Đĩa spaghetty đắng
Mẹ mất không lâu sau khi sinh ra tôi. Ba một mình nuôi tôi khôn lớn. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, thấy ba vừa kéo chăn đắp cho con trai, tôi thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Tôi chưa bao giờ tỏ ra ngang bướng, chống đối ba, cho đến một ngày…
ảnh minh họa
Ngày ấy, sinh nhật tuổi 12, tôi chỉ mời một bạn trai về cùng thổi nến. Chúng tôi trò chuyện với nhau từ trưa đến chiều, mà vẫn quyến luyến, chưa muốn rời nhau. Bạn về, tôi thỏ thẻ với ba: “ Sao con không thích chơi với tụi con gái, con kết bạn M., bạn ấy đẹp trai”. Tôi “ngây thơ”, tưởng sau khi chia sẻ sẽ được ba đồng cảm, không ngờ ba mắng: “Mày có biết như vậy là hư đốn lắm không? Làm người bình thường không muốn, muốn bệnh hoạn không hà!”. Tôi bị sốc nặng, khóc suốt một ngày. Tôi đã làm gì sai, tôi đã làm gì có lỗi với ba, để ba mắng tôi nặng nề như vậy?
Vào đại học, tôi nhận thức rõ hơn về giới tính của mình. Tôi không bị cuốn hút bởi các bạn gái, mà chỉ thích gần gũi các bạn trai. Một đêm, nhân lúc ba vắng nhà, tôi đã rủ một bạn trai về, cùng làm tiểu luận, nấu ăn. Chúng tôi quấn quýt bên nhau. Đến nửa đêm, ba tôi về nhà sớm hơn dự kiến. Ba lớn tiếng đuổi bạn tôi về và đánh tôi. Tôi không khóc, chỉ trừng mắt nhìn ba, tuyệt vọng khi nghĩ ba sẽ không bao giờ hiểu đúng về người đồng tính.
Tôi chán chường, học hành sa sút. Ba không bỏ cuộc, tiếp tục “uốn nắn” tôi bằng mọi cách, làm sao để tôi trở thành một người đàn ông như suy nghĩ của ba.
Video đang HOT
Gần đây, tôi đã từ giận trở nên thương ba, khi thử đặt mình vào vị trí của ba: một mình nuôi con trai khôn lớn, nhưng nhận ra đứa con cưng của mình không được “bình thường” như bao người khác, rồi cả việc mặc cảm, xấu hổ với họ hàng, xóm giềng… Tôi đã cố giải thích cho ba hiểu, rằng ba có cố gắng đến mấy cũng không thể nào thay đổi được giới tính của tôi. Nhưng, có lẽ ba quá thương tôi, nên vẫn nuôi hy vọng giúp con trai “tìm lại chính mình”.
Thương ba, tôi không tỏ ra chống đối, bướng bỉnh nữa. Trong chừng mực có thể, tôi chiều lòng ba về ăn mặc, ứng xử, để ông vui. Nhưng như thế, tôi dần phát hiện ra sự bất ổn nghiêm trọng, bởi chẳng khác gì là tôi sống “hai mặt”. Ba tôi không thể thay đổi được giới tính của tôi, nhưng tôi có thể thay đổi được nhận thức của ba – tôi đã nghĩ và tin như vậy.
Tôi nấu ăn ngon, thường nấu những món ba thích như cá kho tộ, canh cua đồng, đậu que xào, rau muống luộc… Một ngày, ba tôi đi làm về, ngạc nhiên vì chưa thấy tôi dọn cơm như thường lệ. Tôi nói: “Hôm nay con có tiền lương dạy thêm, con mời ba đi ăn nhà hàng”.
Ba miễn cưỡng đi theo, vì ông vốn chỉ thích ăn cơm nhà, mà đặc biệt là cơm con trai nấu. Tôi chở ba đến một nhà hàng mì Ý. Ba tôi phản ứng: “Thôi thôi, ba cái đồ này, ba ăn không được, đi quán khác đi”. “Ba cứ ăn thử một lần, một lần thôi”- Tôi nài nỉ.
Hai đĩa mì Spaghetty lớn được dọn ra. Tôi chống cằm nhìn. Ba ăn được một miếng thì buông nĩa, lắc đầu: “Ba không quen, ba không ăn được”.
Tôi không kìm được cảm xúc, vừa khóc, vừa nói: “Ba không thích món này, con có năn nỉ, ba cũng đâu ăn được, đúng không? Tại sao bao năm qua, ngày nào, ba cũng ép con phải theo những thứ con không thích?”. Tôi đã nhiều lần khóc trước ba, nhưng lần đầu tôi thấy ba khóc trước tôi. Ba nấc lên, không kìm lại được.
