Đeo khẩu trang: Có còn hơn không
Giới chức y tế các nước kêu gọi người dân đeo khẩu trang để phòng nCoV, song cũng khuyến cáo không thể thay thế được cách ly xã hội.
Các nhà cung cấp đang gấp rút đảm bảo nguồn cung sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với các quốc gia như Mỹ, Singapore, Canada đồng loạt khuyến cáo đeo khẩu trang để ngăn ngừa nCoV.
Ở Mỹ, giới chức khuyến khích người dân tự làm khẩu trang để đảm bảo nguồn khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc cao cấp cho các y bác sĩ tuyến đầu.
Có rất ít nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của các loại khẩu trang tạm thời. Các chuyên gia cho rằng quyết định này của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy một kế hoạch tình thế trong lúc Mỹ đang thiếu thốn cung.
Các nhân viên y tế Mỹ đeo khẩu trang và khiên bảo hộ phòng dịch. Ảnh: AP
Các chuyên gia y tế cũng đồng tình sử dụng khẩu trang không thể thay thế các biện pháp như thường xuyên rửa tay và cách ly xã hội. Tuy nhiên trong tình huống khẩn cấp hiện tại, người dân cần che chắn mũi và miệng khi ra khỏi nhà.
“Lý do là vì có còn hơn không”, tiến sĩ Benjamin Cowling, Trưởng khoa Dịch tễ Đại Học Hong Kong nói. Ông đồng thời là một trong số tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature gần đây, khẳng định “khẩu trang y tế có thể ngăn chặn sự lây lan của nCoV và virus cúm mùa từ những người có triệu chứng”.
Singapore cũng đã gửi khẩu trang vải tái sử dụng tới từng hộ gia đình, để dành nguồn khẩu trang y tế cho nhân viên trong bệnh viện, mặc dù ban đầu nước này khuyến cáo chỉ người ốm và tới khám bệnh mới phải đeo khẩu trang.
Tính hiệu quả của những chiếc khẩu trang vải so với việc không đeo khẩu trang vẫn còn chưa rõ ràng.
Chất liệu sử dụng để làm khẩu trang vải cũng vô cùng quan trọng. Sau khi khảo sát 19 loại chất liệu, tiến sĩ Chughtai cho biết khả năng lọc càng tăng khi số lượng sợi lớn, được dệt khít hơn và số lớp vải dùng để làm khẩu trang nhiều hơn.
Ông cũng cho biết đeo khẩu trang còn “hạn chế nguồn lây”, trong trường hợp này là hạn chế bệnh nhân không có triệu chứng lây cho người khác. Với mục đích như vậy, bất cứ loại khẩu trang nào cũng đều hiệu quả.
Đường kính của nCoV là khoảng 100 nanomet (0.1 micron). Khi ra khỏi cơ thể, chúng thường được bao bọc trong các giọt bắn có đường kính khoảng 5-10 micron, thậm chí có thể lên tới hàng chục micron. Khẩu trang vải cũng có thể lọc được những giọt này.
Video đang HOT
Một cửa hàng bán khẩu trang vải tại Hong Kong. Ảnh: Finbarr Bermingham
Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo khẩu trang vải nên vừa vặn ôm lấy khuôn mặt và cần được giặt thường xuyên sau khi sử dụng. Singapore khuyến khích người dân giặt chúng mỗi ngày một lần, trong ít nhất một phút với xà phòng, nước ấm và phơi ngoài trời.
Khẩu trang được bày bán ngoài thị trường cũng có rất nhiều loại, kể cả khẩu trang y tế. Tiến sĩ Cowling cho biết sản phẩm được sử dụng trong bệnh viện có 3 lớp, còn khẩu trang y tế bán bên ngoài đôi khi chỉ có một hoặc 2 lớp, chúng mỏng hơn đáng kể.
Loại khẩu trang cao cấp hơn bao gồm N95. Sản phẩm nội địa các nước cũng có tên gọi khác nhau. Như KF94 ở Trung Quốc hay KF94, KF99 ở Hàn Quốc. Chuyên gia cho rằng những loại khẩu trang này nên được ưu tiên cho các nhân viên y tế.
Về mặt lý thuyết, các loại khẩu trang có hiệu quả tương đương nhau. Tuy nhiên có nhiều lo ngại về mặt kiểm định chất lượng.
Ở Mỹ, Viện nghiên cứu Quốc gia về An toàn lao động và sức khỏe thuộc CDC thường xuyên kiểm tra các hãng sản xuất khẩu trang N95 mỗi hai năm. Theo giáo sư Lai từ Đại Học Y Chung San, Đài Loan, quy trình này được gọi là “giám sát hậu tiếp thị” nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa sau khi đã được bán ra.
Một dây chuyền sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Các nhà sản xuất ở Trung Quốc có thực hiện nghiên túc việc giám sát này hay không vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp.
Trong tình hình cung vượt cầu như hiện tại, khâu quản lý chất lượng còn lỏng lẻo sẽ làm phức tạp thêm tình hình, khi mà đầu ra của Trung Quốc quá lớn và có rất nhiều nhà sản xuất mới chưa được kiểm chứng trên thị trường.
Sau các phàn nàn của Tây Ban Nha, Ireland, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ về việc các thiết bị, máy móc nhập từ Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, nước này đã thực hiện các hạn chế xuất khẩu đối với kit xét nghiệm và các thiết bị y tế khác, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất phải đạt được cả tiêu chuẩn cấp phép nội địa lẫn yêu cầu nhập khẩu của quốc gia đối tác.
Các loại khẩu trang có thuộc vào nhóm này không còn phụ thuộc vào việc nó được dán nhãn như thế nào. Dù là thiết bị y tế hay là thiết bị bảo hộ, chính sách nhập khẩu được áp dụng vẫn khác nhau. Có rất nhiều báo cáo về các lô khẩu trang bị tiêu hủy tại các cảng ở Mỹ do dán nhãn sai.
Mặc dù vậy, sự phức tạp của tình hình hiện tại khiến quy định xuất nhập khẩu của các quốc gia liên tục thay đổi, đồng thời cũng làm chùn chân những đơn vị nhập khẩu muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc vì lo ngại về vấn đề chất lượng của các thiết bị sản xuất tại quốc gia này.
Linh Phan
Giao nhận hàng an toàn mùa dịch Covid-19
Trong thời gian cách ly xã hội thì hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi đang được khuyến khích sử dụng. Đồng thời, cơ quan y tế cũng khuyến cáo các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 khi mọi người giao nhận hàng.
Một cửa hàng dùng cây sào dài và rổ để giao nhận tiền, hàng gián tiếp phòng dịch COVID-19 - Ảnh: Khả Hòa
Dùng... cây sào và rổ để giao nhận hàng mùa dịch Covid-19
Trong thời gian cách ly xã hội, chị Trần Kim Anh (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết chị đã rất hạn chế ra ngoài, kể cả việc đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm. Chị Kim Anh không đi siêu thị mua đồ nữa mà đặt hàng qua app (ứng dụng) trên điện thoại di động. Hiện nay, hầu hết các hệ thống siêu thị tại TP.HCM đều bán trực tuyến qua app điện thoại hoặc trên website, thậm chí với cả thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá,...
"Cứ đặt hàng rồi siêu thị có người giao tận nơi. Mỗi khi nhận hàng, mình đều đem một cái rổ ra và yêu cầu shipper (người giao hàng) để đồ vào rổ, đứng cách xa 2 m. Sau đó, mình mới đeo rổ đồ vào nhà", chị Kim Anh nói.
Chị mô tả thêm: "Nhận hàng xong là mình rửa tay xà bông ngay. Hàng lấy ra nếu là hàng tươi sống thì mình rửa sạch rồi mới bỏ tủ lạnh; là đồ khô, đồ đóng hộp hay vật dụng thì để ở bàn xịt cồn sát khuẩn bao bì, cái nào có thể thì phơi nắng 10-15 phút, xong mới đeo vào cất. Rửa sạch rổ đựng đồ bằng xà bông".
Trong khi đó, anh Bùi Quang Minh (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) bật cười kể, cuối tuần, con gái thèm ăn gà rán, thế là anh đã đặt gà rán về cho con ăn. "Rất bất ngờ khi ra nhận hàng, cậu shipper giao hàng đến nhà còn mang theo cả một cái... ghế xếp. Shipper để đồ lên ghế, đứng cách xa. Sau đó mình đến lấy đồ, để tiền lên đó, đi ra xa, rồi cậu shipper mới tới lấy", anh Minh cho biết.
Trong khi đó, chị T.H.M (kinh doanh cửa hàng thức uống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết thời gian cách ly xã hội, cửa hàng của chị chỉ bán mang đi, giao hàng tận nơi. Để phòng dịch, người giao nhận hàng không trao tay trực tiếp mà chị M. trang bị thêm... cây sào dài và rổ để giao hàng và nhận tiền. Giao nhận hàng "gián tiếp" cũng là cách nhiều cửa hàng và người mua đang thực hiện để phòng Covid-19.
Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng và cả người mua cũng đều khuyến khích thanh toán trực tuyến, chuyển khoản, hạn chế trả tiền mặt.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhân viên tham gia hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng (được gọi là shipper) là nhóm tiếp xúc với nhiều người, di chuyển rộng. Vì vậy, rất cần các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong việc giao nhận hàng hóa.
Cách phòng Covid-19 khi mua bán trực tuyến
Theo khuyến cáo các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 của HCDC, khi mua bán trực tuyến, giao nhận hàng: Đối với các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng có hình thức kinh doanh trực tuyến, có sử dụng hình thức giao hàng cho khách hàng, hằng ngày cần lập danh sách các shipper đến nhận hàng, vận chuyển hàng hóa của cửa hàng để có thông tin liên lạc khi cần thiết.
Shipper bận rộn giao hàng trong thời gian cách ly xã hội phòng Covid-19 - Ảnh: Khả Hòa
Danh sách bao gồm các thông tin về họ tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và cần lưu giữ danh sách này thường xuyên cập nhật tại đơn vị.
Đồng thời, đơn vị tổ chức giám sát, không cho phép các shipper có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp như có sốt, ho vào nhận hàng.
Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng trực tuyến, HCDC khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp để quản lý nhân sự, quá trình làm việc của các shipper. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng khi cần xác minh thông tin, lịch trình di chuyển của shipper.
Đối với shipper, cần tự bảo vệ sức khỏe của mình. Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc 2 m với người khác khi giao nhận hàng.
Đặc biệt, shipper phải thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh, nhất là sau khi nhận và giao hàng.
"Cần hạn chế tụ tập đông người khi giao nhận hàng. Khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, ... phải đi khám bệnh tại cơ sở y tế gần nhất và không đi giao nhận hàng", HCDC khuyến cáo.
Với người nhận hàng, để phòng Covid-19, phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m khi nhận hàng. Đặc biệt, rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi nhận hàng.
Khải Linh
10 điều người dân cần 'nằm lòng' để phòng chống COVID-19 Bộ Y tế đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống COVID-19. Đến sáng nay 6-4, nước ta ghi nhận 241 ca nhiễm, 91 ca đã được công bố khỏi bệnh và ra viện. Đồ họa: VIỆT THÁI