Đến Sơn La thăm nhà tù Tô Hiệu
Từ đồi Khau Cả, bạn sẽ ngắm nhìn được toàn bộ thành phố Sơn La, sau đó là đủ mọi cảm xúc lẫn lỗn khi bước chân xuống… chuồng cọp. Và đến Tây Bắc, bạn không thể bỏ qua dòng sông Đà hùng vĩ.
Tây Bắc luôn là xứ sở mê hoặc lòng người với những bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, những chén rượu ngô nồng ấm và món thắng cố thắm đượm tình người.
Tây Bắc cũng là miền đất thu hút nhiều người trẻ với những con đường nhỏ hiểm trở, núi non cheo leo. Chính vì thế mà nhiều năm nay, bên cạnh những Mộc Châu đẹp lãng mạn, Điện Biên gian nan thì không ít người trẻ phượt hoặc làm một chuyến du lịch bụi lên Sơn La, ghé thăm nhà tù Sơn La, phi xe ngược theo dòng sông Đà hung dữ để thăm công trình thủy điện Sơn La.
Thành phố Sơn La bé nhỏ, tĩnh lặng đến lạ kỳ. Nơi đây cũng không có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhưng khi đặt chân đến khu di lịch Nhà tù Sơn La – nơi từng giam giữ Tô Hiệu (nằm trên đường Tô Hiệu, thuộc thành phố Sơn La), thì cảm xúc của bạn như đang chùng lại.
Nhà tù Sơn La.
Khu di tích nằm trên ngọn đồi Khau Cả, bên dưới là những hàng cây ban xanh ngắt, đằng xa xa là toàn bộ khung cảnh thành phố hiện lên như một thung lũng nhỏ. Chính vì thế, ở đây vừa rực rỡ nắng, vừa ngập tràn gió và tĩnh lặng đến mênh mang.
Thành phố Sơn La nhìn từ con đường mang tên Tô Hiệu.
Video đang HOT
Sau khi tìm hiểu những thông tin về tỉnh Sơn La, chiêm ngưỡng nhà mồ nữ, nam dân tộc Thái, cô gái dân tộc đang dệt vải… bạn ghé mắt qua cửa sổ, nhìn xuống dưới để ngắm di tích nhà tù từ trên cao.
Đập vào mắt bạn là sự hoang phế, bởi toàn bộ khuôn viên của nhà tù đã bị chiến tranh tàn phá. Giờ đây, những bức tường có độ dầy khoảng 30cm chỉ còn là những mảng lởm chởm trên nền đất vững chãi.
Bước qua cánh cổng sắt đã ghỉ, khung cảnh hoàn toàn vượt qua sức tưởng tượng. Dù không còn nguyên vẹn, nhưng từ những bức tường vỡ nối liền nhau, bạn cũng có thể nhận ra rằng, nơi đây từng là những bức tường kiên cố không ai có đủ sức mạnh để vượt qua, ngoài tinh thần của những người chiến sĩ cách mạng.
Chứng tích còn lại của chiến tranh.
Theo chân cô hướng dẫn viên du lịch ở khu di tích, bạn dừng chân ở nơi đồng chí Tô Hiệu ngã xuống, hiện, đó cũng là nơi thờ anh. Và bên cạnh, dưới sâu khoảng 20m so với mặt đất là tối đi xuống… chuồng cọp, nơi ghê rợn nhất của nhà tù.
Nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh.
Trong hành lang tối, dài, âm u, tiếng ken két của cửa tù vang lên đến sởn người, bạn bước vào một căn phòng chỉ có duy nhất ô cửa lưới nhỏ. “Đây là nơi từng giam giữ những chiến sĩ cách mạng đã bị nhịn ăn, uống trong suốt 12 ngày liền”. Trước đó, là từng chuồng cọp chỉ có diện tích chưa đầy 1,2m nhưng đã từng giam giữ từ 1-3 tù nhân.
Nhà tù này do người Pháp xây dựng năm 1908. Trong giai đoạn từ 1930 – 1945, tại đây giam cầm hơn 1.000 tù nhân, trong đó có nhiều vị là cán bộ chủ chốt như Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng, Song Hào, Xuân Thủy…
Từ Sơn La, những người yêu thích không gian hoang dại, hoặc ai đã từng một lần tò mò về sự hung dữ của dòng sông trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân thì sẽ không kìm nổi mình mà ngược đường hướng đến nhà máy thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Những cung đường Tây Bắc.
Con đường từ thành phố Sơn La lên thủy điện dài khoảng 40km, đường rải nhựa nhỏ hơi bụi và xóc vì bị quần nát bởi một lượng lớn xe chở nguyên vật liệu xây dựng. Bù lại, bạn sẽ “mãn nhãn” với dòng suối uốn lượn theo con đường, những hàng tre, trúc xanh rì ven suối…
Một nhánh suối tách ra từ dòng sông Đà.
Ngắm toàn cảnh công trình và dòng sông Đà, thì tuyệt nhất là bạn được phép lên đến đỉnh của công trình thủy điện. Tuy nhiên, bạn phải đến trong thời gian hành chính, và không phải ai cũng dễ dàng được sự cho phép của đơn vị thi công.
Nơi đây, dòng sông Đà mênh mang nước, nước đập đổ ra ồ ạt, dữ dội. Phía dưới lòng sông, hai người đàn ông trên con thuyền độc mộc. Và xa xa, thấp thoáng một vài mái nhà tranh đang nằm yên bình giữa lưng chừng núi, những làn khói tỏa ra từ gác bếp, gợi lên nỗi nhớ nhà đến mênh mang.
Công trình Thủy điện Sơn La đang được xây dựng.
Thuyền độc mộc trên sông Đà.
Những ngôi nhà trên núi, với ruộng bậc thang xanh ngắt.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam