Đi đó đi đây vẫn thấy quê hương mình đẹp nhất!
Tôi yêu những chuyến đi, bất kể với tên gọi là du lịch, phượt hay một cái tên nào khác, nhưng điều tôi mong muốn và luôn cố gắng là làm sao để truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn, khiến mỗi người yêu hơn những chuyến đi, những vùng đất sắp đặt chân đến.
Truyền cảm hứng lên đường
Tôi có khá nhiều thời gian để tìm hiểu về một nơi mình sẽ đến trước khi lên đường, nhưng điều thôi thúc tôi đến với những vùng đất đó lại từ những điều rất khác: qua những bộ phim, những MV ca nhạc, những quyển sách…
Thăm nhà Pao ở Hà Giang – bối cảnh trong bộ phim Chuyện của Pao
Với tôi để quyết định đặt chân đến một nơi không hẳn chỉ vì nơi đó thật đẹp thật xuất sắc mà đôi khi chỉ vì một niềm cảm hứng mãnh liệt, một cảm xúc thân thuộc. Tôi quyết định đến Hà Giang vào những ngày tháng 11 vì đọc Lặng yên dưới vực sâu, đọc Thương nhớ Đồng Văn, vì xem Chuyện của Pao, vì một chiều ngẩn người khi nghe giọng của chị Diễm Quỳnh dẫn vào bài hát Chiều biên giới trong một số chương trình Giai điệu tự hào “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương”.
Hình từ bộ phim Chuyện của Pao
Để rồi lúc được tự chạy chiếc xe máy qua hết những địa danh được nhắc đến qua những gì đã đọc, đã xem, càng cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của vùng đất địa đầu Tổ quốc, càng cảm thấy xao xuyến khi nhìn những bông tam giác mạch nở trên núi đá, càng cảm thấy thiêng liêng khi đứng trên cột cờ Lũng Cú phóng tầm mắt nhìn trời mây quê hương.
Hình trong MV của Ái Phương quay tại Hà Giang
Điều đó cũng giống như những lần chúng tôi tìm bằng được đường đến cây thông cô đơn ở Đà Lạt chỉ vì xem một MV ca nhạc của Hà Anh Tuấn hát dưới gốc cây ấy. Chúng tôi cũng đã tìm đến Bảo Lộc, lên Linh Quy Pháp Ấn từ khi chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng chưa đến đó quay MV mà chính nhờ những dòng viết trĩu nặng tâm tình của Trịnh Công Sơn gửi người tình Dao Ánh từ vùng đất buồn tênh này.
Thăm cây thông cô đơn – nơi Hà Anh Tuấn quay MV
Hình từ MV của ca sĩ Hà Anh Tuấn
Ở một phương diện nào đó thì những câu chuyện, những MV ca nhạc, những bộ phim, clip sẽ là cách tốt nhất góp phần đưa vùng đất đó chạm đến trái tim mỗi người trước khi họ quyết định sẽ lên đường. Mỗi vùng đất, mỗi nét văn hóa đều mang theo những câu chuyện. Thật tuyệt nếu chúng được truyền tải dưới hình thức uyển chuyển của một bài hát, một bộ phim để gần gũi hơn với tất cả mọi người.
Người truyền cảm hứng
Video đang HOT
Ai sẽ là người truyền tải thông điệp đến đúng với đối tượng nhất khi đã có sẵn những sản phẩm truyền thông như sách, MV? Thuật ngữ chuyên ngành gọi đó là marketing truyền miệng, còn tôi muốn đề cập đến đó chính là sự lan truyền cộng đồng.
Thời đại của mạng xã hội bùng nổ, mỗi người đều có thể tự tạo một hoặc nhiều tài khoản cá nhân từ facebook, blog, youtube, instagram… bằng những công cụ hết sức đơn giản như một chiếc điện thoại, máy tính, máy chụp hình.
Tôi có theo dõi rất nhiều bạn trẻ có, lớn tuổi có nổi tiếng ưa xê dịch và nhận thấy một điều: họ rất giỏi trong việc truyền cảm hứng lên đường cho người khác, chỉ bằng một tấm ảnh, một câu chuyện kể, một đoạn video… Nhưng trên hết, họ là những người có gia tài đồ sộ là những chuyến đi, những trải nghiệm.
