Đi tìm lời giải của hủ tục “ma lai – thuốc thư”
Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật.
Ngôi nhà của Ken – người bị đánh chết vì bị nghi là có thuốc thư
Những năm qua, người dân nhiều xã ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai truyền tai nhau về thứ ma lai, thuốc thư gây chết người. Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có “ma lai” làm ra “thuốc thư”, nếu ghét ai sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà.
Những vụ án giết người hết sức đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã minh chứng cho hủ tục lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của đồng bào.
Hệ lụy chuyện “ma lai – thuốc thư”
Năm 2007, Duân và Kel đều 29 tuổi, trú ở làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: “Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết”.Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của cả Duân và Kel như đổ thêm dầu vào lửa vì những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có “thuốc thư”.
Trớ trêu thay, sau phát ngôn ấy một tuần thì làng Đắk Yă có bà H’Blin lăn ra ốm chết. Hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang. Duân đi uống rượu về thấy nhà bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới những thanh niên đang ngủ ở đây. Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng.
Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai thì khoảng 4 năm trở lại đây, đã có khoảng 10 người bị đánh chết vì nghi có thuốc thư, hàng chục căn nhà bị đập phá, xô đổ và hàng trăm người thân của người nghi có thuốc thư bị cộng đồng xa lánh.
Không dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa của gia đình Kel. Cả nhóm thanh niên còn dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẫy. Với những hành vi trên, Hlin (SN 1980), Yưk (SN 1984), Ngin (SN 1989), Uônh (SN 1987), Hưn (SN 1982), Hlinh (SN 1989), Kưh (SN 1980) đã bị rơi vào vòng lao lý.
Nhắc lại vụ đau lòng trên, anh H’Lây – Trưởng Công an xã Đắk Yă không giấu nỗi buồn lo: “Do một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng. Có người bệnh đau là họ cho rằng bị người ta thư. Từ những lời thầy cúng, cộng với người dân kém hiểu biết nên họ tin thôi”.
Theo anh H’Lây, đến nay không ai biết ma lai, thuốc thư là gì, nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc ở Tây nguyên, là nguyên nhân của nhiều vụ án giết người đau lòng.
Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà đã bị bỏ hoang hơn 4 năm nay của Kel cùng cha ruột Hnhêu, anh H’Lây cho biết: “Gia đình ông Hnhêu từ bao đời nay sinh sống với bà con trong làng hòa thuận. Nhưng năm 2007, cũng chỉ vì những hủ tục lạc hậu mà tình làng nghĩa xóm không còn, cả Kel cùng cha ruột là Hnhêu đã bị thanh niên trong làng đánh chết”.
Video đang HOT
Chúng tôi đến nhà Hlin, một trong số 7 người đã gây ra cái chết đau lòng trong hai vụ án giết người vì thuốc thư. Hlin đang ngồi uống rượu với những thanh niên trong làng. Hlin cho biết: “Nghe dân làng nói đến thuốc thư nên em bức xúc kêu thanh niên trong làng đến đánh hai bố con nhà Kel và Duân. Lúc đó, em đang làm Bí thư Chi đoàn làng Đắk Yă, em chẳng biết thuốc thư là gì”.
Tôi hỏi, không biết thuốc thư là gì tại sao lại kéo thanh niên đến đập phá nhà cửa, rồi đánh người ta đến chết? Hlin ậm ừ: “Thì dân làng bảo phải tẩy chay thì mình đến đánh thôi. Giờ đi cải tạo về rồi em rất ân hận vì đã gây ra lỗi lầm này. Lúc mới ra trại, em và 6 người còn lại đã mua con lợn đến gia đình họ làm thịt, thắp hương và xin lỗi họ rồi”.
