Di dời các cơ sở chế biến hải sản để phát triển bền vững
Việc chế biến hải sản nhỏ, lẻ trong khu dân cư, nằm ngoài vùng quy hoạch thời gian qua đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con để sớm di dời các cơ sở chế biến này vào khu tập trung.
Các nhà tạm nhếch nhác được dựng lên tại khu chế biến hải sản tại Mộ Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ô nhiễm môi trường
Nhiều năm qua, việc chế biến, phơi hải sản ngay trên bãi biển, thậm chí trong khu dân cư tại các vùng ven biển, gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối của huyện Đất Đỏ. Tại các cơ sở chế biến, rác thải, nước thải được xả thẳng ra biển và hệ thống cống xả thải dân sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân cũng như môi trường sinh thái biển.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả thải của các cơ sở chế biến hải sản, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu địa phương và các ngành chức năng đẩy nhanh việc di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp tập trung.
Theo thống kê của UBND huyện Đất Đỏ, toàn huyện có 59 cơ sở chế biến hải sản trong diện phải di dời vào cụm công nghiệp tập trung. Các cơ sở này dự kiến sẽ được di dời vào cụm công nghiệp chế biến thủy sản Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Trong số 59 cơ sở phải di dời, có đến 32 cơ sở chủ yếu tập trung tại khu vực Mộ Ông, thị trấn Phước Hải. Hoạt động chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái biển, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động chế biến hải sản ở đây diễn ra khá thô sơ, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá được thu mua từ ghe tàu, chế biến đơn giản ngay tại bãi cát, phơi khô và mang đi tiêu thụ. Rác thải, nước thải hôi thối nồng nặc không được xử lý mà xả thẳng xuống biển ngay gần đó.
Còn những cơ sở chế biến hải sản nằm trong khu dân cư cũng không có các phương án xử lý môi trường, thậm chí không thu gom rác thải. Điều này khiến môi trường sống tại nơi sản xuất và xung quanh ngày càng ô nhiễm.
Qua quá trình vận động, nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản đã đồng ý di dời vào khu chế biến hải sản tập trung của huyện nhưng họ vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.
Bà Hồ Thị Bé Bảy, chủ một cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ lo lắng: “Khi di dời vào cơ sở mới chúng tôi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí như: thuê đất, trả phí xử lý nước thải…, trong khi đó cơ sở của sản xuất của chúng tôi chỉ là cơ sở nhỏ, lẻ thu nhập chỉ ở mức trung bình. Nên, chúng tôi rất mong muốn nhà nước có sự hỗ trợ các chi phí trong thời gian đầu để chúng tôi ổn định và yên tâm ở nơi sản xuất mới”.
Video đang HOT
Còn bà Nguyễn Thị Thảo, khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ thì cho biết, khi bắt đầu hoạt động chế biến hải sản, khu vực cơ sở của bà còn khá thưa người, không có dân cư. Nhưng sau nhiều năm, dân cư đông đúc, cơ sở sản xuất của bà khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Ý thức được tác động từ cơ sở sản xuất của mình, nên khi địa phương thực hiện chủ trương di dời vào khu chế biến tập trung, bà Thảo nghiêm túc chấp hành. Bà mong muốn đến khu vực quy hoạch mới sẽ được bố trí rộng rãi để phát triển sản xuất; đồng thời nhà nước có sự hỗ trợ ban đầu về chi phí thuê mặt bằng sản xuất, phí xử lý nước thải….
Kiên quyết di dời
Rác thải của một cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước những hệ lụy của việc các cơ sở chế biến hải sản nằm ngoài vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ nhấn mạnh, chủ trương của địa phương là bắt buộc phải di dời các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch vào khu chế biến hải sản tập trung, nhằm kịp thời bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND huyện Đất Đỏ đã thành lập đoàn xử lý, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân di dời theo quy định của địa phương.
Để các hộ sản xuất có thể vào được cụm chế biến hải sản Lộc An, chính quyền địa phương đã và đang vận động bà con tham gia hợp tác xã để thuận lợi trong quản lý, vừa có thể nâng cao giá trị sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như việc hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Luật Hợp tác xã. Vấn đề còn vướng là các chính sách cho việc di dời…. vì không phải hộ dân phải di dời nào nào cũng được nhà nước hỗ trợ.
Di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư vào khu quy hoạch tập trung là chủ trương lớn của huyện Đất Đỏ trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, hiện nay cụm công nghiệp Lộc An chỉ còn 1ha đất chưa giao, cũng chỉ đủ cho việc di dời các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực Mộ Ông.
Huyện đã đề xuất quy hoạch thêm cụm công nghiệp Phước Long Thọ nhằm di dời toàn bộ các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, nhằm trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư, cũng là để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phát triển theo hướng bền vững, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Việc di dời các cơ sở chế biến hải sản nói riêng và các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch vào các cụm công nghiệp tập trung là một thách thức trong quy hoạch ngành nghề, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thủ công của bà con. Việc di dời các cơ sở vào khu chế biến tập trung là giải pháp căn cơ để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tại huyện Đất Đỏ tồn tại và phát triển bền vững trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ nhấn mạnh thêm.
Phát triển vùng vì cả nước - Bài 2: Đẩy mạnh liên kết vùng
Trong quá trình lập quy hoạch vùng thì vấn đề liên kết vùng là một nội dung quan trọng. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, liên kết phát triển vùng là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc tại Bắc Giang. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Điểm sáng trong phát triển vùng
Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng diện tích toàn vùng 116.898 km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm 15,2% dân số cả nước.
