Đề xuất nới trần giờ làm thêm: Sẽ khó cho doanh nghiệp nếu chậm đưa ra quyết định
Doanh nghiệp rất cần tăng giờ làm thêm để tranh thủ phục hồi sản xuất, nhưng nếu chậm được ban hành, chính sách sẽ không còn nhiều ý nghĩa hỗ trợ.
Rất nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tăng giờ làm thêm để kịp đáp ứng đơn hàng. Ảnh: Đ.T
Tại sao doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm
Dự kiến vào ngày 14/3, trong phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động, do Chính phủ trình theo thủ tục rút gọn.
Doanh nghiệp, nhất là nhóm sản xuất, đã chờ đợi phương án tăng giờ làm thêm này suốt từ tháng 9/2021, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tại nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021 về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm. Khi đó, đợt dịch lần thứ tư càn quét khắp các tỉnh phía Nam, làm ngưng trệ đột ngột hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa gần 4 tháng, người lao động không có việc, đổ xô về quê…
Nhắc lại thời điểm đó, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc lại tình huống căng thẳng khi hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong các ngành da giày, dệt may, thủy sản… có thể bị hủy đơn hàng, thậm chí bị mất khách hàng do không đảm bảo tiến độ sản xuất và chi phí hoạt động tăng đột biến.
“Việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm trong tháng và trong năm nhằm giúp doanh nghiệp phần nào bù đắp được năng suất, sản lượng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh, kịp tiến độ đơn hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu”, bà Lan Anh lý giải cho đề xuất mà VCCI và nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã gửi tới Chính phủ vào tháng 9/2021.
Đáng nói, đây cũng chính là nội dung mà bà Lan Anh chia sẻ khi được hỏi về đề xuất nới trần khung giờ làm thêm trong một tháng (từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng) và áp dụng số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong một năm đối với tất cả các nhóm ngành mà Chính phủ đã có Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 2/2022.
Video đang HOT
Gần 6 tháng kể từ thời điểm tháng 9/2021, dịch bệnh dù đã chuyển sang trạng thái hoàn toàn khác, với chiến lược hướng tới không coi Covid-19 là một đại dịch, nhưng khó khăn do tác động của dịch bệnh với doanh nghiệp vẫn rất lớn. Đang có tình trạng doanh nghiệp có 70-80% người lao động là F0, chưa kể số lao động thuộc diện F1 buộc phải cách ly, nên số lao động thực tế là rất thấp. Cộng thêm áp lực từ việc lao động chưa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch và nỗi ám ảnh dịch bệnh, không ít doanh nghiệp buộc phải giãn ca sản xuất hay tạm dừng dây chuyền do thiếu hụt lao động.
“Chính vì vậy, đề xuất điều chỉnh thời giờ làm thêm là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này. Chúng tôi dự đoán, các ngành sẽ cần 1-2 năm để có thể dần hồi phục”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Giải pháp căn cơ hay tạm thời
Mặc dù đeo đuổi đề xuất tăng giờ làm thêm khá lâu, nhưng không doanh nghiệp nào coi đây là giải pháp căn cơ, tối ưu trong thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong nhiều cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về việc này, các doanh nghiệp thừa nhận, chi phí làm thêm rất cao, từ gấp rưỡi đến gấp 3 lần chi phí trong giờ làm việc bình thường và nguy cơ tai nạn lao động tăng cao là những lý do khiến doanh nghiệp và người lao động cân nhắc trước khi đưa ra quyết định việc làm thêm giờ. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ước tính, sản xuất các sản phẩm trong giờ làm thêm khiến giá thành sản phẩm tăng 20%, nên làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Gỗ Trường Thành, Đông Tâm… dành 2 năm Covid-19 để đầu tư đổi mới công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào lao động. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã trở lại quy mô sản xuất như trước dịch chỉ với 2/3 số lao động, trong đó phần lớn là lao động có tay nghề.
“Nếu không cần, doanh nghiệp sẽ không sử dụng đến số giờ làm thêm dù được phép, vì chi phí đội lên, trong khi giá bán không thể tăng. Lý do doanh nghiệp buộc phải sử dụng làm thêm là yếu tố thời vụ trong sản xuất của nhiều lĩnh vực, như vụ thu hoạch nông sản, thủy sản; yếu tố thời trang như với dệt may, da giày…”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nói.
Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu không chỉ phải cạnh tranh với các đối tác trong nước, nước ngoài để có đơn hàng, mà còn phải chịu áp lực giám sát tính tuân thủ trong các hoạt động của doanh nghiệp từ phía đối tác mua hàng. Chỉ cần một thông tin, dấu hiệu nào về việc doanh nghiệp vi phạm quy định, pháp luật, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng. Trước khi Bộ luật Lao động hiện hành cho phép các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản được tăng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm, thay vì 200 giờ/năm như luật cũ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã từng nhắc tới những cảnh báo từ các đối tác mua hàng trong ngành dệt may về tỷ lệ 82% doanh nghiệp dệt may vi phạm quy định về giờ làm thêm, dù vào những tháng ít việc, thời gian làm việc của người lao động không đến 8 giờ, doanh nghiệp vẫn phải đủ lương…
Tình thế này rất có thể sẽ lặp lại nếu như các doanh nghiệp có đơn hàng, cần tập trung nguồn lực, nhân lực hoàn tất sau những đợt giãn cách hoặc tạm dừng do thiếu lao động, nhưng người lao động không được phép làm thêm quá 40 giờ/tháng.