Thầy mo H’Nheo: “Mình cũng không biết thuốc thư là gì”
Thầy mo cũng không biết “thuốc thư” là gì
Để tìm lời giải cho thuốc thư, chúng tôi đến nhà bà H’Nheo ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, người được coi là một thầy mo chuyên giải thuốc thư. Bà H’Nheo cho biết: “Mình có biết thuốc thư là gì đâu, dân làng ai đến nhờ mình cúng thì mình cúng thôi. Mỗi lần cúng xong, mình cho người ốm uống một cốc nước và ăn một quả trứng luộc, có người khỏi, có người không”. Thế nhưng, đến nay cái hủ tục quá lạc hậu này vẫn tồn tại ở miền sơn cước.
Tại làng Đăk Yă còn có bà Pok (SN 1937) người từng bị xua đuổi vào rừng vì bị dân làng quy kết có “thuốc thư” hại người. Gặp bà Pok trong ngôi nhà cũ nát như chính khuôn mặt rầu rĩ của bà sau bao sóng gió bị nghi là có thuốc thư.
Bà Pok kể: “Mình sinh ra ở làng Plei Bong, xã A Yun, một xã nghèo nhất của huyện nghèo Mang Yang. Gần 50 năm trước, mình lấy chồng về làng Đăk Yă, xã Đăk Yă. Trước đây, mình làm thầy mo chuyên đi cúng cho dân làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn thuận lợi. Năm 2006, không biết vì sao dân làng bảo mình có thuốc thư, từ đó bị mọi người đánh đập, xua đuổi. Sợ quá, mình phải trốn vào rừng lánh nạn”.
Nhiều năm qua, người dân trong làng Jơ Long, xã Hà Ra, huyện Mang Yang luôn sống trong tâm trạng lo lắng, trẻ em không cho tiếp xúc với người lạ, không cho ra đường. Đáng lo hơn là nhiều cháu không được đến trường học. Người lớn đi làm rẫy phải lo về sớm, dọc đường đi tập trung cảnh giác xem có ai đi theo sau mình không. Đặc biệt là khi thấy ông Khách và 6 đứa con của vợ chồng ông, thì dân làng bỏ chạy, đông người thì tìm gậy, roi xua đuổi, đánh đập ông Khách…
Được biết, mọi người trong làng Jơ Long đều cho rằng ông Khách là người có thuốc thư – ma lai và đã gieo bệnh tật cho người dân trong làng. Thực tế cho thấy, tất cả những người bị bệnh tật lâu khỏi là do nghe lời thầy cúng không đến bệnh viện khám chữa. Và những người không may qua đời đều mắc bệnh hiểm nghèo…
Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng Công an huyện Măng Yang cho biết: “Mỗi lần nhắc đến chuyện thuốc thư, ma lai, chính quyền lại đau đầu. Lúc trước, ngoài thuốc thư, người ta còn đồn về loại ma lai chuyên bắt người ăn thịt. Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng giải quyết những lời đồn mê tín dị đoan này trong dân cư. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm cần được loại bỏ khỏi đời sống xã hội”.
Theo xahoi
Hủ tục man rợ ở miền núi Quảng Ngãi (kỳ 1)
Ở miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi vẫn còn âm ỉ, dai dẳng hủ tục nghi kỵ bỏ "đồ độc" làm chết người khiến dân làng hoang mang, lo lắng. Ai "lỡ miệng" nói người khác chết do mình bỏ "đồ độc", trước sau gì cũng bị dân làng truy đuổi đến chết.
Cả làng truy sát "con ma rừng"
Người dân làng Pa Lêu thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi vẫn không ngớt xôn xao bàn tán chuyện bà Đinh Thị Thương, 60 tuổi là người dân của làng có "đồ độc" làm chết hai đứa trẻ ở làng.
Theo chân Trưởng Công an xã Sơn Kỳ, ông Đinh Văn Riễu tới nhà bà Thương, người bị dân làng nghi là "con ma rừng" có "đồ độc" hại chết hai đứa trẻ con và đòi trừ khử. Mặc cho chúng tôi kêu cửa, người trong nhà vẫn không chịu đón khách. Lúc ông Riễu kêu to "Tôi là Đinh Văn Riễu, Trưởng Công an xã Sơn Kỳ đây!", người trong nhà vẫn chưa dám tin. Chỉ đến khi nhìn qua khe cửa, tận mắt thấy ông Riễu, bà Thương mới dám mở.
