Đề xuất phương án mới về tên nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “lược” quy định về bản chất, nền tưởng tư tưởng của Đảng, đặt yêu cầu lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân lên trước Đảng… Đó là những phương án mới về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Với hơn 26 triệu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được tập hợp, tất cả những nội dung cơ bản cũng như chi tiết, từ Lời nói đầu tới các chương, từng điều khoản cụ thể đã được UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nghiên cứu, tiếp thu và giải trình cặn kẽ. Tinh thần dân chủ thể hiện rõ nét, gần như là nguyên tắc “tối thượng” khi bản dự thảo Hiến pháp mới được soạn lại với nhiều phương án khác nhau trên cơ sở tiếp thu những ý kiến góp ý, những vấn đề được đưa ra tranh luận sôi nổi thời gian qua, bên cạnh phương án cơ bản giữ nguyên như bản dự thảo đã được công bố để lấy ý kiến hơn 3 tháng trước.
Trong 3 tháng qua, có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Hiến pháp được tập hợp.
Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đối với chương I – quy định về chế độ chính trị, nội dung quy định về tên nước tại Điều 1 được người dân quan tâm góp nhiều ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là tên gọi đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay. UB Dự thảo lập luận, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với người dân và bạn bè quốc tế, thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc giữ tên nước, theo đó, có mặt lợi là tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng… đồng thời giữ được tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu…
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì tên này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên, được long trọng công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập của Bác, được thể hiện qua 2 bản Hiến pháp (1946 và 1980).
Tên gọi này cũng được cho là phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tính chất của nền kinh tế định hướng XHCN. Tên gọi này có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới…
Việc lựa chọn tên nước theo phương án này, UB dự thảo nhận định, không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của nhà nước cũng như bản thân các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục tiêu này. Thực tế, trong giai đoạn từ 1954 đến 1976, với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước vẫn khẳng định và thực hiện công cuộc xây dựng CNXH.
Từ những lập luận đó, UB Dự thảo thể hiện lại Điều 1 để làm rõ hơn hình thức chính thể và chủ quyền của Nhà nước, đồng thời đề xuất phương án quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Điều 2, nội dung xác định nền tảng quyền lực nhà nước trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” cũng có rất nhiều ý kiến góp ý khác nhau. Ngoài đề xuất giữ nguyên có nhiều ý kiến đề nghị xác định nền tảng này là khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đảm bảo bản chất của nhà nước pháp quyền và đề xuất chỉ quy định một cách tổng quát “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, không thể hiện về “nền tảng”.
Tiếp thu nội dung này, UB Dự thảo đưa ra dự kiến 2 phương án giữ nguyên như dự thảo cũ và đổi quy định “nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Cô đọng quy định về Đảng
Về Điều 4, báo cáo tiếp thu giải trình nêu rõ, tuyệt đại đa số ý kiến người dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu sự lãnh đạo của nhân dân về sự lãnh đạo của mình.
Các ý kiến góp ý tập trung nhiều về cách thể hiện khoản 1 của Điều này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giải cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị viết lại một cách khái quát, cô đọng, chỉ cần khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội. Phương án mới được UB Dự thảo đưa ra là viết khái quát theo hướng này.
Video đang HOT
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Ý kiến này đề nghị cần có luật về Đảng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và Đảng viên.
Vấn đề này, UB Dự thảo nhận định, Đảng là lãnh đạo về mặt chính trị thông qua cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức, nội dung lãnh đạo cần có sự uyển chuyển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Hiện tại, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang được tổng kết, nghiên cứu. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát Đảng. Vì vậy, cơ quan biên tập không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào Hiến pháp.
Trong chương này, Điều 9 quy định về MTTQ Việt Nam, cũng có 2 phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất, bổ sung Điều 9 quy định “Đại đoàn kết dân tộc là động lực phát triển của Nhà nước và xã hội”; sửa khoản 2 quy định về MTTQ theo đề xuất của UB TƯ MTTQ và bổ sung khoản 3 quy định về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội và các thành viên khác của mặt trận. Nếu chấp nhận phương án này, Điều 10 về vai trò của tổ chức Công đoàn được bãi bỏ.
Phương án thứ 2, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng tương tự nhưng không bổ sung khoản 3. Theo phương án này, dự thảo luật vấn duy trì Điều 10.
Chương IV về bảo vệ tổ quốc, vấn đề quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng” có 2 loại ý kiến. Có ý kiến thành thành hướng sửa đổi của dự thảo được xây dựng 3 tháng trước nhưng đề nghị đảo cụm từ “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân” lên trước. Ý kiến này cho rằng, lực lượng vũ trang của Việt Nam do Đảng thành lập và rèn luyện. Do đó, để khẳng định bản chất của lực lượng vũ trang, cần quy định rõ trong Hiến pháp nghĩa vụ trung thành với Đảng của lực lượng vũ trang.
Nhiều ý kiến khác lại đề nghị thể hiện nội dung điều khoản này như Hiến pháp hiện hành, không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ý kiến này cho rằng, qua trải nghiệm thực tế cho thấy vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện với lực lượng vũ trang.
UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xây dựng 2 phương án theo các hướng kiến nghị trên để trình UB Thường vụ QH.
Theo Dantri
Trò chuyện với nữ tiến sĩ xinh đẹp làm thủ lĩnh Đoàn
Đảm nhận vai trò Bí thư từ năm lớp 7, có ngoại hình trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi 30, Đỗ Thị Vân Anh - Bí thư Đoàn ĐH Công đoàn còn là một Tiến sĩ Xã hội học được nhiều người vị nể trong chuyên môn.
Chị Đỗ Thị Vân Anh, sinh năm 1979. Từng theo học, bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chị liên tục là Bí thư chi đoàn từ lớp 7 đến khi học ĐH.
Năm thứ nhất ĐH, chị đã là Ủy viên BCH liên chi đoàn khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV. Quá trình công tác từ năm 2002 ở trường ĐH Công đoàn, chị liên tục làm Bí thư chi đoàn Giáo viên, Bí thư liên chi.
Hiện nay, ngoài công tác Đoàn, Vân Anh còn đảm nhận chức Phó Chủ nhiệm khoa Công tác xã hội và Phó GĐ Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường vùng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam
Về chuyên môn, Vân Anh từng giành giải ba nghiên cứu khoa học cấp trường của Đại học KHXH&NV, tham gia 47 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Nhà nước lĩnh vực xã hội học.
Chị cũng đã trả lời cho nhiều bài báo với tư cách Tiến sĩ Xã hội học, đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhân ngày 26/3, PV có cuộc trò chuyện với nữ tiến sĩ, thủ lĩnh Đoàn Đỗ Thị Vân Anh để tìm hiểu thêm về phong trào thanh niên thực tế tại trường ĐH và những trăn trở của người phụ nữ yêu chuộng công tác thanh niên.
Chị Đỗ Thị Vân Anh phát động sự kiện chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3.
20 năm trong vai trò nữ thủ lĩnh thanh niên
Là thủ lĩnh đoàn, đi tiên phong trong phong trào thanh niên một trường ĐH, chị nhận thấy người bí thư cần đạt được những tố chất gì?
Nếu nói là cần đạt những tố chất gì thì mình nghĩ là cần tất cả, cần sự trẻ trung nhưng cũng phải chững chạc, cần sự nhanh nhẹn nhưng vẫn phải chín chắn, cần sự vui vẻ hòa đồng nhưng vẫn phải nghiêm khắc. Để kết hợp được các tố chất ấy chắc chắn không đơn giản và không phải lúc nào mình cũng làm được.
