Dẹp đầu nậu, cò xe ở cảng cá Quy Nhơn
Thời gian qua, tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nổi lên tình trạng ép giá mua hải sản, tranh giành mua bán, “cò” xe xếp dỡ hàng hóa… gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cảng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngư dân.
Rủi ro bủa vây ngư dân
Nhiều năm nay, ngư dân V.C.V (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) khi cho tàu cập cảng cá Quy Nhơn sau chuyến đánh bắt đã không thể bán sản phẩm trực tiếp với doanh nghiệp nên đành liên kết với đầu nậu.
Tại cảng cá Quy Nhơn, ngư dân chỉnh sửa lưới để vươn khơi chuyến kế tiếp. Ảnh: T.D
“Nhóm người gọi là đội bốc xếp nhưng thường xuyên xin cá ngon, còn cá dở không lấy, nếu ngư dân không cho thì họ phá phách. Chúng tôi đã làm việc với cảng, điều tra và xử nghiêm các đối tượng có dấu hiệu “xin đểu” đó”. Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long
“Mọi chuyện đều phải thông qua trung gian, bắt buộc ngư dân phải bán cho nơi duy nhất là đầu nậu, từ đó phát sinh rất nhiều bất cập. May mắn của tôi là đầu nậu làm ăn hàng chục năm nay có uy tín, sau khi bán hàng chậm nhất là 10 ngày họ trả đủ tiền, chứ nhiều chủ tàu khác lâm cảnh trớ trêu dữ lắm” – ông V nói.
Ông V kể, vài năm gần đây xuất hiện tình trạng đầu nậu xù tiền khiến nhiều ngư dân lâm cảnh khốn đốn. Đó là dạng đầu nậu mới vào nghề, họ làm mọi cách để ngư dân tin tưởng bán chịu hải sản với lời hứa “sẽ trả tiền sớm”, nhưng sau đó bỏ đi mất dạng. Nhiều trường hợp ngư dân thiếu vốn, đầu nậu đầu tư trang thiết bị để các tàu tham gia đánh bắt và khi làm ra sản phẩm bắt buộc phải bán cho họ, dẫn đến tình trạng ngư dân bị ép giá.
Ngư dân T.V.C (Quy Nhơn) cho rằng, đa số họ bán cho đầu nậu chứ không hợp đồng mua bán được với doanh nghiệp nên giá cả rất bấp bênh, khó kiểm soát. Nếu đầu nậu thua lỗ sẽ viện đủ lý do như chưa có tiền nên việc trả tiền cho chủ tàu chậm, chẳng may đầu nậu bỏ trốn thì ngư dân rất dễ lâm vào cảnh vỡ nợ.
“Nhiều tàu khi bán sản phẩm xong, đầu nậu ứng khoảng 25% số tiền mua hải sản để chủ tàu trang trải chi phí cho anh em lao động. Rồi sau đó, nếu nhanh thì 1 tuần, chậm có khi mất 1 tháng đầu nậu mới thanh toán đủ. Nếu làm ăn với doanh nghiệp thì rất khó cho ngư dân vì họ không có trực tiếp ở cảng cá, vì vậy chúng tôi mong muốn đầu nậu phải mua bán rõ ràng, tiền bạc nhanh chóng khi đó ngư dân mới bớt rủi ro” – ngư dân V.C.V chia sẻ.
Video đang HOT
“Cò” xếp dỡ hàng sẵn sàng gây sự
Trò chuyện với chúng tôi tại cảng cá, bà T (một chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn) cho biết, hiện tại tàu cá của gia đình bà đang neo tại cảng sắm phí tổn để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo.
Quảng cáo cho vay trả góp dán tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: D.T
“Phí tổn mỗi chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng khi vào bờ ngư dân lại đối mặt với rất nhiều nỗi lo. Đau đầu nhất là xuất hiện tình trạng các thương lái cấu kết với nhau có ý đồ ép giá cá. Có trường hợp, khi tàu vào, thương lái chào mua cá bò gù với giá gần 100.000 đồng/kg nhưng chủ tàu liên hệ được chỗ khác mua giá ổn định, cao hơn nên không bán cho họ. Chẳng may, 2 mối thương lái này quen biết nhau thì họ gọi điện thống nhất với các thương lái khác không mua cá của chủ tàu. Sau đó, ngư dân phải xuống nước nài nỉ, khi cân lại thì thương lái ép giá chịu không nổi, nhiều khi họ ngâm dài ngày sợ cá hư nên ngư dân chúng tôi phải bán tháo” – bà T nói.
Ngoài nỗi lo trên, bà T còn kể rằng, tình trạng nhóm “cò” xếp dỡ hàng hóa sau khi tàu của ngư dân cập cảng cá rất manh động và ngang nhiên. Điều này khiến ngư dân bức xúc nhưng không dám lên tiếng kêu ai vì sợ bị trả thù. “Nhiều trường hợp dọa đánh cả chủ tàu, đội quân dịch vụ “cò” bốc hàng họ ngang nhiên và ngông cuồng lắm. Mỗi tốp thường đi khoảng 5 người có cả phụ nữ, tàu cá của chúng tôi vừa cập cảng là họ tự tiện xuống trực tiếp bốc hàng khi chúng tôi chưa có ý kiến đồng ý. Khi chủ tàu từ chối vì hàng ít, đã có bạn đi cùng bốc lên cảng thì họ liền gây sự với thái độ hung hãn. Ngoài ra, tàu vào bờ khuya thì ngư dân phải trắng đêm để canh giữ chứ không mất hàng như chơi. Có nhiều lần vì mệt quá nên chúng tôi ngủ thiếp đi, kẻ trộm mở hầm trộm cá gây thiệt hại rất lớn” – bà T cho hay.
