‘Decision to Leave’ – vụ án mạng và một cuộc tình
Với “Decision to Leave”, Park Chan Wook chứng minh ông hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 75.
Nhân vật chính của Decision to Leave là Hae Joon (Park Hae Il) – một thanh tra tài giỏi và tận tụy với nghề. Trong vụ điều tra cái chết của một người đàn ông bị rơi xuống từ vách núi, anh gặp Seo Rae ( Thang Duy) – vợ của nạn nhân đồng thời là nghi can số một.
Bộ phim trở thành hiện tượng khi ra mắt tại Cannes lần thứ 75.
Họ bị thu hút bởi đối phương ngay từ những giây phút đầu tiên. Kể từ đó nhiều sự kiện xảy ra, mối quan hệ của hai người tiến triển vượt qua giới hạn giữa thanh tra và nghi phạm.
Chuyện tình đầy tính duy mỹ
Trong cuốn Mỹ học Cơ bản và Nâng cao, tác giả Mikhail Fedotovich Ovsyannikov cho rằng một tác phẩm nghệ thuật cần được phân tích dưới ba góc độ: Tư tưởng, tâm lý và chất liệu ngôn ngữ đặc thù của loại hình nghệ thuật đó. Nếu ngôn ngữ đặc thù của văn chương là câu từ, thì với điện ảnh, đó là ngôn ngữ điện ảnh. Ngôn ngữ điện ảnh lại được cấu thành từ hai thành phần chính: Ngôn ngữ hình và âm thanh.
Sự duy mỹ của đạo diễn thể hiện trong các góc quay đậm tính chiêm nghiệm.
Trong Decision to Leave, ngôn ngữ hình ảnh phát huy chức năng kể chuyện mạnh mẽ. Để diễn tả sự chuyển biến trong tâm lý các nhân vật, Park Chan Wook không sử dụng quá nhiều lời thoại. Thay vào đó, ông gài cắm những hình ảnh gợi nhiều ẩn dụ.
Tình cảm bất thường Hae Joon dành cho Seo Rae được thể hiện qua hộp sushi cao cấp mà anh mua cho cô. Cảm giác tội lỗi của họ về mối quan hệ trái luân thường được nhấn mạnh bằng nhiều cú máy quay cận cảnh vào chiếc nhẫn cưới. Ánh nhìn của Hae Joon luôn dừng trên môi Seo Rae gợi tả niềm khao khát mà anh dành cho cô. Tất cả những chi tiết như vậy đã tạo nên những khung hình giàu tính gợi tả cho Decision to Leave.
Không chỉ hình ảnh, âm thanh cũng được sử dụng để nói lên thông điệp phim hoặc thể hiện những đặc tính của nhân vật.
Xuyên suốt Decision to Leave, bài hát Sương Mù xuất hiện tới bốn lần. Tựa đề và ý nghĩa của ca khúc bên cạnh việc dự đoán cho cái kết không rõ ràng, còn thể hiện tư tưởng bao trùm mà đạo diễn Park Chan Wook muốn truyền tải.
Cuộc chiến của màu sắc
Bên cạnh kỹ thuật quay, màu sắc trong phim cũng tham gia vào việc kể chuyện. Hai màu sắc chính được sử dụng là màu cam và xanh lá cây. Trong đó, Hae Joon ban đầu được gắn với màu cam – màu sắc tượng trưng cho sự năng nổ và nhiệt huyết, theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Psychology.
Còn bối cảnh xung quanh Seo Rae và trang phục của cô là xanh lá cây đậm. Đây là màu sắc tượng trưng cho sự tiêu cực. Trong tâm lý học, nó còn gắn với những người bị thiếu hụt về mặt tình cảm lứa đôi.
Ở hồi một của bộ phim, hai nhân vật được gắn với những màu sắc biểu trưng cho nội tâm và tính cách của họ. Thế nhưng theo tiến trình cốt truyện, sự sắp xếp màu sắc này bắt đầu thay đổi. Khi Hae Joon dần rơi vào lưới tình của Seo Rae, bối cảnh xung quanh anh không còn là màu cam nữa mà chuyển sang màu xanh lá cây đậm. Điều này thể hiện anh đã đánh mất đi nhiệt huyết của một cảnh sát giỏi – thứ nổi bật ở anh trong thời điểm ban đầu.
Màu sắc dẫn lối cho đường dây kịch bản.
Trong khi đó, Seo Rae bắt đầu thay thế Hae Joon trong “cuộc chiến màu sắc”. Trang phục của cô xuất hiện những màu như cam, hồng và đỏ. Điều này ngầm thể hiện rằng cô đang trở nên tích cực nhờ nhận được tình yêu của Hae Joon.
Như vậy bên cạnh việc kể chuyện, màu sắc trong Decision to Leave còn ngầm ám chỉ về bản chất mối quan hệ của Hae Joon và Seo Rae. Trong đó, Hae Joon bị ăn mòn, còn Seo Rae là người “hút” lấy sức sống từ anh và trở nên tốt hơn, dù chỉ là trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Park Hae Il và Thang Duy diễn ăn ý, nhờ đó khắc họa được sự phức tạp trong mối quan hệ của hai nhân vật. Park thể hiện được sự lúng túng, khó xử của một người đàn ông gia đình gương mẫu, một thanh tra chính trực, nay phải lật đổ hết chuẩn mực đạo đức vì một người phụ nữ.
Thang Duy là tổng hòa của sự quyến rũ, nét hoang dại pha chút ma mị – một hình mẫu đúng chuẩn Femme fatale (người phụ nữ khó lường) thường xuất hiện trong các phim trinh thám.
Dù Park Hae Il và Thang Duy không ngại đóng cảnh nóng trong quá khứ, phim gây bất ngờ khi lấy chủ đề ngoại tình nhưng lại không có lấy một cảnh phòng the.
Thang Duy nền nã tại Cannes 2022.
Trong thế giới của Decision to Leave sẽ không tồn tại những ranh giới rạch ròi. Ở đó thiện ác, đúng sai hoà trộn với nhau tạo nên một đám sương mù lạnh lẽo. Khán giả, bằng những cảm nhận của mình sẽ phân định trong thế giới đó, đâu là sáng đâu là tối, cái gì là đúng và cái gì là sai.
Decision To Leave: Vòng lẩn quẩn rượt đuổi cảm xúc không hồi kết đến từ bậc thầy điện ảnh xứ Hàn
Có thể nói, Decision To Leave là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây.
Nếu từng nghe qua cái tên Park Chan Wook, khán giả sẽ nghĩ ngay tới những bộ phim đậm chất bạo lực và trả thù như Sympathy for Mr. Vengeance (2002), Oldboy (2003) và Lady Vengeance (2005). Thế nhưng nhà làm phim Hàn Quốc đã thay đổi hoàn toàn với Decision to Leave (Tựa Việt: Quyết Tâm Chia Tay). Tác phẩm chẳng có quá nhiều thù hận, càng không có bạo lực máu me nhưng lại gây ám ảnh về mặt cảm xúc hơn hẳn những dự án trước đây của ông.
Nhân vật chính của Decision to Leave là chàng thanh tra cảnh sát trẻ tuổi nhất Hàn Quốc tên Hae Jun (Park Hae Il). Anh bị chứng mất ngủ kinh niên do di chứng từ những vụ án chưa thể tìm ra hung thủ. Một ngày nọ, Hae Jun nhận nhiệm vụ điều tra cái chết bất thường của một cựu quan chức. Vợ ông là Seo Rae (Thang Duy) không mảy may đau buồn vì cái chết của người chồng. Càng điều tra, Hae Jun càng nảy sinh tình cảm với Seo Rae. Thế nhưng những bất ngờ lại liên tục ập đến.