Bị nghi bỏ "đồ độc" giết chết hai đứa con của vợ chồng anh Đinh Văn Tôm
nên bà Đinh Thị Thương bị dân làng truy sát đến cùng.
Mời khách vào nhà, bà Thương nói với vẻ mệt nhọc: "Từ khi hai đứa trẻ chết, ai cũng bảo tao "bỏ độc" chết chúng nên đòi trừ khử tôi. Sợ quá tao phải bỏ chạy trốn, về nhà mấy ngày nay tao không ngủ được". Theo lời bà Thương, trước đó bà say rượu có qua nhà bà A chơi, lỡ miệng nói đùa "hai đứa cháu mày sẽ chết, nhưng tao không biết chết vì bệnh gì, nhưng không phải tao". Chỉ vậy thôi. Không ngờ sau đó hai đứa cháu bà A chết thật.
Chồng bà Thương là ông Đinh Văn Thắp, già yếu nên suốt ngày luẩn quẩn trong nhà. Bà Thương được biết đến như con "ma rượu", nhiều đàn ông ở làng tửu lượng thua xa bà. Thanh niên trong làng thường đùa, chỉ cần "bà Thương hà hơi có khối thằng thanh niên say ngất". Cái tật của bà Thương khiến cho người dân làng phát ngán, mỗi khi uống say bà không chịu về nhà nằm ngủ mà cứ đi gõ cửa hết này đến nhà khác nói chuyện lung tung, có lúc hù dọa "ngày mai mày sẽ chết!".
Theo quan sát của chúng tôi, nhà của vợ chồng bà Đinh Thị A và bà Thương tuy là hàng xóm, nhưng có mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai. Bà Thương thường tuyên bố "không sợ ai vì trong người có đồ độc". Bà Thương còn sang nhà bà A nói rằng: "Nhà mày sẽ có người chết trong nay mai". Câu nói này khiến cả gia đình bà A hoang mang, nghi bà Thương có "đồ độc" hay bùa ngải nên mới nói thế.
Mối nghi ngờ càng lớn khi gia đình bà A và người trong thôn thường thấy bà Thương đêm hôm khuya khoắt lang thang ngoài đường, miệng lẩm bẩm những điều khó hiểu. Ngày 6.2, con trai của bà A là Đinh Văn Tôm (26 tuổi) cùng vợ Đinh Thị Nguyên (26 tuổi) đưa con gái Đinh Thị Mai (5 tuổi) lên trạm y tế xã Sơn Kỳ cấp cứu, bởi toàn thân cháu bị đỏ và nóng sốt. Tiếp đó, ngày 7.2, gia đình chuyển bé Mai đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà trong tình trạng nguy kịch.
Bé Mai tiếp tục được chuyển tuyến trên cấp cứu, nhưng đã chết trên đường đi. Ngày 8.2, gia đình đưa cháu Mai về tổ chức mai táng. Cũng trong đêm 8.2, bé Đinh Thị Chi (em ruột của bé Mai) vừa tròn 1 tuổi cũng phát bệnh giống chị. Sáng 9.2, vợ chồng anh Tôm đưa con đi bệnh viện nhưng cháu đã chết trên đường đi.
Mối nghi ngờ về bà Thương "có đồ độc" đã bị đẩy lên đỉnh điểm. Cả gia đình, họ hàng nhà bà A và dân làng tìm bà Thương để hỏi tội, trừ hậu họa về sau. Chính quyền xã phát hiện, can thiệp kịp thời, đưa bà Thương về trụ sở UBND xã Sơn Kỳ bảo vệ tính mạng cho bà trước sự bức xúc của người dân.
Anh Riễu cho biết, nhờ lực lượng Công an huyện, Công an xã và chính quyền xã Sơn Kỳ can thiệp, vận động người dân nên ngày 29.2, bà Đinh Thị Thương mới dám về lại nhà mình. Gần nửa tháng qua, bà Thương phải sống trong sợ hãi khi dân làng liên tục tìm đến bà đòi trừ khử.