Đón bình minh ở Chiêu Lầu Thi
Nhiều người trong số họ còn nhận được lời mời tự lãnh sự quán các nước bạn đến tham quan, trải nghiệm miễn phí đất nước của họ để quảng bá cho du lịch của họ. Và tôi nghĩ đây là một hình thức quảng bá du lịch rất tốt ở thời điểm hiện tại.
Rất nhiều người ở độ tuổi của chúng tôi khi đã đi làm, có tiền, có điều kiện đi du lịch, hay ở độ tuổi cha mẹ chúng tôi, khi không còn phải lo lắng nhiều cho con cái, cũng bắt đầu nghĩ đến những chuyến du lịch tận hưởng, nhưng họ vẫn còn những ngần ngại. Tôi không phải một người nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều người theo dõi, nhưng những bài viết, hình ảnh, câu chuyện của tôi về những chuyến đi luôn được bạn bè, người thân yêu thích và tạo cảm hứng cho họ đi đến những nơi tôi đã từng đi.
Cảm nhận văn hóa bản địa
Nhiều người bạn của tôi, những người trẻ có thể chẳng nhớ nổi những kiến thức về địa danh du lịch hay vùng miền từng được dạy khi học Địa lý, nhưng lại nhớ rất rõ từng địa danh, từng nét văn hóa khi chính họ được trải nghiệm. Có 2 điều tôi luôn muốn trải nghiệm trong mỗi chuyến đi của mình đó là: ở homestay và tiếp xúc với người địa phương.
Homestay lưng chừng núi của chú Phú ở Chiêu Lầu Thi và bữa cơm với nhiều món lạ
Phải một lần ngủ trong nhà sàn của người dân tộc, ăn cùng họ một bữa cơm, uống cạn cùng họ những chén rượu để họ xem mình như một người bạn, một người thân. Phải một lần nghe chính những anh em porter, anh kiểm lâm, bảo tồn rừng nói về từng con suối, từng loài cây rừng mới thấy hết cái hay cái đẹp của núi rừng. Đi miền Tây phải đi vào tận những miệt vườn cây trái ngủ giữa những căn nhà mái lá, bơi xuồng đi bắt cá, tối nghe cái giọng rặt miền tây của mấy chú mấy bác đã ngà ngà say hát đờn ca tài tử mới thấy hết cái mênh mông của đồng bằng, cái hào hiệp nghĩa tình của người miền Tây…
Đi thuyền hái sen ở miền Tây
Hình thức lưu trú homestay không mới mẻ nhưng dường như khá kén chọn du khách, cũng còn nhiều bất tiện so với việc đặt phòng khách sạn. Nhưng tôi nghĩ nó hoàn toàn thích hợp cho những người muốn trải nghiệm về mặt văn hóa bản địa. Những homestay ở Đà Lạt, Mộc Châu, Hà Giang, Sơn La đều khiến tôi hài lòng và cực kì yêu mến cách mà những con người yêu mến, gắn bó với vùng đất ấy nói về quê hương của họ bằng tất cả tình yêu, tự hào.
Chụp hình kỷ niệm cùng một chị người dân tộc Hán ở Hà Giang bên vườn hoa nhà chị
Tôi và rất nhiều người đều đồng ý rằng có rất nhiều nơi ở nước ngoài, mà gần gũi nhất là các nước Đông Nam Á không đẹp bằng Việt Nam chúng ta, nhưng cách làm du lịch của họ khiến chúng ta phải khâm phục.
Bạn tôi bảo thực ra Lào chẳng có gì ngoài một dòng sông, một cái thác nước vậy mà khách nước ngoài cũng phải đến bằng được dù cách trở đường bay. Họ đến chỉ để uống bia Lào, chơi vài trò trên sông rồi về. Nên chúng ta chẳng thể nói là quê mình, nơi mình ở chẳng có gì để ghé thăm. Chẳng nói đâu xa như chính tôi – một người sinh ra và lớn lên ở Bình Phước vẫn bị tin theo một điều của nhiều người hay nói rằng Bình Phước chẳng có nơi nào để du lịch.
Mãi đến khi tôi lớn lên, được theo chân các anh kiểm lâm vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tôi mới nhận ra nơi này hoang sơ và đẹp đến thế nào, hơn hẳn nhiều Vườn quốc gia nổi tiếng mà tôi từng ghé thăm trước đó. Tôi – bằng những nỗ lực của mình đã phải thốt lên rằng: Làm sao để mọi người biết rằng Bình Phước có một nơi đẹp như vậy trong khi rất nhiều bạn bè của tôi lớn lên ở chính mảnh đất này vẫn bảo rằng chỗ đó thì có gì mà đi, khi họ chưa từng đến đó.
Một chuyến đi thú vị về vườn quốc gia Bù Gia Mập quê hương của tôi
Chúng ta – có không ít người, vẫn đang bỏ qua những vẻ đẹp mà chúng ta thân thuộc. Vì vậy, tôi muốn nói rằng, càng đi nhiều, càng bước ra khỏi phạm vi đất nước thì chúng ta sẽ nhận ra vẻ đẹp quê hương. Tôi không có nhiều cảm xúc đối với những chuyến đi nước ngoài, nhưng tôi đi để lớn lên, trong chính suy nghĩ và tầm nhìn của mình.
Xúc động ghé thăm cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu Tổ quốc
Tôi mong muốn bản thân, những người bạn, những người Việt Nam luôn đi bằng cảm hứng mãnh liệt, bằng tình yêu và truyền ngọn lửa đó đến được với nhiều người khác, bằng những việc nhỏ nhất dù chỉ là một bức ảnh, một câu chuyện, một đoạn video đơn giản, hãy để người khác biết nhiều hơn về một Việt Nam tươi đẹp.
Vẻ đẹp bốn mùa ở miền sông nước Long An
Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Hoàng Thái, quê hương Tân Lập trở nên thơ mộng và rực rỡ màu sắc hơn.
Nhiếp ảnh gia Lê Hoàng Thái (sinh năm 1979), quê tại ấp 3, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, là một người thích lang thang trên những nẻo đường ghi lại cảnh đẹp và nhịp sống thôn quê, bất kể mùa mưa, nắng. Anh hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh huyện Mộc Hóa.
Trên hình là trung tâm xã Tân Lập trong ánh đèn đêm, với cụm dân cư nằm xen kẽ các ao nuôi trồng thủy sản và nương lúa trải dài ven đôi bờ sông Vàm Cỏ Tây. Đây là con sông từ Campuchia chảy qua địa phận Long An với chiều dài hơn 150 km và uốn thành nhiều khúc. Nhờ điều kiện tự nhiên này ưu đãi Long An hình thành tuyến du lịch sinh thái được khai thác từ làng nổi Tân Lập đến chùa Nổi và khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Rừng tràm Tân Tập là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của Long An, với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm trải dài ngút mắt, đặc biệt vào mùa xuân, rất nhiều đàn chim cò bay về đậu kín trên rừng tràm.
"Cảm giác yên bình khi lênh đênh trên rạch rừng, tận hưởng hương tràm và ngắm nhìn những cánh chim trên bầu trời", anh Thái nói.
Bức họa đồng quê mùa hoa ô môi nở tại Tân Lập. Mùa xuân, cây ô môi rụng lá, hoa nở thành từng chùm màu hồng dày đặc trên cành và kết trái vào cuối tháng 4.
Loài cây này gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của người dân miền Nam, có thể bắt gặp cây trồng rải rác bên đường quê, bờ ruộng và bến sông. Trẻ nhỏ thường tách vỏ và lấy ăn phần thịt bên trong thơm nồng mùi quê dung dị.
Quang cảnh tưới thanh long từ trên cao qua góc nhìn nhiếp ảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Tỉnh Long An có diện tích trồng thanh long tới 11.800 ha, trồng rải vụ quanh năm, tránh tình trạng sản lượng tập trung tăng đột biến.
Mùa thanh long chính vụ từ tháng 5 đến tháng 8, lúc trái chín đỏ các vườn trở thành điểm tham quan thu hút du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên trái thanh long rớt giá, thương lái thu mua chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg tại vườn.