Kịch bản ngập tràn nút thắt
Thoạt nhìn, nội dung của Decision to Leave gợi nhắc tới Vertigo (1958) của Alfred Hitchcock hay rõ rệt hơn chính là Basic Instinct (1992) khi một viên cảnh sát điều tra cũng có tình ý với vợ nạn nhân. Tuy nhiên, thứ mà tác phẩm của Park Chan Wook nhắm đến không chỉ đơn giản như thế. Trong những phút đầu tiên, toàn bộ nghi ngờ đều nhắm vào Seo Rae - cô nàng người nhập cư gốc Trung Quốc không giỏi tiếng Hàn. Cô có đủ mọi động cơ gây án khi chẳng hề tỏ ra đau buồn trước cái chết người chồng là một kẻ vũ phu.
Nhưng theo thời gian, ai nấy đều bắt đầu cảm thấy đồng cảm Seo Rae khi cô là một nữ y tá hiền lành, chuyên chăm sóc người già một cách tận tâm. Những góc khuất đau buồn trong cuộc sống của Seo Rae dần được hé lộ. Park Chan Wook đã khéo léo cài cắm các tình tiết để phát triển tình cảm giữa nữ nghi phạm và chàng cảnh sát một cách tự nhiên và nhẹ nhàng nhất. Những tình tiết tưởng chừng chẳng liên quan như vụ án kẻ giết người mà Hae Jun và đồng nghiệp theo đuổi hay căn bệnh mất ngủ của anh thực tế lại kết nối cả hai với nhau.
Hae Jun và Seo Rae như đồng điệu cả về mặt tâm hồn lẫn tính cách. Những tưởng Decision to Leave sẽ chuyển hướng sang tình cảm thì chỉ trong tíc tắc, câu chuyện lại bẻ lái theo hướng không thể ngờ tới. Từ đây, toàn bộ những gì sắp xảy ra đều vượt khỏi tầm phán đoán của khán giả. Những gì Seo Rae suy nghĩ, những gì cô ấy muốn làm đều là một màu đen huyền ảo. Thậm chí, đôi lúc chẳng ai dám tin những gì mà các nhân vật bộc bạch khi đã bị "lừa" quá nhiều. Hàng loạt mối quan hệ chồng chéo, những sự kiện bất ngờ liên tục diễn ra cho đến tận giây phút cuối cùng.
Phong cách độc đáo của Park Chan Wook
Nếu từng xem the Oldboy hay The Handmaiden (2016), người xem sẽ không lạ gì với phong cách sắp đặt đến từng tiểu tiết của Park Chan Wook. Thế nhưng, Decision to Leave mới là bộ phim mang về cho ông giải thưởng Đạo diễn xuất sắc lại LHP Cannes danh tiếng. Ngay từ đầu, bộ phim đã cho thấy góc quay độc đáo khi khán giả được nhìn mọi thứ thông qua con mắt của kẻ đã chết. Cách các khung hình của ông chuyển động từ xa lại gần rồi lại chuyển ra xa mang đến cảm giác khi thì ngột ngạt, lúc lại vô định.
Cách nhà làm phim sinh năm 1958 chuyển cảnh và kết hợp các khung hình đều có ý đồ nhất định. Chúng cho thấy Seo Rae và Hae Jun sát lại gần nhau ra sao rồi bỏ lỡ và lạc nhịp nhau một cách đau đớn như thế nào. Người xem thấy rõ được sự tỉ mỉ của bộ phim khi câu chuyện liên tục được chuyển qua lại dưới góc nhìn của Seo Rae và Hae Jun trong cùng một tình huống. Thế nhưng chỉ cần ở một góc độ khác thì mọi thứ lại có thể trái ngược nhau hoàn toàn.
Mỗi câu thoại của Decision to Leave cũng mang rất nhiều hàm ý. Từng lời các nhân vật nói đều là một mảnh ghép nhỏ, vừa khít hoàn hảo trong bức tranh tổng thể của tác phẩm. Đơn cử như việc Hae Jun tự nhận bản thân thích núi vì là người nhân từ. Do đó mà anh nhìn chiếc áo của Seo Rae ra màu xanh lá cây. Thế nhưng cô vợ của Hae Jun thì lại thấy đó là màu xanh dương của biển. Tương tự, bức tranh sau lưng Seo Rae cũng không thể phân biệt được là những ngọn núi trùng điệp hay là nhiều con sóng đang xô vào nhau.
