Di sản của Jack Ma ở Alibaba sẽ biến đổi mãi mãi dưới bàn tay người kế nhiệm Daniel Zhang
Zhang không lo lắng về việc thay thế Jack Ma. Người đàn ông này quan tâm đến việc thay thế cả đế chế Alibaba.
Một Alibaba khác
Trong suốt nhiều tháng, Daniel Zhang túm tụm cùng nhóm nhỏ trong một nhà xe ngầm ở Thượng Hải. CEO Alibaba đang làm việc với một kế hoạch bí mật mà nhiều cấp dưới của ông ở trụ sở cách đó 160 km có lẽ cũng phải thốt lên về sự “điên rồ”. Zhang muốn phát triển một công ty khởi nghiệp bên trong gã khổng lồ thương mại điện tử, trong đó kết hợp cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và ứng dụng giao hàng cùng với việc sử dụng robot và nhận dạng khuôn mặt để tăng tốc hậu cần và thanh toán.
Với tên gọi Freshippo, dự án này trở thành một phần chính trong kế hoạch chi tiết của Zhang trong việc tái định hình tương lai của Alibaba với 150 cửa hàng trên 17 thành phố của Trung Quốc. Trong một cửa hàng ở Hàng Châu, các thùng nhựa chứa hàng tự động di chuyển theo những đường ray nằm trên hành lang, thu thập hàng hóa từ khắp cửa hàng để đáp ứng các đơn hàng trực tuyến. Người vận chuyển sẵn sàng đưa hàng hóa tới bất cứ nơi nào trong bán kính 3,2 km trong vòng chưa đầy 30 phút.
Freshippo là một phần trong cái mà Alibaba gọi là chiến lược bán lẻ mới. Ý tưởng về các cửa hàng kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến là của CEO Freshippo Hou Yi, người được Zhang truyền cảm hứng sau một cuộc gặp năm 2014. Ngồi trò chuyện ở quán café, Zhang đã thuyết phục Yi gia nhập Alibaba và cho anh ta 100 triệu USD để bắt đầu dự án khởi nghiệp mà không hề đặt áp lực lợi nhuận trong 2 năm đầu tiên.
“Sau đó tôi mới biết ông ấy quyết tâm đến mức nào. Nó như là quyết định khởi nghiệp thứ 2 của Zhang. Ông ấy nói rằng sau rất nhiều năm, ông ấy cuối cùng cũng có thể tìm được một dự án đủ khả năng vượt qua Tmall”, Hou chia sẻ.
Freshippo còn cách thành công một quãng đường rất xa. Lợi nhuận mỏng trong ngành kinh doanh tạp hóa kết hợp với một số công ty khởi nghiệp kêu gọi được số tiền tài trợ khổng lồ đang cạnh tranh với Zhang. Một liên doanh giao hàng của Alibaba có tên Ele.me cũng đang đốt tiền trong cuộc đầu với Meituan.
Với Zhang, thị trường giao thực phẩm có ý nghĩa to lớn. Alibaba muốn chiếm ít nhất 50% thị trường này để có lợi thế cạnh tranh trong các hình thức kinh doanh liên quan, chẳng hạn như dịch vụ thanh toán kỹ thuật số.
Mở rộng ra nước ngoài có thể là thách thức lớn nhất với Alibaba của Zhang. Jack Ma từng cam kết một ngày nào đó, doanh thu từ nước ngoài sẽ chiếm một nửa doanh thu của Alibaba. Mục tiêu này cũng tiếp tục được Zhang theo đuổi sau khi nhà sáng lập về hưu. Tuy nhiên, đó là mục tiêu khá xa vời với Alibaba.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada của Singapore trong nỗ lực mở rộng sang Đông Nam Á. Tuy nhiên, nó gặp khó khăn ở nhiều thị trường, trong đó có những thị trường then chốt như Indonesia. Hồi tháng 3, Lazada có CEO thứ 3 trong vòng 9 tháng.
Video đang HOT
Duy trì tốc độ tăng trưởng của Alibaba là một bài toán khó dù không ai phủ nhận những động lực hiện có. Trong khi đó, các sáng kiến mới cũng khiến Zhang gánh chịu thiệt hại. Ngay cả theo tiêu chuẩn khắc nghiệp của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, Zhang đang quá tải. 996, làm việc từ 9h sáng tới 9h tối trong 6 ngày mỗi tuần là tiêu chuẩn bình thường với một người làm công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, với Zhang, ông thường không có ngày nghỉ.
Bên cạnh việc vượt qua các đối thủ, Zhang còn phải vượt qua cái bóng của Jack Ma. Người ta thường hoài cổ về nhà lãnh đạo cũ khi doanh nghiệp gặp khó khăn. “Nối gót nhà sáng lập luôn là điều rất khó. Nó còn khó hơn nhiều khi bạn phải theo ai đó với tầm vóc toàn cầu”, Jeffrey Sonnenfeld của trường quản lý Đại học Yale nhận định.
