Địa ốc vẫn hút khách bằng trái phiếu lãi cao
Nhà đầu tư cần nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đừng chăm chăm vào lãi suất hấp dẫn.
Khó tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tìm cách huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu. Nhiều đơn vị chấp nhận đưa ra lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư trong những tháng đầu năm 2020.
Nhiều đại gia địa ốc đua nhau tìm vốn
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI về tình hình quý I-2020, các DN BĐS đang gia tăng phát hành trái phiếu, sẵn sàng chấp nhận trả lãi cao cho nhà đầu tư.
Cụ thể, nhóm các DN BĐS dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỉ lệ 49%. Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong quý là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019.
Trong quý I có 33 DN phát hành tổng cộng 23.200 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 18% tổng lượng phát hành cả năm 2019.
Nhiều đại gia trong lĩnh vực đã phát hành trái phiếu giá trị hàng ngàn tỉ đồng thành công với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử như TNR Holdings với trên 5.300 tỉ đồng chia thành nhiều đợt phát hành, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn bốn năm; Phú Mỹ Hưng với 900 tỉ đồng lãi suất 7,15%; Địa ốc Sông Tiên phát hành 600 tỉ đồng, lãi suất 11%…
Một số DN phát hành trái phiếu với lãi suất khá cao như Công ty BĐS Đông Dương với trị giá trái phiếu 1.200 tỉ đồng, lãi suất 12%, kỳ hạn bốn năm; Công ty City Garden với 1.598 tỉ đồng, lãi suất 13,3%, kỳ hạn bình quân hơn hai năm.
Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm. Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã kích thích nhà đầu tư tham gia sân chơi nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia đánh giá trái phiếu BĐS sẽ còn tiếp tục nở rộ thời gian tới bởi lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành vẫn ở mức cao.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng DN phát hành trái phiếu là điều đáng khuyến khích. Thay vì vay ngân hàng thì họ phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trong năm nay sẽ có thêm nhiều DN phát hành trái phiếu với mức lãi cao để gia tăng tính hấp dẫn.
Video đang HOT
Trái phiếu của các DN BĐS đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Độ rủi ro vẫn ở mức cao
Độ rủi ro của các nhà đầu tư BĐS vẫn ở mức cao vì chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường đang lên xuống thất thường và chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Độ rủi ro cao nên trái phiếu BĐS cũng sẽ có lãi suất cao.
“Nhà đầu tư nào chỉ nhắm vào lãi suất cao mà mua trái phiếu, không phân tích độ rủi ro thì rất liều lĩnh. Tại thời điểm này, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với trái phiếu vì tất cả phân khúc thị trường đang bị ảnh hưởng, giao dịch trầm lắng. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ báo cáo tài chính của các DN để tính toán, không nên chăm chăm vào lãi suất cao” – ông Hiếu khuyến cáo.
Tất cả việc phát hành trái phiếu DN phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban này sẽ có đầy đủ kỹ năng và công cụ để lựa chọn những nhà phát hành có khả năng trả nợ. Việc phát hành riêng lẻ rất rủi ro khi không thông qua hoặc thông qua ở mức độ chưa đầy đủ, không có sự kiểm soát của những cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, cần cho phép những tổ chức xếp hạng tín dụng độc lập đủ uy tín đánh giá, xếp hạng tín nhiệm cho các DN trước khi phát hành trái phiếu. Từ đó, xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng cho các DN theo chuẩn mực quốc tế. Chỉ có dựa trên những cơ sở độc lập, khách quan thì các nhà đầu tư mới có thể tránh rủi ro không đáng có.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa, DN phát hành trái phiếu phải có sự chuẩn bị từ năm 2019, ít nhất trong 3-6 tháng. 2020 là một năm khó khăn vì ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, buộc các DN phải đi trước một bước là phát hành trái phiếu để thu hút vốn phát triển dự án.
“Mức lãi suất 10%-13% là chấp nhận được, còn mức 14%-15% là cao. Để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực, khả năng tài chính của DN phát hành, đặc biệt là tính trung thực và minh bạch thông tin của họ. Thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh, sử dụng vốn của DN để ứng phó kịp thời khi có biến động” – ông Quang chia sẻ.
Nhà đầu tư cá nhân chi ngàn tỉ đồng mua trái phiếu BĐS
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, trong quý I-2020, nhà đầu tư cá nhân mua tổng cộng 9.546 tỉ đồng trái phiếu DN. Trong đó, các cá nhân nước ngoài chỉ mua 9,6 tỉ đồng, còn lại là các cá nhân trong nước.
Nhóm ngành được nhà đầu tư đổ tiền nhiều nhất là BĐS với số tiền 6.300 tỉ đồng. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân trong nước là người mua trái phiếu BĐS. Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 25% tổng giá trị trái phiếu BĐS đã phát hành.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp quý I tăng mạnh, nhà đầu tư cá nhân mua hơn 9.500 tỷ đồng
Khối lượng phát hành quý I năm nay tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2019.
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dẫn đầu về khối lượng phát hành.
