Đi cướp để được ngồi tù, cụ ông thoát cảnh nghèo khổ, đói ăn
Vì tiền trợ cấp quá ít ỏi, không đủ ăn nên ông Fu cố tình phạm tội để được ngồi tù.
Ông Fu cố tình phạm tội vào năm 2008 để được ngồi tù.
Năm 2008, ông Fu Daxin, 69 tuổi, một người sống ở vùng nông thôn tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vì quá nghèo nên đã quyết định tìm cho mình một nơi tốt hơn để nghỉ hưu – ông cố ý để mình phải ngồi tù.
Dùng một con dao gọt hoa quả để đe doạ nạn nhân trong nỗ lực thực hiện một vụ cướp ở nhà ga xe lửa Bắc Kinh, ông Fu đã được ở tù theo đúng ý nguyện và được ăn cơm tù trong gần 2 năm.
Bây giờ – 13 năm sau khi vụ việc của ông Fu gây xôn xao dư luận Trung Quốc, ông đã có một cuộc sống bình yên mà ông chưa từng mơ tới.
“Tôi đã được tự do và có thể mua bất cứ thứ gì tôi thích. Bây giờ tôi hài lòng với cuộc sống của mình” – ông Fu chia sẻ với tờ nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc tại nhà riêng ở quận Qidong.
Ngôi nhà của ông, trị giá 100.000 tệ (358 triệu đồng), được một người cháu xây cho cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Bây giờ, ông Fu đã có tiền mua những món ăn ưa thích như cá, gạo nếp, mỳ nhờ khoản trợ cấp hàng năm cho người già không có con và mất sức lao động.
Hồi năm 2008, ông chỉ nhận được khoản trợ cấp 600 tệ (2,1 triệu đồng) mỗi năm. Ông Fu cho biết, số tiền quá ít ỏi nên ông hầu như ông không đủ ăn.
“Tức là tôi chỉ có 1,6 tệ mỗi ngày. Tôi có thể ăn gì đây? Trong khi giá gạo khi ấy là 3 tệ, còn thịt lợn là 26 tệ/kg”.
Bây giờ, ông đã nhận được số tiền trợ cấp gấp hàng chục lần – 9.360 tệ (33,5 triệu đồng). Theo thống kê, mức thu nhập trung bình ở khu vực nông thôn của Trung Quốc vào năm ngoái là 17.131 tệ (hơn 61 triệu đồng).
Ông Fu cho biết quãng thời gian trong tù là quãng thời gian hạnh phúc của ông vì được ăn ngon, khám sức khoẻ và có thời gian nghỉ ngơi.
Hành động của ông Fu năm 2008 được truyền cảm hứng bởi một câu chuyện hồi tháng 8 cùng năm đó. Một người đàn ông vì bệnh tật cũng cố tình phạm tội để được ngồi tù.
Từ ý tưởng đó, ông Fu quyết định đi thu gom phế liệu để có tiền mua vé tàu tới Bắc Kinh. Ông mất 10 ngày để đi tàu hoả tới Bắc Kinh để thực hiện hành vi phạm tội.
Lúc đầu, ông chọn một viên cảnh sát nhưng ông đi quá chậm để đuổi kịp anh ta. Đối tượng thứ 2 mà ông nhắm vào là một người phụ nữ đang cầm trên tay 300 tệ nhưng người phụ nữ này nghĩ rằng ông Fu bị tâm thần nên đã tránh ông.
Sau đó, ông cố gắng giật túi xách của một nữ sinh viên nhưng không thể chế ngự cô. Ông đã rút con dao gọt hoa quả của mình ra và yêu cầu cô gái hét lên “cướp”. Điều này đã thu hút sự chú ý của một cảnh sát đứng gần đó.
Một phiên toà đã xử ông 2 năm tội trộm cướp. Sau khi vào tù, ông được ăn những bữa ăn dinh dưỡng hơn, có trứng vào mỗi buổi sáng và được ăn thịt hằng ngày. Ông cũng có thời gian để nghỉ ngơi, đọc sách, chơi cờ và xem tivi. Vì đã ngoài 60 tuổi nên ông không phải lao động. Ông cũng được kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
“Tôi thích món bánh bao nhất” – ông nói. Trong tù, ông được ăn 3 bữa mỗi ngày vì thế ông tăng 5kg trong 3 tháng đầu tiên.
Ông Fu rất vui trong quãng thời gian 2 năm nay, nhưng vào tháng 3 năm 2010, ông được ra tù sớm 6 tháng. Ông chia sẻ rằng rất nhớ quãng thời gian ở đây.
Ngay sau đó, ông được chuyển đến viện dưỡng lão ở thị trấn Lingguan, nơi ông được ăn ở miễn phí bằng trợ cấp của Chính phủ nhưng 1 năm sau, ông rời khỏi đây vì cảm thấy đồ ăn không ngon như ở trong tù.
“Sau khi chuyển ra, tôi có thể ăn bất cứ thứ gì tôi muốn” – ông nói.
