Đề xuất chủ phương tiện giao thông mở tài khoản ngân hàng chưa hợp lý
Đề xuất của Bộ GT-VT về việc chủ phương tiện giao thông phải có tài khoản để phục vụ việc nộp “phạt nguội” và trả phí đường bộ đang gây nhiều ý kiến.
Nhiều ý kiến trái chiều
Đề xuất này nằm trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi). Đây không phải lần đầu đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng được đưa ra. Trước đó, trong tháng 6, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đăng ký xe, trong đó chủ phương tiện phải có tài khoản được mở tại ngân hàng để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức “phạt nguội”.
Năm 2016, Công an TP. Hà Nội cũng đã đưa ra đề xuất việc này với lý do việc mở tài khoản sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông. Không ít người dân bức xúc trước đề xuất của Bộ GT-VT và UBND TP. Hà Nội.
Không nên bắt buộc người dân phải có tài khoản ngân hàng để phục vụ việc “phạt nguội”. (Ảnh: KT)
Anh Đỗ Hoàng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, luật là phải phục vụ cho số đông, trong khi số người vi phạm ít hơn số người không vi phạm rất nhiều nhưng lại bắt tất cả chủ phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng chỉ nhằm phục vụ việc “phạt nguội’ là bất hợp lý. Nếu cứ bắt ép người dân mở tài khoản, họ sẽ đối phó bằng cách mở tài khoản nhưng chỉ để lại số dư tối thiểu cũng bằng không.
“Theo tôi mỗi xe đăng ký kèm theo số điện thoại. Nếu chủ xe phạm lỗi thì nhắn tin báo lỗi vi phạm và số tiền nộp phạt, đồng thời cho 48 giờ khiếu nại. Hết thời gian khiếu nại mà chủ xe không có phản hồi gì thì bắt đầu tính lãi nộp phạt. Thông tin nợ “phạt nguội” sẽ “treo” đó cho đến khi chủ xe làm thủ tục đăng kiểm hay bán xe thì buộc phải nộp phạt mới được làm các thủ tục cần thiết, như thế sẽ thiết thực hơn”- anh Đỗ Hoàng nói .
Anh Lê Thành (Tiên Du, Bắc Ninh) băn khoăn: “Tôi có tài khoản nhưng cho người khác mượn xe. Người mượn xe vi phạm giao thông thì tài khoản tôi tự động bị trừ tiền à? Đấy là chưa nói hạ tầng Việt Nam dễ rơi vào kiểu “phạt nguội” không đúng. Ví dụ do ùn tắc, xe tôi không đi được qua ngã tư khi đèn đỏ đã bật, cũng dễ bị “phạt nguội”. Trong khi phân định đúng sai chưa ngã ngũ thì tài khoản của tôi đã bị trừ. Nếu tôi đúng, tôi lại phải mất công, mất sức đi đòi lại tiền nộp phạt à?”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng có người dân ủng hộ phương án này. Anh Ngọc Anh (Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng: “Việc nộp “phạt nguội” qua tài khoản rất minh bạch, giảm tiêu cực do yếu tố con người, giảm biên chế và công việc của CSGT, đỡ lãng phí tiền ngân sách nhà nước.
Để cho giải pháp này đi vào cuộc sống cần đầu tư lắp đặt thêm nhiều camera và các thiết bị đồng bộ khác phục vụ cho việc “phạt nguội”. Tài khoản ngân hàng không chỉ phục vụ cho việc “phạt nguội” mà còn để thanh toán tại các trạm thu phí, bãi đỗ xe tự động… Chủ xe vi phạm giao thông cũng không mất thời gian cầm giấy tờ đến cơ quan công an, kho bạc nhà nước nộp tiền”.
Đề xuất được thực thi thì phải sửa đổi luật
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải, nếu yêu cầu người dân mở tài khoản để phục vụ việc nộp “phạt nguội” thì cần làm rõ, số tiền người ta để trong tài khoản nhưng sau một thời gian mà không vi phạm Luật Giao thông thì tính lãi cho người ta thế nào?, Và cũng không nên yêu cầu người dân mở tài khoản tại ngân hàng nào, mà để họ tự chọn. Hơn nữa, nếu đề xuất này được thực thi thì phải sửa đổi luật cho phù hợp, ví như Luật Dân sự, Luật Tài chính.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hiện chưa có quy định pháp luật nào bắt buộc người dân phải mở tài khoản ngân hàng và yêu cầu trong tài khoản phải có khoản tiền nhất định. Nếu pháp luật chưa có quy định mà cứ tự đề xuất thì đến khi thực hiện sẽ xảy ra hệ quả rất phức tạp. “Những gì trái luật thì không có giá trị trong thực tế” – luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, đề xuất của Bộ GT-VT giúp giảm thời gian, thủ tục nộp phạt cho người dân và cũng thuận tiện cho các cơ quan quản lý nhưng với một nước mà đa phần người dân có thói quen sử dụng tiền mặt, ít sử dụng thẻ tín dụng như Việt Nam thì việc nộp phạt bằng cách nào để cho người dân tự lựa chọn chứ không nên đưa ra quy định bắt buộc. Còn nếu thực hiện thì phải đề ra lộ trình./.
“Đề xuất nào đưa ra cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật và quan trọng nhất là khi thực hiện phải có quy định thống nhất nhằm đảm bảo cho việc thực hiện được minh bạch và thuận tiện cho người dân khi chấp hành quy định của pháp luật”.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh
Theo Minh Thư/Báo VOV
Lập Facebook giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đối tượng Cường đã lập một tài khoản Facebook rồi lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các nạn nhân để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử đối với bị cáo Dương Viết Cường (SN 1995) trú tại thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo bản cáo trạng, vào khoảng tháng 9/2017, Cường thấy trên mạng xã hội có một tài khoản facebook với những hình ảnh và thông tin cho thấy chủ tài khoản là người đẹp trai, giàu có, sống ở Hà Nội. Sau đó, Cường đã lập một facebook giả mang tên Ngô Gia Hiếu và lấy hình ảnh của facebook trên làm hình ảnh đại diện, đồng thời phát tán những hình ảnh về việc thu hồi nợ, có điều kiện về kinh tế.
Chị Trần T.T.L., một người phụ nữ tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi sử dụng tài khoản facebook của mình đã kết bạn với facebook mang tên Ngô Gia Hiếu (do Cường lập ra). Hai bên thường xuyên nói chuyện, trao đổi thông tin với nhau dù chưa hề gặp mặt.
Đối tượng Cường bị bắt giữ.
Biết được nhu cầu cần mua ô tô giá 400 triệu đồng của chị L., Cường đã ngỏ ý giúp đỡ tìm mua ô tô cũ. Vào khoảng tháng 12/2017, Cường cho chị L. số tài khoản của một người phụ nữ tên N.T.N (một người chuyên bán hàng trên Facebook) để chuyển tiền vào tài khoản này.
Vào ngày 4/12/2017, vì tin vào lời giới thiệu của Cường, chị L. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của chị N. mà Cường cho trước đó.
Ngay sau đó, Cường nhắn tin cho chị N. nói bạn của mình gửi nhầm tiền và yêu cầu chị N. chuyển số tiền đó vào tài khoản ngân hàng của chị H.T.T (cũng là người thường xuyên bán hàng trên facebook).
Sau khi chị N. chuyển lại tiền cho chị T., Cường đã liên lạc với chị T. nói mua hàng mỹ phẩm của chị T với giá 1,5 triệu đồng nhưng chuyển nhầm 150 triệu đồng nên yêu cầu chị T. rút tiền để trả lại cho Cường. Đối tượng này sau khi lấy được tiền đã dùng tiêu xài cá nhân.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Dương Viết Cường 5 năm tù giam
Ngoài ra, Cường còn dùng mánh khóe trên để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của 3 nạn nhân khác.
Trước đó vào tháng 9/2016, Cường đã bị Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch xử phạt 1 năm tù cho hưởng án treo cũng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Mặc dù đang trong thời gian thử thách (24 tháng), Cường tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Dương Viết Cường 4 năm tù giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 1 năm tù giam vì thực hiện hành vi phạm tội đang trong thời gian thử thách của bản án năm 2016. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án nói trên là 5 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, do Cường và gia đình đã bồi thường thiệt hại cho những người bị hại nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Đặng Tài
Theo Dantri
Hà Nội: Người lái xe ôm truy bắt tên cướp như phim hành động trên phố Đang chở khách qua đoạn đường Cầu Giấy hướng đi Kim Mã, anh Quân thấy một đối tượng giật chiếc balo của nữ sinh viên đang đi trên đường. Ngay lập tức, anh cùng một người khác phóng ga truy bắt. Cảnh tượng như phim hành động ngay trên phố... Nam thanh niên nghi có hành động cướp chiếc balo của nữ sinh...