Đề xuất đưa virus corona vào cơ thể người gây tranh cãi
Đề xuất gây tranh cãi về việc tình nguyện viên đưa virus vào cơ thể sẽ giúp chứng minh vaccine có hiệu quả.
Mọi loại vaccine, nếu muốn được cấp phép lưu hành, đều phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người và chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm lâm sàng không nhất thiết phải làm trên người đã bị nhiễm virus.
Đó chính là ý tưởng mà các nhà dịch tễ và toán học tại Mỹ đang đề xuất: Đưa virus vào người trẻ, khỏe mạnh và thử nghiệm vaccine trên cơ thể họ để chứng minh hiệu quả. Theo MIT Technology Review, đứng đầu đề xuất này là nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc Đại học Harvard, cùng chuyên gia đạo đức y học Nir Eyal của Đại học Rutgers và nhà thống kê Peter Smith của trường y khoa London.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng việc chủ động đưa virus vào người tình nguyện có thể đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: Getty.
Đẩy nhanh quá trình chế tạo vaccine
“Chúng ta cần những ý tưởng mới để vượt qua sự lựa chọn khó khăn giữa hy sinh nền kinh tế hay hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoặc thậm chí cả hai vì Covid-19. Tôi cùng Nir Eyal và Peter Smith đề xuất một thí nghiệm được kiểm soát chặt chẽ trên người tình nguyện để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine”, ông Marc Lipsitch viết trên Twitter để giới thiệu về nghiên cứu của mình.
Theo các tác giả nghiên cứu, trước khi đưa virus vào cơ thể, nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi sẽ được cách ly 2 tuần để đảm bảo họ chưa nhiễm bệnh. Sau đó sẽ đưa virus vào người tình nguyện và họ sẽ được theo dõi sát sao trong một khu cách ly “an toàn, thoải mái”. Các bác sĩ có thể xét nghiệm lượng virus phát triển từ các khu vực như họng, và thời gian ủ bệnh.
Vaccine chứa phiên bản virus bị làm suy yếu hoặc bất hoạt, nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tự tạo ra kháng thể. Ảnh: Gov.uk.
“Số lượng tình nguyện viên cho một thí nghiệm như vậy sẽ tùy vào mục đích, nhưng có thể lên tới 100 người. Những tình nguyện viên được xác nhận có bệnh sẽ được điều trị đặc biệt, ở các cơ sở y tế tốt nhất”, nhóm tác giả đề xuất.
Thử nghiệm lâm sàng thường là bước mất thời gian nhất của quá trình phát triển vaccine. Quá trình này trải qua tới 3 giai đoạn để đảm bảo kiểm soát được các tác dụng phụ. Đây là lý do tạo ra vaccine chống virus SARS-CoV-2 có thể mất tới 18 tháng.
Trong 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, giai đoạn 3 là thử nghiệm với số lượng lớn, lên tới hàng nghìn người, để chứng minh tác dụng của vaccine. Theo nhóm tác giả, việc tiêm vaccine rồi chủ động cho người tình nguyện nhiễm virus sẽ rút ngắn thời gian và “có thể là một cách chấp nhận được để vượt qua giai đoạn 3″.
“Nhìn thoáng qua thì thật khó chấp nhận việc đòi hỏi mọi người phải nhận rủi ro bệnh tật hay cái chết, dù là cho lợi ích chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đòi hỏi điều tương tự khi nhờ những người tình nguyện xông vào đám cháy để cứu người”, nhóm tác giả nhận xét.
Video đang HOT
Tranh cãi về khía cạnh đạo đức
Mặc dù vaccine đã được thử nghiệm trên người, các thử nghiệm lâm sàng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo giảm thiểu tác dụng phụ. Kháng nguyên bên trong vaccine thường là virus bị làm suy yếu hoặc bất hoạt. Việc chủ động đưa virus vào cơ thể để nhiễm bệnh được coi là vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức y khoa trong nhiều trường hợp. Chính các tác giả nghiên cứu cũng thừa nhận rủi ro.
“Việc đưa virus vào cơ thể tình nguyện viên sẽ đem đến các rủi ro như bệnh nặng hoặc có thể là cái chết”, nhóm tác giả viết trong báo cáo.
Vaccine Covid-19 đã được thử nghiệm trên người từ ngày 16/3. Đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Ảnh: AP.
