Đêm đầu tiên ở chốt phong tỏa Bình Tân chống Covid-19: Chuyện gì đã xảy ra?
Từ 0 giờ ngày 20.6 TP.HCM triển khai thiết lập vùng phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân. Chuyện gì đã xảy ra trong đêm đầu tiên ở các chốt phong tỏa tại đây? Có khác với Q. Gò Vấp đã làm trước đây hay không?
Một chốt phụ kiểm soát phương tiện đi từ đường Võ Văn Kiệt vào đường Hồ Học Lãm. . ẢNH: CAO AN BIÊN
Dự kiến UBND Q.Bình Tân sẽ tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực trên với 22 chốt, mỗi chốt 3 người/ca, ngày 3 ca. Đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ được chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương và Võ Văn Kiệt phương tiện vẫn được phép lưu thông nhưng không được dừng đỗ.
Người dân theo dõi sát diễn biến
Ngay từ tối qua, ngay chốt Hồ Học Lãm – đại lộ Võ Văn Kiệt, nhiều người bán hàng rong đã xôn xao với nhau xung quanh câu chuyện lập chốt. Chỉ vào những rào chắn dây thép gai được để sẵn bên đường, người phụ nữ bán bắp xào nói: “Lát nữa chắc người ta phong tỏa hết đường này, không ai ra vào được. Nhà tôi cũng nằm trong diện phong tỏa, bán tối này hốt cú chót rồi nghỉ ở yên một chỗ cách ly”.
Nghe nói vậy, người đàn ông bán hàng rong bên cạnh cũng góp chuyện: “Cũng mong là sau 14 ngày dịch bệnh được kiềm chế, chứ tình hình giờ đáng lo thiệt”. Cuối ngày, đường sá vắng vẻ, khách cũng thưa dần những người bán hàng rong rủ nhau về nhau về nhà.
Thấy rào chắn được đặt trước đường vô nhà mình, một thanh niên chạy xe máy e dè hỏi cán bộ: “Vậy giờ em vào có được không anh? Vào rồi có được ra không anh?”. “Thôi vào đi, vào là 0 giờ tối nay không được ra nữa đâu”, một cán bộ nói. Nghe xong, thanh niên nhanh chóng chạy xe vào đường này để về nhà. Tuy nhiên, một số người có ý định vào khu vực sắp bị phong tỏa, thấy rào chắn thì đổi ý “quay xe”.
“Đó, lập chốt rồi, lần này không như ở bên Gò Vấp đâu không thể vào cũng không thể ra”, một người nói với người thân qua điện thoại.
Anh Phạm Quang Thái (34 tuổi, nhà ở KP.3) cũng tranh thủ thời gian ra xem lực lượng lập chốt. Thấy anh, chúng tôi đứng cách 2 mét rồi hỏi chuyện. Anh Thái tâm sự rằng từ lúc hay tin nơi mình ở bị phong tỏa anh lo lắng đến giờ vẫn chưa thể ngủ được. Nhà gần chốt, vậy là anh ra xem tình hình như thế nào.
“Tôi làm trong một quán ăn, mười mấy ngày nay dịch tới nên thất nghiệp. Bây giờ phong tỏa như vậy thì chắc thời gian đi làm còn xa. Vợ chồng con cái giờ thất nghiệp hết rồi, thời gian tới cũng chưa biết phải sống sao”, nhìn xa xăm vào những cán bộ đang làm nhiệm vụ, anh Thái thở dài.
Tương tự anh Thái, chị Lê Thị Thảo (39 tuổi) cho biết mình và 2 con từ quê Sóc Trăng lên đây mưu sinh, chị bán hàng rong gần đường Hồ Học Lãm. Phong tỏa, chị không bán nữa, các con chị cũng không thể đi làm nên chiều giờ chị Thảo cứ đứng ngồi không yên.
Video đang HOT
“Tôi làm ngày nào ăn ngày đó, đâu mà có dư. Hỏi tôi có chuẩn bị gì không hả, tôi không có gì để chuẩn bị, cứ tới đâu thì hay tới đó”, bà băn khoăn về những ngày giãn cách sắp tới.
Sẵn sàng
Theo quan sát của chúng tôi, lực lượng chức năng đã có mặt từ sớm ở các chốt trực để thực hiện việc thiết lập chốt từ 0 giờ ngày 20.6. Tất cả cán bộ đều đã biết rõ nhiệm vụ của mình, “cứ theo phân công mà làm thôi”.
Có 2 hẻm nhánh từ đường Võ Văn Kiệt đi vào đường Hồ Học Lãm, do vậy ngoài lực lượng trực ở chốt chính Hồ Ngọc Lãm còn có những cán bộ được phân công đến những chốt phụ để làm nhiệm vụ. Tất cả mọi người không ai bảo ai đều xắn tay khiêng những hàng rào đến từng chốt để chắn ngang đường, kiểm soát phương tiện ra vào khu vực phong tỏa. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại sau những lớp khẩu trang dày cợm và lớp kính chắn giọt bắn.
Ông Dương Tấn Kha (43 tuổi, bảo vệ dân phố KP.17, P.Tân Tạo A) được phân công đến chốt Hồ Học Lãm để làm nhiệm vụ. Khi biết tin, ông nói mình không bất ngờ hay lo lắng mà suy nghĩ đầu tiên là làm sao để làm tốt được nhiệm vụ của mình.
“Tôi sẽ trực từ giờ tới 8 giờ sáng hôm sau, sau đó sẽ có người đến thay ca. Làm xuyên đêm nhưng có gì đâu vì tôi cũng quen với những nhiệm vụ như vậy rồi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, góp một phần sức cho cuộc chiến chống Covid-19″, cán bộ này quyết tâm.
Chốt kiểm soát Bình Tân: Nhiều người quay đầu khi nghe 'vào là ở trong 14 ngày...'
Ngày đầu tiên, nhiều người dân bối rối đứng trước chốt kiểm soát Q.Bình Tân khi không biết làm cách nào để tiếp tế cho người thân đang phải cách ly ngay trong "khu phong tỏa".
Làm cách nào để họ tiếp tế vào bên trong? Nhiều người xin vào trong vì có việc nhưng cán bộ lắc đầu: "Vào là ở trong 14 ngày...
Nhiều người xin vào chốt để giải quyết công việc, tuy nhiên được cán bộ giải thích quay đầu xe. ẢNH: CAO AN BIÊN
Từ 0 giờ ngày 20.6 TP.HCM triển khai thiết lập vùng phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân.
Có mặt tại chốt Hồ Học Lãm giao với đường Võ Văn Kiệt sáng 20.6, Thanh Niên ghi nhận có nhiều người tất bật tiếp tế thực phẩm cho người thân bên trong.
Đa phần mọi người đều tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ trực chốt khi giao nhận hàng hóa. Bên cạnh đó, một số người cũng mong muốn được ra vào trong chốt để giải quyết công việc, tuy nhiên sau khi được cán bộ trực chốt giải thích họ liền "quay xe".
Bà Nguyễn Thị Ngọc (50 tuổi, ngụ Q.8) vẫy tay nhờ một người bán nước trong khu vực phong tỏa tiếp tế cho chị mình đang cách ly. ẢNH: CAO AN BIÊN
"Vào rồi là ở trong 14 ngày"
8 giờ sáng, một shipper chạy xe đến trước khu vực phong tỏa. Thấy hàng rào dây thép gai, người này tỏ vẻ ngạc nhiên rồi hỏi: "Ở đây phong tỏa hả anh? Em vào giao hàng được không?". Cán bộ giải thích: "Bây giờ anh vô được nhưng không ra được đâu nha. Vào rồi là ở trong đó 14 ngày".
Nghe xong, shipper liền gọi điện thoại trao đổi cho khách hàng rồi quay đầu xe rời đi. Trong buổi sáng, chúng tôi ghi nhận hàng chục lượt shipper, tài xế công nghệ phải quay đầu trước chốt phong tỏa. "Tôi đâu biết là bị phong tỏa đâu, nếu biết trước là đã không tới", một người nói.
Nhiều trường hợp không có lý do chính đáng không được giải quyết ra vào. . ẢNH: CAO AN BIÊN
Lát sau, một người phụ nữ dừng xe trước chốt rồi xin các cán bộ ở đây nói chuyện với công an đang làm việc. Người này trần tình: "Tôi có một xưởng sửa xe bên trong khu này nè. Mấy ngày trước khách có tới đưa xe cho tôi sửa, cũng sắp tới hạn trả xe cho người ta rồi. Tôi có thể nhờ một nhân viên vào trong đó sửa một tí không, tiệm sát bên đây chưa tới 200 mét nữa".
Nghe người này trình bày, cán bộ công an nói: "Quy định là vào rồi thì không ra được đâu chị, giờ dịch như vậy mong chị thông cảm cùng phối hợp với chính quyền. Ai cũng ra vào, chúng tôi giải quyết từng trường hợp như vậy thì còn gì là phong tỏa nữa". Người phụ nữ nghe xong nói mình đã hiểu, "chỉ hỏi thử xem có được hay không thôi" rồi nhanh chóng rời đi.
Sáng 20.6 nhiều người dân cũng xin ra khỏi chốt Hồ Học Lãm với nhiều lý do khác nhau, song không được cán bộ giải quyết.
"Tiếp tế cho người đang cách ly nhiêu khê"
Nhiều người tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân tương đối dễ dàng vì người bên trong có thể ra chốt để nhận hàng. Tuy nhiên, với những người đang cách ly trong khu vực bị phong tỏa thì lại khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Tùng (47 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) chở vợ đến trước chốt, trên xe là một túi thực phẩm với rau củ quả và một ít cá tươi. Ông trình bày với cán bộ trực chốt rằng em của mình đang cách ly tại một hẻm trên đường Hồ Học Lãm nên không thể ra chốt để lấy hàng. Tuy nhiên, vì cán bộ không thể rời chốt trực để tiếp tế đến khu vực cách ly nên vợ chồng ông bối rối.
