Đến Nậm Đăm trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Dao Chàm
Bản người Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc, bình yên và trong trẻo như một bản tình ca, khiến du khách quên cả lối về.
Trải nghiệm thấm đẫm Nậm Đăm
Nằm gọn trong một thung lũng thơ mộng dưới chân Núi Đôi (Quản Bạ, Hà Giang), làng văn hóa du lịch Nậm Đăm mang đậm đà những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Chàm (hay còn gọi là Dao Áo dài).
Du khách khám phá văn hóa bản địa, chọn mua sản phầm quà lưu niệm do chính tay đồng bào Dao ở Nậm Đăm làm ra.
Trên con đường uốn lượn trong những khúc cua tay áo với làn sương khói mờ ảo vào buổi chiều tà là tiếng rì rào khe khẽ của những hàng cây hai bên đường, là hương hoa rừng thoảng nhẹ được gió cuốn bay hòa trong không khí, là tiếng cười nói rộn ràng của đồng bào trên đường làm đồng trở về nhà, là tiếng trâu, bò khua những bộ guốc chắc nịch lên nền đất… tất cả hòa quyện với nhau thành một bức tranh thiên nhiên và con người trác tuyệt.
Đó cũng là lý do du khách phương xa tìm tới đây và mang trong lòng một kỳ vọng được trải nghiệm thấm đẫm Nậm Đăm với những giá trị đặc sắc chân thật của người bản địa không bị thương mại hóa và áp lực lợi nhuận làm lu mờ.
Nhìn từ lưng chừng núi, những nếp nhà xinh xắn trải dọc theo thung lũng thật đẹp mắt. Khói lam chiều bảng lảng quẩn quanh bên những ngôi nhà trình tường mái lá thật nên thơ.
Điểm nghỉ chân của chúng tôi là nhà ông Lý Đại Duyên. Vừa tiễn đoàn khách người Pháp, gia đình ông lại tất bật đón đoàn khách từ Thủ đô lên. Sau khi rót nước mời các “thượng đế” với nụ cười chất phác, ông mở cuốn sổ ghi ý kiến phản hồi về dịch vụ “homestay” của gia đình mình cho mọi người xem. Ông bảo: “Khách có ưng cái bụng thì mình mới cảm thấy yên lòng, có ai đó chưa ưng thì cả nhà lại mất ăn, mất ngủ”.
Ông Duyên cho biết, để du khách có những phút giây thoải mái nhất, Nậm Đăm đã xây dựng nhiều tuyến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ẩm thực, cùng người hòa mình vào các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày… Vì vậy, du khách tới đây sẽ có cảm giác như đang trở thành một người Dao Áo dài đích thực.
Đón những vị khách phương xa sau một đêm giữa hùng vỹ núi đồi là mùi hương ngai ngái của cỏ cây, những giọt sương đêm còn ngái ngủ giăng trên từng nhành cây, ngọn cỏ, đóa hoa ngạt ngào hương sắc; là lớp lớp, tầng tầng mây mù mênh mông, bồng bềnh, lãng đãng quẩn quanh khắp không gian; là ánh bình minh trong trẻo vắt ngang núi rừng với tiếng chim ríu ran; là cơn gió nhẹ mang hương rừng luồn vào từng chân tơ, kẽ tóc… tất cả đều bình yên và trong trẻo vô ngần, chỉ có ở Nậm Đăm.
Ở đây, du khách sẽ được sống cùng gia đình người dân dưới nếp nhà truyền thống. Đó là những ngôi nhà trình tường (nhà có tường làm bằng đất được nện chặt) mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông. Mọi đồ dùng cần thiết đều được các hộ làm homestay chuẩn bị đầy đủ, nên du khách sẽ cảm thấy hài lòng và thoải mái. Đi sâu vào thôn, đến gia đình nào cũng thấy trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, công trình phụ hiện đại, hộ nào làm du lịch thì treo biển “Homestay” trước cổng sẵn sàng phục vụ du khách.
Nếu may mắn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những áng mây bồng bềnh, chầm chậm bay trải dài khắp khu rừng như một dòng sông mây trắng chảy trên không. Cảm giác sắp chạm tay vào làn mây lững lờ trước mắt, được đến gần hơn với thiên nhiên quá đỗi xinh đẹp và quyến rũ, khiến trái tim người thưởng lãm tan chảy, quên hết mọi âu lo.
Và sau bữa sáng nhẹ nhàng, du khách đã có thể theo chân người dân đi làm đồng để hít hà không khí trong lành và tham quan mô hình sản xuất hoặc tham gia vào các hoạt động làm nông nghiệp cùng đồng bào.
Trong khi đó, nhiều người lại dạo bước một vòng quanh làng để được phóng tầm mắt bao quát, tận hưởng một khung cảnh nên thơ như trong cổ tích của thôn quê miền sơn cước.
Video đang HOT
Và dù thời gian ở Nậm Đăm dài hay ngắn thì bạn cũng nên tới thăm Bảo tàng Văn hóa dân tộc Dao. Bởi lẽ, đây là nơi sưu tầm tất cả các hiện vật sinh hoạt thường ngày vô cùng “độc” và lạ của người dân bản địa. Cùng với đó, du khách có thể kết hợp thăm các làng lân cận của người Mông, người Nùng và các điểm tham quan nổi tiếng của địa phương như Cổng Trời, Núi Đôi, Chợ Phiên Quản Bạ, Hang Khố Mỷ…
Có lẽ, đã khá quen thuộc với việc du khách viễn phương rảo bước tham quan thôn bản, nên người dao Chàm ở Nậm Đăm có một tâm thế khá điềm tĩnh, tự nhiên trong mọi hoạt động sinh hoạt diễn ra bình thường. Không có những cử chỉ hay lời chào vồn vã, nhưng những bộ bàn ghế được kê sẵn ngay trước mỗi hiên nhà dường như đã thay lời ngỏ “hãy dừng chân nếu bạn muốn!”. Chỉ cần hỏi gia chủ dăm ba câu, du khách sẽ được đáp lời với thái độ lịch sự và cởi mở ngay cả khi họ biết chắc chắn bạn không có ý định nghỉ trọ hay nhờ nấu ăn…
Đến Nậm Đăm, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Dao Chàm.
Làm du lịch bài bản, bền vững
Dưới sự chở che của núi rừng, ngôi làng nhỏ của người Dao Nậm Đăm càng trở nên êm đềm nơi thung lũng. Mong manh giữa ranh giới truyền thống và hiện đại, nhưng bản sắc văn hóa nơi đây vẫn còn vẹn nguyên hơi thở từ lâu đời. Từ kiến trúc nhà, các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực và lối canh tác thuận tự nhiên đặc trưng riêng, là điểm đến lý tưởng để hòa nhịp sống bình dị, nhẹ nhàng, tịnh yên, hoang sơ, thuần khiết.
Điểm độc đáo ở ngôi làng này là rất nhiều gia đình, dù không chuyên làm du lịch nhưng vẫn kê vài ba bộ bàn ghế ra trước hiên nhà để du khách có thể ghé qua, nghỉ ngơi ngắm nhìn phong cảnh. Thú vị hơn, du khách sẽ được hòa mình vào những lễ hội mang nét đặc trưng riêng biệt của dân tộc Dao.
Trong đó, đặc sắc nhất là Lễ Cấp Sắc, nghi lễ đánh dấu tuổi trưởng thành cho các nam thanh niên trong làng. Thôn có hẳn đội văn nghệ hơn chục nghệ sĩ là những người dân thường xuyên biểu diễn các tiết mục, trích đoạn của Lễ Cấp Sắc phục vụ du khách. Ngoài ra, lễ Cúng Cơm, lễ Cầu Mùa, lễ Cưới hỏi cũng là những lễ hội rất độc đáo của người Dao Chàm.
Không chỉ vậy, bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết rằng hầu hết các trang phục dân tộc người Dao Chàm mặc hàng ngày do chính tay phụ nữ trong làng tự thêu may. Trang phục phụ nữ được trang trí với những nét hoa văn độc đáo đi cùng với đồ trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay và khăn quấn đầu.
Còn trang phục của nam giới đơn giản hơn, đi kèm với mũ nồi, túi xách. Tất cả tạo nên sự duyên dáng khác biệt cho người dân tộc Dao khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn được mặc thử. Ngoài đồ lưu niệm là các sản phẩm may thêu, Nậm Đăm còn có các sản vật do chính tay người dân địa phương làm ra như mật ong, dược liệu… được nhiều du khách ưa chuộng.
Sau khi khám phá những phong tục, tập quán cùng các giá trị thiêng liêng của đồng bào, còn gì thú vị hơn là được thưởng thức bữa ăn gia đình gồm những món lạ, mang đậm hương vị của người Dao. Đặc biệt, tất cả các món ăn đều được nấu chín từ chính những bếp lửa đỏ rực không bao giờ tắt trong mỗi nếp nhà – một nét văn hóa truyền thống bất biến ở Nậm Đăm.
Trong những năm 2012 – 2014, Tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã lựa chọn Nậm Đăm là nơi thực hiện dự án phát triển cộng đồng. Dự án đã tiến hành hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch thông qua việc xây dựng các tuyến trekking, tổ chức các tour, tuyến, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay, đồng thời hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng làm du lịch để đón tiếp du khách.
Đến nay, làng văn hóa Nậm Đăm có khoảng 60 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 40 hộ được chính quyền địa phương quy hoạch làm du lịch. Nậm Đăm ngày càng được nhiều du khách biết đến bởi không gian thân thiện, ấm cúng, được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh và ruộng bậc thang trù phù.
Tại đây, mọi công trình đều được xây dựng từ những vật liệu tại chỗ, người dân cố gắng tái chế tối đa, vừa giảm giá thành xây dựng, vừa tạo không gian “xanh” và thân thiện với môi trường.
Năm 2017, Dao Homestay Nặm Đăm được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN là sự khẳng định của du khách và các tổ chức quốc tế, cho thấy cách làm du lịch cộng đồng bài bản, bền vững của đồng bào nơi đây.
Các hộ dân kinh doanh du lịch sẽ trích phần nhỏ số tiền thu được vào quỹ chung của thôn, số tiền đó sẽ được dùng để duy trì các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng nghĩa với việc, dù khách lưu trú tại nhà của gia đình nào thì cũng đã đóng góp một phần cho quỹ chung của cả cộng đồng. Đây là mô hình quản lý tiêu biểu mà ít làng du lịch cộng đồng nào làm được. Bởi thế, chuyến du lịch Nậm Đăm càng để lại trong lòng lữ khách bao trải nghiệm, cảm xúc không thể nào quên.
'Cần câu cơm' của người Cơ Tu
Với những làng nghề, cùng với văn hóa đồng bào Cơ Tu, người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Với những làng nghề, cùng với văn hóa đồng bào Cơ Tu, người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Một hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế và gắn với bảo tồn nét văn hóa truyền thống của địa phương.
"Mỏ vàng" của ngành du lịch
Hòa Bắc là xã miền núi của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cách trung tâm thành phố khoảng 35km. Thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc có làng nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, văn hóa của người đồng bào Cơ Tu, du lịch sinh thái với nhiều tiềm năng và lợi thế. Đây được xem là "mỏ vàng" cho sự phát triển du lịch cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch thành phố.
4 năm trước, anh Đinh Văn Như - Bí thư thôn Giàn Bí (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã xin thủ tục và bỏ vốn đầu tư mô hình homestay A Lăng Như trên mảnh đất 700m2 của gia đình, để cải thiện cuộc sống, bớt phải đi nương, rẫy.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Như cho hay, sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, anh đã cải tạo mảnh đất trước đây gia đình bỏ hoang thành một căn nhà, ở đó anh sắp xếp bố trí thành những căn phòng lưu trú phục vụ cho du lịch.
Ở khoảng sân trống, anh bố trí những chiếc lều, bạt phục vụ du lịch, tạo thành những sân vui chơi, nghỉ ngơi. Không những vậy, du khách khi đến với nơi đây còn được trải nghiệm các văn hóa bản làng như tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, thưởng thức ẩm thực núi rừng...
"Sau khi homestay hoàn thành, du khách bắt đầu đến với Hòa Bắc nhiều hơn, nhất là dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Ngày bình thường, mỗi tháng gia đình tôi đón từ 4 - 5 đoàn khách du lịch đến nghỉ dưỡng, vui chơi. Những ngày lễ thì đông hơn", anh Như cho biết.
Sau khi homestay A Lăng Như ra đời và mang lại hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang cũng bắt đầu hoạt động du lịch, chính quyền tổ chức các sự kiện như: Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu... nhằm giới thiệu điểm đến cho du khách trong và ngoài nước.
Ông Hồ Phú Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) - cho hay, hiện xã có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái và 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú. Ước tính hằng năm có khoảng 30.000 lượt khách du lịch đến với xã Hòa Bắc.
"Là 2 thôn có người đồng bào Cơ Tu sinh sống nên có bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ Tu đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của địa phương", ông Thanh chia sẻ.
Biểu diễn các tiết mục múa truyền thống của người đồng bào Cơ Tu cho du khách xem. Ảnh: A Lăng Như
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển bền vững
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, bà Đỗ Thị Huyền Trâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Vang - cho rằng, du lịch cộng đồng đã đem lại sắc thái mới, để bà con trân quý và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
"Đối với du lịch cộng đồng, bà con đơn giản là làm những gì họ đã quen, đã hiểu và đã có. Việc tham gia làm du lịch cộng đồng chỉ đơn giản là tăng giá trị những việc thân quen đó lên. Ai làm nghề dệt thì vẫn dệt, ai làm nông thì cứ làm nông... chỉ là khi có du lịch về họ sẽ gắn những điều đó với hoạt động du lịch, biến nó thành câu chuyện để kể, để sẻ chia với du khách. Giá trị của câu chuyện, của bản sắc truyền thống sẽ tăng lên, có thêm sinh kế, thu nhập", bà Trâm chia sẻ.
Còn TS Chu Mạnh Trinh - Ban quản lý Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm - Hội An cho rằng, du lịch cộng đồng càng làm, càng tham gia, càng hứng thú, và đó là bí quyết của cái du lịch này.
Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho hay, nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều lễ hội đặc sắc, đa dạng các làng nghề cũng như công trình kiến trúc cổ, nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người Cơ Tu đang sinh sống, Hòa Vang có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
"Từ những lợi thế đó, những năm qua chính quyền TP Đà Nẵng đầu tư thí điểm về phát triển loại hình du lịch cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo nhà Gươl truyền thống làm trung tâm, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, dự án để nâng cao năng lực cộng đồng.
Đồng thời đẩy mạnh việc phục dựng khôi phục các lễ hội truyền thống các hoạt động văn hóa truyền thống. Mở lớp dạy khôi phục làng nghề để bà con làm du lịch cộng đồng. Đây là điểm khởi đầu, là nền móng cho việc phát triển du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang, mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo được việc làm. Thực tế, du lịch đã mang lại nguồn thu nhập chính cho họ", Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết.
Trải nghiệm các hoạt động văn hóa địa phương.
Đến nay, trên toàn huyện Hòa Vang có 8 địa điểm du lịch cộng đồng tập trung tại 3 cụm: Tà Lang - Giàn Bí - Nam Yên (Hòa Bắc); cụm Túy Loan - Thái Lai (Hòa Nhơn); cụm Trung Nghĩa - Đông Sơn - Hòa Trung (Hòa Ninh). Du lịch cộng đồng không chỉ làm kinh tế, còn phát huy văn hóa của địa phương, góp phần làm đa dạng thêm cho ngành du lịch Đà Nẵng.
"Sau hơn 2 năm đổi mới áp dụng, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được mở rộng, Hòa Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn mang nét đặc trưng riêng. Góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của mình trong quá trình phát triển, hội nhập.
Bên cạnh đó, cần có được những định hướng, giải pháp phát triển, cần có những chiến lược kế hoạch mang tính khả thi, đề xuất những chính sách từ phía Nhà nước, tổ chức phi chính phủ; công tác quản lý, phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục hạn chế.
Tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học và bảo tồn văn hóa truyền thống của từng địa phương. Phát triển du lịch sinh thái bền vững tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào nền kinh tế chung của từng địa phương", ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhấn mạnh.
Ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang - cho hay, du lịch cộng đồng thể hiện sự gắn kết, bảo vệ hệ sinh thái, tạo sự gắn kết giữa xã hội, con người và hệ sinh thái tự nhiên. Có sự gắn kết đó thì mới có bảo tồn hướng đến hệ sinh thái bền vững.
Thanh Sơn (Phú Thọ) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng Thanh Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, là nơi giao thoa văn hóa Việt - Mường, đồng thời là địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa phong phú, đa dạng. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, Thanh Sơn được đánh giá...