Dịch Covid-19, bạn phải đi máy bay: Để không bị lây virus, 4 điều phải nhớ nằm lòng
Thông tin nhiều người nhiễm Covid-19 vì đi cùng một chuyến bay có bệnh nhân dương tính với virus này đã khiến những người đi máy bay công tác, hay có việc lo lắng. Vậy đi máy bay mùa dịch cần lưu ý điều gì để an toàn?
Cần lưu ý nhiều điều để phòng tránh dịch Covid-19 khi đi máy bay – Ảnh: Đức Huy
Trên chuyến bay VN0054 từ London về đến Hà Nội sáng sớm 2.3 có hành khách N.H.N (ngụ Hà Nội) được xác nhận nhiễm Covid-19, ngay sau đó, nhiều người cùng chuyến bay cũng phải cách ly điều trị vì dương tính với Covid-19. Vậy đi máy bay trong mùa dịch cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19?
Mang theo dung dịch rửa tay sát khuẩn
Vừa từ Hàn Quốc về Việt Nam vào ngày 29.2 trên chuyến bay của Vietnam Airlines, chị Bùi Thị Ngọc Bích (28 tuổi, quê Đắk Nông) cho biết, thông thường hãng sẽ cung cấp cơm cho chặng bay khoảng 5 tiếng này. Nhưng khi có dịch, hãng đổi cơm thành 1 ổ mì mặn và 1 ổ mì ngọt cùng 1 chai nước suối.
Bị cách ly vì Covid-19, liệu người Ý có thực sự nghiêm chỉnh tuân thủ luật?
Tuy nhiên, trong suốt cả chuyến bay, nhân viên không phục vụ dung dịch rửa tay sát khuẩn, các vị trí khác trên máy bay cũng không có gel rửa tay sát khuẩn.
Trao đổi với phóng viên, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, hiện hãng không cung cấp dung dịch diệt khuẩn trên máy bay mà chỉ cấp tại các phòng khách Bông Sen ở mặt đất.
Hãng có phát khẩu trang trên một số chuyến bay từ vùng dịch về nếu hành khách có yêu cầu, tuy nhiên, số lượng khẩu trang hạn chế nên hãng khuyến cáo hành khách chủ động trang bị và đeo khẩu trang của mình để tránh lây nhiễm.
[ VIDEO] Đi máy bay mùa Covid-19: làm sao để an toàn nhất?
“Hiện các chuyến bay nội địa không giới hạn chất lỏng có nồng độ cồn dưới 24%, còn bay quốc tế mới áp dụng quy định không quá 100ml/chai nên khách có thể cân nhắc để mang gel rửa tay sát khuẩn cho phù hợp”, đại diện hãng hàng không cho biết.
Mở chế độ lọc khí
Một chuyên gia thiết kế hệ thống lọc khí chống dịch cho biết, trên máy bay có hệ thống luân chuyển không khí áp lực dương, ngay trên đỉnh đầu mỗi hành khách.
Ngoài việc mang khẩu trang, hành khách đi máy bay cũng cần lưu ý hạn chế vịn tay vào những vị trí khác – Ảnh: Ngọc Thắng
Nếu hệ thống đó bật thì sẽ tạo luồng khí sạch từ trên xuống dưới mỗi hành khách, khí cũ bị hút vào hệ thống lọc. Về vấn đề này, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cũng cho biết, hệ thống lọc khí vẫn duy trì hoạt động trên tất cả các chuyến bay.
“Toàn bộ máy bay của Vietnam Airlines đều được các nhà sản xuất Boeing và Airbus trang bị hệ thống màng lọc không khí HEPA (High Efficiency Particulate Air) ngay từ thời điểm tiếp nhận, giúp giảm xuống tối thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus trên chuyến bay. Hệ thống này giúp loại bỏ đến hơn 99,99% các phần tử như hạt bụi, phấn hoa, tế bào da người, vi khuẩn và virus có kích thước tối thiểu từ 0,001 micromet”, đại diện hãng cho hay.
