Đề phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ mầm non
Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở môi trường học đường, đặc biệt là bậc mầm non.
Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thường gặp nhất ở bậc mầm non – ẢNH: NGUYỄN LOAN
Do vậy, khi trẻ quay trở lại trường, ngoài việc lo đề phòng dịch Covid-19, các cô giáo còn phải lên phương án phòng tay chân miệng cho các bé.
Môi trường tiếp xúc ở trường mầm non dễ khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng, và có trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày.
Bà Phạm Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Yến (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết bệnh này có thể xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào những tháng nắng nóng, đặc biệt là vào tháng 6, 7 hoặc tháng 9, 10.
Bệnh có dấu hiệu dễ nhận biết như trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói hoặc nuốt sẽ đau miệng; nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối, lở trong miệng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Uyên, Hiệu trưởng hệ thống Trường mầm non Việt Đức (TP.HCM), nói: “Đối với trường mầm non thì bệnh tay chân miệng sẽ gặp thường xuyên nên trường nào cũng có sẵn phương án cũng như kinh nghiệm để phòng bệnh. Giáo viên thậm chí đã có sẵn “phản ứng tự nhiên” với loại bệnh này”.
Video đang HOT
Theo bà Minh Uyên, biện pháp phòng bệnh trong các trường mầm non hiện tại vẫn là khử khuẩn, vệ sinh trường lớp thường xuyên, cho trẻ rửa tay sạch sẽ, bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng.
Khi phát hiện có bé nào bị bệnh, giáo viên sẽ tách bé ra, thông báo phụ huynh đưa con đi khám. Sau đó, trường sẽ vệ sinh, khử khuẩn lại toàn bộ phòng học, đồ dùng học tập, đồ chơi để bệnh không lây lan sang những bé khác.
Theo bà Phạm Thanh Tùng, các trường không nên chủ quan vì bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh. Ở môi trường mầm non, cách phòng bệnh là hằng ngày các lớp đều phải khử khuẩn bằng Cloramin B; quan trọng nhất, khi đón trẻ giáo viên phải kiểm tra trước khi cho vào lớp, đặc biệt đối với những bé ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 3 tuổi trở xuống). Khi đón trẻ, nếu có bất kỳ triệu chứng bệnh nào giáo viên sẽ tách riêng và báo phụ huynh đón bé về.
Còn những trường hợp đi khám ở bệnh viện và đã có kết luận của bác sĩ, trường sẽ nhất quyết không nhận những bé này vào lớp và chỉ cho đi học trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của cơ sở y tế.
Ngoài ra, trường cũng phải quan tâm đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày của trẻ cũng như cách chăm sóc.
“Mình cũng phải thực hiện tuyên truyền với phụ huynh, vào những giờ phụ huynh đưa đón trẻ, trường sẽ phát thanh truyền thông những bệnh thường gặp ở trẻ, nhắc nhở họ lưu ý kiểm tra con mỗi ngày trước khi đưa đến trường, nếu phát hiện bệnh thì nên đưa đi thăm khám và cho bé ở nhà”, bà Thanh Tùng chia sẻ.
Những việc cha mẹ nào cũng nên làm để phòng bệnh tay chân miệng cho con
Bệnh tay chân miệng là một trong những dịch bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây lan nên nếu không được điều trị đúng cách có thể trở thành dịch và đe dọa sức khỏe của cộng đồng.
Theo các số liệu mới nhất từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng trong tháng 9/2019 là 6.573 ca (gồm cả nội trú và ngoại trú), tăng hơn 2 lần so với tháng 8/2019 (3.088 ca). Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Từ đầu năm đến nay Thành phố có 85 ổ dịch tay chân miệng phát sinh trong trường học. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm trẻ 0-3 tuổi (chiếm 90%).
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng. Thời gian này được gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Hiện tại, không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng nên tốt nhất các bậc cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho con.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, hãy thực hiện những điều cơ bản sau:
- Với trẻ mắc bệnh thì không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, sàn nhà và các dụng cụ sinh hoạt khác của trẻ.
- Hãy chú ý rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối thực hiện tốt việc vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Tại các nhà trẻ, trường học thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất rửa tẩy thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Theo Helino
Nhiều nước xác nhận triệu chứng lạ trên da của bệnh nhân Covid-19 Nhiều nơi trên thế giới xác nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng phát ban da với các hình thức phức tạp. Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cuộc thảo luận về triệu chứng phát ban da của người nhiễm Covid-19. Theo Livescience, đây là lúc các nhà khoa học cần công bố những thông tin...