Địa điểm du lịch ngay gần Hà Nội có cảnh sắc hữu tình, nhưng sở hữu cái tên nghe thôi đã giật mình
Mất khoảng 2 giờ lái xe từ thủ đô Hà Nội, du khách sẽ tới 1 địa điểm nghe tên có phần khá rùng rợn song khung cảnh lại rất hữu tình.
Không chỉ có thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, miền Bắc Việt Nam cũng có rất nhiều địa điểm du lịch khác, thu hút du khách bởi những nét đẹp riêng biệt. Trong đó có thể kể tới Thái Nguyên, địa phương được đánh giá là gần Hà Nội, cách khoảng 100km, tương đương 2 giờ chạy xe.
Nhắc tới nơi này, du khách sẽ nhớ ngay tới những đồi chè xanh mướt kéo dài đến tận chân trời, hay hồ Núi Cốc – một trong những hồ nước ngọt nhân tạo nổi bật với hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, mảnh đất Thái Nguyên không chỉ có vậy. Cách trung tâm thành phố 45km, có một địa điểm sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ với thiên nhiên núi rừng, bờ suối chảy róc rách, song vẫn chưa được nhiều người biết tới. Ngoài ra, cái tên của nó cũng gợi cảm giác có phần rùng rợn. Đó là suối Cửa Tử.
Suối Cửa Tử, nơi sơn thủy hữu tình ở Thái Nguyên (Ảnh Phượng Đi Đâu)
Dòng suối thuộc địa phận xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo, bắt nguồn từ núi cao, chảy qua xã Hoàng Nông rồi đổ ra sông Công. Suối Cửa Tử nằm lọt thỏm trong rừng, len lỏi qua những vách đá, gồm 7 con thác. Chính vì vậy, khung cảnh khu vực suối có phong cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ. Ngoài ra, còn có quần thể đồi núi và rừng già. Đa số chúng vẫn còn nguyên nét hoang sơ, chưa có nhiều sự can thiệp từ con người.
Làn nước trong vắt ở suối Cửa Tử, nhìn được cả đáy (Ảnh Phượng Đi Đâu)
Cái tên đặc biệt khiến nhiều người rùng mình
Nhiều du khách thắc mắc, tại sao một nơi sơn thủy hữu tình, nhưng lại có cái tên khi nhắc tới khiến không ít người rùng mình, Cửa Tử. Nói về cái tên này, được biết có cả một câu chuyện truyền thuyết được dân gian truyền miệng nhau. Cụ thể trên Cổng thông tin tỉnh Thái Nguyên có viết, xưa kia, trong bản có đôi vợ chồng trẻ, người chồng tên Núi, người vợ tên Ngàn. Khi quân giặc tiến đánh vào nước ta, người chồng lên đường chống giặc cứu nước. Người vợ vẫn ở nhà cùng cha mẹ làm nương, chăn tằm, dệt vải.
Không may, phòng tuyến biên giới bị vỡ, giặc tràn vào. Chúng cướp bóc, đốt làng phá bản, tàn sát người dân. Dân trong vùng thấy vậy sợ hãi kéo vào núi để chạy giặc. Mới tới cửa rừng thì giặc đuổi kịp, vị tộc trưởng lúc này kêu gọi những người khỏe mạnh dùng toàn bộ sức lực để chặn giặt. Trận chiến diễn ra ác liệt, cả 2 bên địch và ta đều có những sự hi sinh, trong đó có cả người vợ Ngàn cùng cha mẹ của mình. Từ đó, khu vực rừng hay suối, nơi diễn ra trận đánh, được gọi là Cửa Tử.
Có nhiều câu chuyện, truyền thuyết khác nhau giải thích về cái tên Cửa Tử (Ảnh Phượng Đi Đâu)
Bên cạnh truyền thuyết trên, còn rất nhiều câu chuyện, sự tích khác được người dân bản địa truyền miệng nhau, lý giải cho cái tên Cửa Tử. Một phiên bản khác là bộ đội địa phương đã dùng kế đánh giặc của người xưa, nhử địch đi ngược dòng suối Cái, cảnh đẹp của núi rừng nơi Cửa Tử đã làm cho kẻ thù xao nhãng mà quên đi nhiệm vụ và bộ đội ta thừa cơ tiêu diệt, lập bao chiến công nơi Cửa Tử này.
Câu chuyện khác nữa, dành cho những người mộng mơ, lại là về chuyện tình lãng mạn, thủy chung của một đôi trai gái từ thời phong kiến. Họ đã nắm tay, cùng đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to, đi mãi vào nơi núi rừng hoang vu bên dòng suối mát, mặc cho người đời ngăn cản, can ngăn: “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử”…
Dù nguồn gốc của cái tên có như thế nào, thì vẫn không thể phủ nhận sự độc đáo của nó. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên, chúng đã thu hút sự tò mò của các du khách, những người yêu thích sự khám phá sự mới lạ trong từng chuyến đi, từng điểm đến.
Khung cảnh thiên nhiên khiến nhiều du khách bị thu hút đến với suối Cửa Tử (Ảnh Phượng Đi Đâu)
Video đang HOT
Suối Cửa Tử – nơi thích hợp cho những chuyến đi trekking
Địa hình suối Cửa Tử được đánh giá là rất phù hợp cho những chuyến đi trekking, chuyến đi mạo hiểm. Bởi nơi đây chủ yếu là rừng, sông, suối cùng những khối đá lớn. Tất cả đều còn nguyên sơ, chưa có sự can thiệp nhiều của con người.
Như đã nói ở trên, suối được hình thành bởi 7 con thác. Những con thác này cũng được “đánh số”, tương ứng là Cửa Tử 1, 2,3… cứ thế đến Cửa Tử 7. Đầu tiên, để tới Cửa Tử 1, du khách cần đi bộ hết con đường qua những đồi chè của Hoàng Nông. Được biết, đây cũng là lối vào duy nhất ở khu vực này. Tới nơi, Cửa Tử 1 hiện ra trước mắt du khách là một vũng nước dài, sâu, nước lạnh và trong vắt, chảy giữa 2 bên vách đá. Nhiều du khách nhận xét, dù là đường đi bộ song đường vào Cửa Tử 1 khá dễ đi, phù hợp với số đông.
Đường trekking suối Cửa Tử sẽ vừa có rừng, vừa có suối (Ảnh Phượng Đi Đâu)
Những trải nghiệm được yêu thích tại đây có thể kể tới là cắm trại hay tắm thác. Nguyễn Hồng Minh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ về chuyến đi của mình: “Mình đã dành nguyên buổi chiều ngày đầu tiên đến Cửa Tử cho cửa 1. Mình tắm thác, bơi và ăn nhẹ ngay bên bờ suối. Khi bắt đầu trở về là khoảng 4 giờ chiều, mặt trời bắt đầu lặn, phủ lên một màu vàng cam trên các đồi chè trứ danh của Thái Nguyên, tạo nên một khung cảnh rất đẹp”.
Du khách Hồng Minh thích thú khi được hòa mình vào thiên nhiên ở suối Cửa Tử (Ảnh Hồng Minh – Hoàng Nông Farm)
Tuy nhiên từ Cửa Tử 2 trở đi, địa hình đã có phần hiểm trở, thử thách những du khách “gan lỳ” hơn. “Cửa Tử hiền hòa, suối nước trong vắt, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi. Nhưng càng đi sâu vào trong, nước chảy càng xiết, những tảng đá cũng trở nên trơn trượt hơn”, du khách Hồng Minh nhận xét.
“Bước tới cửa 2, hiện ra trước mắt mình là hồ nước sâu hoắm, xanh thẳm và một con thác rì rào ngay bên cạnh. Lúc này mình vẫn nghĩ là dễ đi thôi, vì có áo phao mà. Nhưng đứng trên mỏm đất đó nhìn xuống hồ thực sự rất sợ”.
Giữa Cửa Tử 2 và Cửa Tử 3 có một khu vực gọi là máng trượt bằng đá, được tạo thành từ nước chảy qua thời gian dài, rồi đá mòn dần, từ đó có một đường máng trượt thú vị dành cho du khách.
Du khách Hồng Minh chia sẻ thêm, cô đã dành toàn bộ ngày thứ 2 để cho những trải nghiệm lần đầu trong đời ở Cửa Tử 2 và Cửa Tử 3. Đó là nhảy thác, trượt máng hay cosplay tiên cá, ngắm Thác Thiên Đường bạc trắng. Nói về trải nghiệm mạo hiểm nhảy thác, du khách nói ban đầu cô đã rất sợ, mất tới 15 phút đứng run rẩy và do dự, mãi không dám nhảy. Cuối cùng, cô phải nhờ người tour guide của mình đẩy từ đằng sau lưng để rơi xuống. “Khi xuống tới nơi để bơi, được hòa mình vào với làn nước mát lạnh, cảm giác lúc ấy mới thật sảng khoái làm sao!”.
Du khách tham gia trải nghiệm nhảy thác (Ảnh Hồng Minh – Hoàng Nông Farm)
Còn ở Cửa 3, du khách được trải nghiệm ăn trưa, uống cà phê ngay trên mặt phiến đá nằm trên suối. “Vừa ăn uống, nghỉ ngơi, nghe tiếng suối và tiếng thác rì rào là một cảm giác vô cùng thư giãn”, Hồng Minh nói.
Để khám phá hết cả 7 Cửa Tử, du khách sẽ cần thời gian dài ngày hơn cùng một sức khỏe bền bỉ, dẻo dai hơn, kết hợp với sự hỗ trợ của các thiết bị an toàn. Và cũng đừng quên khi rời đi, du khách sẽ cần dọn dẹp toàn bộ rác thải, giữ lại vẻ trong lành và nguyên sơ nhất cho thiên nhiên nơi đây. Một vài du khách sau khi trải nghiệm trekking suối thì thuê homestay ngay gần để tiện cho việc nghi ngơi cũng như tiếp tục khám phá nét đẹp địa phương nơi đây.
Sau khi ăn uống xong, du khách cần đảm bảo dọn sạch rác trước khi ra về (Ảnh Hồng Minh – Hoàng Nông Farm)
Thời điểm thích hợp nhất cho những chuyến khám phá suối Cửa Tử là vào những tháng mùa hè, khoảng từ tháng 5, cho đến hết tháng 11 để tránh mùa mưa và mùa lạnh. Theo chia sẻ của nhiều du khách đã trải nghiệm, với một địa điểm gần, không quá xa xôi, chi phí cũng chỉ khoảng từ 2 – 3 triệu đồng/cá nhân, tùy vào thời gian lưu trú, có thuê người hướng dẫn đi cùng hay không hay ăn uống như thế nào, đây là một trải nghiệm rất đáng thử 1 lần trong đời, đặc biệt là với những người đam mê khám phá thiên nhiên.
Phát hiện thác nước hoang sơ, mang cái tên "như cổ tích" ở ngay miền Bắc, cách Hà Nội 4 giờ chạy xe
Nhiều du khách khi tới đây phải nhận xét, đúng như cái tên của nó, khung cảnh thác nước như bước ra từ truyện cổ tích.
Nhắc tới du lịch Mộc Châu, phần đông du khách sẽ nhớ tới những địa điểm đã vô cùng nổi tiếng trước đó như những đồi chè, Rừng thông Bản Áng hay đỉnh Pha Luông hùng vĩ. Tuy nhiên không chỉ có màu xanh của núi rừng, ở Mộc Châu có cả những thác nước hoang sơ, thời tiết mát mẻ quanh năm, đem tới cho du khách trải nghiệm vô cùng khác biệt.
Mới đây, một cái tên thác nước ở Mộc Châu được quan tâm trên các hội nhóm du lịch thông qua những bức ảnh, thước phim quay tại nơi này. Nhiều du khách nhận xét, đúng như cái tên của nó, khung cảnh nơi đây giống như bước ra từ truyện cổ tích. Địa điểm đang được nhắc tới là thác nước Nàng Tiên, thuộc địa phận bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, huyện Mộc Châu. Từ trung tâm huyện Vân Hồ, du khách sẽ cần đi thêm khoảng 7km về phía Đông Nam, thì sẽ đến được thác Nàng Tiên.
Vẻ đẹp "vô thực", như bước ra từ cổ tích của thác Nàng Tiên thu hút nhiều du khách (Ảnh Traveloka)
Thác Nàng Tiên có gì mà hấp dẫn du khách?
Thác Nàng Tiên được hình thành từ nguồn nước của dòng suối Tân, hợp lưu lại từ nhánh của bản Suối Lìn, băng qua xã Vân Hồ và bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trước kia, phần đông du khách khi tới Mộc Châu và được hỏi về thác nước, sẽ nhắc ngay tới thác 7 tầng, hay thác Chiềng Khoa. Thác Nàng Tiên nằm cách con thác nổi tiếng ấy khoảng 2km.
Thác chia thành 3 tầng với độ cao hơn 100m, có dòng thác trải dài hơn 1km đường rừng. Mỗi tầng thác lại mang một nét độc đáo rất riêng, hấp dẫn mọi du khách.
Ở tầng đầu tiên của thác có dòng suối ngắn chảy nhẹ, tạo nên bãi tắm nông, phù hợp với đa phần mọi đối tượng du khách. Du khách khi tới đây chỉ cần chú ý an toàn, chuẩn bị trang phục thật phù hợp bởi thi thoảng sẽ đi qua những tảng đá, mỏm đá trơn trượt phía dưới dòng nước. Tầng đầu tiên của thác Nàng Tiên cũng là lựa chọn của nhiều du khách cho hoạt động ngâm mình hay tắm thác.
Tầng thác đầu tiên phù hợp cho việc ngâm mình, tắm thác (Ảnh Hoàng Tuấn Kiệt - Group Check in Việt Nam)
Tầng 2 và tầng 3 của thác được đánh giá là có địa hình hiểm trở hơn, khó chinh phục hơn. Tuy nhiên nếu chinh phục được 2 tầng này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, đặc biệt là vào những ngày có nắng. Những bọt nước trắng xóa sẽ trở nên lung linh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh dòng nước trong xanh, mát lạnh quanh năm, ở thác Nàng Tiên cũng có thảm thực vật đa dạng, trù phú. Xung quanh thác được bao bọc bởi những cánh rừng, từ đó tạo nên không gian trong lành, mát mẻ quanh năm.
Đường lên 2 tầng trên của thác Nàng Tiên (Ảnh Nguyễn Hoàng - Group Check-in Việt Nam)
Tầng trên cùng của thác là nơi đem lại những bức ảnh check in đẹp mắt nhất (Ảnh Mai Hoa, Suri Kiên, Minh Phương - Group Check-in Việt Nam)
Xung quanh thác nước là thảm thực vật đa dạng, trù phú (Ảnh Lê Hoàng, Hoàng Tuấn Kiệt - Group Check in Việt Nam)
Khung cảnh nơi đây được nhiều du khách nhận xét là gần như giữ được vẻ hoang sơ vốn có của thiên nhiên. Du khách sẽ được hòa mình trọn vẹn với thiên nhiên có cả sơn và thủy, hít thở bầu không khí trong lành mà dưới vùng đô thị khó mà có được.
Du khách Nguyễn Hoàng Ngân đến từ TP.HCM chia sẻ sau chuyến đi tới thác Nàng Tiên vào năm ngoái: "Cảnh vật nơi đây đúng là đẹp như tên gọi của nó, đúng là như tiên cảnh. Với mình thì tầng trên cùng của thác là đẹp nhất. Ở đây còn có cái bè phục vụ cho du khách check-in, nhưng ngày mình đi nước mạnh quá nên mình không lên đó được".
Cũng theo lời du khách Hoàng Ngân, thời điểm cô đi thác Nàng Tiên vẫn chưa thực sự được nhiều người biết tới nên khung cảnh vắng vẻ, không bị chen chúc, xô bồ.
Ngoài hoạt động chụp ảnh, du khách có thể tự chuẩn bị đồ ăn, nước uống để ngồi lại nghỉ ngơi bên bờ suối dưới chân thác. Nhiều du khách còn tự chuẩn bị bàn ghế cắm trại, ngồi hòa vào dòng nước. Đây là được đánh giá là một trải nghiệm rất đáng thử.
Nhiều du khách tự chuẩn bị bàn ghế cắm trại để được trải nghiệm hòa mình cùng dòng nước thác mát lạnh (Ảnh im.rot)
Thời điểm đẹp nhất để tới thác Nàng Tiên
Theo thời tiết địa phương, thời điểm đẹp nhất để tới thác Nàng Tiên là vào mùa hè, khoảng từ tháng 3 cho đến tháng 8. Lúc này thời tiết có nắng, cảnh vật xung quanh xanh tốt, rất lý tưởng cho những bức hình check-in. Thi thoảng trời có mưa, vì vậy mực nước ở thác sẽ không bị quá cạn.
Tuy nhiên, khoảng thời gian mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 10, thác Nàng Tiên cũng đẹp không kém. Đặc biệt, nếu du khách đến tới thác vào dịp nghỉ lễ 2/9 tới đây, có thể kết hợp với chuyến đi tới thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu để hòa mình vào không khí lễ hội của "Tuần Văn hóa Du lịch Mộc Châu", kéo dài từ 28/8 - 4/9. Với người Mông ở Mộc Châu, đây cũng được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, ngày hội mừng Tết Độc lập.
Từ Hà Nội, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau để tới thác Nàng Tiên nói riêng cũng như Mộc Châu nói chung. Hai phương án phổ biến nhất là xe khách và xe máy. Ước tính sẽ mất khoảng 4-5 giờ đồng hồ để du khách đặt chân tới mảnh đất sơn thủy hữu tình này.
Ấn tượng du lịch Lai Châu Là tỉnh miền núi cực Bắc của Việt Nam với độ cao hơn 1200m so với mực nước biển, tỉnh Lai Châu không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ với nhiều cảnh sắc đẹp nao lòng; mà còn những danh thắng nổi tiếng, mang nét đẹp riêng, vừa thơ mộng trữ tình, vừa ấn tượng trong lòng du khách thập phương....