Hạn chế vịn tay
Những vị trí được nhiều người chạm tay nhất lại chính là những nơi chứa nguy cơ có vi khuẩn có hại rất cao như: tay vịn máy bay, thang lên máy bay, thanh vịn trong nhà vệ sinh, bồn rửa mặt trên máy bay,…
Mọi người cần tự cẩn trọng và rửa tay thường xuyên để phòng chống dịch Covid-19 – Ảnh: Độc Lập
Do vậy, theo những hành khách người Việt vừa trở về từ Hàn Quốc, khi “xứ sở Kim Chi” bùng phát dịch Covid-19, họ luôn trong tâm thế đề phòng cao độ. Không chạm tay vào các vị trí mà nhiều người có khả năng chạm. Trường hợp lỡ chạm vào thì ngay lập tức dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn hoặc rửa tay với xà bông.
“Không chỉ trên máy bay, mà trước khi lên máy bay, tôi cũng không chạm vào tay vịn thang cuốn, khay đựng đồ tại cửa kiểm tra an ninh và tất cả các bề mặt trong nhà vệ sinh”, một người Việt vừa trở về từ Hàn Quốc cho biết.
Hạn chế vào nhà vệ sinh
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng vừa cho rằng, nhà vệ sinh chính là nơi có nguy cơ lây lan Covid-19 lớn nhất. Ông nói: “Các khu vực công cộng sử dụng chung thường có nguy cơ lớn nhất” trong lây lan virus gây dịch Covid-19, đặc biệt là nhà vệ sinh”.
Do đó, nếu trên máy bay bạn có thể hạn chế sử dụng nhà vệ sinh khi thật cần thiết, hoặc nếu cần phải sử dụng trên các chuyến bay dài thì hãy rửa tay thật kỹ trước khi rời khỏi.
Ngoài những lưu ý trên, để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 khi đi máy bay, mỗi người cần phải luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người. Hãy mang bao tay y tế khi tiếp xúc nơi công cộng, hoặc phải rửa tay với xà bông, dùng dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần chạm vào các vị trí mà nhiều người có thể chạm.
Theo thanhnien
Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao?
Rủi ro lây nhiễm trên máy bay đôi khi không chỉ nằm trong giới hạn 2 hàng ghế kế cận, bởi các hành khách đương nhiên không ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay.
Như Dân Trí đã đưa tin, sáng 8/3, Bộ Y tế xác nhận ca mắc Covid - 19 thứ 21 tại Việt Nam là một hành khách đi chung chuyến bay từ Anh về Việt Nam với cô gái ở phố Trúc Bạch (Hà Nội). Bệnh nhân là N. Q.T, nam, 61 tuổi, ở Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội là người ngồi gần hàng ghế với Bệnh nhân N.H.N.
Đến thời điểm hiện tại, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chỉ có 3 đường lây cơ bản của virus corona, bao gồm: Lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.
"Máy bay là một không gian công cộng nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, nhất là khi mầm bệnh có thể sống trên bề mặt trong một khoảng thời gian dài" - Nhà dịch tễ học Aaron Milstone, Bệnh viện Johns Hopkins nhận định.
Theo WHO, đối tượng được xem là tiếp xúc gần với người bệnh, trên máy bay hoặc các phương tiện khác, là người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế kế cận. Vấn đề ở đây là rủi ro lây nhiễm trên máy bay không chỉ nằm trong giới hạn đó, bởi các hành khách không chỉ ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay, bởi họ còn có thể di chuyển, đi vào nhà vệ sinh, lấy hành lý ở khoang phía trên đầu...
Quay trở lại với đại dịch SARS (2002-2003), được gây ra bởi mầm bệnh có họ hàng gần với SARS-CoV-2, một người bệnh trên chuyến bay từ Hong Kong đến Bắc Kinh đã lây nhiễm cho cả những bệnh nhân nằm ngoài phạm vi 2 hàng ghế như đã nêu.
