Đi qua những mùa hoa
Hà Giang những ngày đầu đông luôn là đích đến của những người thích ngao du sơn thủy, sự thôi thúc một phần bắt nguồn từ sắc hồng rực rỡ của những ruộng hoa tam giác mạch trải dài đến ngút tầm mắt. Nhưng cũng có một Hà Giang rất khác với những con đường nhuộm sắc đỏ-vàng của cúc vạn thọ, đó là Lùng Tám – Đường Thượng (huyện Yên Minh).
Từ Cổng trời Quản Bạ nằm trên Quốc lộ 4C đi thêm chừng dăm ba cây số con đường dẫn đến Lùng Tám, Thái An hiện ra trong mờ ảo sương mù. Cứ men theo tỉnh lộ 181 quãng chừng 35km nữa thì thung lũng Đường Thượng trải dài trước mắt, bốn bề là núi đá lô nhô cao ngất, vẻ trầm mặc bình yên bao bọc trọn thung lũng.
Đường Thượng là một trong ít xã có thung lũng rộng và đẹp vào loại bậc nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn. Trên suốt chặng đường 40km từ Quản Bạ vào, lướt trên những con đường mảnh mai duyên dáng ẩn hiện trong mây, đi qua những thung lũng ngập sắc đỏ của hoa cúc vạn thọ và sắc tím hồng của hoa dền mà bất thần trái tim những kẻ xê dịch chúng tôi đã bỏ lại nỗi nhung nhớ phía sau lưng.
Qua những con đèo mỏng manh như sợi chỉ vắt ngang qua từng vạt núi vắng bóng người mà lòng chúng tôi ngập tràn nỗi khắc khoải yêu thương dành cho mảnh đất vốn còn nhiều khó khăn có tên Đường Thượng. Con đường từ Thái An vào Đường Thượng tuy chỉ 20km nhưng vô cùng hiểm trở. Nằm trên cung đường Lũng Hồ – Du Già, những xã vốn cô lập với thế giới xung quanh bởi con đường cấp phối toàn đá, vào ngày trời mưa chẳng khác nào một ốc đảo “nội bất xuất ngoại bất nhập” còn vào ngày nắng cũng phải dè chừng bởi nguy cơ nổ lốp thủng săm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Từ đây đi tới Lũng Hồ cũng chẳng bao xa, áng chừng chỉ hơn chục cây số nhưng đường đi cũng vô cùng khó. Ở Lũng Hồ có hệ thống đồn Pháp kiên cố được xây dựng từ xưa còn sót lại. Đồn nằm trên một vị trí chiến lược án ngữ cung đường Hà Giang – Bắc Mê lên Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Trên mỏm đồi rộng khoảng 1.000m2, từ đây bạn có thể bao quát toàn vùng từ Du Già, Đường Thượng cho tới Mậu Duệ với khung cảnh hùng vĩ nhưng cũng đầy cô tịch. Di tích giờ đã đổ nát nhưng vẫn còn giữ được hình hài xưa kia. Đã có nhiều đoàn khách du lịch qua Lũng Hồ mà không biết tới sự tồn tại của di tích phần nào cũng bởi sự cô tịch và những vạt hoa dại phủ kín từng kẽ đá gợi lên nét hoang dại thuần nhất cho nơi này.
Còn một điều thú vị khi chạy qua cung đường này đó là chợ phiên Lũng Hồ và chợ tình Du Già, hai phiên chợ gần như còn giữ lại nguyên vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông. Một lúc nào đó, bạn hãy thử qua Lùng Tám- Đường Thượng – Lũng Hồ để khám phá một Hà Giang rất khác, một Hà Giang không chỉ có tam giác mạch vào những ngày se sắt đầu đông để làm mới những cảm xúc yêu thương dành cho mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Tuấn Linh
Theo ANTD
Đi qua 12 tầng dốc
Sì Lờ Lầu, xã ở nơi cao nhất, xa nhất của huyện vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhìn trên bản đồ chỉ là một mỏm nhọn trên đường biên giới. Đường đến Sì Lờ Lầu nếu tính từ thành phố Lai Châu sẽ phải qua cả thảy 12 con dốc. Và đúng như con số ấy, cái tên Sì Lờ Lầu theo tiếng của người địa phương cũng có nghĩa là 12 tầng dốc.
Đi qua 12 tầng dốc để đến đỉnh Sì Lờ Lầu là cả một chặng đường gian nan, vất vả. Bởi dù hiện nay, gần nửa chặng đường 100 cây số đã được rải nhựa nhưng để đi hết chặng cũng phải mất gần một ngày, trong khi với quãng đường ấy ở miền xuôi thì không thể mất nhiều hơn 2 giờ xe chạy.
Chặng đường từ Lai Châu lên xã Dào San hơn 50 cây số đã được rải nhựa toàn tuyến nhưng vô cùng lắt léo với những khúc cua tay áo giật cánh và dốc đứng khiến chiếc xe U-Oat của bộ đội biên phòng cứ chao đảo, gầm lên thúc giật để vượt qua. Chặng đường 50 cây số còn lại là những cú xóc nối tiếp nhau bất tận. Những vị khách trên chiếc U-Oat cứ như những hạt thóc trên sàng mà bàn tay của 12 tầng dốc thỏa sức sàng sẩy. Đường đi qua 12 tầng dốc Sì Lờ Lầu để lại những kỷ niệm không thể nào quên cho những người có gan leo lên thăm cái đỉnh 12 tầng đó.
Quả là không thể nào quên được nếu có ai từng qua Dào San vào một ngày chủ nhật, cùng ghé qua một buổi chợ phiên của những người Hà Nhì ở khúc giữa của 12 tầng dốc này. Rồi nếu may mắn sẽ gặp tiếp một phiên chợ khác ở đỉnh Sì Lờ Lầu với một phiên "chợ sừng" của người Dao Đỏ vô cùng độc đáo. Gọi là "chợ sừng" không phải vì ở chợ bán sừng, mà vì chợ chỉ họp vào những ngày của linh vật có sừng trong 12 con giáp như Trâu, Dê.
Với người Hà Nhì ở Dào San, Ma Li Chải, người Dao Đỏ ở Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải thì phiên chợ này luôn như ngày hội, nơi không chỉ bán mua mà còn để gặp gỡ giao lưu. Từ mờ sương, trên khắp các nẻo đường mòn từ núi cao xanh thẳm, bà con xuống chợ với những bộ trang phục đẹp nhất. Họ đem những sản vật tự làm ra xuống chợ bán như khoai, sắn, ớt, chuối, nấm, mật ong... và mua những nhu yếu phẩm cho cuộc sống thường nhật.
Qua 12 tầng dốc nếu chỉ nói đến những phiên chợ vùng cao thì có lẽ sẽ không có gì nhiều, bởi những phiên chợ vùng cao bao giờ cũng vậy. Tuy nhiên, nếu đã đến đỉnh của 12 tầng dốc ấy, ít ai biết rằng đây là nơi hoa đào thường nở sớm nhất trong năm. Thường thì tháng 11 hoa đào đã nở, để rồi khi trái đã đơm, quả đã hồng, những cây đào lại tiếp tục đơm hoa lần nữa vào đúng dịp xuân sang để đón chào năm mới. Bởi vậy, ngày tết ở Sì Lờ Lầu luôn có đủ cả quả và hoa của loài cây đặc biệt, loài hoa đào đẹp nhất vùng Tây Bắc này.
Lên Sì Lờ Lầu, con đường xấu và xóc lên xóc xuống như sàng sẩy ấy lại mang một cái áo thiên nhiên ở xung quanh đẹp hùng vĩ mà ảo diệu. Những đỉnh cao chót vót mây phủ, những cánh đồng bậc thang tiếp nối, những dòng thác-suối len theo khe đá róc rách ầm ào suốt đêm ngày. Sì Lờ Lầu quả đúng là địa danh sơn thủy hữu tình, nơi đi qua 12 tầng dốc.
Vũ Thanh
Theo ANTD
Sủng Là, một sớm tinh khôi Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang) được nhiều người biết và tìm đến qua bộ phim "Chuyện của Pao". Từ một "ốc đảo" lọt thỏm trong thung lũng nằm gọn trong quần thể Cao nguyên đá Đồng Văn, Sủng Là đã trở thành một "đóa hồng" trong tim không ít kẻ xê dịch. Địa danh này nằm trên tuyến đường quốc lộ...