Căn nhà ông được người cháu và chính quyền xây cho dù không đẹp nhưng cũng có vài món đồ đạc và một chiếc điều hoà cũ nhưng ông hiếm khi sử dụng để tiết kiệm tiền.
Hiện tại, cuộc sống của ông tương đối thoải mái, tuy nhiên ông vẫn muốn nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng như có thêm các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch vành và thoát vị đĩa đệm.
Ông cũng đã viết di chúc, chuẩn bị cho một đám tang rất đơn giản trong tương lai. Nhưng ông cho biết mong muốn trong đám tang sẽ có một ban nhạc hát một bài opera trong 2 đêm. Lời bài hát nói về những gì ông đã làm, đặc biệt là cách mà ông tự đưa mình vào nhà tù ở Bắc Kinh.
Đi đăng ký kết hôn, chú rể choáng váng khi lúc này mới biết vợ sắp cưới của mình... 'đã chết' từ 16 năm trước
Khi đang ngồi làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhân viên thông báo một tin tức khiến mọi người không khỏi choáng váng.
Theo tờ Sixth Tone đưa tin, một người phụ nữ họ Vương (39 tuổi) sống tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc và chồng sắp cưới của mình gần đây đã đi đăng ký kết hôn. Vốn là một ngày vui của cặp đôi nhưng cả hai đều phải chịu cú sốc nặng khi đang ngồi làm thủ tục theo quy trình thì nhân viên thông báo một tin tức không thể kỳ lạ hơn, đó là cô Vương "đã chết" từ 16 năm trước.
Sau một hồi điều tra, hai người phát hiện từ năm 2005, chính quyền địa phương đã hủy hộ khẩu của cô Vương với lý do "đã tử vong". Tại thời điểm này, cô vừa kết hôn lần đầu và đang làm thủ tục chuyển tới tỉnh Quảng Đông sinh sống. Từ đó đến nay, suốt 16 năm trời trên giấy tờ cô Vương là một người "đã chết".
Hai vợ chồng đang đi đăng ký kết hôn thì phát hiện cô dâu bị coi là "đã chết" từ lâu.
Tại Trung Quốc, hộ khẩu là một loại văn bản pháp lý quan trọng để định danh công dân, cho phép người dân được hưởng các lợi ích xã hội như y tế, giáo dục và chứng thực sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, khi kết hôn hay ly hôn, các cặp vợ chồng cũng đều phải xuất trình hộ khẩu để làm thủ tục. Thế nhưng khi cô Vương và người chồng đầu tiên chia tay năm 2014, cô lại không gặp rắc rối gì và cũng không hề phát hiện nhầm lẫn tai hại của chính quyền. Đến nay, cô vẫn chưa biết vì lý do gì mà lại có sai sót nghiêm trọng này.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, cô đã nộp đơn xin giải quyết lên nhiều cơ quan, thậm chí bỏ không ít tiền để được sửa lại danh tính nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo một cảnh sát quan lý vấn đề dân sự ở địa phương, việc chứng thực hay cấp lại hộ khẩu là vô cùng khó khăn và khắt khe, kể cả khi có vẻ sự thật "rõ rành rành trước mặt" vì tài liệu này có liên quan mật thiết tới danh tính pháp lý của một cá nhân.
Đây không phải lần đầu tiên có trường hợp lạ này xảy ra. Năm 2020, một người đàn ông đến từ thành phố Liễu Châu cũng rơi vào tình huống tương tự. Người đàn ông này đã có hành trình đi chứng minh mình còn sống vô cùng chật vật. Ông phải đi tìm lại từng loại giấy tờ một từ chính quyền địa phương khắp tỉnh thành mình từng sinh sống, kèm theo bức ảnh cầm tờ báo ngày hôm đó để làm bằng chứng. Tuy nhiên, kết quả ông có thành công hay không vẫn chưa rõ.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, cô Vương vừa bức xúc vừa nghẹn ngào cho biết: "Không lẽ tôi phải mang danh phận 'người chết' để sống suốt quãng đời còn lại sao?".
Mỗi năm, hàng triệu người dân Trung Quốc báo cáo cơ quan chức năng về việc bị mất hoặc bị đánh cắp thẻ căn cước. Trong một số trường hợp, những tấm căn cước đó bị sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Việc định danh lại công dân không thể đơn giản vì vấn nạn giả danh người khác bất hợp pháp vẫn hoành hành. Cách đây không lâu, báo chí nước này vừa đưa tin vụ việc một người phụ nữ khi đi đăng ký kết hôn mới phát hiện mình đã kết hôn và thậm chí còn ly hôn từ trước rồi. Lý do là vì cô đã làm mất thẻ căn cước và có người dùng nó giả danh cô.
Anh chàng kêu trời vì 'cầu được ước thấy' Bị người yêu bỏ vì nghèo, anh chàng ước được giàu có nhưng sau đó phải hối hận.