Băn khoăn về sự chậm trễ
Lúc này, điểm khác so với những cuộc thảo luận, tranh luận về phương án tăng giờ làm thêm hay không trước đó là, không phải chỉ các doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh theo thời vụ mới cần đến giờ làm thêm.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng. Chủ tịch HĐQT Công ty Vina Trifood kể, Công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong hơn 2 năm qua. “Doanh nghiệp mất cân đối cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, nếu kéo dài tình trạng đứt gãy, sẽ nguy cơ mất khách hàng truyền thống. Đây là thời điểm chúng tôi tăng tốc thực hiện các đơn hàng, bù đắp cho quãng thời gian trước”, bà Hằng dự kiến.
Đặc biệt, Covid-19 cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa như Vina Trifood phải chậm lại kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ để dành nguồn lực phục hồi tài chính, sản xuất. Kế hoạch tăng giờ làm thêm cũng đang trong dự tính.
Tuy vậy, bà Hằng cho biết, Công ty sẽ phải trao đổi với người lao động, tính toán chế độ đãi ngộ phù hợp, chưa kể các khoản chi phí để phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy, với Vina Trifood, việc này chỉ là giải pháp cấp bách tại thời điểm này để tăng hiệu quả sản xuất.
“Đây cũng là cách để người lao động tăng thu nhập, giải quyết khó khăn hiện tại trong cuộc sống. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ thực hiện trên cơ sở đảm bảo sức khỏe và điều kiện làm việc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần tự nguyện, đôi bên cùng có lợi”, bà Hằng thẳng thắn.
Nhưng thực trạng này cũng có nghĩa là, nếu các quyết định về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chậm trễ, thì một mặt, kế hoạch phục hồi của không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng mặt khác, hiệu quả của chính các giải pháp cũng không còn như các bản đánh giá tác động mà Chính phủ đưa ra.
VCCI đề xuất bỏ nhiều quy định trong dự thảo về phát triển và quản lý chợ
Phản hồi đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ phía doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là "chợ mang tính truyền thống".
Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định nào giải thích cho khái niệm này nên rất khó để xác định phạm vi áp dụng. Do vậy, đây là nội dung cần bổ sung.
Người dân mua thực phẩm tại chợ Hợp Nhất (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Bên cạnh đó, việc phân biệt các loại chợ cũng chưa rõ ràng; tiêu chí để xác định các loại chợ lại không thống nhất và rất khó phân biệt các loại chợ với nhau. Đơn cử như thế nào là chợ dân sinh, chợ đầu mối hay chợ tạm, chợ tự phát, chợ nông thôn, chợ đêm, chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc... Vì thế, việc giải thích từ ngữ rất quan trọng nhằm xác định chính xác các loại chợ và chính sách tương ứng đối với mỗi loại chợ này. Từ đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh lại các quy định về giải thích từ ngữ để có sự phân biệt rõ ràng hơn các loại chợ.
Nội dung dự thảo cũng còn có một số quy định chưa rõ, không quy định về trình tự, thủ tục để có được sự cho phép của chính quyền địa phương khi xây dựng kiên cố, bán kiên cố hoặc khu vực được kinh doanh tạm thời... Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, cơ quan soạn thảo cũng quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục này.
Một số quy định có tính chất tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho đối tượng áp dụng như việc phê duyệt nội quy chợ có nhất thiết cần cơ quan Nhà nước phải xét duyệt Nội quy chợ, nếu việc quản lý có thể được thực hiện bằng hình thức hậu kiểm. Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp được phê duyệt Nội quy chợ. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải xin phê duyệt Nội quy chợ như nội dung trong dự thảo.
Việc phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo như dự thảo cũng nên xem xét. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ phải lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, các ngành nghề kinh doanh đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý.
Việc bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác tã kinh doanh khai thác chợ. Vì vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện phê duyệt phương án kinh doanh là chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ. Thậm chí, dường như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo tính hợp lý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Dự thảo quy định thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn do UBND tỉnh quy định. Như vậy là chưa hợp lý trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ. Các giao dịch về thuê địa điểm kinh doanh giữa doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Yêu cầu thời hạn sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh không vượt quá thời hạn do UBND tỉnh quy định là can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của hai bên.
Về quản lý, Nhà nước đã có pháp luật về đất đai quản lý về đất xây dựng chợ; pháp luật về quy hoạch, xây dựng quản lý về vấn đề đầu tư, xây dựng chợ; pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, quản lý về vấn đề kinh doanh trong chợ... Vì vậy, không cần thiết phải can thiệp vào những giao dịch của chủ thể quản lý với các thương nhân kinh doanh trong chợ.
Hay như quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ, dự thảo quy định thương nhân kinh doanh tại chợ khi sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh còn trong thời hạn hợp đồng phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh chợ. Đây là một dạng giao dịch tài sản cần được tạo điều kiện để thu hút thương nhân kinh doanh tại chợ.
Việc yêu cầu phải có chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ khiến cho giao dịch gặp khó khăn, phức tạp hơn. Mặt khác, cũng không rõ đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ dựa vào căn cứ nào để chấp thuận hoặc từ chối. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của thương nhân kinh doanh tại chợ khi lợi ích của mình lại phụ thuộc vào chủ thể khác.
Từ thực tế đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ cả 2 quy định nói trên.
VCCI cũng đóng góp ý kiến liên quan tới việc bỏ cụm từ "được cơ quan có thẩm quyền giao" hay "các trường hợp khác theo quy định của pháp luật" trong một số quy định theo nội dung của bản dự thảo để tránh sự không rõ ràng, có thể tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư chợ...
Thị trường khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn khó có lãi Vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có tâm thế vững vàng và đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2022 khi số lượng đơn hàng gia tăng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và logistics không ngừng tăng lên đang "bào mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp. Tín hiệu vui về xuất khẩu Sản...