Đi Về Phía Lửa: Tác phẩm phim Việt đáng khen về đề tài lính cứu hỏa!
Đi Về Phía Lửa là một bộ phim chỉn chu và đáng hoan nghênh khi khai thác đề tài khó: cuộc sống, công việc của những người làm ngành nghề phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Chuyện nghề, chuyện đời của người lính cứu hỏa là một đề tài còn khá mới mẻ với ngành phim Việt. Phần vì đây là phim về đặc thù nghề nghiệp, rất dễ dẫn đến sai sót trong chi tiết kịch bản, phần do việc khắc họa những vụ cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn không hề đơn giản, đòi hỏi kinh phí không nhỏ. Đi Về Phía Lửa là một trong số những tựa phim Việt hiếm hoi mạo hiểm khai thác chủ đề khó nhằn này. Phim được cầm trịch bởi Trần Thanh Huy – đạo diễn phim điện ảnh Ròm gây sốt một thời, quy tụ nhiều diễn viên trẻ nổi tiếng hiện tại như Lãnh Thanh, Hồ Thu Anh, Xuân Phúc, Trần Ngọc Vàng,… Hiện phim đã lên sóng 4 tập và nhận về khá nhiều phản ứng tích cực từ khán giả bởi đã thành công khơi nguồn những cảm xúc về công việc cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn.
Bối cảnh chân thực, kịch bản giàu cảm xúc
Đi Về Phía Lửa mở đầu bằng một trận hỏa hoạn, nơi đội của Đức Anh (Lãnh Thanh) phải thực hiện nhiệm vụ giải cứu một người phụ nữ trung niên ngồi xe lăn, không thể tự mình thoát khỏi đám cháy. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, phim đã làm khá tốt khi tái hiện khung cảnh hoả hoạn, cứu nạn tương đối chân thực. Được biết ekip làm phim cũng sử dụng lửa thật cho những phân cảnh đặc biệt này thay vì dùng kỹ xảo điện ảnh thế nên dễ dàng thuyết phục khán giả hơn. Những phân cảnh đu dây cáp qua đoạn suối chảy xiết, cứu người chết đuối, cứu hộ trong rừng hay cứu hoả ở chung cư cao tầng,… cũng được dàn dựng công phu, cho thấy sự chỉn chu của ekip làm phim. Người xem cũng có thể thấy khá nhiều góc máy đặc tả những chi tiết liên quan đến công việc cứu hộ, cứu nạn, như những bình oxy, những trang thiết bị đặc biệt, các thao tác đu dây, vượt suối, hô hấp cấp cứu cho nạn nhân,… Chưa bàn tới việc kỹ năng nghiệp vụ của các nhân vật có hoàn toàn chuẩn chỉnh hay không thì trước mắt, phim đã làm khá tốt trong việc phục dựng bối cảnh, cho khán giả được thấy phần nhìn tương đối chân thực.
Đi đôi với phần bối cảnh, phần nhìn tạo cảm giác gần gũi là các câu chuyện dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đời tư, cuộc sống của các nhân vật chính là đội lính cứu hỏa thì tuyến nhân vật nạn nhân và người nhà của họ cũng thú vị không kém. Khán giả được đi qua nhiều câu chuyện đầy cảm xúc, những khoảnh khắc mà con người phải đối diện với lằn ranh sinh tử. Như ở tập phim có cảnh cháy chung cư cũ, việc hai đứa trẻ phải tự bảo vệ lẫn nhau, người anh có vẻ mới chỉ học cấp 2 nhưng đã biết an ủi, bảo vệ và sau cùng là nhường sự sống cho em. Khoảnh khắc người bố trở về, đối diện với cậu con trai đã không còn hơi thở, các lính cứu hỏa cũng chết lặng, nhất là Đức Anh – người đã từng trải qua cảm giác mất anh trai, khiến khán giả cũng phải nghẹn ngào. Cảm xúc của người xem càng bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi ở phân cảnh này, Toàn Thắng (Xuân Phúc) nghe cuộc điện thoại của con gái nhỏ và phải hát cho con nghe giữa bầu không khí tang thương, đau lòng.
Diễn xuất tốt, thiết lập nhân vật gần gũi, thú vị
Điểm sáng của bộ phim phải kể đến việc các nhân vật không được hình tượng hóa trở thành “anh hùng” mà tất cả đều vô cùng gần gũi với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường nhật. Toàn Thắng tuy là người có tiếng nói nhất nhì đơn vị, giỏi kỹ năng nghiệp vụ lại hết lòng với công việc nhưng anh lại chẳng thể chu toàn việc nhà. Hai lần liên tiếp vợ vượt cạn, anh đều không thể ở bên cạnh khiến mâu thuẫn gia đình lên tới đỉnh điểm. Mẹ vợ liên tục chì chiết Thắng, một mực muốn anh nghỉ việc. Vợ dù có hiểu chuyện đến đâu thì cũng không đủ sức tự gánh vác gia đình, cô muốn Thắng chuyển công tác, làm một công việc mà anh có thể dành nhiều thời gian hơn cho con và hơn hết là không phải gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Đức Anh là chàng thanh niên trầm tính, ít nói và dường như không thể dung hòa với bố mình, một nghệ sĩ từng muốn anh theo nghiệp gia đình. Bản thân anh có một nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí về người anh trai đã mất, thế nên khi cứu hai anh em gặp hỏa hoạn, Đức Anh đã suýt gục ngã vì cảm giác tâm trí bị bóp nghẹt. Ngoài ra, phim cũng nhẹ nhàng cài cắm những chi tiết đáng yêu về mối quan hệ của Đức Anh với cô bạn cũ – bác sĩ Hồng Ngọc. Mối quan hệ tình cảm nam nữ phát triển rất nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng nhiều đến mạch phim chính.
Thanh Hà (Hồ Thu Anh) là người bạn cùng lứa với Đức Anh cũng là bóng hồng duy nhất của đơn vị. Cô mạnh mẽ, cá tính, yêu nghề và là con nhà nòi nhưng liên tục bị mẹ bắt nghỉ việc. Bà không muốn con gái nối nghiệp bố, làm thứ ngành nghề khiến bà không thể ngủ yên mỗi khi nghe báo đài đưa tin có đám cháy. Thêm vào đó, Thanh Hà cũng gặp rắc rối với những câu chuyện rất đời thường, là việc bị mẹ giục cưới, ép đi xem mắt.
Cuối cùng, tân binh Minh Long (Trần Ngọc Vàng) đầy nhiệt huyết, đầy sức trẻ và may mắn hơn ba nhân vật còn lại khi cậu được mẹ ủng hộ hết mình trong chuyện công việc. Mối quan hệ đáng yêu của cặp chị em Thanh Hà – Minh Long cũng thêm gia vị đậm đà cho câu chuyện của Đi Về Phía Lửa.
Những nhân vật gần gũi, là “anh hùng” nhưng cũng chẳng mấy khác những con người bình thường. Họ cũng có gánh nặng gia đình, phải trải qua những hỉ nộ ái ố của cuộc sống thường nhật và hơn hết và phải gắng sức để dung hòa giữa công việc với gia đình. Cộng hưởng với phần thiết lập nhân vật gần gũi, thú vị này là diễn xuất tương đối đồng đều của dàn diễn viên. Lãnh Thanh – Trần Ngọc Vàng, cho thấy sự tiến bộ rõ nét với vai diễn lần này. Hồ Thu Anh thoại đôi chỗ còn gượng nhưng nhìn chung vẫn lột tả rõ nét sự cá tính, sắc sảo của nhân vật Thanh Hà. Điểm sáng hơn cả phải kể đến nam diễn viên Xuân Phúc, người thể hiện được hai màu sắc rõ nét của Toàn Thắng, khi là chiến sĩ quả cảm, gan dạ, lúc lại là người chồng, người cha ấm áp, người con rể cam chịu trước những lời nhiếc móc của mẹ vợ. Sự cắn rứt, đấu tranh nội tâm của nhân vật khi bị ép phải thay đổi công việc cũng giúp khán giả hiểu hơn về cuộc sống, tâm tư của những người làm công việc cứu người.
Chấm điểm: 3,5/5
Đi Về Phía Lửa khơi gợi ra khá nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật thế nên độ dài 6 tập có lẽ là hơi ngắn. Hiện phim đã đi đến tập thứ 4 và còn khá nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Chưa biết ở hai tập cuối, biên kịch có kịp xử lý hết các vấn đề. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vẫn phải dành lời khen cho tổng thể tác phẩm tương đối chỉn chu này. Ngoài một số vấn đề như đôi chỗ lời thoại hơi khiên cưỡng, một số nhân vật phụ nói chuyện thiếu tự nhiên ra thì đây vẫn là một bộ phim đáng xem, mang tới làn gió mới cho ngành phim truyền hình Việt.
Quy tụ dàn diễn viên triển vọng Nam - Bắc, "Đi về phía lửa" lên sóng ngày mùng 3 Tết
"Đi về phía lửa" với sự tham gia của dàn diễn viên Nam - Bắc sẽ chính thức lên sóng vào 12/2 tức mồng 3 Tết Nguyên đán 2024.
"Đi về phía lửa" là bộ phim truyền hình dài tập về nghề lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn - một trong những công việc được coi là nguy hiểm nhất thế giới, do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện. Bộ phim được lấy cảm hứng từ series truyền hình đình đám "Nước mắt của hỏa thần".
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của bốn người lính trẻ tuổi trong một đội cứu hỏa địa phương. Bên cạnh việc khắc họa những ca cứu hộ, cứu nạn đầy gian nan, phải đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa.
Trailer phim "Đi về phía lửa"
Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết, khi bắt tay vào dự án, anh luôn đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu nên đã gặp rất nhiều thách thức suốt quá trình bấm máy.
"Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao... Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô "không khác gì phim điện ảnh", đạo diễn chia sẻ.
Để thực hiện được những cảnh quay này, đồng thời tái hiện chân thực nhất bối cảnh hiện trường, đoàn làm phim đã nhận được sự trợ giúp và tư vấn của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn PC07, Thành phố Đà Nẵng.
Một cảnh trong phim "Đi về phía lửa"
Được làm lại từ bộ phim ăn khách tuy nhiên, đạo diễn Trần Thanh Huy tiết lộ kịch bản của bộ phim đã được điều chỉnh tới 98% so với bản gốc, đưa thêm những chất liệu, sự kiện, cảm hứng từ đời thực nhằm mang tới một sản phẩm đầy cảm xúc, gần gũi và thấm đẫm tinh thần, văn hóa Việt Nam.
"Mục đích thực hiện bộ phim này cũng là để tôn vinh những người lính cứu hỏa cũng như công việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Tôi và ekip đã thực hiện bộ phim bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng dành cho những người lính cứu hỏa, và bằng tất cả sự thấu hiểu cho nỗi đau của những người đã đi qua mất mát", Trần Thanh Huy bày tỏ.
Dàn diễn viên triển vọng từ hai miền Bắc - Nam
Bốn tên tuổi diễn viên trẻ tiềm năng được "chọn mặt, gửi vàng" cho vai chính trong dự án này là: Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh.
Từng quen mặt với khán giả Việt qua những vai diễn có phần hơi "công tử", Lãnh Thanh hứa hẹn gây bất ngờ khi hóa thân thành người lính cứu hỏa chuyên nghiệp với ngoại hình rắn rỏi. Lần này, anh chàng vào vai Đức Anh - một nhân vật quả cảm, can trường với những nỗi trăn trở, ám ảnh về bóng ma quá khứ.
Nhân vật Đức Anh sinh ra trong một gia đình kiểu mẫu khi có ba là nghệ sĩ piano nổi tiếng và anh cũng được kỳ vọng sẽ tiếp bước cha mình cùng những kế hoạch cuộc đời đã định sẵn. Nhưng một biến cố trong quá khứ đã khiến cuộc đời Đức Anh thay đổi mãi mãi, đồng thời đưa anh đến quyết định gắn bó với nghề lính cứu hoả.
Lãnh Thanh bày tỏ "Đi về phía lửa" cũng là bộ phim khiến anh phải thể hiện sự "điên" nhiều nhất trong sự nghiệp diễn xuất. Theo đó, anh cho rằng đây là một bộ phim "rất khó và mệt" để thể hiện lên màn ảnh.
Lãnh Thanh tâm sự trong một phân cảnh phải lao vào biển lửa để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, chứng kiến cảnh người gặp nạn nằm chồng chất lên nhau, thậm chí chính anh còn vô tình dẫm lên tay của một xác chết nằm ngổn ngang trên nền nhà kín đặc khói, tất cả đều ra đi trong tư thế rất tuyệt vọng, nam diễn viên không tránh khỏi ám ảnh bởi độ chân thật và cảm xúc nhập vai lúc đó.
Được đánh giá là một trong những nghệ sỹ hoạt động rất tích cực trong làng phim điện ảnh trong thời gian gần đây, Trần Ngọc Vàng một lần nữa sẽ mang đến sự bất ngờ với vai diễn chàng lính cứu hỏa trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhưng thừa nhiệt huyết Minh Long.
Đây là lần đầu tiên Trần Ngọc Vàng vào vai một người lính. Nhân vật Minh Long của anh dễ thương, trẻ trung, thường hay đùa giỡn để mang đến tiếng cười cho cả đội. Minh Long tuy trẻ tuổi nhưng lại là người có quyết tâm cao độ, dám theo đuổi ước mơ đến cùng, xứng đáng là hình mẫu cho các bạn trẻ học hỏi và noi theo.
Theo tiết lộ từ Trần Ngọc Vàng, tất cả diễn viên đều phải trải qua những bài tập rèn luyện thể lực gắt gao, cũng như được huấn luyện và đào tạo bài bản những kiến thức, kỹ năng về ngành phòng cháy chữa cháy trước khi bắt đầu bấm máy.
"Ngày nào chúng tôi cũng phải đến đơn vị để học và luyện tập từ 6h sáng đến 9-10h đêm. Sau khoảng 10 ngày, chúng tôi mới bắt đầu vào phim để quay. Cá nhân mỗi diễn viên thì đều có một môn thể thao để theo đuổi, tập luyện hằng ngày để rèn luyện sức khỏe", Trần Ngọc Vàng nhớ lại những trải nghiệm ngày còn trên phim trường.
Bóng hồng duy nhất của đội cứu hỏa là Thanh Hà, do Hồ Thu Anh thủ vai. Nữ chiến sĩ là người phụ nữ cứng rắn, nghị lực, luôn khao khát, mong mỏi được chứng tỏ năng lực bản thân trong công việc. Đối với sự nghiệp thì quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng khi về nhà, cô nàng lại phải dùng hết sức lực để chiều chuộng một người mẹ nhõng nhẽo, luôn trăm phương nghìn kế để ép Thanh Hà trở thành một phụ nữ kiểu mẫu sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống.
Xuân Phúc là gương mặt diễn viên quen thuộc với khán giả. Với "Đi về phía lửa" anh vào vai trưởng nhóm là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho các đàn em trong đội lính cứu hoả. Vai diễn Toàn Thắng cũng mang đến nhiều xúc cảm cho Xuân Phúc khi đây là nhân vật có nhiều cảnh đấu tranh tâm lý giằng co giữa việc được theo nghề hay hy sinh đam mê và ước mơ của mình cho gia đình nhỏ.
"Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng", Xuân Phúc trải lòng.
Anh cũng tiết lộ có những cảnh bản thân phải trực tiếp đối diện với ngọn lửa thật, và chính trong giây phút này, nam diễn viên mới hiểu thấu sự nguy hiểm mà những người lính cứu hỏa luôn phải đối diện khi làm nhiệm vụ.
"Đi về phía lửa" do K sản xuất với sự tham gia của dàn diễn viên Nam - Bắc sẽ chính thức lên sóng vào 12/2 tức mồng 3 Tết Nguyên đán 2024.
Phim Việt quy tụ dàn mỹ nam khiến khán giả cực hóng, ngay từ poster đã thấy quá chất lượng Khán giả hi vọng bộ phim này sẽ thổi một làn gió mới cho truyền hình Việt thời gian tới. Tết nguyên đán sắp tới ngoài những tác phẩm chiếu rạp thì các nhà làm phim Việt còn tranh thủ cho ra mắt những dự án phim truyền hình để khán giả có thể xem tại nhà cùng với gia đình của mình....