Thực tiễn phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020 của vùng đạt 7,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương, phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới. Một số địa phương là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư mới, đã hình thành được một số tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, cải thiện liên kết nội vùng, hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc... Bước đầu phát triển được hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn,..
Trong những năm qua, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế với các khu công nghiệp: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu... Hai trục kinh tế: trục Bắc - Nam (dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô lớn và trục Đông - Tây (dọc quốc lộ 37 và tỉnh lộ 398 - vành đai IV cũ) đã đưa Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất tỉnh.
Là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang, Việt Yên có 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, đầu tư xây dựng với tổng diện tích 1.100 ha, 1.832 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện, thu hút trên 120.000 công nhân lao động. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã thu hút được trên 2000 dự án, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị Việt Yên có nhiều cải thiện, đời sống kinh tế và tinh thần của người dân được nâng cao; diện mạo đô thị khang trang và thay đổi mạnh mẽ.
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, trong giai đoạn 2015-2020, quá trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ, đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập của địa phương. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh tính theo giá hiện hành tăng bình quân 8,38%/năm và tốc độ tăng trưởng tính theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 4%/năm. Tổng sản phẩm ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 14,10 nghìn tỷ đồng, lớn gấp 1,53 lần so với năm 2015 và lớn gấp 2,84 lần so với năm 2010.
Nằm ở vị trí trung tâm của vòng cung Tây Bắc, có cảnh quan tự nhiên đa dạng, văn hóa tộc người đặc sắc, phong phú, Lào Cai hội tụ những điều kiện thuận lợi cả về tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên để thúc đẩy du lịch phát triển. Từ sự tương đồng về tự nhiên và văn hóa, Lào Cai đã đưa ra sáng kiến tổ chức các chương trình kết nối du lịch "Về cội nguồn" giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ; tiếp đó là chương trình kết nối 8 tỉnh trong "Vòng cung du lịch Tây Bắc". Giai đoạn 2020 - 2025, du lịch Lào Cai xác định khai thác tốt lợi thế, trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường, trong giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã chuyển đổi khoảng 54 nghìn ha đất gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 8 lần. Đến nay, đã hình thành được một số vùng lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, có thể kể đến như: nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm...
Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cây ăn quả của vùng đã tăng từ 185 nghìn ha lên 250 nghìn ha và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước. Một số loại cây ăn quả đã được xây dựng thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vải thiều, nhãn, cam, bưởi, xoài. Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, trong vùng còn quan tâm đến đầu tư công nghệ chế biến để tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Về quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng phấn đấu hình thành được các chuỗi liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp; Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất và chế biến gỗ; chuỗi liên kết phát triển du lịch, trong đó đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Dựa trên các điều kiện phát triển, có thể xác định chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô. Đây là khu vực giữ vai trò quan trọng đối với cả vùng, hiện đóng góp khoảng gần 50% GRDP, 33% thu ngân sách của cả vùng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia nói chung và quy hoạch vùng, liên kết vùng nói riêng nếu đúng và trúng sẽ xác định được con đường đi một cách ngắn nhất, khoa học nhất trong việc tổ chức không gian phát triển, định hướng phát triển, cách thức phát triển phù hợp bối cảnh, tình hình của từng giai đoạn. Để xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có chất lượng và tầm nhìn thì phải có sự gắn kết các địa phương trong vùng để tận dụng được lợi thế sẵn có, đồng thời hạn chế được việc triệt tiêu các nguồn lực của từng địa phương.
Liên kết để phát triển bền vững
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới. Ảnh tư liệu: An Hiếu/TTXVN
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Vùng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước...
Trong số các chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, những chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang) và Cái Răng (thành phố Cần Thơ) đang được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong các chuyến tham quan khi đến miền Tây Nam Bộ. An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh. Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo. Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng. Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp... để giữ chân du khách. Điển hình là đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển thành trung tâm du lịch quan trọng của vùng.
Nắm bắt lợi thế của một địa phương thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái ngập nước đa dạng, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây... là những điểm nhấn của ngành du lịch Long An tập trung khai thác, hoàn thiện sản phẩm trên nền tảng tài nguyên du lịch. Hay khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) với phong cảnh sông nước hữu tình, những vạt hoa sen, hoa súng nở bừng trên dòng kênh, tuyến đường đan độc đáo xuyên rừng tràm, đặc sản ẩm thực theo mùa... đã trở thành điểm đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng mang lại nhiều dấu ấn cho du khách.
Thời gian qua, liên kết phát triển du lịch góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch như tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận...
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước. Địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Những năm gần đây, các mối liên kết trong phát triển du lịch cũng bắt đầu được nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm. Nhiều mô hình hợp tác, liên kết du lịch chung đã được triển khai hiệu quả. Nổi bật là 2 khu vực liên kết trong vùng gồm khu vực: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang và khu vực liên kết giữa các tỉnh duyên hải phía Đông gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Việc liên kết phối hợp giữa các tỉnh, thành phố là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương. Từ đó giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực.
Tuy nhiên, vẫn thiếu một chiến lược tổng thể liên kết để phát triển bền vững, đặc biệt là liên kết đặc thù của từng địa phương và của vùng. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch liên kết tổng thể và cụ thể trong phát triển du lịch nông nghiệp vùng; xây dựng bộ thông tin chung về du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Phát triển vùng vì cả nước - Bài 1: Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng Trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...