Sau đó, mọi chuyện bắt đầu chuyển hướng. Tôi mừng và thương ba hơn khi ba không còn bắt tôi làm những điều tôi không thích nữa.
Theo PNO
Nụ cười bị đánh cắp từ khi tôi sinh ra
22 tuổi tôi chưa có mảnh tình vắt vai. Tôi thèm khát những lời yêu thương ngọt ngào, một bờ vai để dựa, những lời tỏ tình như những đứa bạn cùng tuổi được trải qua. Tình yêu hầu như ai cũng có, sao đối với tôi lại khó khăn quá chừng.
ảnh minh họa
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo miền Trung, trong gia đình đông anh em. Các anh chị lớn hơn tôi nhiều tuổi, yêu thương lắm nhưng tôi luôn luôn cảm thấy không tự tin, cô đơn. Từ khi sinh ra tôi đã bị tật, mẹ sinh tôi khi lớn tuổi, bị cảm cúm lúc mang bầu, cuối cùng tôi bị hở hàm ếch cả trong và ngoài. Khi mới hơn một tuổi tôi được đi mổ ngoài, bên trong vẫn còn đó, tôi nói ngọng. Lúc nhỏ tôi hay bị mấy đứa trong làng trêu chọc, mỗi lúc như vậy chẳng biết làm gì, nếu nói lại càng bị chọc vì nói không rõ. Chẳng biết từ bao giờ tôi ngại nói với người lạ, bởi lẽ luôn sợ người ta không hiểu.
Nói chung tôi cũng có nhiều người bạn tốt dù trong lòng luôn cảm thấy tự ti. Tôi học giỏi, thích nói chuyện mà lại bị như vậy. Đi học tôi muốn phát biểu lắm mà lại ngại những ánh mắt cười phá lên khi có cái gì đó phát âm không rõ. Nhiều lúc tôi luôn hỏi tại sao ông trời lại chọn tôi, một người thích nói lại không được nói. Nỗi niềm đó tôi chẳng biết chia sẻ với ai, bởi nếu nói ra bố mẹ, anh chị hay bạn bè sẽ buồn.
Tôi đỗ đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, ngành kỹ sư hóa học. Thật sự nếu không có gì chắc tôi sẽ chọn giáo viên hay kinh tế vì rất thích nói chuyện. Vào đây vừa xa nhà, bất đồng ngôn ngữ giữa quê và thành phố, với lại tôi bị ngọng nữa, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Tôi thu mình, ít nói với người lạ. Tôi hay buồn, không biết tâm sự cùng ai. Nhiều lúc gọi về nhà buồn quá tôi hay cáu gắt với ba mẹ, nhưng không nói rõ vấn đề mình đang gặp phải.
Tôi học khá tốt, đó là theo bản thân cảm nhận và những người bạn xung quanh nhưng có nhiều thứ ngăn cản, có lẽ tôi nhút nhát. Tôi sợ thuyết trình, sợ phải đọc tên cho ai đó vì nói khó, sợ bị kêu hỏi bài, sợ ra đường lạc hỏi người ta nghe không được, sợ phải nghe phản hồi "Bạn nói gì không nghe rõ". Lòng tôi đau thắt lại, nhiều lần khóc mà chả ai hiểu chuyện gì.
Có lần tôi vào bênh viện chỉnh phát âm nhưng theo được thời gian tôi bỏ, bởi lẽ mỗi lần tập theo người ta không được, buồn quá lại khóc. Chính vì tật này, đến bây giờ 22 tuổi tôi chưa có mảnh tình vắt vai. Tôi thèm khát những lời yêu thương ngọt ngào, một bờ vai để dựa, những lời tỏ tình như những đứa bạn cùng tuổi được trải qua. Tình yêu hầu như ai cũng có, sao đối với tôi lại khó khăn quá chừng. Liệu có ai sẵn lòng yêu tôi không?
Tôi ngại chat qua mạng, qua Facebook, nếu ai đó có ý gì tôi làm lơ luôn vì sợ người ta biết tôi bị tật. Tôi biết cũng có thể do mình hay suy nghĩ nên tự ti như vậy nhưng lòng không sao thoát được ám ảnh này. Tôi phải làm sao đây?
Theo VNE
Mẹ sinh ra tôi lần nữa Tôi sinh ra trong gia đinh đây đu ba me, anh chi em, nhưng gia đinh tôi trải qua nhiêu biên cô va không hanh phuc. 17 tuôi, tôi viêt tâm thư cho me: "Me ơi, con la ngươi đông tinh". Huỳnh Chí Dũng và mẹ Me đoc thư, goi điên thoai cho tôi nhưng không noi gi vê viêc đo, chi dăn...