Lập lại an ninh, trật tự cảng cá
Tình hình an ninh, trật tự tại cảng cá Quy Nhơn diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, khiến nhiều ngư dân bức xúc, phản ánh với cơ quan chức năng. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức cuộc họp lên kế hoạch và yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để lập lại trật tự tại cảng, nhưtình trạng ép giá mua hải sản, tranh giành mua bán gây mâu thuẫn giữa các tiểu thương với đại lý thu mua, trộm cắp tài sản trên các tàu thuyền neo đậu tại cảng hay trên xe tải, các dịch vụ cho vay nặng lãi, “cò” xếp dỡ hàng hóa, tranh chấp trong việc lấn chiếm vị trí mua bán hải sản, neo đậu tàu thuyền… Những sự việc bất thường trên khiến tình hình an ninh, trật tự tại cảng cá “bấn loạn”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã giao lực lượng công an theo dõi, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng tội phạm có tổ chức nhằm lập lại trật tự, trị an tại địa bàn; xử lý nghiêm các vụ việc gây mất an ninh, trật tự tại cảng cá Quy Nhơn.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long – Trưởng Công an TP.Quy Nhơn cho biết, tại cảng cá Quy Nhơn gần đây xảy ra nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, liên quan đến vấn đề bốc xếp, tranh giành chỗ đậu tàu thuyền, đầu nậu mua bán, nợ nần…
“Vào thời điểm ban đêm hoặc mùa cá, đông đúc tàu ra vào bờ, việc tổ chức tuần tra giữ an ninh trật tự rất vất vả, đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng hết sức. Công an thành phố đã vào cuộc quyết liệt, đề nghị lực lượng biên phòng hỗ trợ dưới mặt nước, còn công an sẽ đảm nhận trên bờ để ổn định an ninh, trật tự tại cảng cá” – ông Long thông tin.
Theo Danviet
Nghị sĩ châu Âu: "Tôi sẽ tuyên truyền gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam"
Ông Marinho E Pinto Antonio, nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã khẳng định như vậy trong buổi làm việc với tỉnh Bình Định vì ông bị thuyết phục bởi lý do: Việt Nam thẳng thắn, trung thực và quyết tâm cao trong việc chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo, không theo quy định (IUU).
Ngày 31.10, đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu gồm 22 người (trong đó có 8 nghị sĩ) đã đến tỉnh Bình Định làm việc về tình hình thực hiện giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Marinho E Pinto Antonio, nghị sĩ Nghị viện châu Âu, cho rằng: "Tỉnh Bình Định rất kỹ lưỡng trong việc cung cấp thông tin khai thác thủy sản. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục, tin tưởng Việt Nam thẳng thắn, trung thực và quyết tâm cao trong việc chống đánh bắt IUU. Trong cuộc chiến chống đánh bắt IUU điều quan trọng nhất là ý chí quyết tâm, thể hiện ý chí chính trị. Tôi thấy được hệ thống chính trị Việt Nam đã tham gia và đưa ra biện pháp thực thi chống đánh bắt IUU". Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Marinho E Pinto Antonio cũng khẳng định: "Sau khi quay về nước, tôi sẽ tuyên truyền giúp Việt Nam trong nhóm Đảng chính trị của tôi tại Nghị viện châu Âu cũng như trong Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu về việc đồng ý sớm gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản cho Việt Nam. Cá nhân tôi sẽ tuyên truyền thông tin cho các nghị sĩ khác trong Nghị viện châu Âu để họ có thể ủng hộ việc ký kết phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam". Ảnh: Dũ Tuấn
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn rất trật tự và được kiểm tra chặt chẽ. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Serrão Santos Ricardo, nghị sĩ Nghị viện châu Âu cho rằng: "Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác IUU và tôi rất hài lòng khi nhận thấy Việt Nam đã gia nhập và coi việc chống khai thác IUU là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế, Việt Nam đã thông qua các khuôn khổ pháp lý và tiến hành thực thi kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền chống đánh bắt IUU". Ảnh: Dũ Tuấn
Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn đã giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, quy mô, chức năng, công tác quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc theo IUU tại đơn vị. Ảnh: Dũ Tuấn
Trò chuyện cùng đoàn Nghị viện châu Âu, ngư dân Nguyễn Thanh Tùng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) khẳng định: "Tôi đánh bắt thủy sản trên vùng biển hợp pháp thuộc lãnh thổ Việt Nam". Ảnh: Dũ Tuấn
Nghị sĩ Mato Gabriel - Người phát ngôn Ủy ban Nghề cá dẫn đầu Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu đã đánh giá cao những cố gắng của tỉnh Bình Định trong việc chống đánh bắt IUU. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao tặng bức tranh cho đại diện đoàn Nghị viện châu Âu. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo Danviet
Ảnh: Thủ phủ cá ngừ đại dương tại Phú Yên Với đội tàu đánh bắt xa bờ gần 1.000 chiếc, mỗi năm Phú Yên khai thác trên 5.500 tấn cá ngừ đại dương xuất khẩu, giá trị gần 500 tỷ đồng. Vào mỗi buổi sáng, cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) lại tấp nập với những chiếc tàu đầy ắp cá neo đậu. Đây chủ yếu là...