Người kế nhiệm đối lập
Trước khi kế nhiệm Jack Ma, Daniel Zhang không phải người nổi tiếng. Vào ngày 10/9, người đàn ông 47 tuổi này chính thức trở thành Chủ tịch Alibana sau khi đảm nhận vai trò CEO từ năm 2015. Ông ấy sẽ là người đầu tiên sau nhà sáng lập Jack Ma đảm nhiệm cả 2 vị trí này cùng một lúc.
Jack Ma nổi tiếng khắp thế giới, nhất là sau bài phát biểu hùng hồn của ông trước các nguyên thủ thế giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Zhang lại là người ăn nói nhỏ nhẹ, thường bị ngắt quãng trong các cuộc đối thoại sử dụng tiếng Anh với các nhà đầu tư. Ngay cả ở Trung Quốc, Zhang cũng không phải người nổi tiếng. Thậm chí, phụ huynh một nhân viên làm tại trụ sở chính của Alibaba còn nhầm ông với người bảo vệ.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, người ta có thể thấy Zhang đang trở nên khá cực đoan giống như người tiền nhiệm. Ông nói rằng Alibaba đang có vị thế độc đáo để kết nối thế giới trực tuyến với ngoại tuyến trong các cửa hàng tạp hóa và hơn thế nữa. Hàng chục sáng kiến mới của Zhang đã đưa Alibaba đi vào sâu hơn các lĩnh vực, từ tài chính tới chăm sóc sức khỏe, phim ảnh và âm nhạc.
Theo quan điểm của Zhang, những thay đổi là thực sự cần thiết. “Nếu chúng ta không đánh chết doanh nghiệp hiện tại của mình, người khác sẽ làm việc đó. Vì vậy, tôi thà nhìn thấy các doanh nghiệp mới của mình đánh chết những hình thức đã cũ hơn là để người khác làm việc ấy”, Zhang nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, Alibaba là công ty đại chúng lớn nhất Trung Quốc với thị giá khoảng 460 triệu USD. Tuy nhiên, nó đang phải gánh chịu những áp lực từ kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu và các nhãn hàng thì giảm kinh phí cho quảng cáo.
Giá cổ phiếu của công ty đang trượt dốc. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông khiến Alibaba phải hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu với kỳ vọng thu về 20 tỷ USD. “Ông ấy đã tìm thấy những hạt giống mới để tăng trưởng doanh thu. Ông ấy đang trồng rất nhiều hạt giống”, Mitchell Green, đối tác quản lý của Alibaba tại Lead Edge Capital, nhận định.
Sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, Zhang theo học ngành kế toán tại Trường Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải. Thủa mới đi làm, Zhang làm cho nhiều tổ chức tài chính lớn nhưng đều lần lượt chứng kiến chúng sụp đổ. Những sóng gió cũng cho Zhang nhiều trải nghiệm và giúp ông thành đạt trong công việc của mình.
Zhang sau đó trở thành Giám đốc Tài chính của nhà phát triển game Shanda Interactive vào thời điểm nó được coi là công ty Internet lớn nhất Trung Quốc. Đó cũng là nơi mà Phó chủ tịch Alibaba Joseph Tsai, người sáng lập có ảnh hưởng lớn nhất chỉ sau Jack Ma, tìm thấy Zhang vào năm 2007.
Chính tại Alibaba, Zhang mới thực sự nổi bật. Khi gia nhập, trang web tốt nhất của công ty là Taobao với giao diện gần giống eBay đang ngập chìm trong thua lỗ và hàng hóa giả mạo. “Khi tôi nhìn vào báo cáo tài chính, ôi trời ơi, bạn có thể đoán doanh thu của nó là gì không? Là số 0 hay lỗ? Thật ra là lỗ rất lớn. Chuyển sang bản cân đối kế toán, mọi thứ còn tồi tệ hơn”, Zhang kể lại.
Năm 2008, Zhang tiếp quản Tmall, một trang thương mại điện tử giống Amazon.com. Hiện tại, nó là hoạt động sinh lời lớn nhất của Alibaba. Ông cũng được coi là người khai sinh ra ngày độc thân 11/11 và đưa nó vượt cả Black Firday đình đám của phương Tây về doanh thu.
Theo GenK
Điện toán đám mây có thể là có thể là mục tiêu công phá tiếp theo của Alibaba
Alibaba của Trung Quốc thường được so sánh với Amazon (có trụ sở ở Seattle) - nhưng cả 2 không thực sự cạnh tranh với nhau.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm tương đồng trong hoạt động kinh doanh của họ: Cả hai đều điều hành các trang web thương mại điện tử và có các dịch vụ phát trực tuyến.