Nhóm tác giả lập luận rằng rủi ro này có thể đem lại điều tích cực với xã hội, khi nó giúp xác nhận vaccine có tác dụng hay không nhanh hơn, qua đó đẩy nhanh quá trình phát triển và cấp phép vaccine.
Tất nhiên, có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này. Giáo sư bệnh truyền nhiễm Myron Levine của Đại học Maryland cho rằng làm vậy sẽ không có tác dụng bởi số người trong độ tuổi 20-44 phải nhập viện vì Covid-19 chỉ chiếm 20%, và chỉ 1/750 người tử vong, theo số liệu của CDC.
“Bạn có thể chấp nhận cho người thân tham gia việc đó không? Hãy tự hỏi mình câu đó”, ông Levine cho biết.
Theo ông Levine, việc đưa vi khuẩn hoặc virus vào cơ thể để nghiên cứu khoa học không phải hiếm, chính ông cũng từng làm việc này vào những năm 1970 để tìm thuốc hiệu quả chữa bệnh tả. Tuy nhiên, hành động này chỉ được chấp nhận trong hai trường hợp. Một là mầm bệnh đưa vào người đã bị suy yếu hay bất hoạt, và hai là đã có thuốc chữa cho bệnh phòng trường hợp vaccine không hiệu nghiệm.
Đến nay, vẫn chưa có một phương pháp điều trị nào đảm bảo hiệu quả cao đối với các bệnh nhân bị Covid-19.
Phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là lý do không thể có vaccine Covid-19 sớm, ít nhất cũng phải 12-18 tháng nữa. Ảnh: AP.
Ông Levine đồng ý rằng việc chủ động cho lây nhiễm virus “có thể rút ngắn thời gian”. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn lan rộng, số lượng bệnh nhân nhiễm lên tới hàng trăm nghìn, do vậy một thử nghiệm như thế này có thể không tạo ra sự khác biệt.
Theo Reuters, quá trình phát triển vaccine Covid-19 của hãng Moderna và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã được rút ngắn ở khâu thử nghiệm trên động vật. Loại vaccine này đã được tiêm thử nghiệm trên một nhóm tình nguyện viên bang Washington vào ngày 16/3. CEO của Moderna, ông Stéphane Bancel cho biết công ty sẽ tìm cách sớm được cấp phép vaccine để dùng cho những cá nhân quan trọng trong xã hội.
“Trong những trường hợp khẩn cấp, vaccine có thể ưu tiên cho một số nhóm người như nhân viên y tế”, ông Bancel chia sẻ.
Bảo hộ kín người 12 tiếng/ngày: Nỗi vất vả ít biết của lực lượng tuyến đầu
Trong ca trực kéo dài 12 tiếng chăm sóc bệnh nhân Covid-19, y bác sĩ mặc trang phục phòng hộ "trùm kín người". Quá trình điều trị dài, liên tục nhiều ngày, trang phục này gây ra không ít "rắc rối"...
Kín mít trong suốt một ca trực 12 tiếng
Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh, thông qua giọt bắn có chứa virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, các y, bác sĩ trực tiếp tham gia chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bắt buộc phải được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân "từ đầu đến chân", để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo.
Trao đổi với PV Dân trí, điều dưỡng Trần Thị Thanh, người đang trực tiếp tham gia chống dịch tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cho biết: "Về vấn đề phòng hộ cá nhân, để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh Covid-19, Bệnh viện đã có những quy định rất chặt chẽ và cụ thể, từ các trang thiết bị phòng hộ cần phải sử dụng cho đến cách mặc vào, cách tháo ra".
Theo tìm hiểu, phương tiện phòng hộ cơ bản cho các nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia chống dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ bao gồm: trang phục phòng hộ áo liền quần có khả năng chống thấm, ủng/bao giày, găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ, mặt nạ ngăn giọt bắn. Tác dụng chính của các phương tiện phòng hộ cá nhân là giúp bảo vệ niêm mạc miệng, mũi, mắt và da của nhân viên y tế khỏi dịch tiết có chứa mầm bệnh, từ đó phòng ngừa lây nhiễm cho lực lượng này.
Trước khi vào tiếp xúc bệnh nhân, bác sĩ điều trị sẽ mặc quần áo bảo hộ kín mít, khẩu trang, kính mắt.