Lãi suất phát hành bình quân quý I là 10,4%/năm, cao hơn lãi suất phát hành bình quân quý IV/2019 là 108bps.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), quý I, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tăng trưởng tốt về khối lượng và lãi suất phát hành tăng lên. Các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với các trái phiếu.
Tổng khối lượng phát hành tăng 39%, nhóm BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Quý I hàng năm thường là quý thấp điểm phát hành trong năm do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Riêng năm nay, các doanh nghiệp còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng khoảng 39% so với cùng kỳ 2019. Tổng cộng 47.500 tỷ đồng TPDN được phát hành gồm 5.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), còn lại là 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết.
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường quý I và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3%) gồm 230 tỷ đồng trái phiếu 10 năm của ACB và 710 tỷ đồng trái phiếu 7 năm của TPBank. Cơ cấu phát hành khá tương đồng so với cùng kỳ.
Top 10 doanh nghiệp BĐS phát hành trong quý I/2020.
Lãi suất phát hành tăng lên ở hầu hết các nhóm
Trong quý I, lãi suất phát hành bình quân là 10,4%/năm, cao hơn lãi suất phát hành bình quân quý IV/2019 là 108 bps (bps: điểm cơ bản, 100 bps = 1 điểm %) và cao hơn lãi suất phát hành trung bình cả năm 2019 tới 157 bps. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm các ngân hàng chiếm tỷ trọng phát hành lớn trong 2019 và có lãi suất thấp nhất thì lại phát hành rất ít.
Nhóm phát triển hạ tầng có lãi suất bình quân cao nhất là 11% với 2.470 tỷ đồng trái phiếu của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) chia làm 3 lô có kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng.
Lãi suất phát hành bình quân quý I của nhóm BĐS, định chế tài chính khác lần lượt là 10,77%/năm và 8,9%/năm, tăng tương ứng là 43 bps, 70 bps so với năm 2019 dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn từ 1-2 tháng. Nhóm ngân hàng cũng có lãi suất tăng mạnh lên 9,26%/năm, tăng 221 bps do kỳ hạn phát hành bình quân dài hơn (7,73 năm trong quý I so với 4,12 năm trong 2019).
Nhóm các doanh nghiệp khác có lãi suất bình quân quý I là 10%, giảm 32 bps so với bình quân 2019 nhưng nếu loại trừ lô phát hành 1.402 tỷ đồng của Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng vào tháng 10/2019 có lãi suất lên tới 20%/năm thì lãi suất bình quân nhóm này cũng tăng 22 bps trong quý I.
Bên cạnh đó, trong 4 quý gần đây lãi suất phát hành bình quân tăng từ 10-25 bps, ở mức 10,21%/năm trong quý II/2019 lên 10,77%/năm trong quý I dù kỳ hạn phát hành bình quân dài hơn.
Quý I, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục tham gia tích cực khi mua tổng cộng 9.536 tỷ đồng trái phiếu. Tỷ trọng cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường quý I là 20% - gấp đôi so với mức trung bình 10% của năm 2019.
Trái phiếu BĐS được nhóm này hướng đến nhiều nhất với 6.300 tỷ đồng, tương đương 28,3% lượng phát hành của nhóm. Trong đó, toàn bộ 5.347 tỷ đồng trái phiếu thành 110 đợt của TNR Holdings trong quý I đều được các cá nhân trong nước mua. Một số khoản trái phiếu BĐS khác có nhà đầu tư cá nhân mua nhiều: Đầu tư Địa ốc Phú Hưng (400 tỷ đồng); công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường (166 tỷ đồng); Đầu tư Hải Phát (147 tỷ đồng)... Lãi suất chủ yếu là cố định từ 11-13%/năm.
Chênh lệch lãi suất TPDN và tiền gửi lên tới 4 điểm %/năm
SSI Research cho rằng nhu cầu phát hành trong quý II có thể sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng lên kế hoạch tài chính nhưng sẽ tăng mạnh trong quý III khi dịch bệnh được kiểm soát (trong kịch bản cơ sở). Nhóm ngân hàng thương mại sẽ không phát hành nhiều như năm 2019 và tập trung vào kỳ hạn dài 7-10 năm để tăng vốn cấp 2 thay vì các kỳ hạn 2-3 năm như trước. Trong khi đó, nhu cầu phát hành của các nhóm khác vẫn cao, đặc biệt là nhóm bất động sản. Lãi suất phát hành sẽ duy trì ở vùng hiện tại do phần bù rủi ro cao nhưng dài hạn có thể điều chỉnh giảm, phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất tiền gửi.
Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường. Nhưng ngoài lãi suất, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua thời kỳ dịch bệnh của các doanh nghiệp.
Hải Triệu
Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn qua trái phiếu bất chấp Covid-19 Trong tháng 3/2020, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động tới hơn 8.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, chiếm tới 47% tổng lượng phát hành trong tháng. So với mức huy động bình quân mỗi tháng của năm 2019 (4.760 tỷ đồng), mức huy động của riêng tháng 3/2020 là cao hơn hẳn, bất chấp "bóng đen" suy thoái kéo...