Hàng người chờ tiếp tế cho người thân trước chốt Hồ Học Lãm sáng 20.6. ẢNH: CAO AN BIÊN
"Nó cách ly 11 ngày rồi, tôi thường vô tiếp tế cho nó. Nay chạy tới đầu đường thì thấy chốt nên bật ngửa không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi không vào được, nó cũng không ra được, làm sao đây? Không có này là nó chết đói", ông Tùng băn khoăn.
Trầy trật một hồi, ông thấy một người ra phía trước chốt lấy hàng nên nhờ người này tiếp tế cho em của mình: "Cái bịch này nhẹ lắm, nó ở cũng gần đây à giúp tôi nha". Sau khi tiếp tế được cho người thân, ông thở phào.
Giống như ông Tùng, bà Nguyễn Thị Ngọc (50 tuổi, ngụ Q.8) mang 2 phần bún để gửi vào cho chị gái. Bà nói chị mình đang sống trong hẻm 230 đường Hồ Học Lãm bên trong, nơi đó vừa được cách ly hơn 1 tuần.
Ảnh 5: Ông Nguyễn Văn Tùng (47 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) bối rối khi tiếp tế cho em gái trong khu phong tỏa. . ẢNH: CAO AN BIÊN
"Ngày nào tôi cũng qua tiếp tế cho bã hết. Nay tới thì không vào được nên không biết tính sao. Tôi định nhờ cán bộ trực chốt nhưng họ cũng có việc của mình, sao bỏ chốt được", bà lo lắng.
Chần chừ một hồi, bà vẫy tay với người bán nước cam bên trong khu vực phong tỏa rồi nói to: "Ê! Ra đây giao giúp tôi hàng tiếp tế tới chỗ phong tỏa được không. Gần lắm!". Sau khi bà Ngọc thuyết phục, người này đã đồng ý hỗ trợ. Trước khi trở về, bà cũng nói mình lo lắng khi không biết những ngày tới phải tiếp tế như thế nào.
Các cán bộ đã tư vấn, giải quyết nhanh gon tại vào chốt kiểm soát theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 . CAO AN BIÊN
"Ăn vạ với công an chứ biết sao"
Sáng 20.6 nhiều người dân ở bên trong khu phong tỏa cũng xin ra khỏi chốt Hồ Học Lãm với nhiều lý do khác nhau, song không được cán bộ giải quyết. Một người phụ nữ dẫn xe đạp đến phía trước chốt kiểm soát này xin cán bộ cho ra ngoài, song không được giải quyết. Sau đó, người này liền nói: "Trời ơi nãy tôi xin vô trong, mới vô là xin ra liền mà sao không cho tôi ra". PV hỏi cán bộ có chuyện gì xảy ra, một bảo vệ dân phố nói: "Chị này nãy xin vào trong, chúng tôi đã nói vào là không được ra thì chị này đồng ý. Bây giờ chỉ xin ra sao chúng tôi giải quyết được". Nài nỉ mãi không được, người phụ nữ bối rối ngồi phía chốt trực để đợi.
Bà Mai (58 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) khi không xin ra được thì nói: "Trời ơi hồi tối tôi ngủ, đâu có biết gì đâu. Nếu biết phong tỏa thì đâm đầu vô làm cái gì, khổ quá. Bây giờ ở đây rồi ngủ đâu, ăn gì? Làm quá là tôi ăn vạ mấy anh công an chứ biết sao!", người này lớn tiếng bức xúc.
Sau đó, người phụ nữ đề nghị lực lượng chức năng cho mình "đến nhà em gái ngoài khu phong tỏa rồi ở yên trong đó luôn, hứa không đi đâu. Nếu không tin, các anh có thể cửa người theo tôi". Sau một hồi, cán bộ hướng dẫn người phụ nữ lên phường để trình bày hoàn cảnh và được giải quyết.
Không được ra ngoài, một người đàn ông cũng nổi cáu với cán bộ, nói mình làm việc cả đêm, sáng mới tan làm thì hay tin. Người này yêu cầu những người có mặt tại chốt "đưa văn bản phong tỏa" và "chỉ dẫn đường đi để ra khỏi khu vực này". Xin không được, người này cũng bức xúc quay đầu xe vào trong.
Ngày đầu tiên tại chốt phong tỏa Q.Bình Tân, nhiều người còn khá bỡ ngỡ bởi sự kiểm soát chặt chẽ, theo luật của lực lượng chức năng, đảm bảo tối đa an toàn phòng chống dịch Covid-19.
TP.HCM sẵn sàng cho việc phong tỏa 3 khu phố, 3 ấp chống dịch Sau khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM bổ sung một số quy định về giãn cách, các địa phương nằm trong danh sách phong tỏa đã sẵn sàng phương án thực hiện. Đường liên xã thị trấn Tân Hiệp được dựng rào chắn cảnh báo - Ảnh: DUYÊN PHAN Theo đó, thành phố sẽ thiết lập phong tỏa khu phố...