Phương tiện phòng hộ giúp đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế, khi luôn phải tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên việc phải "trùm kín người" trong suốt ca làm việc có thể kéo dài đến 12 tiếng, liên tục trong nhiều ngày liền lại gây ra không ít sự bất tiện, khó chịu và thậm chí là cảm giác đau đớn cho các chiến binh áo trắng, trên tuyến đầu chống dịch.
"Khi bước vào khu vực cách ly, các nhân viên y tế đã bắt buộc phải mặc trang phục phòng hộ. Mỗi ca trực kéo dài từ 8-12 tiếng thì cũng từng đấy thời gian chúng tôi ở trong trạng thái kín mít từ đầu đến chân. Bộ trang phục này không nặng nề nhưng rất bí. Mang khẩu trang N95 trong nhiều giờ liền, trong khi phải liên tục đi lại, thao tác nên cảm giác khó thở là không thể tránh khỏi" - Điều dưỡng Thanh cho biết.
Với trang phục bảo vệ này sẽ hạn chế nguy cơ tối đa lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân sang bác sĩ.
Việc mặc hay cởi bỏ trang phục phòng hộ phải thực hiện tuần tự từng bước, được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cá nhân, cũng như hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh từ chính các các phương tiện này sau khi sử dụng.
Nhịn cả đi... vệ sinh vì quần áo chống dịch
Điều dưỡng Thanh cho biết, mỗi lần mặc/cởi bỏ đồ bảo hộ phải đảm bảo quy trình, nhiều khi phải mất đến 30 phút. Vì vậy, trong suốt ca trực các nhân viên y tế phải hạn chế đến mức tối đa việc cởi bỏ trang phục, thậm chí là phải nhịn...đi vệ sinh. Điều dưỡng Thanh tâm sự: "Trước khi vào ca trực, chúng tôi thậm chí còn không dám uống nước. Trường hợp khát quá thì uống xong phải chờ một lúc để đi vệ sinh luôn, trước khi mặc trang phục phòng hộ vào. Trong ca trực, khoảng 4 tiếng 1 lần chúng tôi mới thay trang phục khác để đảm bảo chống lây nhiễm, cũng tranh thủ lúc này đi vệ sinh, ăn uống hoặc các sinh hoạt cá nhân khác".
Khẩu trang N95 có tác dụng bảo vệ các nhân viên y tế nhưng mặt trái lại cản trở việc hô hấp, nhất là khi mang trong thời gian dài.
Tuy nhiên, bí bách, khó thở, bất tiện trong các sinh hoạt cá nhân cũng chưa là gì so với cảm giác sưng đau đi cả vào trong giấc ngủ, đến từ những vết hằn do việc mang phương tiện bảo hộ trong thời gian dài gây ra. "Vành tai sau của chúng tôi đều đỏ ửng, đau rát vì quai đeo khẩu trang. Vì kính bảo hộ, khẩu trang đều phải thít chặt vào mặt để đảm bảo an toàn, nên sau thời gian dài để lại những vết hằn sưng đau, nhất là ở vùng quanh mắt vì kính bảo hộ được đeo rất chặt".
Kính bảo hộ thít chặt 8-12 tiếng/ngày để lại những vết hằn sưng đau trên mặt của các chiến binh áo trắng.
Dù được trang bị đồ phòng hộ kỹ lưỡng là vậy nhưng lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, không có một loại thiết bị bảo hộ nào giúp bác sĩ, nhân viên y tế an toàn tuyệt đối trước bệnh tật. Như với khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua.
Điều quan trọng nhất, theo bác sĩ Cấp, là các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch dù xác định nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, nhưng tất cả đều giữ vững "tinh thần thép" không ai do dự khi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Càng tiếp xúc bệnh nhân nhiều, bác sĩ càng có nguy cơ lây nhiễm cao. Các bác sĩ thay phiên nhau trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân. Họ làm việc ngày đêm, thậm chí ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, nhưng họ chấp nhận rủi ro cao có thể mắc Covid-19 bất cứ lúc nào để cứu chữa bệnh nhân.
Minh Nhật
100 câu hỏi đáp hữu ích về dịch bệnh COVID-19 (Phần 1) Dịch COVID-19 đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều người lo lắng dịch sẽ kéo dài bao lâu? Để giải đáp những câu hỏi xung quanh dịch bệnh, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19. Được phép của nhóm biên soạn, Báo Lao Động xin đăng từng phần,...