Từ vụ việc xảy ra ở dịch SARS, một nhóm các nhà khoa học cũng đã thực hiện nghiên cứu: Các di chuyển ngẫu nhiên của hành khách trên chuyến bay ảnh hưởng thế nào đến xác suất bị lây nhiễm.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã theo dõi hành vi của hành khách và phi hành đoàn trên 10 chuyến bay xuyên lục địa, xuất phát từ Mỹ, với thời gian bay trong khoảng 3,5 tiếng. Hai nhà khoa học Vicki Stover Hertzberg và Howard Weiss (Đại học Emory), tác giả của nghiên cứu, không chỉ quan tâm đến cách mọi người di chuyển trong cabin, mà còn cả số lần và thời gian họ tiếp xúc với những người khác.
Kết quả thu được chỉ ra rằng, phần đa hành khách trong chuyến bay đều rời ghế của mình vào một lúc nào đó, thường là để sử dụng toilet hoặc kiểm tra hành lý ở khoang phía trên. Cụ thể, 38% hành khách rời ghế của họ 1 lần và 24% rời ghế nhiều hơn 1 lần. Chỉ có 38% hành khách sẽ ngồi yên trên toàn bộ chuyến bay.
"Giả sử như bạn đang ngồi ở ghế sát hành lang và ghế chính giữa và tôi là một hành khách đang đi vào toilet, chứng tỏ bạn sẽ tiếp xúc gần với tôi, nghĩa là khoảng cách của chúng ta trong khoảng 1 mét. Trong trường hợp này, nếu tôi là người bệnh, tôi có thể lây nhiễm cho bạn. Đó chính kết quả mà nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra" - GS Howard Weiss nhấn mạnh.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra vị trí trên máy bay an toàn nhất để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đó chính là ghế ngồi cạnh cửa sổ. Vị trí này vừa hạn chế rủi ro tiếp xúc gần với những người di chuyển trong cabin (trung bình chỉ có 12 tiếp xúc gần với hành khách khác, so sánh với kết quả lần lượt là 58 và 64 lần ở người ngồi hàng giữa, ngồi sát hành lang); vừa hạn chế việc di chuyển của hành khách, đây vốn là điểm bất tiện nhưng lại giúp hạn chế việc tiếp xúc với người khác (theo nghiên cứu này, chỉ 43% người ngồi cạnh cửa số di chuyển, so sánh với kết quả 80% ở những người ngồi cạnh hành lang).
Tuy nhiên, GS Howard Weiss cũng nhấn mạnh rằng, nguy cơ lây nhiễm trên máy bay vẫn không phải quá lớn bởi thời gian tiếp xúc thường ngắn: "Ngay cả khi bạn ngồi ở ghế sát hành lang và có nhiều người di chuyển qua, thì họ vẫn sẽ đi khá nhanh từ đó giảm thời gian tiếp xúc, đồng nghĩa giảm nguy cơ lây nhiễm".
Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, mọi chuyện có thể thay đổi nếu người nhiễm bệnh lại chính là thành viên của phi hành đoàn, đặc biệt là đội ngũ tiếp viên hàng không. Nghiên cứu giải thích: Bởi vì các tiếp viên hàng không dành hầu hết thời gian di chuyển trên hành lang và tương tác với hành khách nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Kết quả chỉ ra rằng, 1 phi hành đoàn nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho trung bình 4,6 hành khách.
Trong 21 ca mắc Covid - 19 tại Việt Nam, đã có 16 trường hợp khỏi bệnh. 5 ca mới được chẩn đoán gồm nam thanh niên đi từ vùng dịch Deagu (Hàn Quốc) về Việt Nam, được phát hiện bệnh khi đang cách ly tập trung; cô gái Hà Nội bay từ Anh về Việt Nam; 2 ca lây nhiễm bệnh từ cô gái này và 1 hành khách ngồi gần hàng ghế trên máy bay.
Minh Nhật
Theo NG, NYT/Dân trí
Bác sĩ nói gì về "đi chung máy bay với người nhiễm Covid 19"? Sau vụ việc một hành khách dương tính với virus SARS-Cov-2 quá cảnh TP.HCM trước khi bay về Nhật Bản, nhiều người quan tâm nguy cơ lây nhiễm khi bay cùng chuyến có đáng ngại? Khử trùng máy bay để phòng dịch Covid-19. Ảnh minh họa Chuyến bay có 1 khách quốc tịch Nhật Bản dương tính Covid-19 khiến 73 hành khách bay...