ĐHĐCĐ VPBank: Sẽ nới “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30%
Trong năm 2019 hoặc 2020, VPBank dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 10,28% thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại đại hội.
Chiều nay (26/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Kế hoạch lợi nhuận 9.500 tỷ đồng
Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 với các chỉ tiêu: tổng tài sản tăng trưởng 16%, lên 373,6 nghìn tỷ đồng; huy động và phát hành giấy tờ có giá tăng 15%, lên 252,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng dự kiến cũng tăng 15%, đạt 265,4 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ phấn đấu dưới 3%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2018.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận chưa phân phối của VPBank còn 3.431 tỷ đồng. Hội đồng Quản trị trình đại hội thông qua việc giữ lại lợi nhuận và cũng không chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tăng vốn điều lệ lên 27.899 tỷ đồng, tăng “room” ngoại lên 30%
Trong năm 2019 hoặc 2020, VPBank dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 25.299 tỷ đồng lên 27.899 tỷ đồng (tương đương tăng 10,28%) thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành tối đa 260 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2.600 tỷ. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%).
Cũng tại đại hội, Hội đồng Quản trị VPBank trình kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên.
Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ đã mua trong năm ngoái cho cán bộ nhân viên giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Video đang HOT
Nguồn vốn chủ sở hữu dùng để bù đắp chênh lệch giá mua/bán cổ phiếu quỹ là lấy từ thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển.
Các cán bộ nhân viên được mua cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi, với điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm và đươc giải tỏa dần theo tỷ lệ 30% số cổ phần CBNV được sẽ được giải tỏa sau 01 năm; 35% số cổ phần sẽ được giải tỏa sau 2 năm; 35% số cổ phần sẽ được giải tỏa sau 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Ban lãnh đạo VPBank cho bết, mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ này là nhằm thực hiện chính sách ưu đãi nhằm giữ chân nhân tài, các cán bộ nhân viên có đóng góp lớn đối với sự phát triển và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2019 hoặc tùy thuộc vào việc thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đại hội thảo luận: Cổ đông lo lắng chính sách “siết” tín dụng tiêu dùng
Cổ đông: Xu hướng vay tiêu dùng hiện nay được đánh giá là đang đi chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới?
Đại diện VPBank: Đánh giá này dựa trên việc so sánh với sự tăng trưởng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng trong 7 – 8 năm vừa qua.
Thông thường, thị trường này sẽ tăng rất nhanh trong giai đoạn đầu, tuy nhiên, giá trị tuyệt đối tăng trưởng trong giai đoạn này lại không phải là lớn.
Trong số 16 công ty cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, FE Credit đang là một trong những công ty sở hữu số lượng khách hàng lớn nhất. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi, trong đó, số lượng khách hàng vẫn đang sử dụng dịch vụ khoảng 4,5 triệu người.
Chúng tôi khẳng định thị trường cho vay tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng. Hiện thị trường này chỉ mới chiếm 15-16% GDP trong khi tại các nước xung quanh, tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Do đó, chúng tôi cho rằng cơ hội tăng trưởng vẫn còn nhiều, có thể về tốc độ thì không cao bằng nhưng con số tuyệt đối thì cao hơn nhiều so với những năm trước.
Theo đó, năm nay, FE Credit và mảng Retail tiếp tục là động lực của ngân hàng. Ngoài ra còn có thu nhập từ các mảng khác như SMEs Banking, Comercial Banking. Động lực tăng trưởng và nguồn thu của VPBank ngày càng mở rộng.
Cổ đông: Năm nay VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ 3%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nhà băng khác?
Đại diện VPBank: Hội đồng Quản trị và Ban điều hành VPBank xây dựng kế hoạch năm 2019 trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống 14-15%.
Bên cạnh đó, mục tiêu năm 2019 của VPBank là tăng trưởng chất lượng chứ không phải quy mô.
Theo kế hoạch, năm nay lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường hơn 800 tỷ đồng từ bảo hiểm AIA thì lợi nhuận vẫn tăng trưởng 14% so với năm 2018.
Cũng trong năm nay, VPBank đặt kế hoạch xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC, hiện vẫn còn khoảng 3.100 tỷ đồng. Để xử lý khoản này thì ngân hàng sẽ phải trích lập và từ đó tác động đến lợi nhuận.
