Dịch Covid-19 bùng phát: Đêm trắng căng thẳng của bác sĩ cấp cứu
Loay hoay với rất nhiều câu hỏi, bác sĩ Phạm Văn Phúc – người điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch – chỉ lặng lẽ ngồi, ánh mắt thẫn thờ trong góc phòng nhiều giờ.
“Covid-19 có lẽ sẽ để lại những ký ức đặc biệt nhất trong sự nghiệp bác sĩ hồi sức cấp cứu của tôi”, bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ.
Sau 13 năm theo đuổi ngành y cũng như lĩnh vực hồi sức cấp cứu từ khi còn là sinh viên Đại học Y Hà Nội, bác sĩ này lần đầu tiên được trao danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020. Anh cũng là một trong những người trực tiếp điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng ở miền Bắc hơn một năm qua.
Nhiều đêm căng thẳng đến mất ngủ
“Sau hơn một năm điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, được làm việc với nhiều thầy, cô, chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau, tôi nghĩ mình đã trưởng thành hơn rất nhiều về chuyên môn cũng như tâm lý”, bác sĩ Phúc nhớ lại về quãng thời gian qua.
Anh cho hay cuộc sống và công việc của mình đã bị thay đổi khá nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều dễ nhận thấy nhất là trang phục khi điều trị. Việc phải đeo mặt nạ, kính cùng nhiều lớp bảo hộ khiến bác sĩ Phúc cùng các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
“Đặc thù của điều trị bệnh nhân Covid-19 là không được dùng điều hòa. Mỗi đợt nắng nóng, cởi đồ bảo hộ ra là cơ thể chúng tôi ướt đẫm mồ hôi”, anh nói.
Video đang HOT
Một bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực ướt đẫm mồ hôi sau khi cởi đồ bảo hộ trong nhiều giờ cấp cứu. Ảnh: BVCC.
Tuy nhiên, bất tiện về trang phục chỉ là bề nổi. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không có chuyển biến qua mỗi ngày, thậm chí trở nặng mang đến nỗi ám ảnh và căng thẳng tột cùng cho các bác sĩ. Điều đáng sợ hơn là ở giai đoạn đầu của dịch, các bác sĩ không thể lý giải nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh cụ thể.
“Thời điểm đó, tôi bị căng thăng nghiêm trọng, đau đầu đến mất ngủ. Có khi không phải ca trực, tôi được nghỉ nhưng cũng không dám nghỉ, phải chạy qua để theo dõi bệnh nhân”, bác sĩ này kể lại.
Thời điểm căng thẳng nhất của anh cùng đội ngũ y tế là quãng thời gian điều trị cho bệnh nhân số 19. Sau khi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tràn khí màng phổi, phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) khẩn cấp. Bệnh nhân đứng trước nguy cơ tử vong cao. Thời điểm đó, quá trình níu giữ mạng sống của bệnh nhân được mô tả là “cuộc đấu trí giữa bác sĩ và tử thần”.
“Trong một khoảnh khắc, bệnh nhân đã ngừng tim. Chúng tôi đã nghĩ tới kịch bản xấu nhất và chuẩn bị báo cho gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân bất ngờ có nhịp tim sau lần sốc điện đầu tiên. Sau những ánh sáng le lói, phải tới lần sốc điện thứ 3, bệnh nhân mới dần ổn định. Với tôi, đó là ký ức không thể nào quên”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực điều trị một bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng. Ảnh: Phạm Thắng.
Một lần khác, bác sĩ Phúc phải nhanh chóng chuyển mẫu máu của bệnh nhân xuống phòng xét nghiệm để xác định nguyên nhân ngừng tim. Trong lúc vội vàng, anh trượt ngã nhưng tay vẫn nắm chặt, giữ ống nghiệm trên cao với hy vọng không làm rơi.
“Nhớ lại khi đó, cảm xúc của tôi giống như ‘đồ thị hình sin’, lúc lên, khi lại xuống. Ban đêm, các bác sĩ trong khoa cũng không ai ngủ, mọi người ngồi im lặng, nhìn nhau, đặt câu hỏi tại sao bệnh nhân lại ngừng tim, nguyên nhân là gì, xem xét lại toàn bộ hồ sơ để hội chẩn ngay sáng hôm sau. Việc bệnh nhân 19 được chữa khỏi là điều thực sự may mắn”, bác sĩ Phúc nói.
Theo anh, cách duy nhất để bản thân vượt qua sự căng thẳng khi đó là chứng kiến bệnh nhân ổn định. Bên cạnh đó, lời động viên của đồng nghiệp, trưởng khoa hay giám đốc bệnh viện cũng đã giúp anh rất nhiều.
Bác sĩ Phúc kể: “Tôi thường ngồi bệt ở góc phòng cả tiếng để suy nghĩ khi căng thẳng. Những lúc đó, các đồng nghiệp lại gọi trêu ‘thằng Phúc lại ngồi trong góc làm gì đó’, rủ chơi cầu lông, chạy bộ ngay trong khoa cho khuây khỏa. Việc đó phần nào giúp tôi đỡ căng thẳng, nghĩ được nhiều hơn, có phương án điều trị tốt hơn”.
Việt Nam đang kiểm soát dịch khá tốt khi số ca mắc trong cộng đồng dần chững lại. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho rằng cuộc chiến với Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
“Suốt hơn một năm chống dịch Covid-19, điều tôi tự hào nhất là chưa ‘thua bàn nào’ khi vẫn không để bệnh nhân tử vong. Tuy vậy, dịch còn dài, virus sẽ tiếp tục sinh thêm các biến chủng, hiệu quả của vaccine chưa rõ ràng. Trong khi đó, tình hình dịch trên thế giới còn rất phức tạp. Việt Nam giống như lòng chảo, xung quanh là nước luôn trực chờ đổ ập xuống. Do đó, chúng ta khó tránh được dịch bùng phát dù khống chế tốt”, bác sĩ Phúc nhận định.
Bác sĩ không phải thần thánh
Bên cạnh Covid-19, bác sĩ hồi sức cấp cứu cũng đối mặt với nhiều thách thức khác do thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch, thậm chí mắc các bệnh đặc biệt như nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, HIV…
“Với những ca nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, đó là cuộc đấu trí thực sự giữa bác sĩ và vi khuẩn bởi sự lựa chọn kháng sinh lúc này rất hạn chế. Bên cạnh đó, khoa Hồi sức tích cực từng giúp rất nhiều bệnh nhân HIV thoát ‘cửa tử’. Việc điều trị cho những bệnh nhân này là thách thức rất lớn”, bác sĩ Phúc cho biết.
Bên cạnh Covid-19, đặc thù của lĩnh vực hồi sức cấp cứu luôn đặt các bác sĩ vào áp lực trước sự sống của bệnh nhân. Ảnh: Phạm Thắng.
Do đặc thù của lĩnh vực hồi sức cấp cứu, các bác sĩ phải luôn xác định tinh thần trước một số trường hợp không thể làm gì hơn. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất không phải việc bệnh nhân tử vong.
“Bác sĩ không phải thần thánh. Chúng ta không thể tự mình giải quyết tất cả vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với bác sĩ hồi sức cấp cứu là tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, thậm chí phải biết được vì sao họ tử vong. Vì nếu mù mờ, chúng tôi sẽ tiếp tục để các bệnh nhân sau không qua khỏi”, bác sĩ Phúc nhận định.
Kể về quãng thời gian trở về nhà sau khi cách ly, bác sĩ Phúc cười: “Đeo balo ra khỏi cổng bệnh viện, tôi thấy mình như sang thế giới khác. Thời gian đầu về nhà sau 3 tháng cách ly, con gái tôi còn giận dỗi, không cho ôm”.
Tuy nhiên, sau tất cả khó khăn, bác sĩ này chia sẻ anh thực sự hạnh phúc khi được chứng kiến những bệnh nhân nguy kịch tỉnh lại và dần khỏe mạnh. Đây cũng chính là động lực, niềm hạnh phúc lớn, giữ anh ở lại với nghề. “Với tôi, mỗi bệnh nhân khỏi bệnh là một công trình của y bác sĩ”, anh nói.
Men gan cao gấp 20 lần vì uống thuốc nam để sinh con trai
Bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm đau quặn bụng thành nhiều cơn, ra máu khi đại tiện.
Ảnh minh họa
Bác sĩ khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết nữ bệnh nhân, 25 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội. Người này nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, quặn từng cơn, da niêm mạc nhợt. Qua xét nghiệm, men gan của bệnh nhân cao gấp 20 lần so với chỉ số bình thường.
Trước đó, bệnh nhân đã uống thuốc nam trong vòng 20 ngày với mục đích sinh con trai. Tuy nhiên, chị bắt đầu có biểu hiện bất thường và phải nhập viện cấp cứu sau 3 ngày.
Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được điều trị hết sốt nhưng diễn biến đi ngoài phân có màu nâu đen lẫn máu. Qua nội soi đại tràng, người phụ nữ này được chẩn đoán viêm đại tràng và trĩ độ 1 trước khi chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại sản quyết định cho bệnh nhân mổ cấp cứu. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định dần, men gan giảm còn một nửa và có thể xuất viện trong tuần tới.
Cứu sống người đàn ông bị dao đâm thấu ngực Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa cứu sống bệnh nhân có nhiều vết thương sâu do dao Thái Lan đâm. Ngày 26/2, bác sĩ Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân Phan Doãn Ân (SN 1973, trú Buôn Đăk Rla, Xã Đăk N'drot, Huyện Đăk Mil, Đăk Nông) bị dao...