Đề xuất giải pháp xử lý nợ xuyên biên giới
Tại cuộc họp báo ngày 13/11, đại diện Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam ( DATC) cho rằng Chính phủ cần chú trọng giám sát và hợp tác xử lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN).
Nợ nước ngoài do doanh nghiệp tự vay tự trả ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng vọt. Ảnh: Lê Tiên
Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của công ty này, theo đại diện DATC, là để làm tốt hơn vai trò định hướng và dẫn dắt thị trường nợ theo chủ trương của Chính phủ.
Cần giải pháp xử lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong các năm 2015, 2016, 2017 tương ứng là 42,0%, 44,8% và 48,9%. Dự kiến vào cuối năm 2018, tỷ lệ này ở mức 49,7%, sát với mức trần 50% GDP. Đáng chú ý, nợ nước ngoài do DN tự vay tự trả đang ở mức cao và là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ nước ngoài của quốc gia tăng vọt trong thời gian qua.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC nêu quan điểm: “Trong trường hợp dự án vay vốn nước ngoài của các DN hoạt động không như mong muốn thì hậu quả của nợ xấu là vấn đề cần xem xét. Khi đó, nợ xấu có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng về nguồn cung ngoại tệ và ảnh hưởng đến tỷ giá. Do đó, vấn đề này cần được nhận diện để giải quyết”.
Cũng theo ông Thường, Chính phủ nên tính đến các giải pháp xử lý nợ xấu xuyên biên giới, có thể thông qua việc hợp tác với các bên liên quan. Một giải pháp khác là thành lập quỹ tái cấu trúc nợ xấu do Nhà nước bảo trợ với sự đóng góp của các bên để có thể xử lý được các khoản nợ xấu này. Quỹ này có thể có sự chung tay của các nhà tài trợ vốn trong và ngoài nước.
“Mặt khác, Chính phủ cũng cần kiểm soát chặt các khoản vay nước ngoài của DN. Hiện tại các DN chỉ mới đăng ký các khoản vay này. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn vay tại các dự án, chất lượng các dự án có sử dụng vốn vay này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Đây là những vấn đề cần xem xét trong thời gian tới”, ông Thường nhấn mạnh
Video đang HOT
Đề xuất mở rộng phạm vi và chức năng hoạt động của DATC
Trở lại với hoạt động của chính DN mình, ông Phạm Mạnh Thường cho biết, việc xử lý nợ xấu tại DATC đang bị chậm lại đáng kể do những khó khăn về pháp lý. Sau 4 năm kể từ thời điểm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị DATC thực hiện xử lý nợ xấu, quá trình này mới đang đi đến giai đoạn hoàn tất.
Theo ông Thường, việc xử lý nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là không dễ dàng bởi sự ràng buộc với nhiều chủ thể và liên quan đến nhiều vấn đề cần giải quyết như nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội, dự án đầu tư ưu đãi. Mặt khác, thay vì giải quyết thuần túy theo thị trường, cơ chế xử lý trong nhiều trường hợp còn mang tính mệnh lệnh và chú trọng cân nhắc về tác động xã hội. Do đó, nhiều phương án xử lý nợ xấu kéo dài nhiều năm, có trường hợp đến 10 năm vẫn chưa giải quyết xong.
DATC hiện là DN 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Để tăng cường năng lực hoạt động của DATC, Bộ Tài chính đã đề xuất xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với một số điểm mở rộng hơn về phạm vi và chức năng hoạt động cho DN này. Sau hơn một năm xây dựng, Nghị định này dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định nói trên là việc cho phép DATC mở rộng việc xử lý nợ từ các DN có 50% vốn nhà nước trở lên sang cả các DNNN không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa, cho phép DATC được thực hiện bảo lãnh vốn và hỗ trợ tài chính cho các DN thực hiện tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, điều này gây nghi ngại về sự bất bình đẳng giữa các chủ thể thực hiện xử lý nợ xấu trên thị trường.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về điều này, ông Phạm Mạnh Thường nêu quan điểm: “Chính phủ đã có chủ trương phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức, có điều tiết của Nhà nước. Trong giai đoạn đầu, thị trường cần các tổ chức mang tính công cụ như DACT để định hướng và giải quyết các vấn đề khó của thị trường. Thực tế thời gian qua, DATC đã xử lý nhiều khoản nợ xấu mà các công ty mua bán nợ khác không muốn thực hiện. Đến nay, thị trường đã phát triển hơn với sự phân hóa về phân khúc thị trường ngày càng rõ rệt. Các công ty mua bán nợ tư nhân chủ yếu xử lý các khoản nợ xấu nhỏ, các công ty mua bán nợ của các ngân hàng chủ yếu xử lý nợ xấu của bản thân ngân hàng. DATC cần được mở rộng thêm phạm vi hoạt động để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu các DN khác”.
Hoàng Oanh
Theo baodauthau.vn
Mark Mobius: Thời cơ mua cổ phiếu ở các thị trường mới nổi đã đến
Ngày 12/11, nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius chia sẻ trên CNBC rằng, bây giờ chính là thời cơ để mua vào cổ phiếu ở các thị trường mới nổi vì những cổ phiếu này đang có giá rất rẻ.
Mark Mobius: Đã đến lúc mua vào cổ phiếu ở các thị trường mới nổi. Nguồn: Thời báo kinh doanh
Các nhà đầu tư đã ồ ạt bán cổ phiếu của họ ở các thị trường mới nổitrong những tháng gần đây vì họ sợ rằng các vấn đề tài chính ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lan sang các nền kinh tế khác. Thêm vào nỗi lo ngại đó là sự tăng giá của đồng USD và giá dầu, những yếu tố gây tổn thương tới những nền kinh tế mới nổi với lượng lớn nợ nước ngoài và là những nhà nhập khẩu năng lượng ròng.
Kết quả là chỉ số MSCI Emerging Markets, theo dõi các cổ phiếu lớn và trung bình tại 24 quốc gia, đã giảm tới 16% trong năm nay.
Nhưng ông Mobius cho biết việc bán tháo đã mở ra cơ hội đầu tư tại các thị trường mới nổi. "Cổ phiếu ở các thị trường mới nổi hiện đang rất rẻ. Đã đến lúc để mua vào", người đồng sáng lập của Mobius Capital Partners nói với CNBC.
Nhà đầu tư huyền thoại cũng nhấn mạnh rằng, một số quốc gia đã ghi nhận sự phục hồi trong đồng nội tệ và giá cổ phiếu. Đó là bởi vì đồng USD đang bắt đầu ổn định, giảm bớt gánh nặng cho các thị trường mới nổi trong việc trả các khoản nợ bằng USD.
Những thị trường nên đầu tư
Ông Mobius, nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm ở các thị trường mới nổi, cho biết thị trường Mỹ Latinh - đặc biệt là Brazil - cho đến nay đã dẫn đầu làn sóng phục hồi trong các loại tài sản.
Sự phục hồi của châu Á đang tụt dốc, nhưng khu vực này vẫn còn nhiều cơ hội, ông nói thêm. Đặc biệt, một số công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc được đánh giá là rất "thú vị" đối với các nhà đầu tư.
Mobius cũng cho biết ông rất thích Ấn Độ, nơi có tốc độ tăng trưởng vượt xa Trung Quốc và Đông Nam Á.
"Chúng tôi đang bắt đầu để ý tới Indonesia. Thái Lan tất nhiên cũng không tồi - Tôi cho rằng họ đang trong tình trạng khá ổn. Malaysia cũng sẽ là một thị trường thú vị phía trước", ông nói.
Nói về lĩnh vực nên đầu tư, Mobius cho biết ông sẽ tập trung vào những công ty trong lĩnh vực công nghiệp truyền thống như bán lẻ, mà sử dụng công nghệ để cải thiện năng suất. Ông cũng dành sự ưu tiên cho những công ty với bảng cân đối kế toán vững chắc, ít nợ và những công ty có nhiều tiền dự trữ dành cho mở rộng đầu tư và trả cổ tức cho cổ đông.
"Tập trung vào trả cổ tức là một dấu hiệu cho thấy công ty đó có nhiều tiền mặt và cũng biết suy nghĩ cho cổ đông", Mobius nói thêm.
Rủi ro hiện hữu
Nhiều chuyên gia trong đó có Mobius dự đoán giá dầu sẽ chạm tới ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Đây sẽ là tin xấu cho các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó trở thành hiện thực vào cuối năm nay dù giá dầu vẫn có thể chạm tới mức giá đó trong dài hạn. Tin tốt là trước khi mà giá dầu lên tới mức 100 USD/thùng, thì đồng tiền nội tệ của các thị trường mới nổi sẽ hồi phục trở lại đủ để chống lại đồng USD. Vì vậy, việc tăng giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm tới tình hình tài chính của họ, Mobius giải thích thêm.
Một rủi ro lớn khác mà các thị trường mới nổi phải đối mặt đó là tình trạng căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung. Tuy nhiên, theo Mobius, khả năng một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ - Trung xảy ra là khá nhỏ.
"Nếu căng thẳng thương mại thực sự leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc thì đó là điều không hề tốt đồi với khu vực Đông Nam Á. Nhưng tôi thấy điều đó khó có thể trở thành hiện thực", Mobius nhấn mạnh.
"Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc đủ thông minh để cho cái mà ông Trump muốn. Nhờ đó họ sẽ chiến thắng trong dài hạn. Họ có thể phải từ bỏ thứ gì đó trong ngắn hạn để đổi lại tình trạng bền vững trong dài hạn", Mobius cho biết thêm.
Theo Như Quỳnh/kinhtevadubao.vn
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu và củng cố an ninh tài chính châu Á Năm nay, hội nghị thường niên IPAF sẽ thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sáng 13/11, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị thường niên và hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công...