Vấn đề quan trọng ở chỗ chúng ta thực sự cần phải có tâm hồn trong sáng và tinh thần nhiệt huyết với phong trào đoàn. Tố chất đó có lẽ là chìa khóa đầu tiên giúp chúng ta mở ra những cánh cửa dẫn tới thành công trong công tác Đoàn.
20 năm gắn bó với công tác Đoàn là một quãng thời gian dài, hơn 1/2 độ tuổi của chị. Chị có muốn mãi đi trên con đường này?
Mỗi người có tuổi nhất định để làm tốt với công việc nào đó. Công tác đoàn là một trách nhiệm xã hội mình đang đảm nhận và đó là công việc của thanh niên, của tuổi trẻ. Có mong muốn hay không thì mình cũng không làm mãi được, phải để thế hệ trẻ tiếp nối.
Với mình vấn đề quan trọng là làm việc đúng chuyên môn, ở đó mình vẫn tiếp tục nghiên cứu các tồn tại xã hội và tìm phương án giải quyết các vấn đề đó.
Hoạt động công tác Đoàn, dường như chị trẻ và xinh hơn nhiều so với độ tuổi của mình.
Hoạt động đoàn thể bao gồm rất nhiều công việc không chỉ đòi hỏi trí não mà cả vận động chân tay, làm việc ngoài giờ hành chính... đối với phụ nữ liệu có quá khó khăn? Công việc có ảnh hưởng tới thời gian chị chăm sóc gia đình?
May mắn ông xã mình đã từng làm Bí thư đoàn trường ĐH Ngoại thương nên mình nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Việc ảnh hưởng tới thời gian chăm sóc gia đình là điều khó tránh khỏi. Nhưng qua những sự khó khăn ấy, mình thấy mình năng động hơn và nâng thêm kỹ năng sắp xếp tổ chức và quản lý chính công việc của mình.
Bí quyết riêng để thu hút SV
Nhu cầu học tập, văn hóa văn hóa, giải trí... của sinh viên mỗi giai đoạn một khác, chị làm cách nào để luôn thấu hiểu sinh viên, đáp ứng nhu cầu của SV?
Cũng may mắn là công việc chuyên môn của mình là nghiên cứu Xã hội học nên khi đảm nhiệm thêm công việc Bí thư đoàn trường kiến thức chuyên môn đó đã giúp mình khá nhiều. SV mỗi giai đoạn thoạt nhìn chúng ta nghĩ là khác nhau nhưng thực ra bản chất không có gì thay đổi, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu con người sinh học của họ.
Họ luôn thích mới mẻ, thích làm những điều khác với những gì thế hệ trước đã làm, dễ bị ảnh hưởng của nhóm đồng đẳng, đôi khi là xốc nổi. Bên cạnh đó, thanh niên cũng thích đương đầu, thích thể hiện và tính tự ái cao.
Mình cũng đã trải qua quãng đời SV và giờ đây vẫn hàng ngày nhìn thấy SV nên mình vẫn thường tự nhìn vào bản thân để hiểu cảm giác và nhu cầu của các bạn. Mình thích Facebook, mình cũng muốn cái gì là làm bằng được cái ấy, mình cũng thích nổi bật, thích mọi người biết đến mình... Như vậy, nhìn vào chính nhu cầu bản thân sẽ giúp mình hiểu nhu cầu của tập thể xung quanh.
Chị tham gia góp ý trong buổi tọa đàm "Xây dựng phong cách cán bộ Đoàn thời kì mới" của Thành đoàn Hà Nội
Rất nhiều SV hiện nay thờ ơ với các hoạt động đoàn thể, chị làm cách nào để kêu gọi tập hợp SV?
Mình e rằng một số hoạt động Đoàn thể đang thờ ơ với nhu cầu sinh viên thì chính xác hơn. Rõ ràng bây giờ xã hội khác ngày xưa nhiều rồi, sự khó khăn về khủng hoảng kinh tế đang càng ngày càng gặm nhấm vào cuộc sống của toàn thế giới. Những gì chỉ là lý thuyết, sự hô khẩu hiệu ở những hoạt động không thiết thực đương nhiên sẽ nhận lại sự thờ ơ của SV.
