Đi sau ông Shinzo Abe, ông Tập Cận Bình mang quà to hơn cho Nam Á?
Nam Á đang trở thành nơi Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành. Sau chuyến công du của Thủ tướng Nhật, Chủ tịch Trung Quốc cũng sắp đến khu vực này.
Tân Hoa xã cho biết ngày 11/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Tajikistan dự hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Sau đó, ông Tập sẽ thăm Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ. Chuyến đi sẽ kết thúc vào ngày 19/9. Kế hoạch thăm Pakistan bị hủy bỏ vì bất ổn chính trị, cho dù trước đó ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá 34 tỉ USD với Pakistan.
Trước chuyến đi, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu lên tiếng phủ nhận việc nước này ra sức hợp tác với các nước xung quanh để kìm hãm Ấn Độ. Theo ông Lưu, “Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không dùng cái gọi là quân đội hay các cách thức khác để vây hãm Ấn Độ”. Ông Lưu còn nhấn mạnh rằng không có cái gọi là “bao vây” trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, chuyến đi của ông Tập đến Ấn Độ và Sri Lanka không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Nam Á mà còn là một bước giúp Trung Quốc xuất khẩu các công nghệ đường sắt ra nước ngoài.
Video đang HOT
Từ năm 1980, tăng trưởng của Trung Quốc gấp bốn lần Ấn Độ và Bắc Kinh đang tìm cách đầu tư vào các ngành tài nguyên và cơ sở hạ tầng ở Nam Á để nuôi sống bộ máy công nghiệp của nước này. Việc ký các hiệp định hợp tác đường sắt tại nước ngoài đã trở thành một trong những đặc điểm chủ yếu của các chuyến công du nước ngoài của ông Tập.
Trong chuyến đi này, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đường sắt. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Mumbai Lưu Hữu Pháp cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tham gia xây dựng xe lửa tốc độ cao với Ấn Độ.
Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, chuyên gia đường sắt Vương Mộng Thứ cho biết Trung Quốc muốn dùng việc xây dựng đường sắt để đổi lại năng lượng và tài nguyên thiên nhiên từ phía đối tác nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng tại nước này.
Chuyến thăm Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến công du hai nước Bangladesh và Sri Lanka của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sau chuyến viếng thăm Tokyo của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Đáng lưu ý, trong chuyến thăm của ông Modi, hai nước, hiện đều gặp căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ, đã đồng ý nâng quan hệ song phương lên một cấp độ mới.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Với chuyến thăm 2 nước Nam Á bắt đầu từ ngày 7/9, Thủ tướng Nhật Bản đã đi trước một bước so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước khi lên đường, ông Abe nhấn mạnh ông là thủ tướng đầu tiên đến thăm Bangladesh từ 14 năm nay và thăm Sri Lanka từ 24 năm qua. Đối với thủ tướng Abe, Banglades và Sri Lanka là hai quốc gia “có ảnh hưởng ngày càng lớn về mặt kinh tế và chính trị”.
Tháp tùng ông Shinzo Abe trong chuyến công du Nam Á lần này là lãnh đạo của 50 công ty hàng đầu của Nhật Bản, bởi vì theo lời Thủ tướng Abe, ông hy vọng sẽ đưa sự năng động của hai quốc gia nói trên vào nền kinh tế Nhật Bản.
Ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Hasina đã ký một tuyên bố chung, trong đó Nhật Bản tái cam kết ủng hộ một số dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Bangladesh. Thủ tướng Abe cũng cam kết Nhật Bản sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế với khoản đầu tư khoảng 6 tỉ USD trong vòng từ 4 đến 5 năm tới, bao gồm 1,2 tỉ USD đã được cung cấp trước đó.
Hiện Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Bangladesh và cũng là điểm đến xuất khẩu tăng trưởng nhanh của quốc gia Nam Á. Cơ quan viện trợ nhà nước Nhật Bản đang rất quan tâm đến dự án xây dựng một cảng nước sâu ở phía nam Bangladesh. Đây là dự án mà Dhaka từng đặt vấn đề với Trung Quốc. Trong chuyến thăm đến Sri Lanka, Thủ tướng Abe và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã nhất trí sẽ thiết lập mối quan hệ hàng hải mạnh mẽ hơn, thắt chặt hơn trong một nỗ lực rõ ràng là nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong khu vực. Ông Abe thông báo sẽ cung cấp các tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Sri Lanka đồng thời thiết lập một cuộc đối thoại chung về “các vấn đề hàng hải và đại dương”.
Ông Rajapakse cũng đề nghị Nhật Bản đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng cầu cảng trên quốc đảo này. Trung Quốc hiện đang thống trí lĩnh vực xây cầu cảng ở Sri Lanka với dự án xây dựng một cảng nước sâu trị giá lên tới 500 triệu USD ở Colombo hồi năm ngoái. Bangladesh cũng như Sri Lanka đều nằm trên tuyến hàng hải giữa vùng Trung Đông giàu nguồn dầu hỏa với vùng Đông Á. Trung Quốc đã giúp xây nhiều hải cảng tại các quốc gia nằm trên tuyến đường có tính chất huyết mạch này.
Chuyến thăm Nam Á của Thủ tướng Abe đã giáng một đòn vào Trung Quốc, đồng thời cho thấy nỗ lực của chính quyền ông Abe nhằm tạo ra đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Với những món lợi to lớn về kinh tế và quốc phòng mà Nhật Bản đã mang tới Nam Á, chắc chắn trong chuyến đi này, ông Tập sẽ phải tính toán thiệt hơn để không bị thua kém Tokyo.
Theo Đất Việt