ĐHĐCĐ KSB: Làn sóng đầu tư công và dòng vốn khu công nghiệp mới chỉ là xu hướng, năm 2020 sẽ đối mặt nhiều diễn biến khó lường
Dự kiến ngay trong năm nay, KSB sẽ hoàn thành sở hữu chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh một công ty vật liệu xây dựng tại Đồng Nai, với tỷ lệ nắm giữ gián tiếp 41%. Quy mô của công ty này vào khoảng 250 triệu tấn đá, gấp nhiều lần KSB, mức định giá rất lớn
Ngày 29/5, CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch doanh thu 1.476 tỷ – tăng 13,5%, ngược lại LNST giảm nhẹ về 320 tỷ đồng.
Kế hoạch LNST giảm là đi sát tình hình thị trường
Là đơn vị khai thác đá, năm 2020 KSB được xem là cái tên sáng giá trong ngành đá xây dựng giữa bối cảnh Chính phủ chủ trương tăng cường đầu tư công. Theo ước tính của giới phân tích, 2 dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết. Hiện, KSB có lợi thế sở hữu nhiều mỏ đá ở vị trí tốt, công suất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài.
Trước kế hoạch kinh doanh thậm chí đi lùi, ban lãnh đạo KSB phân trần do năm 2020 có những diễn biến không lường trước được; trong khi làn sóng đầu tư công và đón đầu dòng vốn khu công nghiệp mới chỉ là xu hướng, từ chủ trương đến thực tiễn phải mất thời gian dài.
Ngược lại, thực tế thì dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ rất chậm, giãn cách xã hội gây ảnh hưởng nặng lên hoạt động kinh doanh. Từ đầu năm 2020 đến nay hầu như không ghi nhận thêm khách nào, thậm chí chưa thể xác định thời gian sẽ mở cửa trở lại để có thể đón nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, kế hoạch của Công ty là bám sát tình hình thị trường, ông Phan Tấn Đạt – Chủ tịch HĐQT – khẳng định.
Video đang HOT
2020 sẽ hoàn tất thâu tóm công ty sở hữu mỏ đá lớn tại Đồng Nai, mở rộng quy mô khai thác
Hiện, Công ty đang ủy thác đầu tư với giá trị 1.311 tỷ đồng vào một công ty vật liệu xây dựng tại Đồng Nai, với tỷ lệ nắm giữ gián tiếp 41% và sẽ tăng tỷ lệ trong thời gian tới. Quy mô của công ty này vào khoảng 250 triệu tấn đá, gấp nhiều lần KSB, mức định giá rất lớn.
Mục đích mua lại nhằm mở rộng quy mô. Dự kiến ngay trong năm nay, KSB sẽ hoàn thành sở hữu chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh.
Năm 2020, mỏ Tân Đông Hiệp của Công ty sẽ bước vào giai đoạn cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa theo giấy phép khai thác. Theo đó, việc mua lại doanh nghiệp tại Đồng Nai trên sẽ góp phần giảm áp lực bù đắp sản lượng khi mỏ Tân Đông Hiệp hết thời hạn khai thác.
Song song, Công ty cũng sớm lên kế hoạch bù đắp sản lượng với sản lượng tồn kho dự trữ tính đến nay đã vào khoảng 1,5 triệu m3, tương đương 75% cả năm 2019 (2,2 triệu tấn). Mặt khác, Công ty cũng đang làm thủ tục để trình đề án, xin mở rộng mỏ Phước Vĩnh; tăng quy mô, xin giấy phép khai thác mỏ Tân Lập, và tiến hành mua lại một số mỏ đá khác trên thị trường. Với mỏ đá Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Công ty sẽ vừa mở rộng, vừa khai thác xuống sâu lần lượt 150 m và 100 m.
Nhìn chung, ban lãnh đạo Công ty khẳng định dự trữ sản phẩm đủ để hoạt động năm 2020 không bị gián đoạn.
Khu công nghiệp Đất Cuốc sẽ đền bù hết trong năm 2020, thực hiện cuốn chiếu đầu tư cơ sở hạ tầng
Đối với mảng khu công nghiệp, năm 2019 đóng góp khoảng 40% doanh thu, lợi nhuận; dự kiến con số này sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2020. Tuy nhiên, với tốc độ dịch chuyển dòng vốn nước ngoài, nhà máy ra khỏi Trung Quốc, thì bất động sản khu công nghiệp đang được kỳ vọng hưởng lợi khi nhu cầu tăng, kéo theo giá thuê tăng lên.