Do đó, nhất thiết chúng ta cần hiện đại hóa công tác Đoàn, đi đúng nhu cầu thanh niên, biến thói quen tổ chức phong trào mang tính hành chính thành những phong trào mang tính phục vụ cho chính nguyện vọng của SV.
Lại nói về chuyện tổ chức phong trào mang tính hình thức, những cuộc thi hoa khôi, thi tài năng văn nghệ hiện nay bị dư luận đánh giá là nặng về hình thức và nảy sinh nhiều tiêu cực. Theo chị có nên dẹp bỏ?
Thực chất ra các cuộc thi hoa khôi hay tài năng văn nghệ là những hoạt động đẹp và ấn tượng. Tuy nhiên, tiêu cực xuất hiện do chính những người tổ chức làm ra, đưa ra những cơ chế không đúng làm hỏng ý nghĩa của nó.
Mình đã nghe thấy một câu nói rất hay như thế này: "Khỏa thân không phải là tà dâm mà tà dâm nảy sinh trong đầu những kẻ gian manh". Do đó, theo mình cần dẹp bỏ những kẻ gian manh không lành mạnh chứ không phải là dẹp bỏ cuộc thi.
Môi trường ĐH có hàng ngàn con người, do đó, không tránh khỏi tệ nạn, Đoàn thanh niên đã vận động ra sao để SV không sa ngã vào những thú chơi không lành mạnh của giới trẻ hiện nay?
Tệ nạn là chuyện đương nhiên và chắc chắn không bao giờ triệt tiêu hết được. Theo mình, để SV không sa ngã vào những thú chơi không lành mạnh thì cần có nhiều hoạt động hướng SV vào tập trung học tập.
Hiện nay SV rất lười học, chơi nhiều. Loại bỏ những thời gian dỗi dư thừa của SV bằng những hoạt động thể thao, văn nghệ, nâng cao kỹ năng sống là cần thiết.
Với chị, hoạt động Đoàn cần phục vụ cho chính nguyện vọng sinh viên, thanh niên.
Những hoạt động nổi bật gần đây của Đoàn trường là gì? Đoàn tổ chức những hoạt động gì để chào mừng ngày 26/3?
Với đặc thù trường Đại học Công đoàn có số lượng sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam, Đoàn trường ĐH Công đoàn quyết định tổ chức 2 hoạt động lớn là: Giải bóng đá nữ toàn trường và Hội chợ từ thiện ra mắt quỹ Vòng tay Công đoàn.
Trong tháng này cũng có ngày quốc tế 8/3 nên trường mình tổ chức hoạt động giải bóng đá để phù hợp với đặc thù trường và gắn với ý nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ. Giải đấu quy tụ 66 đội tham gia sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng và dự định kết thúc vào dịp kỷ niệm ngày thành lập trường 15/5.
Còn đối với hội chợ từ thiện, bên cạnh mục đích tạo sân chơi cho SV, đây cũng là hoạt động đóng góp vào quỹ Vòng tay Công đoàn, Đoàn muốn hướng sinh viên tới những hoạt động thiện nguyện.
Mong rằng mỗi đoàn viên, sinh viên đều có sự chia sẻ, thấu hiểu và có tấm lòng nhân đạo sâu sắc với những người yếu thế trong xã hội, những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất ngoài cộng đồng.
Theo Dantri
"Bán được tàu, ưu tiên số 1 là trả lương cho thủy thủ" "Trong lúc khó khăn như hiện nay, chúng tôi đã động viên các thủy thủ cố gắng cùng chia sẻ gánh nặng với Vinashinlines. Nhưng khi bán được tàu, ưu tiên số 1 là trả lương cho thủy thủ. Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi các thủy thủ". Ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn...