Đến lúc Huawei hưởng lợi vì cấm vận Mỹ?
Washington đã luôn ngăn cản Huawei nhân rộng công nghệ 5G của họ ra thế giới nhưng đến nay, chính Mỹ lại coi trọng gã khổng lồ Trung Quốc.
Reuters mới đây dẫn thông tin độc quyền tiết lộ rằng theo một dự thảo luật sắp được thông qua, Mỹ dự kiến cho phép các công ty nước này hợp tác với Huawei để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật mạng 5G.
Mỹ đang giúp Huawei “nổi bần bật” với việc hợp tác xây dựng công nghệ 5G.
Bộ Thương mại Mỹ sắp chính thức ký phê chuẩn một luật mới cho phép các công ty Mỹ hợp tác với nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Công ty Huawei của Trung Quốc để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống mạng di động thế hệ mới (mạng 5G).
Trước đây, các kỹ sư tại một số hãng công nghệ Mỹ đã hợp tác với Huawei trong việc phát triển các tiêu chuẩn mạng 5G. Theo Reuters, trong các cuộc họp thiết lập tiêu chuẩn mạng 5G, nơi các giao thức và thông số kỹ thuật được phát triển cho phép các thiết bị từ các công ty khác nhau hoạt động trơn tru.
Trong các cuộc họp trước đây, Huawei đã có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong khi các kỹ sư của Mỹ ngồi im lặng.
Nhưng các cuộc thảo luận này bị dừng lại sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách “đen” hồi năm ngoái.
Giới chuyên môn trong ngành cũng như giới chức Chính phủ Mỹ cho rằng việc này đẩy Mỹ vào thế bất lợi.
Video đang HOT
Tiêu chuẩn mạng là nền tảng cho mọi hoạt động kinh doanh và cũng là lĩnh vực sinh lời lớn của các công ty viễn thông. Họ cạnh tranh lẫn nhau để công nghệ mạng của mình được cấp bằng sáng chế, có thể thúc đẩy lợi nhuận của công ty lên đến hàng tỷ USD.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ viễn thông trong nước, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định nới lỏng cấm vận Huawei và soạn thảo một quy định mới để giải quyết vấn đề này. Quy định về cơ bản cho phép các công ty Mỹ tham gia vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn mạng nơi Huawei cũng là thành viên.
Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nói với hãng tin Anh cho hay: “Thiết lập tiêu chuẩn quốc tế rất quan trọng đối với sự phát triển của 5G ở mỗi quốc gia. Các cuộc thảo luận sẽ gồm sự cân bằng những tiêu chuẩn đó với nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ”.
Dự thảo đang được xem xét lần cuối tại Bộ Thương mại và nếu không có vấn đề gì nó sẽ được chuyển đến các cơ quan khác để phê duyệt các nội dung liên quan.
Các thảo luận của các chuyên gia Mỹ với Huawei về tiêu chuẩn của 5G không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ có quan điểm tiêu cực về hợp tác Trung Quốc tại Nghị viện Mỹ. Được biết, 6 Thượng nghị sĩ Mỹ gồm Marco Rubio, James Inhofe và Tom Cotton, hồi tháng trước đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ xung quanh đề xuất này.
“Chúng tôi rất quan ngại về những rủi ro đối với vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong công nghệ không dây 5G do sự tham gia của Huawei” – lá thư viết.
Naomi Wilson, Giám đốc chính sách cao cấp của Châu Á tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), đại diện cho các công ty bao gồm Amazon, Qualcomm và Intel nhận định, việc mở lại các cuộc thảo luận như vậy có nghĩa Chính phủ Mỹ muốn các công ty Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh với Huawei.
“Chính phủ Mỹ muốn các công ty của họ duy trì khả năng cạnh tranh với Huawei. Tuy nhiên, chính sách của họ đã vô tình khiến các công ty Mỹ thất thế trước Huawei” – bà Wilson nhận xét.
Theo chuyên gia này, chính sách của Washington đã vô tình khiến các công ty Mỹ để mất ưu thế vào tay Huawei và những bên khác cũng được đưa vào “danh sách đen”. Điều này thúc đẩy các tổ chức xác lập tiêu chuẩn có trụ sở tại Mỹ cân nhắc chuyển ra nước ngoài.
Một trong số đó là quỹ phi lợi nhuận RISC-V, bên đã quyết định chuyển cơ sở từ bang Delaware sang Thụy Sỹ vài tháng trước.
RISC-V chuyên giám sát ngành công nghệ bán dẫn đầy triển vọng được phát triển với sự hỗ trợ của Lầu Năm Góc. Song họ muốn đảm bảo rằng những công ty bên ngoài nước Mỹ có thể giúp quỹ này phát triển công nghệ mã nguồn mở của họ.
Dự thảo quyết định mới của Bộ Thương mại Mỹ có thể là minh chứng rõ nhất cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi giới chức Mỹ nhận thấy vai trò của Huawei trong việc đẩy công nghệ 5G tiến xa hơn.
Chúng cũng cho thấy mức độ quan trọng của Huawei trong công nghệ 5G, công nghệ mà Mỹ luôn cáo buộc Tập đoàn Trung Quốc lợi dụng chúng để thực hiện hoạt động gián điệp thay cho chính quyền Trung Quốc. Dẫu luôn tìm biện pháp ngăn cản song chính Mỹ lại tìm cách nối lại các hoạt động hợp tác với hãng viễn thông Trung Quốc.
Hiện Huawei đang tìm cách giới thiệu công nghệ 5G tập trung vào thị trường châu Âu trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận. Washington đã cáo buộc Tập đoàn Trung Quốc gian dối ngân hàng Mỹ để làm ăn với Iran, điều này vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo sản phẩm công nghệ của Huawei chứa các “cửa hậu” cho phép chuyển dữ liệu người dùng về hệ thống theo dõi mà chính quyền Trung Quốc nắm giữ.
Google nói về lệnh cấm Huawei, cảnh báo khách hàng đừng sideload các ứng dụng như Gmail hay YouTube
Google cho biết các ứng dụng được cài đặt theo kiểu sideload đều tiềm ẩn nguy cơ cao về bảo mật.
Tối thứ 6 vừa qua, Google đã đăng tải một bài viết nói rõ về tình hình đang diễn ra với Huawei. Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấm các công ty từ Mỹ hợp tác với nhà sản xuất phần cứng Trung Quốc. " Google bị cấm hợp tác với Huawei liên quan các mẫu thiết bị mới, hoặc cung cấp các ứng dụng bao gồm Gmail, Maps, YouTube, Play Store, và các ứng dụng khác để cài sẵn hoặc tải về trên các thiết bị này" - Tristan Ostrowski, giám đốc pháp lý cho Android và Google Play, viết như vậy.
Theo Google, vẫn có rất nhiều điều gây hiểu làm xung quanh những việc đang xảy ra - và chính xác thì những sản phẩm nào nằm trong nhóm các dịch vụ Google bị cấm.
" Chúng tôi liên tục nhận được hàng loạt câu hỏi về các thiết bị mới của Huawei (ví dụ, các mẫu máy mới sắp ra mắt, hay các mẫu máy trước đó ra mắt sau ngày 16/5/2019 nhưng nay mới được bán ra tại các khu vực khác trên thế giới) và liệu các ứng dụng và dịch vụ của Google có thể được sử dụng trên các thiết bị này hay không. Chúng tôi muốn đưa ra thông tin rõ ràng cho những người đang hỏi những câu hỏi quan trọng đó".
Bài viết nói trên có một số bình luận liên quan trực tiếp nhất mà Google từng đưa ra về vấn đề Huawei. Công ty vẫn tỏ rõ thái độ trung lập xoay quanh việc liệu Huawei có tiềm ẩn bất kỳ mối đe dọa nào đến an ninh quốc gia Mỹ hay không - đó đã và đang là điều mà các cơ quan tình báo và các nhà lập pháp kiên quyết khẳng định. " Trọng tâm của chúng tôi là bảo vệ an toàn của người dùng Google trên hàng triệu thiết bị Huawei đang tồn tại trên toàn thế giới" - Ostrowki viết. "Chúng tôi đã và đang tiếp tục hợp tác với Huawei trong khuôn khổ quy định của chính phủ, nhằm cung cấp các bản cập nhật bảo mật và các bản cập nhật cho các ứng dụng và dịch vụ Google trên các thiết bị hiện nay, và sẽ tiếp tục làm điều đó miễn là được phép".
Các sản phẩm Huawei ra mắt trong hoặc trước ngày 16/5/2019 sẽ tiếp tục nhận được các bản cập nhật nói trên - ít nhất thì đó là điều chắc chắn ở thời điểm hiện tại. Nhưng bất kỳ thiết bị nào được ra mắt sau đó đều được xem là " chưa được chứng nhận", bởi Google không thể đưa những thiết bị đó vào quy trình kiểm tra bảo mật nghiêm ngặt của hãng, hoặc không thể cài sẵn phần mềm Google Play Protect - vốn là phần mềm có thể phát hiện khi nào phần cứng máy bị can thiệp - lên chúng.
Nhưng Google có một cảnh báo dành cho các khách hàng sở hữu các sản phẩm mới hơn của Huawei: đừng tìm cách sideload Gmail, YouTube, Play Store, hay các phần mềm khác của Google vào các thiết bị chưa được chứng nhận đó. Bởi công ty không thể đảm bảo các gói phần mềm đó có phải là "chính chủ" hay không, hay liệu chúng có "sạch sẽ", không bị cài cắm malware hay không.
" Các ứng dụng Google được sideload sẽ không hoạt động một cách đáng tin cậy vì chúng tôi không cho phép các dịch vụ đó chạy trên các thiết bị chưa xác nhận, vốn là nơi mà sự an toàn của người dùng có thể bị can thiệp. Sideload các ứng dụng Google còn khiến bạn đối diện nguy cơ cài đặt trúng một ứng dụng đã bị thay đổi hoặc can thiệp để xâm phạm bảo mật của người dùng".
Google rõ ràng đang muốn né tránh khía cạnh chính trị của vấn đề, đồng thời cũng muốn can ngăn người dùng đừng nên đi theo con đường mờ ám để có thể truy cập được các dịch vụ phổ biến của công ty. Ostrowski kết thúc bài viết bằng cách chỉ ra phương thức nhận biết liệu thiết bị Android bạn đang sử dụng đã được chứng nhận bởi Google Play Protect hay chưa.
" Để kiếm tra xem liệu thiết bị của bạn đã được chứng nhận hay chưa, hãy mở ứng dụng Google Play Store trên điện thoại Android, chọn 'Menu' và tìm 'Settings'. Bạn sẽ thấy thông tin liệu thiết bị đã được chứng nhận bởi 'Play Protect' hay chưa".
Theo GenK
5G đã phát triển ngoài sức tưởng tượng Với băng thông cực cao được cung cấp bởi 5G, mọi người sẽ có thể tận hưởng các trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) nhập vai, cho phép họ chuyển đạt các suy nghĩ và cảm xúc của mình hơn bao giờ hết. Theo ông Ryan Ding, thành viên Ban Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch...