Địa chỉ cuối tuần: Quán chân gà không biển hiệu
Quán chân gà nướng tọa lạc trên hè phố Cao Đạt, không biển hiệu nhưng vẫn được nhiều thực khách sành ăn mách nhau.
Thời tiết Hà Nội đang vào những ngày chuyển mùa: mát mẻ, nắng vừa phải, lá rụng đầy các con phố. Đây cũng là thời gian lý tưởng cho những cuộc hẹn hò tụ tập ăn uống vỉa hè bởi trời chưa nóng như đổ lửa nhưng cũng không còn se lạnh hay mưa phùn như dịp sau Tết. Chân gà nướng là một trong những món quà vặt được “gọi tên” trong thời gian này – một món ăn gắn liền với giới học sinh, sinh viên nhiều năm qua.
Nhắc tới chân gà nướng, dân sành ăn ở Hà Nội thường nhớ tới con phố nhỏ Lý Văn Phức gần sân Hàng Đẫy, chỉ cần đi tới đầu phố là mùi hương ngào ngạt hay quán chân gà nướng có cái tên độc đáo – Mỹ Miều – ở khu Kim Liên. Tuy nhiên, các “chuyên gia review ẩm thực” ở khu vực quận Hai Bà Trưng cũng mách nhau về một địa chỉ ăn uống, dù không có biển hiệu vẫn được nhiều người biết tới.
Tọa lạc ở ngã ba phố Cao Đạt và phố Lê Đại Hành, gần Vincom Bà Triệu, quán chân gà nướng số 1 phố Cao Đạt chỉ có hai món là chân gà và cánh gà nướng. Khi đi ngang qua, bạn sẽ bắt gặp một nhân viên đang ngồi trước chiếc lò than, nhanh tay quạt để nướng những chiếc chân gà, cánh gà do khách gọi. Khách gọi tới đâu, nhân viên mới nướng tới đó nên phải chờ khá lâu nhưng bù lại là đồ ăn luôn nóng hổi, thơm nức một góc đường. Chính vì mùi thơm quyến rũ mà quán chẳng cần biển hiệu, khách chỉ cần đến ngã ba phố, đi theo mùi hương hay nhìn vào khu vực nghi ngút khói là xác định được vị trí.
Chân và cánh gà được tuyển chọn kỹ, hầu như chiếc nào cũng rất chất lượng. Nguyên liệu được tẩm qua mật ong và một số gia vị, làm cho miếng nào miếng nấy vàng ươm, ăn vị ngọt ngọt, không ngán. Chân gà được mệnh danh là món ăn “bẩn tay” nhưng ngon không thể chối từ. Bạn sẽ khó mà giữ tay sạch sẽ khi ăn món này vì phải trực tiếp cầm vào chân gà, tách phần da, gân, mất công là thế nhưng lại dễ gây nghiện.
Cánh gà thì dễ ăn hơn vì có nhiều thịt, phần thịt cánh ăn hoài không ngán. Loại tương ớt chấm chân gà và cánh gà là loại tương lỏng, thơm mùi tỏi, cay cay ngọt ngọt, không phải loại cay xé thường để ăn các loại nộm. Ăn kèm luôn là một đĩa dưa chuột muối giòn tươi, hơi cay cay… thích hợp món nướng.
Video đang HOT
Quán chân gà nằm giữa quán nem chua rán phô mai que và quán cà phê, trà sữa.
Quán tọa lạc tại một dãy phố có một số hàng ẩm thực như quán nước mía, trà sữa, cà phê hay cửa hàng bánh mì bên cạnh có bán cả phô mai que, nem chua rán để ăn kèm. Giá cả khá phải chăng, phù hợp túi tiền của giới học sinh sinh viên và dân văn phòng, khoảng 20.000-25.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, quán không có chỗ ngồi trong nhà mà ngồi ở vỉa hè phía đối diện, khá tối. Quán mở từ 17h đến 0h, phù hợp để lê la quà chiều hay ăn khuya đều được.
Bật mí cách làm cánh gà nướng bơ tỏi thơm ngon cực phẩm
Ăn mãi gà luộc, gà rang đôi khi cũng chán. Vậy bạn hãy thử cách làm cánh gà nướng bơ tỏi này nhé. Hương vị hấp dẫn của bơ tỏi sẽ giúp món ăn trở nên đầy thú vị.
Nguyên liệu làm cánh gà nướng bơ tỏi
- Cánh gà: 500g
- Bột ớt: 1 thìa canh
- Bột tỏi: thìa canh
- Bột chiến giòn: 2 thìa canh
- Đường: 2 thìa
- Muối: 1 thìa nhỏ
- Tỏi: 2 củ
- Bơ nhạt: 70g
Cách làm cánh gà nướng bơ tỏi
- Bước 1: Chọn cánh gà. Bạn nên chọn cánh gà tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và không phải cánh từ gà chết do bệnh tật hay có chứa chất tăng trọng. Trộn đều hỗn hợp muối, đường, bột ớt, bột tỏi, hỗn hợp bột chiên giòn trong một bát nhỏ.
- Bước 2: Cánh gà sau khi mua về rửa sạch, để ráo nước sau đó rắc hỗn hợp bột gia vị ở bước 1 vào và xóc cho bám đều cánh gà.
- Bước 3: Phết một lớp dầu ăn lên khay nướng rồi xếp cánh gà lên. Không nên xếp cánh gà quá gần nhau. Bật lò nướng ở nhiệt độ 120 độ C trước khi nướng 10 - 15 phút. Tiếp đến, bạn cho khay cánh gà vào lò nướng và nướng 15 phút.
- Bước 4: Cho một ít bơ vào bát con rồi cho lên bếp đun cách thủy. Nếu có lò vi sóng bạn cũng có thể cho vào lò vi sóng quay để bơ chảy ra. Tiếp đến lấy phần tỏi băm nhuyễn trộn đều với bơ.
- Bước 5: Lấy cánh gà ra từ trong lò, trở mặt và phết một nửa số bơ tỏi lên. Một lưu ý nhỏ cho bạn khi phết bơ tỏi lên cánh gà là không nên cho quá nhiều bơ. Làm như vậy sẽ dễ bị cháy và nhiều mùi bơ tạo cảm giác ngấy.
- Bước 6: Bật nhiệt độ lò nướng lên 200 độ C và cho cánh gà vào nướng thêm 12 phút nữa. Sau đó bạn lại lấy cánh gà ra, trở mặt và rưới đều hỗn hợp bơ tỏi còn lại lên thân gà rồi lại cho vào lò nướng. Nướng thêm khoảng 10 - 12 phút nữa là được.
Nếu không có lò nướng bạn có thể sử dụng nồi chiên không dầu. Cách làm tương tự như vậy.
Sau khi món cánh gà nướng bơ tỏi hoàn thành, hương thơm của nó sẽ khiến bạn muốn được thưởng thức ngay. Chấm cánh gà với tương ớt cay cay là hợp nhất. Trong quá trình nướng bạn cũng nên để ý tới nhiệt độ. Không nên nướng lâu quá, cánh gà có bị cháy và mất đi hương vị thơm ngon.
Địa chỉ cuối tuần: quán nộm trứ danh gần nhà thờ Hàm Long Nằm trên 'phố nộm Hàm Long', quán nộm Nguyệt luôn đông đúc người ra vào nhưng khách ít khi phải chờ đợi. Trên bản đồ ẩm thực Hà Nội, phố Hàm Long còn được gọi với cái tên "phố nộm" với những quán bình dân nhưng rất nổi tiếng, đông khách bất kể đông hè. Món ăn thanh mát, nguyên liệu đơn giản...