Đến thăm nơi giữ bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Thuận
Dinh Vạn Thủy Tú, tỉnh Bình Thuận sẽ là điểm đến thú vị cho khách du lịch muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá ông, bảo tàng xương cá độc đáo của Việt Nam…
Dinh Vạn Thủy Tú là khu di tích cấp quốc gia tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là nơi gìn giữ giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ thần Nam Hải hay cá ông/ cá voi của ngư dân Bình Thuận đồng thời lưu trữ trên 100 bộ xương cá voi lớn nhỏ.
Đại diện Ban quản lý khu di tích cho biết ngư dân dựng nên Dinh Vạn Thủy Tú vào năm 1762. Theo quan niệm của ngư dân, cá ông sẽ tựa vào thuyền, cản sóng lớn giúp họ vào bờ an toàn.
Hơn 100 năm về trước, làng chài Thủy Tú trở thành nơi yên nghỉ của một cá voi rất lớn, dài tới 22 mét. Người dân làm lễ, cúng bái rồi chôn cất “ông” trên bờ biển, chờ nhiều năm đến khi rã hết phần mềm, chỉ còn bộ xương thì đem vào lưu trữ trong Dinh.
Vì cá ông này quá lớn nên ban đầu không thể kiểm tra cân nặng. Đến năm 2003, Viện Hải dương học Nha Trang và một doanh nghiệp đã thực hiện phục chế và lắp ráp bộ xương. Họ thực hiện tính toán khoa học để từ kích thước xương quai hàm mà suy ra khối lượng 65 tấn.
Với kích thước khổng lồ như vậy, nếu khách tham quan đứng trong nhà trưng bày thì không thể nhìn thấy toàn thể bộ cốt. Để làm được việc đó, người ta phải xem ảnh chụp bộ xương bằng một góc máy rộng.
Các khung inox kiên cố giữ cho các khúc xương cố định giúp tái tạo đúng cấu trúc, vị trí trong cơ thể của cá ông khi xưa.
Video đang HOT
Từ góc phòng có thể thấy phần xương sống lưng của cá ông dài như thế nào. Từng đốt xương cũng có kích thước lớn, có thể dễ dàng thấy những lỗ sâu trên xương do bị hủy ít nhiều trước đây.
Các đốt xương sống.
Lần lượt xương quai hàm, đầu xương, xương vây, các đốt xương sống… tạo thành bộ cốt gần như hoàn chỉnh kéo dài từ đầu đến cuối gian trưng bày dài gần 30m.
Ở đầu bộ cốt là một chiếc lục lộ để nghinh mỗi dịp lễ hội. Hàng năm, người dân tại vạn chài này vẫn tổ chức ba lễ hội vào ngày 20 các tháng Hai, tháng Tư và tháng Sáu Âm lịch, ứng với: Lễ tế xuân đầu năm, Lễ cầu ngư đầu mùa (cầu cho mùa đánh bắt thuận lợi và Lễ cầu ngư chính mùa.
Trong khuôn viên của Dinh còn có một khoảng đất gọi là Ngọc Lân Thánh Địa, bên trong chôn cất ba cá ông nhỏ, có chiều dài chỉ khoảng một sải tay người trưởng thành.
Theo những người làm công quả tại đây khi cá ông “lụy bờ” (chết dạt vào bờ), người dân sẽ lên hương cúng vái rồi khâm liệm trang trọng bằng vải đỏ. Nếu là cá ông lớn thì chôn ngoài biển để tránh ô nhiễm đất, sau vài năm sẽ đưa cốt vào lưu trữ trong Dinh. Nếu là cá ông nhỏ thì rửa bằng rượu, phơi cho hết mùi hôi rồi chôn trong Ngọc Lân Thánh Địa.
Các tấm bia mộ được thiết kế trang nghiêm như cho người, trên đó ghi tên “Ông Chuông,” Bà Chuông,” “Ông Kiềm,” “Bà Kiềm” tùy theo giới tính của cá ông.
Trước khi đặt cá ông xuống, người dân sẽ rải một lớp bê tông trắng, sau khi chôn thì kiên cố bằng gạch ngói phía trên. Hiện ở bờ biển của vạn chài Bình An, Mũi Né đang chôn một xác cá ông nặng khoảng 10-15 tấn sau khi lụy bờ vào giữa năm 2019.
Trong gian nhà chính là ban thờ các vị thần linh cai quản biển cả và ba thế hệ ngư dân đã xây dựng dinh. Cá ông cũng được hình tượng hóa thành người, đặt trên ban để thờ cúng.
Phía sau khu thờ tự chính là tẩm, hay được gọi là bảo tàng chứa hơn 100 bộ cốt cá ông. Từ ngoài, khách tham quan có thể thấy loạt xương quai hàm được dựng dựa vào tường, các hộp sọ cá nhỏ và các đốt xương sống được chất trên đất hoặc kệ cao hơn.
Dễ nhận thấy đa số các khúc xương đều nguyên vẹn, dù một số đã bị mòn, gãy nhưng vẫn được lưu trữ ở điều kiện đủ tốt để khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng và tìm hiểu về cá ông.
Nhờ giá trị văn hóa đậm đà và đặc sắc, Dinh Vạn Thủy Tú đã nhận 24 sắc phong từ thời nhà Nguyễn, nhiều công nhận của Hội Kỷ lục Việt Nam và bằng khen, giấy chứng nhận từ nhà nước. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngôi đền thiêng thờ cá Ông nơi làng biển
Trong quần thể Cụm di tích lịch sử nghè - chùa - miếu Diêm Phố ở làng Diêm Phố, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có ngôi đền thờ cá Ông (cá voi) do chính những ngư dân xây dựng nên. Với người dân làng biển Hậu Lộc, cá Ông là biểu tượng của sự linh thiêng, nên cứ mỗi khi chuẩn bị ra khơi đánh cá, ngày rằm hay mùng một, ngư dân thường đến đền thờ cá Ông thắp nhang cầu nguyện được an lành, may mắn.
