Dịch COVID-19: Brazil siết chặt các biện pháp do dịch bùng phát trở lại
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngày 4/3, chính quyền thành phố Rio de Janeiro – một trong hai vùng đô thị lớn nhất Brazil – đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và một số hạn chế nghiêm ngặt khác đối với các hoạt động kinh doanh và sự kiện công cộng nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Belem, bang Para, Brazil ngày 3/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo sắc lệnh do Thị trưởng Eduardo Paes ký ban hành, lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 23h00 giờ đêm hôm trước tới 5h00 giờ sáng hôm sau trong thời gian từ ngày 5 đến 11/3. Trong thời gian này, các quán bar và nhà hàng chỉ được mở cửa từ 6h00 – 17h00 hàng ngày với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các sự kiện giải trí, hội chợ và hoạt động tại bãi biển bị tạm dừng cho tới khi có thông báo mới.
Trong khi đó, bang Sao Paulo cũng phải tuyên bố quay trở lại “giai đoạn đỏ” với việc chỉ cho phép các dịch vụ y tế, lương thực, vận tải công cộng và trường học mở cửa. Tất cả các trung tâm thương mại, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí phải đóng cửa trong 2 tuần.
Ngoài 2 bang trên thì một số địa phương khác như thủ đô Brasilia, các bang Mato Grosso, Pernambuco, Rondonia và Acre cũng buộc phải hạn chế hoặc giới hạn thời gian hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngoại trừ các dịch vụ cơ bản.
Các biện pháp trên được tiến hành trong bối cảnh Brazil đang trải qua giai đoạn khủng hoảng dịch tễ nghiêm trọng do làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19. Trong 2 ngày gần đây, nước này liên tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục, với 1.641 trường hợp trong ngày 2/3 và 1.910 trường hợp trong ngày 3/3. Hiện chính phủ liên bang vẫn chưa đưa ra được chiến lược quốc gia để đối phó và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này, trong khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai khá chậm chạp.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cảnh báo các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội đang được một số bang áp dụng hiện nay chưa đủ để ngăn chặn đại dịch, do nhiều nơi vẫn tổ chức các sự kiện cuối năm, sự kiện mùa hè ở Nam bán cầu và các lễ hội Carnaval truyền thống với đông người tham gia.
Video đang HOT
Theo số liệu thống kê, đến nay Brazil đã ghi nhận 10.718.630 ca mắc COVID-19, trong đó có 259.271 ca tử vong. Hiện mới chỉ có khoảng 7,4 triệu người trong tổng số 212 triệu dân nước này được tiêm mũi vaccine thứ nhất và 2,3 triệu người được tiêm mũi thứ hai. Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello cho biết Brazil đã quyết định mua 100 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và 38 triệu liều vaccine của tập đoàn Johnson&Johnson. Trước đó, nước này cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Coronavac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh. Brazil đặt mục tiêu có thể hoàn thành chủng ngừa cho tất cả người dân trên 18 tuổi vào cuối năm nay.
Biến thể mới Brazil quật đổ hệ thống y tế địa phương, tấn công người trẻ tuổi
Giới nghiên cứu và các bác sĩ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại biến thể virus SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn xuất hiện lần đầu tiên tại vùng Amazon (Brazil).
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Belem, bang Para, Brazil ngày 3/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Họ tin rằng loại biến thể mới này là hung thủ đứng đằng sau tình trạng các ca tử vong cũng như số ca mắc ở nhóm người trẻ tuổi tăng cao gần đây tại một số khu vực ở Nam Mỹ.
Theo Tạp chí phố Wall (WSJ), tỷ lệ tử vong trong ngày của Brazil do COVID-19 đã đạt ngưỡng cao nhất trong tuần này, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc vượt quá 1/4 triệu người.
Ngày 2/3, Brazil ghi nhận con số kỷ lục 1.641 ca tử vong vì COVID-19, trong khi đó nước láng giềng Peru cũng chật vật đối phó với làn sóng dịch thứ 2.
Biến thể virus SARS-CoV-2 mới phát hiện tại Brazil, với tên khoa học là P.1, có khả năng lây lan cao gấp 2,2 lần so với các biến thể trước đó được tìm thấy tại khu vực, cũng như khả năng khiến người khỏi bệnh tái nhiễm lên tới 61%.
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cảnh báo với tình trạng tiêm chủng diện rộng trong khu vực còn kéo dài, các quốc gia như Brazil có nguy cơ trở thành nơi sản sinh ra các biến thể virus làm vô hiệu hóa vaccine ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế nhận định đại dịch kéo dài cũng có thể tàn phá nền kinh tế của các quốc gia như Brazil, làm chậm tốc độ tăng trưởng và kéo thêm các khoản nợ khi chính phủ mở rộng các khoản chi trả cho người nghèo.
Eliseu Waldman, một nhà dịch tễ học tại Đại học São Paulo, cho biết: "Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống nguy hiểm - hệ thống y tế của nhiều bang ở Brazil đã sụp đổ và những bang khác sẽ gặp tình trạng tương tự trong vài ngày tới".
Một vài bác sĩ báo cáo sự gia tăng ở các bệnh nhân trẻ tuổi hơn - những người ở độ tuổi 30, 40 không có bệnh lý. Tại Peru, một số bác sĩ cho biết diễn biến trở nặng của bệnh nhân mắc COVID-19 đang trở nên nhanh hơn, chỉ 3 hoặc 4 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, rút ngắn hơn nhiều so với 9 hay 14 ngày như trước.
Rosa Lopez, bác sĩ làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt bệnh viện Guillermo Almenara Irigoyen, nhận định: "Loại biến thể này hoạt động theo một cách hoàn toàn khác biệt. Nó thực sự hung hãn... tình thế rất khó khăn, thực sự khủng khiếp".
Người dân chờ mua oxy ngoại ô miền Nam Lima (Peru) ngày 25/2. Ảnh: Getty Images
Biến thể virus P.1 xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Manaus (Brazil) vào cuối năm ngoái và nhanh chóng trở thành tâm điểm của các nhà khoa học Brazil cũng như quốc tế.
"Chúng ta đang ở trong thời điểm tồi tệ nhất. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu P.1 có mặt trên khắp Brazil", Felipe Naveca - một nhà nghiên cứu tại Quỹ Oswaldo Cruz - ước tính Brazil là nơi trú ngụ của hàng trăm biến thể COVID-19 mới, trong đó P.1. là biến thể đáng lo ngại nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tại sao ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh hơn và liệu biến thể Brazil này có gây tử vong nhiều hơn hay chỉ đơn giản là dễ lây lan hơn.
Nuno Faria, Giáo sư chuyên về tiến hóa virus tại Đại học Oxford và Đại học Imperial, ghi trong nghiên cứu: "Dịch bệnh bùng phát gần đây ở Manaus đã kéo căng hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố, dẫn đến tình trạng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế không đầy đủ. Do đó chúng tôi không thể xác định liệu sự gia tăng về nguy cơ tử vong xuất phát từ biến thể P.1 hay do hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém hay cả hai". Nghiên cứu của Giáo sư Naveca chỉ ra biến thể virus mới p.1mang tải lượng virus cao hơn khoảng 10 lần so với các phiên bản trước đó ở Brazil.
Tại Nam Phi, các nhà nghiên cứu cũng phải chật vật với những câu hỏi tương tự khi nghiên cứu biến thể B.1.351. Các bác sĩ ở đây cũng cảnh báo về sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong của các bệnh nhân trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu nói rằng nguyên do khiến số các ca bệnh trẻ tuổi hơn tử vong là do các bệnh viện quá tải chứ không phải vì bản thân biến thể này nguy hiểm hơn.
Mỹ Latinh vẫn luôn là một trong những điểm nóng COVID-19 của thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các bác sĩ ở Brazil ngày càng tuyệt vọng hơn khi mô tả về cảnh tượng kinh hoàng tại các bệnh viện. Các bệnh viện tại 2/3 bang ở Brazil đang hoạt động với trên 80% phòng chăm sóc đặc biệt luôn kín chỗ. Thậm chí, các công tố viên còn đang điều tra nhều bệnh nhân chết ngạt ở thành phố Manaus vào đầu năm nay do các bệnh viện hết oxy dự trữ.
Theo các chuyên gia y tế, nếu như Mỹ Latinh không tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, các quốc gia như Colombia và Bolivia sẽ trở thành các nạn nhân tiếp theo của loại biến thể mới này.
Thế giới có trên 109 triệu ca mắc COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 14/2, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan tới 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 109.168.912 người nhiễm và 2.406.975 người tử vong. Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bang Ohio, Mỹ ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Quốc gia bị ảnh hưởng nhất vẫn là Mỹ với 28.198.566 ca nhiễm...