Alibaba sẽ tập trung vào mảng điện toán đám mây trong tương lai
Nhưng những gì có thể soi đường cho tương lai của Alibaba lại là thứ mà hiện tại đã giúp Amazon trở thành một doanh nghiệp lớn - điện toán đám mây. Đây là một mảng kinh doanh được xem là rất quan trọng đối với tương lai của công ty Trung Quốc.
Daniel Zhang, CEO và hiện là chủ tịch của Alibaba cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 rằng: "Tôi nghĩ rằng đám mây sẽ là hoạt động kinh doanh chính của Alibaba trong tương lai".
Zhang đã đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng quản trị vào thứ Ba khi người sáng lập của Alibaba, Jack Ma rời vị trí để nghỉ hưu.
Alibaba khởi đầu là một công ty thương mại điện tử vào năm 1999. Họ đã phân chia thành các mảng kinh doanh nhỏ hơn như thanh toán, cửa hàng truyền thống, dịch vụ phát trực tuyến và giao đồ ăn.
Nhưng điện toán đám mây vẫn là lĩnh vực nhiều hứa hẹn nhất.
Alibaba đã ra mắt bộ phận điện toán đám mây vào tháng 9 năm 2009 và hiện là công ty lớn nhất tại Trung Quốc ở lĩnh vực này. Trong quý kết thúc vào tháng 6 vừa rồi, bộ phận này đã mang lại doanh thu 7,79 tỷ nhân dân tệ (1,13 tỷ USD), tương đương với mức tăng trưởng 66%.
Daniel Ives, lãnh đạo của công ty nghiên cứu thị trường Wedbush Securities cho biết: "Theo quan điểm của tôi, điện toán đám mây sẽ là biên giới tiếp theo của Alibaba.
Công ty về cơ bản đã đã sở hữu thị trường thương mại điện tử và tiêu dùng ở Trung Quốc. Bây giờ, họ đang đứng trước cơ hội để tấn công sang thị trường đám mây trị giá đến 100 tỷ USD ở Trung Quốc. Đây là một mỏ vàng thực sự mà Alibaba đã hướng vào trong khoảng thời gian cuối cùng được lèo lái bởi Jack Ma".
Điện toán đám mây chiếm 7% doanh thu của Alibaba trong quý vừa rồi. Thực chất thì mảng kinh doanh này vẫn đang thua lỗ nhưng khoản lỗ đó đã được thu hẹp và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện (so với những quý trước đó).
Để so sánh, Amazon Web Services, công ty điện toán đám mây khổng lồ của Mỹ đã mang lại doanh thu 8,38 tỷ USD trong quý vừa rồi và có lợi nhuận hoạt động rất cao. Trên thực tế, AWS chiếm hơn 60% tổng lợi nhuận hoạt động của Amazon nhưng chỉ chiếm khoảng 13% doanh thu thuần.
John Freeman, nhà phân tích tại CFRA Research cho biết: "Tôi tin rằng Alibaba sẽ tiếp tục được hưởng lợi và phát triển trong nhiều năm tới từ các dịch vụ mà họ đã sao chép ở Amazon".
Freeman cho biết, đám mây sẽ là một trong những động cơ tăng trưởng chính của Alibaba trong thời gian tới.
Theo Freeman thì: "Hiện tại, AWS chỉ chiếm khoảng 1/9 doanh thu Amazon nhưng tạo ra hơn 60% lợi nhuận hoạt động (so với tổng doanh thu của mảng này). Có ít lí do để mảng điện toán đám mây của Alibaba đi chệch hướng và trở nên khác biệt với những gì mà Amazon đã làm".
Ông nói thêm rằng Alibaba có hai lợi thế ở Trung Quốc. Một là có ít sự cạnh tranh hơn và thứ hai là các công ty Trung Quốc có thể dễ dàng di chuyển sang đám mây hơn do họ không bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng CNTT cũ kỹ.
Alibaba hiện đang là công ty thống trị thị trường điện toán đám mây tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty như Baidu và Tencent đang tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp đám mây của họ. Vì vậy, bên cạnh suy thoái kinh tế tại Trung Quốc thì đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Alibaba. Điện toán đám mây đang mang lại nhiều thách thức và cơ hội cho các nhà cung cấp theo đuổi thị trường này.
Theo GenK
Hành trình 20 năm kỳ diệu trở thành đế chế thương mại điện tử lớn bậc nhất thế giới của Alibaba dưới thời Jack Ma 2019 là một năm có ý nghĩa đối với Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử đến từ Trung Quốc này sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập đồng thời nhà sáng lập Jack Ma cũng sẽ thôi giữ chức chủ tịch tập đoàn từ ngày 10/9. Ngày hôm nay Jack Ma chính thức nghỉ hưu, đế chế 460 tỷ USD được...