Địa ốc Alibaba bán dự án “ma”: UBND Đồng Nai, Vũng Tàu… phải chịu trách nhiệm?
Xoay quanh vụ địa ốc Alibaba bán dự án “ma”, luật sư Đăng Văn Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, bao gồm cả việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương.
Liên quan đến vụ việc địa ốc Alibaba bán dự án “ma”, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hùng khẳng định với truyền thông, pháp luật sẽ điều chỉnh các dự án bất động sản từ khi hình thành cho đến khi kinh doanh và điều chỉnh nhiều lần.
Nói về trách nhiệm quản lý trong vụ việc, ông Hùng cho biết: “Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc kiểm tra trực tiếp các dự án, thì Điều 178 của Luật Kinh doanh bất động sản có nói rõ là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra giám sát các dự án trên địa bàn và có trách nhiệm xử lý khi vi phạm”.
Bên cạnh đó, ông Hùng nói thêm: “Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm tra tập trung vào nội dung hoàn thiện thể chế chính sách, đề nghị những người đầu tư mua bất động sản có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin pháp lý của bất động sản, cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những vi phạm”.
Trước đó, thông tin tại một cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho báo giới biết, trách nhiệm trong vụ việc Alibaba thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau, trong đó trách nhiệm chính thuộc về địa phương.
Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) bị bắt cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Video đang HOT
Đánh giá về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, bao gồm cả việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương.
“Việc xây dựng, san lấp trái phép, phân lô bán nền trái phép chính quyền địa phương có biết hay không, nếu có biết thì có tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hay không?”, – Luật sư Cường đặt câu hỏi. Luật sư Cường chia sẻ cùng PV Kiến Thức: “Trong trường hợp có những dự án trái phép đó công khai, ngang nhiên tồn tại, nhưng cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền vì động cơ cá nhân hoặc vì thiếu trách nhiệm mà không xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các đối tượng lợi dụng việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền nên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người thì không thể không xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý ai, xử lý như thế nào thì sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan Công an”.
Vị luật sư cũng chia sẻ thêm, đất đai là tài sản có sự quản lý của nhà nước, mọi hoạt động kinh doanh, triển khai dự án trên địa bàn thì đều có sự quản lý của chính quyền địa phương. Trong trường hợp các dự án ma “mọc” lên mà chính quyền không biết hoặc biết nhưng cố ý, hay vô ý làm ngơ để các đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây xáo trộn đời sống xã hội, mất an ninh trật tự thì cần phải chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.
“Hình thức xử lý có thể là xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp hành vi vi phạm về quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng của cá nhân với lỗi cố ý thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”, – luật sư Cường nói.
Bảo Ngân
Theo kienthuc
Alibaba thách thức pháp luật: Chính quyền địa phương ở đâu?
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi để Alibaba lộng hành, lừa dối khách hàng trong thời gian dài như vậy?
Cơ quan công an vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba, đồng thời bắt giam lãnh đạo của công ty này là Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. Người vi phạm thì sẽ bị cơ quan pháp luật xét xử, tuy nhiên hậu quả của nó rất nghiêm trọng khi có hàng ngàn người đang là bị hại của Alibaba.
Qua vụ việc này vấn đề cần đặt ra đó là, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi để Alibaba lộng hành, lừa dối khách hàng trong thời gian dài như vậy?
Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã được Công an TPHCM xác định, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra, đó là vì sao sự việc tồn tại một cách công khai, dư luận phản ánh nhiều mà đến nay hành vi gian dối đó mới bị vạch mặt. Vậy nếu, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền ở địa phương nơi Alibaba rao bán dự án "ma" như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận vào cuộc sớm hơn thì liệu số người bị hại của Alibaba có lên đến hàng ngàn người?
Sai phạm của Alibaba kéo dài hàng năm trời và thách thức pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, qua thông tin báo chí cho thấy, dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu gian lận của Alibaba rất rõ. Trước hiện này chính quyền phải có cảnh báo rõ ràng cho người dân.
"Thấy hiện tượng sai trái như vậy thì cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời. Việc này để kéo dài hàng năm trời và thách thức pháp luật. Cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hơn, nêu cao vai trò quản lý nhà nước khi để xảy ra sai phạm trên địa bàn của mình", luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi của Công ty Alibaba là lách Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản bằng cách triển khai khu dân cư, chứ không phải là khu dự án. Họ gom đất nền, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp để phân lô, bán nền.
Alibaba đã bỏ qua rất nhiều thủ tục bắt buộc để triển khai dự án, trong đó có thủ tục quan trọng là quyết định giao đất của UBND tỉnh, thành phố khi công bố bán đất nền. Khi đó, cơ quan gần dân nhất là UBND xã, phường đáng lẽ phải giám sát và tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã để kịp thời xử lý, nhưng các đơn vị này không sâu sát, chính vì vậy tạo lỗ hổng để Alibaba vi phạm pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm trong giám sát các dự án bất động sản trên địa bàn, tránh tình trạng doanh nghiệp bán xong dự án, rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc mới phát hiện dự án có vấn đề thì khi đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
"Qua vụ việc này cần rút kinh nghiệm xem trong quy trình đã sai sót khâu nào, như cấp phép, thanh tra, kiểm tra... Thời gian tới, chúng ta nên tăng cường đôn đốc kiểm tra, thấy công ty nào có biểu hiện mua bán bất động sản thì chúng ta kiểm tra, nếu họ thiếu, chưa hoàn thiện thì hướng dẫn, không phải xong hết rồi mới kiểm tra, thanh tra", ông Nhân khuyến cáo.
Theo các luật sư, để quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bất động sản, tránh tình trạng dự án bất động sản "ma", ngoài việc khách hàng cần tìm hiểu về dự án thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, tính pháp lý các dự án công khai trên website của UBND quận, huyện hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả trên mạng xã hội... để người dân tiếp cận thông tin dễ hơn.
Đồng thời, về mặt pháp lý thì cũng cần có quy định rõ ràng về việc khi doanh nghiệp công bố bán sản phẩm thì đơn vị nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, nếu có. Đặc biệt, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi doanh nghiệp có pháp nhân hay tại địa phương có dự án mở bán phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Và quan trọng nhất là cần quy định chặt chẽ hơn việc tách thửa, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp gom đất nông nghiệp để tách thửa, phân lô bán nền trái pháp luật.
Luật sư Trần Tấn Tài kiến nghị, cần phải quy trách nhiệm về quản lý đất đai, đô thị tại địa phương, phải định vào luật. Hiện nay, chúng ta có quy định này nhưng chưa nghiêm. "Trách nhiệm của địa phương về quản lý đất đai nếu có trường hợp sử dụng không đúng mục đích như đất nông nghiệp nhưng phân lô, xây dựng trái phép thì phải kiểm tra, ngăn chặn và xử lý. Vụ việc Alibaba xây dựng trái phép về đường nhưng bên quản lý đô thị lại không quản lý", ông Tài lưu ý.
Để tránh tình trạng tương tự như Alibaba tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, trước hết người mua nhà, đất cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của các dự án. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt quy trách nhiệm những người liên quan. Bên cạnh đó, bộ, ngành chức năng cần quy định chặt chẽ hơn trong việc tách thửa, phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp./.
Theo Lệ Hằng/VOV-TPHCM
Danh sách 43 dự án 'ma' do Alibaba vẽ ra để lừa 2.500 tỷ đồng Công an TP.HCM xác định, đến thời điểm hiện tại có 43 dự án do Alibaba tự "vẽ" ra, rao bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng. Công an TP.HCM cho biết, 43 dự án ma kể trên nằm tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Kẻ chủ mưu trong vụ lừa...