Yếu tố hài hước được lồng ghép một cách duyên dáng khi các tình tiết gây cười một cách châm biếm và tréo ngoe trước hành động của các nhân vật. Phần âm nhạc cũng được tận dụng một cách xuất sắc để tăng cường cảm xúc và sự kịch tính trong từng phân cảnh. Ca khúc chủ đề The Mist không chỉ mang đến cảm giác day dứt về một chuyện tình buồn mà còn gây ám ảnh về sự hối tiếc và vòng lẩn quẩn rượt đuổi cảm xúc không hồi kết.
Diễn xuất xuất sắc của Thang Duy
Sau vai diễn đầu tay quá đặc biệt trong Sắc, Giới (2007), Thang Duy loay hoay chưa thể tìm được lối đi cho mình. Decision to Leave chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của ngôi sao 43 tuổi này. Seo Rae có sự tinh nghịch, chu đáo và thông minh mà khó có người đàn ông nào có thể chối từ. Cách cô cười nhẹ khi nói tiếng Hàn Quốc không giỏi, cách cô thể hiện ngôn ngữ cơ thể khi nói bằng tiếng mẹ đẻ đều rất lôi cuốn. Gương mặt, biểu cảm của Seo Rae còn cho thấy nét thu hút nhục dục mạnh mẽ.
Cách cô nhìn Hae Jun cũng đầy tình cảm và khao khát. Thế nhưng, ẩn sâu trong đôi mắt ấy vẫn là một thứ gì đó khó hiểu, sâu thẳm và vô cùng đáng sợ. Khán giả lẫn Hae Jun nhiều lần muốn tin Seo Rae nhưng rồi lại không dám. Có lẽ vì cách cả hai gặp nhau quá đỗi tréo ngoe, thân phận của họ quá đỗi khác biệt. Cho đến cuối, cũng chính nét cá tính của cô gái này lại tạo nên sự ám ảnh và tiếc nuối cho một mối quan hệ không lối thoát, một tình yêu sai thời điểm đầy tội lỗi.
Trong khi đó, Park Hae Il lại cho thấy sự chuyển biến đáng kinh ngạc trong tính cách của viên cảnh sát. Đối nghịch với một Seo Rae sâu thẳm như biển, Hae Jun vững chãi như núi. Anh lịch thiệp, ngay thẳng và toàn tâm với việc tra án. Nhưng với tác động của các con sóng, từng viên đá trên ngọn núi dần thay đổi. Hae Jun dần đổi cách nói chuyện, cử chỉ để rồi biến thành con người hoàn toàn khác. Dường như chỉ khi bên cạnh Seo Rae, anh mới có thể là chính mình.
Chấm điểm: 4.5/5
Có thể nói, Decision to Leave là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây. Phim là sự kết hợp tuyệt vời giữa cốt truyện, cách dẫn dắt, sắp đặt chu đáo cùng diễn xuất tuyệt vời. Phim làm tốt trong mọi mặt cả về cảm xúc, tính giật gân lẫn yếu tố kịch tính và giải trí. Đây có lẽ chính là bộ phim mà các đạo diễn Việt Nam nên học hỏi.
Trailer Decision To Leave
Khán giả Việt khen nức nở Decision To Leave: Thang Duy quá đẹp, nội dung xuất sắc tới ngỡ ngàng Decision To Leave là sự trở lại tuyệt vời của đạo diễn Park Chan Wook. Decision To Leave (Quyết Tâm Chia Tay) là phim Hàn Quốc nhận về hàng loạt đánh giá tích cực của giới truyền thông tại Liên hoan phim Cannes 2022. Phim đã mang đến cho Park Chan Wook giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải thưởng danh...