Dịch Covid-19: Các nước can thiệp tài chính khẩn cấp
Ngày 13-3, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus nCoV. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã tự cách ly sau khi bà Sophie Gregoire, phu nhân Thủ tướng đã được xác định nhiễm nCoV sau khi trở về từ một sự kiện ở Anh.
Dịch Covid-19 lan rộng thêm hàng loạt nước trên toàn cầu. Nguồn: GETTY
Cùng ngày, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York thông báo sẽ chi 1.500 tỷ USD để mua trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác. Quyết định trên được đưa ra theo sự chỉ đạo của Chủ tịch FED Jerome Powell trong nỗ lực tiếp sức cho thị trường tài chính do tâm lý lo ngại một cuộc suy thoái toàn cầu bao trùm từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, tới Mỹ trong vòng một tháng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhóm họp khẩn cấp trong ngày 13-3 và thông báo ngân hàng này sẵn sàng bơm thêm 500 tỷ yen (4,8 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động mua lại trái phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16-3. Theo ngân hàng trung ương này, động thái trên sẽ “giải phóng” 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷ USD) từ các khoản dự trữ dài hạn. Động thái nêu trên của Chính phủ Trung Quốc được xem là nhằm giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 rất nặng nề.
Cùng ngày, nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu siết chặt các biện pháp phòng dịch sau khi Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo khả năng các hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU, Iceland, Liechtenstein và Anh bị quá tải rất dễ xảy ra trong những tuần tới.
Video đang HOT
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ triển khai sáng kiến đầu tư có trị giá 37 tỷ EUR như một trong những biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch bệnh Covid-19. EC cũng sẽ áp dụng một số biện pháp khác, trong đó có việc cho phép các nước thành viên “linh hoạt tối đa” về chi tiêu và trợ cấp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Italy sau khi quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất này công bố chi 25 tỷ EUR để phòng chống dịch Covid-19, vi phạm các nguyên tắc về thâm hụt ngân sách và nợ công của EU.
KHÁNH HƯNG (sggp.vn)
Hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 một ngày, Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp
"Tây Ban Nha sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày tới để chống dịch Covid-19 tốt hơn", Thủ tướng Tây Ban Nha - ông Pedro Sanchez, tuyên bố.
Ông Pedro Sanchez cho biết, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền thực hiện thêm các biện pháp mạnh mẽ trên quy mô lớn để chống Covid-19.
"Chính phủ Tây Ban Nha sẽ bảo vệ tất cả các công dân của mình và đảm bảo các biện pháp thích hợp để ngăn chặn đại dịch với ít sự bất tiện cho người dân nhất có thể", ông Sanchez phát biểu.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Tây Ban Nha cũng cho đóng cửa tất cả trường học, rạp chiếu phim, khu vui chơi... trên phạm vi cả nước.
Tây Ban Nha có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 2 châu Âu, sau Italia. Tính đến đêm ngày 13.3 giờ Việt Nam, Tây Ban Nha đã ghi nhận 4.209 ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 1.000 trường hợp so với ngày 12.3; trong đó, có ít nhất 120 người tử vong.
Thủ tướng Tây Ban Nha - ông Pedro Sanchez (ảnh: Straitstimes)
Ông Sanchez cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại Tây Ban Nha có thể tăng gấp đôi, lên tới 10.000 trường hợp vào đầu tuần tới. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân thực hiện trách nhiệm với đất nước và tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Thủ đô Madrid - trung tâm tài chính và hành chính của Tây Ban Nha, đã bắt đầu phong tỏa 4 thị trấn gồm Igualada, Vilanova del Cami, Santa Margarida de Montbui và Oneda. Tại các khu vực khác của Madrid, tất cả nhà hàng, quán bar... đều bị đóng cửa, chỉ siêu thị và hiệu thuốc được phép kinh doanh.
Ngày 13.3, trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, châu Âu hiện đã là tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Theo danviet.vn
Chưa kịp mừng vì vợ sinh quý tử, tôi kinh hãi suýt đánh rơi khi bé vừa mở mắt Lúc ấy tôi chết lặng không nói được gì, chân tay rụng rời suýt đánh rơi cả thằng bé. Mẹ tôi quá thì hét lên thất thanh. Vợ tôi vừa sinh được 1 tháng, là con trai. Đáng lẽ giờ này tôi phải vui mừng khôn xiết khi có quý tử. Phải, tôi cũng từng vui mừng lắm chứ. Ẵm con trên tay...