Vợ chồng nghèo mất hai con một lúc
Vợ chồng anh Tôm rất nghèo, sống trong ngôi nhà tranh nứa lụp xụp và tài sản không có gì ngoài vài cái nồi. Bên bàn thờ hai đứa con xấu số, chị Nguyên nấc nghẹn: "Hai đứa nhỏ dễ thương lắm. Con tui chết là do bà Thương bỏ đồ độc".
Chị Nguyên cho biết, khi cháu lớn Đinh Thị Mai chết, bà Thương có đến nhà cúng và uống rượu theo tập tục. Tại đây, bà Thương "phán" vợ chồng chị Nguyên rằng bé Mai đã chết rồi, bây giờ phải chăm sóc tốt bé Đinh Thị Chi, nếu không bé Chi sẽ chết theo. Đúng như lời "phán", cháu Chi cũng qua đời trong ngày hôm sau.
Hai đứa con của vợ chồng anh Đinh Văn Tôm bị đau ốm chết chứ không có chuyện bị bà Thương bỏ "đồ độc" làm cho chết.
Anh Đinh Văn Riễu cho biết, khi phát hiện vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", Công an xã đã báo vụ việc cho Đảng ủy, UBND xã và Công an huyện, đồng thời bố trí công an viên xuống nắm tình hình, vận động người dân không nên nghi kỵ lẫn nhau. Nhưng cái chết đột ngột của hai cháu nhỏ đã khiến việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trở nên căng thẳng tột độ.
"Sau khi đưa bà Thương lên trụ sở UBND xã lánh nạn, chúng tôi thay phiên nhau bảo vệ, đồng thời tăng cường phối hợp với Công an huyện cùng ăn cùng ở với người dân Pa Lêu, làm công tác tư tưởng cho họ nên sự bức xúc của người dân đã dịu xuống", anh Riễu cho biết.
Nghi kỵ bỏ "đồ độc" nên bị giết chết
Theo ông Đinh Văn Tro, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kỳ, hai cháu bé bị bệnh, nhưng gia đình không phát hiện sớm nên không chữa được là chuyện đáng buồn. Tuy nhiên, do bà Thương uống rượu, nói năng lung tung, tự cho mình có "đồ độc" nên dân làng tin. Ông Tro nói, trước nỗi đau quá lớn của vợ chồng anh Tôm, người dân và chính quyền xã đã tìm mọi cách giúp đỡ.
"Người rừng" Đinh Tà Với bị dân làng truy đuổi chạy trốn vào rừng, mới được người dân vây bắt đem về nhà tháng 8.2008.
Hiện tại tình hình an ninh trật tự đang tạm yên, nhưng nguy cơ phức tạp vẫn rất đáng quan tâm bởi mối nghi ngờ còn âm ỉ trong nhiều người dân địa phương khi cho rằng bà Thương có "đồ độc", cần phải "trừ khử". Nhiều người trong đó cho biết, nếu bà Thương tiếp tục uống rượu, đêm khuya đi lại khắp xóm và hù dọa người khác, họ quyết không tha cho bà.
Thực tế, những năm qua trên địa bàn huyện Sơn Hà đã xảy ra nhiều vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc". Và vì chính quyền không phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên đã xảy ra án mạng. Đơn cử như vụ nghi "cầm đồ thuốc độc" ở thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy năm 2010. Mặc dù đã được động viên, khuyên nhủ và người bị nghi "cầm đồ thuốc độc" là ông Đinh Văn Nên (60 tuổi) đã ăn năn, hối hận, nhưng sau 2 tháng lánh nạn tại trụ sở UBND xã trở về, ông Nên vẫn bị người làng giết chết.
Theo PLXH
Quảng Trị: Người dân xua đuổi đàn chim "lạ" Những ngày này, người dân thng, xã Hải Dưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) xn xao trước hiện tượng có đàn chim "n trên đng của mình. Đàn chin có trên 100 cá thể, có màu nâu xám, mỏ trắng đỏ, chân cao, có hình dạng gần giống vớàn chim cò nhạn được phán ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) cách đây khoảng...