Tác phẩm "Trên những luống dưa" chụp quang cảnh những người nông dân chăm sóc dưa hấu gần Tết tại Tân Lập. Ảnh được trưng bày tại Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020.
Tác phẩm "Giờ ăn" được trưng bày triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 năm 2020, chụp cảnh đàn vịt chạy đồng được lùa tập trung về cho ăn lúc chạng vạng tại xã Tân Lập. Nghề nuôi vịt chạy đồng, lấy trứng phổ biến ở miền quê, giúp nhiều hộ tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn, từ đó tăng thêm lợi nhuận.
Lúa chín vàng được gặt thẳng tắp vào mùa thu hoạch, cùng nhịp độ khẩn trương làm việc tạo nên một bức tranh vùng quê sinh động.
Ngoài du lịch sinh thái, Tân Lập có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Nông dân ngày nay áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như cảnh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tác giả chụp cảnh trẻ chăn trâu và chơi thả diều trên đồng, một cảm xúc ùa về khi nhớ đến những câu thơ: "Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông" trong bài Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
"Đam mê chơi ảnh nên mọi ngóc ngách thôn quê và nhịp sống các mùa tại quê hương tôi đều ghi lại, trong đó ấn tượng nhất với cuộc sống sinh hoạt của bà con trong mùa lũ (mùa nước nổi). Bức ảnh trên tôi chụp những người phụ nữ đồng ý làm mẫu chụp cảnh rửa hoa súng trên đồng lũ Tân Lập", anh Thái chia sẻ.
Lũ về khoảng tháng 9-10, các huyện đầu nguồn tỉnh Long An như Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng nước ngập đến chân ruộng, đây cũng là lúc đồng ruộng ngập tràn sắc hoa súng. Trên đồng chủ yếu là súng dại (hay súng ma), có bông màu tím, trắng và cọng dài 3-6 m. Người dân gọi là súng ma bởi chúng hay nở ban đêm, khi mặt trời vừa lên hoa héo và chìm xuống nước nên người dân phải đi rạng sáng để hái.
Du lịch miệt vườn và sinh thái ở Tân Lập cho du khách cơ hội trải nghiệm dùng nôm bắt cá đồng. Nôm là vật dụng làm bằng các thanh tre vót nhẵn, đầu nhọn hướng xuống phần miệng, phần trên túm lại cỡ bằng cái tô và dưới miệng lớn bằng miệng thúng nhỏ. Khi nôm, miệng nôm úp xuống nước tại những vũng nước nhỏ để bắt cá.
Cảnh quăng chài trên sông khi bình minh lên trên đồng lũ Tân Lập. Hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nguồn lợi cá, tôm cho vùng miền. Mùa nào sản vật đó, Tân Lập có đầy đủ các loại từ ếch nhái, cá lóc, cá rô mề, cá trê vàng cho tới bống tượng, cá sặc, tôm, cua, tép...
"Các nguồn lợi thủy sản trên sông, rạch là tự nhiên, an toàn, tuy nhiên sản lượng ngày một giảm do bị đánh bắt nhiều. Các hộ ở thành phố ra chợ tìm mua cá lóc đồng nhưng ít thấy, thường chỉ thấy là giống cá lóc nuôi trong ruộng", anh Thái chia sẻ.
Mỗi cảnh sắc được tác giả Lê Hoàng Thái chụp ở trên là một bức tranh đẹp phản ánh đời sống và sự đổi thay từng ngày của quê hương Tân Lập đồng thời góp phần quảng bá Long An tới bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Những tác phẩm này từng giúp anh Thái gặt hái được nhiều thành tích tại các cuộc thi ảnh. Năm 2020, anh có 2 ảnh giải ba tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật Long An lần thứ 32 với chủ đề "Long An quê hương tôi"; 3 ảnh triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 và 1 ảnh triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương".
Đến Bồ Đào Nha, quê hương của danh thủ Ronaldo Những thành phố cổ kính, những bãi biển ngập nắng, người dân địa phương thân thiện ... và đừng quên các loại rượu vang hảo hạng, đó là quê hương Bồ Đào Nha của danh thủ Ronaldo đang làm mưa làm gió ở vòng chung kết Euro 2020. Ga xe lửa Sao Bento Du khách đến ga xe lửa Sao Bento của Porto...