Với các lý do trên, kế hoạch 9.500 tỷ là một sự nỗ lực rất lớn của Ban điều hành.
Ngoài ra, VPBank đã chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II, theo đó, nhiều khả năng VPBank cũng sẽ được tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, kế hoạch lợi nhuận là khả quan.
Cổ đông: Ngân hàng Nhà nước đang có dự thảo thông tư về siết cho vay tiền mặt của công ty tài chính. Ngân hàng có kế hoạch như nào để không ảnh hưởng tới tốc độ tín dụng và lợi nhuận từ FE Credit?
Đại diện VPBank: Về dự thảo thông tư đề cập hạn chế cho vay tiền mặt, dự thảo này mới chỉ đang ở mức độ lấy ý kiến của các tổ chức ban ngành.
Trong thời gian vừa qua, cũng đã có nhiều ý kiến phản hồi, là nếu siết việc cho vay tiền mặt thì sẽ ảnh hưởng tới tín dụng tiêu dùng, là ngành còn non trẻ và đang góp phần rất lớn trong việc chống lại nạn tín dụng đen.
Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng việc siết lại sẽ không áp dụng. Các cơ quan soạn thảo văn bản Ngân hàng Nhà nước khi nhận được phản hồi sẽ có những quyết định phù hợp, đúng đắn.
TRẦN THÚY
Theo bizlive.vn
Cổ phiếu trượt dài về đáy, gia đình chủ tịch muốn gom thêm 21 triệu cổ phiếu VPBank
Nếu giao dịch thành công, gia đình chủ tịch VPBank sẽ nắm giữ 14,5% vốn điều lệ tại ngân hàng này, tương ứng với 367 triệu cổ phiếu VPB.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) mới đây đã thông báo về giao dịch của người nội bộ và người liên quan đến người nội bộ ở ngân hàng này.
Theo đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu VPB để nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,49% vốn điều lệ (tương đương với 113,69 triệu cổ phiếu) lên 4,81% vốn điều lệ (tương đương với 121,69 triệu cổ phiếu).
Đồng thời, mẹ ông Dũng - bà Vũ Thị Quyên cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,26% vốn điều lệ (tương đương với 107,7 triệu cổ phiếu) lên 4,77% vốn điều lệ (tương đương với 120,7 triệu cổ phiếu).
Cả hai giao dịch đều được thực hiện từ ngày 21/11/2018 tới 21/12/2018 thông qua khớp lệnh trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM. Mục đích giao dịch nhằm mua bổ sung cổ phiếu VPB.
Trước đó, bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Dũng cũng đã mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,92% vốn điều lệ, tương ứng với hơn 125 triệu đơn vị. Như vậy, nếu giao dịch đăng ký mua của ông Dũng và bà Quyên thành công, gia đình ông Ngô Chí Dũng sẽ sở hữu hơn 367 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với tỷ lệ sở hữu khoảng 14,5% vốn điều lệ ngân hàng.
Có thể thấy, các giao dịch đăng ký mua của gia đình chủ tịch diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu VPB liên tiếp tục trượt dài trên thị trường chứng khoán khi "bốc hơi" tới gần 25% giá trị chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Thị giá cổ phiếu VPB tại thời điểm chốt phiên ngày 15/11 chỉ còn 19.000/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi ngân hàng này lên sàn tháng 8/2017.
Đáng chú ý, sau thông tin gia đình chủ tịch muốn "gom hàng", cổ phiếu VPB đã có phiên giao dịch hưng phấn với sắc xanh ngay từ đầu phiên sáng ngày 16/11, qua đó kết phiên tăng kịch biên độ lên mức 20.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cả phiên đạt hơn 5,3 triệu đơn vị trong đó có hơn 1 triệu cổ phiếu khớp tại giá trần, dư mua trần còn hơn 1,9 triệu cổ phiếu.
Tạm tính tại mức giá này, ông Dũng và bà Quyên sẽ phải có thể phải chi ra khoảng 426 tỷ đồng để mua hết số cổ phiếu đăng ký.
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
VPBank "khóa" tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức hơn 22% Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) vừa công bố thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cố định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này. Diễn biến giảm giá cổ phiếu VPB không nằm ngoài xu hướng giảm chung của thị trường thời gian qua. Căn cứ đề nghị của VPBank...