Công ty hiện tiếp tục hoàn thành quy hoạch Khu công nghiệp Đất Cuốc tỷ lệ 1:5000 cho 500 ha và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2 tỷ lệ 1:2000, đền bù giải tỏa và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ông Đạt cho biết, trong 320 ha đã được đền bù, Công ty đã cho thuê hết khoảng 200 ha, còn lại đã cho thuê, ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, dự kiến cho thuê hết trong năm nay.
Với 200 ha giai đoạn 2, Công ty dự kiến năm nay sẽ vừa đền bù, vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thuê theo hình thức cuốn chiếu. Dự án còn 36 năm khai thác, giá cho thuê khoảng 80 USD/m2 cho 36 năm còn lại, đóng tiền sử dụng đất một lần và thu tiền thuê một lần.
Ngoài ra, KSB còn có đề án đầu tư vào đó một khu thương mại dịch vụ, nhà ở, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, KSB đang xin chủ trương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa có đề án quy hoạch chi tiết.
BSC: Ngành BĐS khu công nghiệp sẽ tăng trưởng dài hạn kể từ năm 2021
Về dài hạn, BSC đánh giá ngành KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong quý 1/2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch Covid-19 tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư cũng như quyết định mở rộng quy mô dự án, khiến cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý 1/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đánh giá của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành khu công nghiệp (KCN) năm 2020 sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực do quan ngại nhà đầu tư về đại dịch, việc thực địa các KCN để tìm kiếm địa điểm làm nhà máy cũng sẽ bị trì hoãn.
BSC cũng cho rằng ngành KCN năm 2020 KQKD sẽ bị sụt giảm nhẹ do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ thuê. Tuy nhiên về dài hạn (2021 trở đi) sẽ tăng trưởng tích cực do (1) Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), kỳ vọng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; (2) dịch bệnh Corona có thể khiến các nhà máy thúc đẩy kế hoạch rời khỏi Trung Quốc hơn dự kiến để bảo vệ công nhân viên của họ và ổn định hoạt động, dịch chuyển sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam; (3) Các dự án đầu tư công đang được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư và ngành khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn.
Tiến hành stress test một số doanh nghiệp trong ngành để kiểm tra sức khỏe tài chính của doanh nghiệp với giả định công ty không tạo ra doanh thu và dòng tiền mới, nhưng vẫn phải chi trả 50% chi phí hoạt động, chi phí lãi vay, khoản phải trả ngắn hạn, BSC thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp ngành KCN đều có khả năng duy trì hoạt động với thời gian khá dài do lượng tiền mặt của doanh nghiệp lớn (SIP, NTC, MH3, SZL...).
Nhóm KCN có thể duy trì hoạt động trong thời gian dài nhờ lượng tiền mặt dồi dào (Nguồn: BSC)
Hệ số Nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu của ngành có mức trung bình đạt 0,13 cho thấy các doanh nghiệp không có nhiều áp lực trả nợ và lãi vay, cho thấy sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp khá tốt, không đáng lo ngại.
Cơ cấu tài chính nhóm KCN tương đối lành mạnh (Nguồn: BSC)
BSC đánh giá quan điểm đầu tư Trung lập năm với ngành KCN năm 2020 do tác động đại dịch Covid khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại và việc tiến hành thực địa các KCN để xây nhà máy cũng bị trì hoãn ít nhất đến khi dịch bệnh được khống chế (sớm nhất tháng 6/2020).
Tuy nhiên về dài hạn, BSC đánh giá ngành KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công. Một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn, có khả năng hưởng lợi từ đầu tư công như KBC, IDC, BCM, PHR, SZC,...
Minh Anh
Nhóm cổ phiếu 'trà đá' dậy sóng phiên cuối tuần Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu penny dậy sóng và hầu hết kết phiên trong sắc tím. Đóng cửa phiên giao dịch 29/5, chỉ số VN-Index tăng 3,08 điểm ( 0,36%) lên 864,47 điểm; HNX-Index tăng 0,13% lên 109,78 điểm, UPCom-Index tăng 0,03% xuống 55,03 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 5.700 tỷ đồng, giảm...