Dịch Covid-19: “Cả nước đang có nguy cơ, không địa phương nào là an toàn”
Theo cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người dân không được hiểu 36 địa phương ở nhóm nguy cơ thấp nghĩa là “an toàn”. Cả nước đều có nguy cơ dịch Covid-19.
Chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện chỉ thị về cách ly xã hội chia làm 3 nhóm tỉnh: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ cơ thấp. Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và TP HCM.
Theo đó, sẽ kéo dài thực hiện cách ly xã hội với 12 tỉnh thành ít nhất thêm 1 tuần; 15 địa phương được “nới lỏng”; dỡ bỏ “lệnh cấm” với 36 tỉnh thành khác. Lãnh đạo địa phương tự quyết việc đóng-mở các cửa hàng.
Có 36 tỉnh thành được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng những địa phương này được coi là “an toàn”.
Người bệnh đến khám được hướng dẫn giãn cách nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ảnh chụp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: “Điều này là không đúng. Cả nước đều đang có nguy cơ, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Covid-19″.
Theo TS Phu, để xếp nguy cơ của các địa phương Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các chuyên gia đã dựa trên các yếu tố nguy cơ để xây dựng các điểm số, theo một tính toán khoa học. Thủ tướng cũng đã khẳng định các nhóm này không phải là bất biến, mà “động”, luôn có thể thay đổi. Địa phương đang ở nhóm nguy cơ thấp có thể thành nguy cơ trung bình, thậm chí là nguy cơ cao.
“Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và TP HCM nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ chỗ nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện”,TS Phu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Mọi người dân có biểu hiện ho, sốt đều phải khai báo y tế.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo người dân, kể cả ở 36 địa phương nguy cơ thấp không được nghĩ là mình an toàn, không có nguy cơ, không được chủ quan. Đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế.
Các địa phương, dù là nhóm nguy cơ thấp cũng cần luôn luôn cảnh giác phát hiện sớm các các bệnh, khoanh vùng, dập dịch sớm, không để bùng phát.
Sáng 16/4, Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 thứ 268 tại Việt Nam là một bệnh nhân trú tại một thôn hẻo lánh gần biên giới Trung Quốc của huyện Đồng Văn, Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới.
“Hà Giang được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng xuất hiện bệnh nhân. Điều đó cho thấy không có địa phương nào có thể xem mình là an toàn trong giai đoạn dịch hiện nay”, TS Phu nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện bước sang giai đoạn mới, lây lan trong cộng đồng. Nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không triệu chứng hoặc rất nhẹ, được phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Vì thế, TS Phu khẳng định việc giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Người người bị sốt, ho đều phải khai báo y tế, để được xét nghiệm. Đa số các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ nhưng một số trường hợp vào viện đã diễn biến nặng nhanh.
Nam Phương
Dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, cảnh giác với người người bị sốt, ho
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng người nào có biểu hiện sốt, ho cũng cần khai báo y tế để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Theo phân tích khoảng 80% bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị thông thường là có thể khỏi. Tuy nhiên 15,3% có biến chứng và gần 6% có biến chứng nặng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp không hề có biểu hiện bệnh nhưng lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân 243 ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Vì từng đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3 nên bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 5/4, một ngày sau thì có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 21/3 bệnh nhân cảm giác đau mỏi người, ngấy sốt và tự mua thuốc gần nhà để uống, sau uống một ngày thấy đỡ mỏi, không sốt.
Hàng trăm cán bộ y tế của Hà Nội có mặt tại UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội để hỗ trợ công tác lấy mẫu. Ảnh: Mai Trang.
Không hề nghĩ mình mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường, đi đến nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi này đến sáng 13/4 đã ghi nhận 10 ca mắc Covid-19.
Hay như bệnh nhân số 20, lái xe của bệnh nhân số 17 khi có biểu hiện mệt mỏi, ho tự mua thuốc cảm cúm uống thì thấy đỡ.
Bộ Y tế đang chỉ đạo phải xét nghiệm được tất cả các ca sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ ở tất cả các phòng khám.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Trong giai đoạn này, người nào có sốt, ho phải khai báo y tế, để được xét nghiệm. Nếu không thì không thể nào biết được ca bệnh để phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch".
Một số trường hợp khi có biểu hiện sốt, ho đã tự đi mua thuốc điều trị, không khai báo, dẫn đến lây cho cộng đồng.
"Không cảnh giác với những người bị ho, sốt trong thời điểm này rất nguy hiểm. Dù địa phương có đi từng ngõ, gõ từng nhà mà người dân không khai báo thì cũng không thể biết được", TS Phu nhấn mạnh.
TS Phu cũng khuyến cáo, bản thân người dân cũng cần tự cảnh giác khi thấy có biểu hiện sốt, ho; nếu không thì hại chính bản thân mình. Nhiều trường hợp nhẹ thành nặng rất nhanh, virus vào phổi. Một số ca mắc Covid-19 vào viện diễn biến nhanh, nặng.
Ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi
Người dân thôn Hạ Lôi được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARs-CoV-2. Ảnh: Đức Vân.
Hiện nay ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên Hà Nội lại xuất hiện thêm ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ca mắc đầu tiên được xác nhận là bệnh nhân 243, không xác định được F0.
Hà Nội đã khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh gồm 11 xóm liền kề với 2.711 hộ dân, 11.077 nhân khẩu kể từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5 (28 ngày).
Ngày 12/4, hàng trăm cán bộ y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và đội cơ động các quận/huyện trên địa bàn tiếp tục điều tra, lấy mẫu cho người dân thôn Hạ Lôi. Ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 6.895 người. Hiện kết quả 1.675 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Hà Nội đã tiến hành phun khử khuẩn tại các gia đình bệnh nhân và các khu vực liên quan. Theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với tất cả người dân sinh sống trong khu vực cách ly 2 lần/ngày, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp. Cùng với đó là điều tra dịch tễ học, xác định các trường hợp F1, F2... có liên quan đến các bệnh nhân trong ổ dịch để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo dõi.
Đối với ổ dịch tại Hà Nam, ngành y tế đã lấy mẫu 140 người tiếp xúc gần (gồm bệnh nhân cùng phòng, cùng phòng đã ra viện, cán bộ y tế), hiện đã có kết quả âm tính với 99 mẫu, số còn lại đang chờ kết quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đang tiếp tục điều tra các trường hợp F1, F2.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các ca mắc mới có diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng là rất lớn. Người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội... Các trường hợp cách ly tập trung khi về nhà cần tiếp tục cách ly 14 ngày tại gia đình.
Trên cả nước, hiện có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc trong đó có 36 phòng xét nghiệm khẳng định. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.
Nam Phương
Mất dấu bệnh nhân COVID -19 F0: Có tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng? Bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, khó khăn xuất hiện khi Việt Nam mất dấu bệnh nhân số 0 tại một số ổ dịch. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan ca...