Ông Hoàng Văn Ngoan, người trông coi đền cá Ông kể về nguồn gốc bộ xương cá voi. Ảnh: Thanh Thuận
Hậu Lộc là một huyện ngư nghiệp điển hình thuộc tỉnh Thanh Hóa, gồm 5 xã ven biển là Minh Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc và Hải Lộc, với sự đa dạng của các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản, cũng như truyền thống văn hóa đặc sắc. Tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân vùng ven biển huyện Hậu Lộc có từ lâu đời, chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Người dân huyện Hậu Lộc tôn kính gọi cá voi là cá Ông hoặc "ngài", thần Nam Hải. Bởi đối với ngư dân nơi đây, cá Ông là thần hộ mệnh, là nơi gửi gắm niềm tin khi họ gặp sóng to, gió lớn.
Theo truyền thuyết, khoảng 400 năm trước, trong một chuyến đi biển của ngư dân làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc, tàu thuyền đánh cá gặp bão to. Cuồng phong kèm theo những cột sóng lớn bủa vây rồi nhấn chìm tàu cá. Ngư dân trôi dạt trên biển. Đúng lúc ấy, có một con cá voi xuất hiện đã đưa người gặp nạn vào bờ. Khi đã đưa được hết số người dân vào bờ, thủy triều rút xuống, cá bị mắc cạn, kiệt sức và tử vong. Dân làng bèn lập đền thờ để nhớ ơn vị ân nhân của biển cả, hy vọng sẽ được "ngài" che chở mỗi khi ra khơi.
Đến năm 1739, có một con cá voi lớn, nặng khoảng 30 tấn bị chết, trôi dạt vào bờ ở địa phận làng Diêm Phố. Trong tín ngưỡng của ngư dân, đây là điềm lành của làng biển nên dân làng mang thuyền ra rước "ngài" vào bờ để mai táng. Do trọng lượng cá quá lớn nên dân làng không thể đưa được vào. Họ bèn mang hơn 100 chiếc chiếu đôi ra, che phủ lên toàn bộ thân cá ngoài bờ biển, đồng thời tổ chức tang lễ cho cá trong 3 ngày với sự thành kính, trọng vọng. Sau một thời gian, thịt cá được nước biển rửa trôi, chỉ còn trơ lại bộ xương, các cụ cao niên mới lấy xương cốt của cá, đem rửa thật kỹ bằng rượu, phơi khô rồi đặt bộ xương xếp theo thứ tự thân hình của cá voi lên trên một tấm ván to, dài đặt trong khuôn viên đền thờ.
Trải qua nhiều biến động của thời gian, nước biển lấn sâu vào làng, trong đó có khu vực đền thờ cá Ông. Dân làng Diêm Phố phải mua đất ở làng Ninh Phú (xã Đa Lộc) để xây đền thờ cá Ông vào năm 1755. Ngôi đền mới cách đền cũ 1km. Năm 1946, đền được trùng tu, mở rộng, có quy mô như hiện nay, thuộc Cụm di tích nghè - chùa - đền Diêm Phố. Bộ xương cá voi được đưa vào tủ kính, sắp xếp theo thứ tự từ đầu đến đuôi, trưng tại đền thờ cá Ông.
Đền thờ cá Ông còn lưu giữ sắc phong của triều đình nhà Nguyễn vào các năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Khải Định thứ 9 (1924). Cũng tại đền thờ cá Ông còn có nhiều mảnh xương cá voi của ngư dân trong quá trình đi biển tìm thấy, được cho vào tủ kính đặt trang trọng tại đền.
Linh vật thiêng của làng biển
Trong tâm thức của người dân làng biển các xã của huyện Hậu Lộc, cá Ông là vị thần độ mạng, là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin trong những ngày tháng lênh đênh trên biển, hay những khi họ gặp sóng to, gió lớn ngoài biển khơi. Tục thờ cá voi và tín ngưỡng về loài cá linh thiêng này đã gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Vào những ngày rằm, mùng một hoặc những khi ra khơi, ngư dân thường đến đây thắp hương, cầu mong chuyến đi biển được thuận buồm xuôi gió, bình an, bội thu tôm cá... Sau mỗi chuyến ra biển, tôm cá đầy khoang, họ lại mang đồ lễ đến cúng.
Bộ xương cá voi gần như còn nguyên vẹn, được trưng tại đền thờ cá Ông. Ảnh: Thanh Thuận
Vào đầu năm mới, người dân xã Ngư Lộc thường tổ chức Lễ hội Cầu ngư, thể hiện sự thành kính đối với cá Ông, tưởng nhớ công đức to lớn của "ngài" và các vị thần, Phật. Lễ hội Cầu ngư có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông của cư dân vùng biển. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Đây còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.
Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội Cầu ngư ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc có quy mô và sức lan tỏa lớn, vượt ra khỏi phạm vi địa phương, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Năm 2017, Lễ hội Cầu ngư ở xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Cầu ngư - một lễ hội đậm đà bản sắc của cư dân làng biển.
Khám phá suối nước nóng 87C ở Bình Thuận Với nhiệt độ được ghi nhận lên tới 87C, suối nước nóng Bưng Thị, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (tỉnh Bình Thuận) có thể luộc chín trứng. Với vẻ đẹp hoang sơ, khu vực này đang được rất nhiều người tìm đến trải nghiệm, khám phá. Suối nước nóng Bưng Thị nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên...