh quan trong xã. Trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm, hai bên được trồng cau, hoa hoặc cây cảnh thành hàng thẳng tắp; rác thải sinh hoạt được người dân thu gom, đặc biệt tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ấp Tân Hòa C có thùng rác hai bên đường...
Người dân ở huyện Mỹ Tú tích cực lao động, sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Chí Bảo
Bà Lê Thị Thu - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Hòa C cho biết: "Để thực hiện mô hình "Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu", các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình bố trí lại không gian vườn, chuồng trại một cách gọn gàng, hợp lý, sạch sẽ. Trong bếp, các vật dụng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, trước nhà trồng hoa, cây kiểng để tạo mỹ quan...".
Chị Đinh Thị Thanh (ở ấp Tân Hòa C) chia sẻ: "Từ số hoa ban đầu được ấp cấp phát cho một số gia đình để trồng, bây giờ đã phát triển nhân rộng ra cả ấp, chị em các ấp lận cận cũng qua xin để về trồng. Cứ chiều là mọi nhà ở ấp đều ra đường chăm sóc hoa, cây kiểng. Tuyến đường này đã trở thành đường nông thôn mới kiểu mẫu vừa mang lại không gian xanh, sạch, đẹp cho người dân địa phương, vừa trở thành nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm".
Bên cạnh đó, phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo cũng được phát động mạnh. Năm 2019, toàn huyện vận động Quỹ "Vì người nghèo" được 850 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 10 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trị giá 400 triệu đồng; sửa chữa 1 căn nhà với tổng số tiền 10 triệu đồng; hỗ trợ 4 suất điều trị bệnh tổng số tiền 7 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn đột xuất 6,5 triệu đồng.
Nhiều chương trình, dự án triển khai đã giúp 783 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,13%, giảm 2,77% so với năm 2018.
Ông Trần Thanh Đăng - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Tú cho biết: "Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" triển khai hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống mới trong cộng đồng dân cư, làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục, quan hệ ứng xử trong từng gia đình và cộng đồng.
Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 23.684 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 99,95% kế hoạch; có 81/83 ấp đạt chuẩn văn hóa, đạt 97,95% kế hoạch; 3 xã đăng ký thực hiện danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Năm 2020, có 24.714/26.259 hộ đăng ký đạt chuẩn văn hóa".
Bi hài mùa cúm A: Người khốn đốn vì khan thuốc, người tranh thủ làm giàu Với những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cúm A, tình trạng khan thuốc thực sự khiến họ phải khốn đốn. Tuy nhiên, với không ít người, dịch cúm A như là cơ hội làm giàu "trời cho". Đến hẹn lại lên, vài năm gần đây cứ vào mùa cúm A là giá thuốc Tamiflu lại "rủ nhau" tăng vọt, thậm chí...